Site icon Tạp chí Đáng Nhớ

‘Yesterday Once More’ của The Carpenters: Đánh thức ký ức ngủ yên

Ca khúc nổi tiếng của nhóm The Carpenters cuốn người nghe vào dòng chảy dịu dàng và buồn bã của những kỷ niệm xưa.

The Carpenters là ban nhạc gia đình nổi danh của thập niên 1970. Nhóm nhạc gồm hai thành viên – Richard Carpenter, phụ trách hòa âm phối khí cùng chơi keyboards và Karen Carpenter, giọng ca chính kiêm tay trống. Những năm 1970 khi nhạc Rock đang cực thịnh, The Carpenters mở lối đi riêng với phong cách âm nhạc nhẹ nhàng, độc đáo. Đến nay, ước tính hơn 100 triệu album và đĩa đơn được tiêu thụ trên thế giới khiến The Carpenters trở thành một trong những nhóm nhạc bán chạy nhất mọi thời đại.

Giới phê bình thường nhắc đến Close to You và We’ve Only Just Begun như hai ca khúc làm nên tên tuổi của nhóm. Tuy nhiên ở Việt Nam, Yesterday Once More mới chính là ca khúc khiến người hâm mộ nhớ đến The Carpenters nhiều hơn cả.

Yesterday Once More do Richard Capenter sáng tác và nằm trong album Now and Then phát hành năm 1973. Đây là thời điểm những bài hát xưa cũ của những thập kỷ trước quay trở lại trong sự đón nhận nồng nhiệt của người yêu nhạc. Yesterday Once More ra đời như một cách để hai anh em nhà Carpenter bày tỏ sự xúc động đối với những ca khúc mà họ từng yêu thích và gắn bó.

“…When I was young I’d listen to the radio
Waitin’ for my favorite songs
When they played I’d sing along,
It made me smile…”

“…Khi tôi còn trẻ, tôi thường lắng nghe radio
Đợi chờ những bài hát yêu thích
Khi tiếng nhạc vang lên, tôi thường hát theo
Môi khẽ nở nụ cười…”

Yesterday Once More là ca khúc gắn bó với thế hệ 7x và 8x – thời mà nhạc quốc tế còn chưa phổ biến. Khi ấy, iPod còn chưa thông dụng và điện thoại tích hợp máy nghe nhạc cá nhân vẫn còn chưa ra đời. Thời điểm ấy, máy tính và đường truyền Internet còn là một điều xa vời không tưởng đối với người Việt.

Hồi đó, người ta nghe radio nhiều hơn bây giờ. Phải tích cóp rất lâu, nhịn ăn sáng, nhịn chi tiêu, một người mới đủ tiền để mua một chiếc đài cassette. Các bạn trẻ ngày nay chắc sẽ không bao giờ trải qua cảm giác háo hức đợi chờ đến giờ phát sóng và cảm giác kỳ diệu khó tả khi nghe đến bài hát yêu thích của mình trên radio.

Thời ấy, đầu đĩa DVD rất hiếm và đắt đỏ, mọi người ít nghe nhạc bằng đĩa CD mà thường nghe bằng băng cassette. Mỗi khi băng bị rối, nhiều bạn trẻ lại phải ngồi cặm cụi lấy bút chì xỏ vào lỗ băng hình lục giác, kéo băng nhẹ nhàng để tua lại. Có khi pin hết, tiếng đài tậm tịt, những đứa trẻ nghèo ngày ấy nghĩ ra sáng kiến lấy búa đập pin, rồi lắp lại vào đài, cũng nghe thêm được một thời gian nữa.

Yesterday Once More là một trong những bài hát kinh điển của những ngày xưa cũ ấy. Thời đó gần như ai cũng nghèo và cái gì cũng hiếm hoi nên dù chỉ là một bài hát thôi, người ta cũng thấy quý báu và trân trọng. Yesterday Once More gợi lại một thời đầy thương mến và xúc động như thế.

“…Those were such happy times and not so long ago
How I wondered where they’d gone
But they’re back again just like a long lost friend
All the songs I loved so well…”

“…Thời ấy thật là hạnh phúc và cũng không quá xa vời
Tôi tự hỏi những bài hát ấy đã đi đâu rồi nhỉ
Nhưng rồi chúng cũng quay trở lại như những người bạn đã để mất từ lâu
Tất cả những bài hát mà tôi vô cùng yêu thích…”

Thời gian trôi đi, thị hiếu thay đổi, con người thay đổi. Người ta bắt đầu nghe những thứ nhạc khác. Những bài hát mới ra đời thay cho những bài hát xưa dần chìm vào quên lãng. Nhưng có đôi khi, trong một quán café vắng hay trong một siêu thị đông đúc, những bài hát xưa cũ ấy lại bất ngờ vang lên. Những nốt nhạc quen thuộc níu chân lại khiến ta bồi hồi xao xuyến. Những cảm xúc ngọt ngào và cay đắng đong đầy khiến ta mỉm cười và nước mắt rưng rưng ở khóe mi. Thật kỳ diệu khi chỉ một bài hát có thể khơi gợi nhiều cảm xúc đến vậy!

