“Bong bóng Thanh Dung, bong bóng từ miền Trung chở tới, bong bóng đi rồi các em nhỏ đứt ruột em ơi…”,tôi có anh bạn lớn tuổi không phải người Quảng Nam hay cãi Quảng Ngãi hay la, vậy mà anh ta cứ cãi tới cho bằng được rằng, bong bóng Thanh Dung có xuất xứ từ miền Trung. Anh kể hồi nhỏ, từng nghe lời rao đến thuộc lòng của mấy ông bán bong bóng ở tận vùng quê miệt Thứ của anh. “Bong bóng Thanh Dung, bong bóng từ miền Trung chở tới, bong bóng đi rồi các em nhỏ đứt ruột em ơi…”. Trẻ con ở đâu cũng thích bong bóng, cớ sao lại là bong bóng Thanh Dung đâu tận miền Trung mang vào bán ở miệt sông nước phương Nam. Tên lò bong bóng này từng gắn bó với tôi một thời gian ngắn, khi còn bé tôi thường theo thằng bạn trong xóm đạp xe đến lò mua bong bóng đủ các loại về bơm hơi đi bán dạo khắp con phố Sài Gòn.
Từ xóm Hòa Hưng, chúng tôi đi theo đường Lê Văn Duyệt qua khỏi nghĩa trang Chí Hòa là tới lò bong bóng Thanh Dung nằm trong con hẻm nhỏ thông qua đường Nguyễn Văn Thoại (nay là Lý Thường Kiệt). Con hẻm nhỏ bây giờ mở rộng thành đường cái mang tên Bành Văn Trân. Lò bong bóng Thanh Dung vẫn còn đó và mở rộng thành Công ty sản xuất cung cấp các loại bong bóng ở Sài Gòn. Không biết anh bạn lớn tuổi của tôi nói bong bóng Thanh Dung xuất xứ từ miền Trung có đúng không, nhưng khu vực trong những con hẻm từ đường Nghĩa Phát chạy qua khỏi Ngã Ba Ông Tạ đến Ngã Tư Bảy Hiền, bên ngoài mặt lộ là hầu hết người Bắc di cư năm 1954 cư ngụ. Bên trong các con hẻm đa phần là người Quảng Nam vào Sài Gòn sinh sống từ những năm 1960. Từ hồi năm 1967 thì tôi đã biết lò bong bóng Thanh Dung rồi, phía trước là căn nhà nhỏ như bao căn nhà trong xóm, bên trong có phần đất rộng che chắn mái tôn, vài ba nhân công làm việc với cái lò nấu cao su và mấy máy dập thủ công sản xuất ra bong bóng đủ màu.
Mỗi lần thằng bạn đi mua bong bóng sỉ thường hay rủ tôi đi cùng. Tôi thích đi với nó vì mỗi khi mua hàng ở lò Thanh Dung, bà chủ thường hay cho thêm một nắm bong bóng. Phần cho thêm đó thằng bạn dành riêng cho tôi. Tôi mang mớ bong bóng dài như chiếc đũa về thổi lên vặn nắn đủ mọi hình thù, có khi là quấn thành cái vòng đeo trên đầu gắn thêm hai cái lỗ tai con thỏ, có khi đổ nước vào xoay vặn thành chùm nho căng mọng bỏ đầy một cái rổ tre trông thật hấp dẫn. Nhờ sáng kiến này làm tôi kiếm được khá nhiều bạc cắc khi đem bán những chùm nho bong bóng cho đám học trò buổi sáng đi học ngang nhà. Chẳng bao lâu, ba tôi biết được la rầy một trận, “còn nhỏ không lo học hành, lớn lên có nước đi bán bong bóng”.
