Site icon Tạp chí Đáng Nhớ

Sông, hồ ở Hà Nội xưa và nay

Thủ đô Hà Nội là vùng đất có rất nhiều sông, hồ tự nhiên. Chính hệ thống sông, hồ này đã tạo cho Hà Nội có nhiều cảnh quan thiên nhiên tươi đẹp.

Trên cơ sở đó, theo thời gian, nhân dân ta đã làm thay đổi ít nhiều các cảnh quan này để tạo ra các cảnh quan nhân sinh (hay cảnh quan văn hóa). Song nhiều khi, những thay đổi này đã làm ảnh hưởng không nhỏ đến cảnh quan tự nhiên trước đó. Qua những thay đổi nêu trên, có thể rút ra vài nhận xét về sông, hồ ở Hà Nội như sau

Hà Nội là một vùng đất thấp đã được san lấp, cải tạo

Hà Nội trước đây là một vùng đất thấp có nhiều hồ ao và đầm lầy. Các bằng chứng này được tìm thấy cả trong tư liệu viết lẫn trên các bản đồ được vẽ chỉ mới cách đây hơn 100 năm và cho đến trước năm 1970, thậm chí cả các bản đồ cổ hơn. Trước năm 1970, trong số bốn khu nội thành, thì trên địa bàn ba khu (trừ khu Hoàn Kiếm) còn rất nhiều hồ và vùng ngập nước, như ở Giảng Võ (dọc hai bên đường từ Bến xe Kim Mã đến Cầu Giấy đều là ao trồng rau muống), dọc đường từ Gò Ðống Ða đến Ngã Tư Sở, đường Thái Hà, hay khu vực Kim Liên, ngã tư Ðại Cồ Việt… cũng trong tình trạng như vậy. Trên bản đồ Hồng Ðức,  lúc bấy giờ quanh Thành Thăng Long có rất nhiều hồ lớn. Song,  hồ Hoàn Kiếm có thể là dấu mốc quan trọng để khôi phục lại và xem xét tiến trình phát triển của Thăng Long – Hà Nội. Có lẽ từ thế kỷ 15 đến nay, hồ Hoàn Kiếm rất ít thay đổi vì nó nằm ở trung tâm.

Trong quá trình phát triển của Hà Nội, các vùng đất thấp này dần dần được san lấp để lấy đất xây dựng. Quá trình này diễn ra khá mạnh kể từ khi thực dân Pháp xâm lược nước ta. Tuy nhiên, sự tiến công ồ ạt các hồ và vùng đất thấp lại mới chỉ diễn ra từ cuối những năm 70 của thế kỷ 20 do nhu cầu phát triển của thành phố, trong đó sự gia tăng dân số nhanh chóng cũng là một sức ép lớn, đặc biệt trong quá trình đô thị hóa từ những năm 90 của thế kỷ 20 đến nay.

Sự biến đổi hệ thống sông ở Hà Nội và vùng lân cận

Việc khảo cứu các sông trong phạm vi Hà Nội cũng như ở Bắc Bộ là một hướng địa lý – lịch sử rất quan trọng trong việc luận giải tiến trình phát triển kinh tế – xã hội và văn hóa của khu vực. Theo hướng này, đến nay đã có hai công trình nghiên cứu có ý nghĩa quan trọng của Ðặng Xuân Bảng viết vào cuối thế kỷ 19 (1897) và Ðào Duy Anh viết vào cuối thế kỷ 20 (1997). Theo Thủy kinh chú, các tác giả này đã khôi phục lại năm nhánh sông ở xứ Giao Chỉ. Ðào Duy Anh cho rằng năm sông đó là: Sông Cà Lồ, sông Thiếp (Ngũ Huyện), sông Ðuống, sông Ðáy và sông Hồng.