“…Lookin’ back on how it was in years gone by
And the good times that I had
Makes today seem rather sad,
So much has changed

All my best memories
Come back clearly to me
Some can even make me cry, just like before
It’s yesterday once more…”

“…Nhìn lại những năm tháng xưa cũ
Và tất cả những khoảng thời gian tốt đẹp tôi từng có
Khiến ngày hôm nay trở nên thật buồn bã
Quá nhiều thứ đã đổi thay

Tất cả những ký ức tươi đẹp nhất
Đều quay trở lại với tôi thật rõ ràng
Vài kỷ niệm có thể làm tôi khóc òa, cũng như ngày xưa
Cứ như thể những ngày xưa ấy đã sống lại…”

Giọng ca trầm ấm, ngọt ngào của Karen chẳng khác nào chiếc đũa thần chạm nhẹ vào những ký ức đã ngủ quên, làm thức dậy cả một thời quá vãng. Mạch ký ức vẫn len lỏi chảy trong tim bỗng ào ạt ùa về như những dòng thác lũ. Những gương mặt thân yêu giờ chẳng còn thấy, những câu chuyện cũ chẳng còn được ai nhắc nhở, những bí mật giấu kín trong lòng… tất cả đều sống dậy trong khoảnh khắc khiến người nghe thẫn thờ.

Yesterday Once More mang lại ký ức của một thời trong trẻo đã vĩnh viễn ở lại sau lưng. Bài hát gắn bó với mỗi người theo những cách khác nhau. Đối với người này, Yesterday Once More gợi về thời học tiếng Anh qua bài hát, nắn nót chép từng dòng nhạc vào cuốn sổ tay. Đối với người khác, Yesterday Once More gợi về mối tình đầu, về những buổi chiều hai người thường chia nhau tai nghe và hát vang theo điệp khúc.

Một số người nhớ về Yesterday Once More như một bài hát yêu thích mà cha mẹ họ thường bật cho nghe suốt thời thơ ấu. Một số người khác lại nhớ về những buổi tối cô đơn ở phòng trọ, nghe giọng hát của Karen và cảm thấy nhớ nhà.

Hơn cả một bài hát, Yesterday Once More còn là một dòng chảy ký ức mến thương về những ngày xửa ngày xưa… Đó là nỗi nhớ day dứt khôn nguôi dành cho sự trong trắng và tuổi trẻ đã dần qua đi. Và người ta yêu quý Yesterday Once More như một phần của quá khứ, một phần của chính ta thuở hoa niên êm đềm.

Me Sài Gòn

Me Sài Gòn và me Sài Gòn rất khác nhau. Me Sài Gòn gây nuối nhớ là những hàng me được trồng hai bên đường trong thành phố. Me Sài...

Tị nạn Trung Hoa tại Đại Việt và Champa cuối thời nhà Tống

Tháng 2/1276, thủ đô nhà Nam Tống tại Lâm An (tức Hàng Châu ngày nay) rơi vào tay quân Mông Cổ, và vị hòang đế cuối cùng của nhà Tống,...

260 từ ngữ thông dụng của dân Sài Gòn và người miền Nam

Tổng hợp 260 từ ngữ thông dụng của dân Saigon xưa nói riêng & người miền Nam ngày nay nói chung ! Ảnh : Rick Parker 1. À nha =...

Quân Cờ Đen – Kỳ 1/3 – Lưu Vĩnh Phúc

Các tỉnh Quảng Đông và Quảng Tây của Trung Hoa đã sẵn được đề cập nhiều lần trong câu chuyện này, như là những tỉnh, cùng với Vân Nam, giáp...

Giải mã điềm báo Ù tai trái, Ù tai phải theo giờ

Cơ thể con người có khả năng phát sinh ra những dự báo về tương lai thông qua thần khí, tướng mạo bên ngoài. Trong số đó, ù tai là...

Con Nghê – Linh vật thuần tính Việt

Hai linh vật đặc thù của văn hóa Việt Nam là chim Hạc và con Nghê, thế nhưng trong khoảng hai trăm năm gần đây, ta thường thấy rồng và...

Hình ảnh về Đông Dương trước năm 1944

Phố cổ Nam Định, “thác Niagra của Đông Dương”, hoa khôi người dân tộc Lô Lô… là những hình ảnh độc đáo trong ấn phẩm “Cư dân Đông Dương thuộc...

Cà phê Sài Gòn thời ấy

Sài Gòn” Môt Thời Để Yêu Và Một Thời Để Nhớ Cho Những Ai Đã Lớn Lên Và Cắp Sách Đến Trường Ở Sài Gòn… Bạn đã uống cà phê...

Đanh đá cá cày là gì?

Câu này thường để chỉ những người phụ nữ có tính ương ngạnh, không được hiền lành, dịu dàng. Tuy nhiên, do ngôn ngữ vùng miền nên nhiều người đọc...

Thần học là gì? Một giải thích từ người Thiên Chúa giáo

“Khước từ thần học là bạn làm khổ chính cuộc đời mình với sự mất phương hướng. Nếu không có thần học, chúng ta lãng phí cuộc đời và bị...

Phải chăng ” lời chào cao hơn mâm cỗ “?

Trong tiếng Việt từ "chào" thường đi đôi với từ "hỏi" và từ "mời", cách chào hỏi, chào mời, chào thưa ở mỗi địa phương có một phong tục khác,...

Dung người được báo

Vua Trang Vương nước Sở cho các quan uống rượu. Trời đã tối, đang lúc rượu say, đèn nến bỗng bị gió tắt cả. Trong lúc ấy, có một viên...

Exit mobile version