Thằng bạn trong xóm có lớn đâu mà vẫn bán bong bóng. Nhà nó nghèo, cha đạp xích lô, má gánh nước mướn, còn nó học chung với tôi hết lớp năm thì thi rớt cuối cấp vào trường trung học công lập, rồi nghỉ luôn ở nhà phụ giúp gia đình bằng cách đi bán bong bóng dạo. Thằng bạn có hoa tay, mười ngón đều có hình vân tay xoáy tròn. Nó vẽ hình đẹp lắm và thường xin tôi cục phấn trắng vẽ hình nhân vật Tintin trong truyện tranh trên nền xi măng ngoài sân nhà cho tôi xem. Tôi nói, “mày vẽ Tintin theo hình trong truyện thì dễ thôi, mày vẽ được con quỷ hiện hình khi trăng lên tao mới phục”. Tôi biết nhà nó không có máy truyền hình nên không thể nào xem “Chương trình lúc 0 giờ” của Thẩm Thúy Hằng và La Thoại Tân mà mỗi khi ba tôi bận trực ở quân đoàn không có ở nhà, tôi cùng mấy bà chị ngồi trước cái tivi trắng đen hồi hộp theo dõi “người đẹp Bình Dương” đóng vai cô gái con nhà giàu mang một chứng bệnh kỳ lạ hiện hình thành con quỷ đi hút máu người mỗi khi xuất hiện trăng rằm giống trong truyện ác quỷ Dracula.
Sau khi suy nghĩ một chút, thằng bạn cầm cục phấn vẽ mặt trăng, rồi tới đôi mắt, khuôn mặt con quỷ hiện ra, tiếp theo là thân hình có hai bàn tay đang ghì cắn cổ một cô gái. Sau cùng là một cái chân. Tôi chờ nó vẽ thêm một cái chân nữa, nhưng chờ hoài chẳng thấy. Nó cất cục phấn vô cái lỗ gạch ống bên vách hông nhà, phủi tay bảo: “Xong rồi đó. Con quỷ hiện hình khi trăng lên”. Tôi cự lại, “không phải, mày vẽ con quỷ một giò”. “Mày đâu có nói là con quỷ có hai giò hay một giò. Mày chỉ nói con quỷ hiện hình khi trăng lên, tao vẽ ánh trăng đàng hoàng đó chứ”. Tôi xem kỹ bức tranh phấn rồi ngợ ra hình con quỷ một giò vẽ trên bìa tập truyện tranh hồi học cuối lớp năm tôi mua tặng cho nó. Năm đó hai thằng đi học chung, thường ghé tiệm bán truyện tranh gần trường học coi cọp cả đống truyện Lucky Luke, Xìtrum, Chú Thoòng. Thấy nó cầm cuốn truyện mà cứ xem cái bìa hoài, tôi bảo mày thích thì mua, tao trả tiền. Trả tiền xong, tôi cầm cuốn truyện xem, té ra là “Con quỷ một giò tập 1”. Tôi nói với nó: “Xem làm gì ba cái chuyện ma quỷ tào lao, tập 2 mày tự bỏ tiền túi nhé”. Nói xong, tôi chợt im re, bởi tôi cũng mê xem “Chương trình lúc 0 giờ”, cái bóng con quỷ dưới ánh trăng lôi cuốn hết tập này đến tập khác.
Thằng bạn không có cơ hội mua “Con quỷ một giò tập 2” vì hoàn cảnh gia đình. Nhiều khi tôi đi học về lúc xế chiều, thấy bóng dáng gầy còm của nó dắt chiếc xe đạp rẽ vào con hẻm nhỏ, lòng tôi vui mừng biết ngày hôm nay nó bán hết bong bóng nên về nhà sớm. Có lần sang nhà nó chơi, tôi nói “mày vẽ đẹp, sao không vẽ bong bóng bán cho cả người lớn. Mấy cái bong bóng dập hình con thỏ cứ bán hoài cho mấy đứa con nít, tụi nhóc mua riết rồi cũng chán”. Nó đáp: “Tao vẽ bằng phấn thì được, chứ chưa bao giờ cầm cọ vẽ sơn dầu. Mà hình vẽ bong bóng đâu phải là con quỷ một giò hay thằng Xìtrum, làm sao mà vẽ. Bong bóng vẽ bán mắc tiền nên khó bán hơn bong bóng in hình sẵn, cứ việc bơm lên bán là xong, khỏi phải lỉnh cà lỉnh kỉnh đồ nghề cho mệt”.
“Thế mà cũng đòi đi bán bong bóng, tôi “lên lớp” một hồi… rồi kể cho nó nghe chuyện chú Năm ở xóm ngoài làm tranh sơn mài. Nó cự nự, tranh sơn mài thì mắc mớ gì đến chuyện vẽ bong bóng ở đây.