Trong số năm sông này, thì có lẽ sông Cà Lồ ít thay đổi nhất trong suốt hơn hai nghìn năm qua và là lần phân nhánh đầu tiên của sông Hồng. Dấu vết của nó ở gần sông Hồng hiện nay là các đoạn hồ, đầm lầy kéo dài ở huyện Yên Lạc và Vĩnh Tường (Vĩnh Phúc) hiện nay. Sông Thiếp cũng là chi lưu của sông Hồng. Vị trí tách ra có lẽ ở phía nam huyện Mê Linh (cần tiếp tục tìm hiểu, điều tra thêm). Từ vị trí này, sông chảy theo hướng đông sang đất Ðông Anh rồi sang Bắc Ninh. Dấu vết còn lại hiện nay là đầm Vân Trì và các đoạn đầm kéo tận đến phía nam Thành Cổ Loa. Có lẽ đoạn này chính là sông Hoàng Giang thuở xưa. Sông Ðuống và sông Hồng cũng có những biến đổi, song không nhiều lắm, chỉ là sự uốn khúc chứ chưa có đổi dòng như hai sông nói trên. Sông Ðáy cũng là chi lưu của sông Hồng, nằm ở phía tây – bắc Hà Nội, thuộc tỉnh Hà Tây (cũ). Sông Ðáy (còn gọi là sông Hát) gắn liền với cuộc khởi nghĩa của Hai Bà Trưng.

Hiện nay, một số dòng sông nhỏ trong nội thành như sông Tô Lịch, sông Kim Ngưu, sông Sét, sông Lừ vẫn còn có sự nhìn nhận chưa thống nhất giữa các nhà nghiên cứu, giữa tài liệu hiện nay với tài liệu trước đây. Chẳng hạn, trên bản đồ Hà Nội năm 1885, sông Kim Ngưu được vẽ chạy song song với đoạn đê La Thành từ Khâm Thiên đến ngã tư Ðại Cồ Việt, sau đó cũng chạy gần như song song với đường Ðại Cồ Việt về phía đông. Còn ở khu vực Ô Chợ Dừa, sông này được nối với hồ Xã Ðàn chảy về phía tây bắc theo hướng song song với đoạn Ðê La Thành tới Cầu Giấy. Hoặc có người lại cho rằng, sông Kim Ngưu là chi lưu của sông Tô Lịch. Ðối chiếu với khung cảnh hiện nay, thì điều này khó có thể xảy ra trong quá khứ. Phải chăng người ta căn cứ vào câu “Kim Ngưu, Tô Lịch là sông bên này” ? Còn đối chiếu với bản đồ thành phố Hà Nội năm 1929, thì thấy sông Kim Ngưu trên bản đồ 1885 hoàn toàn chạy song song với Ðê La Thành từ Cầu Giấy qua Ô Chợ Dừa về Kim Liên như đã nói ở phần thứ nhất. Nếu như vậy, liệu sông Kim Ngưu trên bản đồ 1885 có phải là sông tự nhiên? Trong khi đó, qua các tư liệu lịch sử cho thấy, sông Kim Ngưu là một con sông tự nhiên.

Qua phân tích các bản đồ địa hình được xuất bản vào thời gian khác nhau, nhất là bản đồ tỷ lệ 1/50.000 lưới chiếu UTM được thành lập trên cơ sở ảnh chụp từ máy bay và ảnh vệ tinh của Hoa Kỳ, thấy rằng, các sông Tô Lịch, sông Nhuệ là các chi lưu của sông Hồng, trong khi đó, sông Kim Ngưu lại chính là dấu vết của lòng sông Hồng trước đây. Còn đoạn sông Tô Lịch đổ vào sông Nhuệ ở Tả Thanh Oai có dáng vẻ như là sông đào, chứ không phải sông tự nhiên.

Bản thân dòng sông Hồng cũng thay đổi nhiều. Sông Hồng là dòng sông có ý nghĩa quyết định trong tiến trình phát triển mọi mặt của đồng bằng Bắc Bộ nói chung và Hà Nội nói riêng. Trải qua hàng nghìn năm đến nay sông Hồng đã và đang có những diễn biến rất phức tạp. Mặc dù vẫn biết rằng, bên lở, bên bồi là quy luật tự nhiên của mỗi con sông. Ðặc biệt từ sau khi đập thủy điện Hòa Bình đi vào hoạt động với sự vận hành của tám tổ máy từ năm 1991 đến nay.