Hồi năm rồi, một viên chức người Mỹ làm việc chung với ba tao tặng cho nhà tao vài món quà ăn Tết. Ba tao đáp lễ bằng bộ tranh sơn mài kỷ niệm ông Mỹ về nước. Mua tranh ở tiệm bán đồ mỹ nghệ thì chẳng nói, đằng này ba tao muốn thực hiện tranh theo ý của ổng. Giá mắc hơn nhiều nhưng không trùng lặp hình ảnh của tranh sơn mài hàng chợ. Ba tao nói ý, chú Năm thực hiện. Theo ngày hẹn, tao chạy ra nhà chú Năm nhận hàng. Thế nhưng, bốn tấm tranh vừa mới mài xong, nên đành phải ngồi chờ chú đánh bóng. Trong lúc đó thì anh con trai của chú đi xe gắn máy vừa về tới. Phía sau xe chở cái thùng gỗ, phía trước kẹp một bó đũa nan tre trên đầu có cái vòng kẽm để cột bong bóng. Thấy bó đũa nan tre, tao nghĩ tới mày. Tao suy đoán, chẳng lẽ con trai chú Năm… Ðoán sao thì y rằng vậy, chú kể chuyện con chú học trường mỹ thuật, cuối tuần bán bong bóng vẽ trong sở thú kiếm tiền mua sơn dầu, giấy vẽ.
Thằng bạn không nói gì sau khi nghe chuyện kể. Nhưng nó bắt đầu bán bong bóng vẽ. Ban đầu nó vẽ hình đơn giản như điểm thêm đôi mắt đen, cái mũi đỏ, cái miệng cùng mấy sợi râu thỏ khiến cái bong bóng trông thật sinh động. Một hôm nó sang nhà tôi với khuôn mặt hớn hở, tíu tít đủ chuyện trên đời. “Lúc này buôn bán được lắm, có mấy đứa nhóc tì đòi vẽ hình nó lên bong bóng. Tao không dám vẽ sợ không giống tụi nhóc la làng. Tao nói chơi, nếu vẽ thì giá gấp đôi, vậy mà tụi nó nhao nhao đồng ý. Tao làm liều vẽ luôn, vọt vẹt vài nét theo kiểu cắt hình bóng đen thui, tụi nhóc bu quanh cứ đòi vẽ em, vẽ em trước”. Tôi hỏi: Thế mày vẽ có giống không mà mấy đứa nhóc mê thích?”. Nó đáp: “Giống phân nửa thôi nhưng tao viết tên tụi nhóc phía dưới, rồi bảo đây là hình thằng Tí, hình thằng Tèo, giống y chang chứ nị. Thế là tụi nhóc khoái chí”.
Thôi đi ông, ông gạt tụi con nít thì có. Thiếu gì cảnh vẽ như con thuyền bến nước, mái tranh nhà quê dưới bóng dừa. À này, mùa Tết sắp tới mày vẽ nhành hoa mai với lời chúc mừng năm mới hoặc cung chúc tân xuân cùng phong pháo đỏ. Tao thấy loại bong bóng in sẵn những câu chúc bán đầy chợ hoa Sài Gòn, màu sắc thì vui nhưng thiếu cái gì đó mà chỉ có người bán bong bóng để cái tâm cái hồn vẽ chữ vẽ hoa trên đó mới làm cho chiếc bong bóng thu hút người mua. Bán bong bóng đâu chỉ bán cho con nít mà cả người lớn nữa, nhiều người thích mua trang trí nhà cửa nhân dịp sinh nhật hay lễ lạt cuối năm.
Cái Tết năm đó, thằng bạn mang sang nhà tặng tôi cái bong bóng màu xanh hy vọng với dòng chữ bay bướm “Chúc mừng năm mới”, rồi năm sáu tháng sau, nó lại gặp tôi buồn bã giã từ “Ba tao bán nhà đi kinh tế mới” và đó là lần cuối cùng chúng tôi gặp nhau cho đến lúc tôi hay tin nó đạp phải trái mìn trong lúc đi làm cỏ, cho đến bây giờ cứ mỗi lần thấy bong bóng vẽ tôi lại chạnh lòng nhớ thằng bạn nhỏ ngày xưa.
Bong bóng đi rồi các em nhỏ đứt ruột em ơi.