Hệ thống đê ở Hà Nội

Hà Nội nói riêng và đồng bằng sông Hồng nói chung có một hệ thống đê với quy mô rất lớn. Ðây chính là một công trình văn hóa được xây dựng và tu bổ bởi nhiều thế hệ người Việt sinh sống trên vùng đất này. Ðê ở Hà Nội không chỉ đơn thuần là chống lũ, mà còn là hệ thống phòng thủ chống lại kẻ thù. Qua các tư liệu lịch sử, thì việc xây dựng đê ở Hà Nội và vùng lân cận đã được bắt đầu từ rất sớm. Ngay từ khi Cao Biền xây Thành Ðại La thì cũng đã cho đắp đê quanh thành để ngăn nước lũ. Tuy nhiên, rõ nhất là từ thế kỷ 10, năm 1029 khi Nhà Lý đã cho đắp đê Cơ Xá để ngăn lũ sông Hồng. Sang đến đời nhà Trần, việc đắp đê được xem là vấn đề quan trọng và được mở rộng trên khắp vùng đồng bằng. Hệ thống đê này ngày càng được củng cố vững chắc và luôn được các triều đại phong kiến quan tâm. Chẳng hạn, đời Trần, đời Lê đã đặt chức quan Hà đê. Ðến nay, Nhà nước ta đã lập ra Ủy ban đê điều. Từ những kinh nghiệm lâu đời trong việc bảo vệ và duy trì hệ thống đê ngày càng tốt hơn, Chính phủ đã ban hành Pháp lệnh về đê điều. Ở Hà Nội, hệ thống đê ngăn lũ tập trung cho hai sông chính là sông Hồng và sông Ðuống, với hơn 150 km. Ngoài ra, dọc sông Cà Lồ cũng có một số đoạn đê. Như vậy, tổng số đê cấp I ở Hà Nội là gần 200 km. Nếu tính cả các đê bối thì con số này còn tăng lên nhiều. Trong nhiều năm trước đây, đắp đê và tu bổ đê là việc làm công ích và mọi người đều có trách nhiệm tham gia. Hằng năm, mỗi lao động sử dụng một số ngày công theo quy định để làm việc này. Hiện nay, nhiều đoạn đê sông Hồng trong địa phận Hà Nội đã được kiên cố hóa (đoạn gần cảng Hà Nội, đường Bạch Ðằng, Yên Phụ…) để đề phòng tai biến xảy ra. Song, nhiều đoạn cũng chưa thể làm được vì nhiều nguyên nhân, một trong những nguyên nhân đó là việc vi phạm Pháp lệnh bảo vệ an toàn hành lang đê của một số người dân.

ÐỖ ÐỨC HÙNG

Mấy lần thất thủ Kinh Đô

Tròn hai hoa giáp xoay vòng, 120 năm chẵn, một trăm hai mươi năm không phải chỉ một lần mất Huế. Mỗi lần như thế, đều lưu lại một dấu...

Nhà thờ đá Bảo Nham ở xứ Nghệ

Nhà thờ đá Bảo Nham được xây vào cuối thế kỷ 19 ở Nghệ An, từng được người Pháp mệnh danh là nhà thờ “độc đáo nhất Đông Dương”. Ngoài...

Bốn cây thần cung nổi tiếng trong lịch sử Việt Nam

Trong dòng chảy của sử Việt, Tây Sơn là triều đại nổi tiếng về võ nghệ với những danh tướng lừng lẫy và nhiều loại vũ khí huyền thoại. Theo...

Những món canh ngon mang cả tâm tình mùa hè Bắc Bộ

Ẩm thực là một khía cạnh văn hóa vô cùng gần gũi và cũng là nhu cầu thiết yếu của đời người. Mỗi vùng miền đều có bao nhiêu cao...

Nền giáo dục miền Nam ngày trước

GS.TS. Nguyễn Thanh Liêm nguyên là Hiệu trưởng Petrus Ký – Sài Gòn, Chánh Thanh Tra trưởng ban soạn đề thi của Bộ Giáo Dục trong những năm 1965-1967, Thứ...

Đông Triều (Quảng Ninh): Ngôi nhà bằng đất nhỏ đạt nhiều giải quốc tế lớn

Một công trình nhỏ tại Đông Triều (Quảng Ninh) được thiết kế dựng lên bằng loại vật liệu xây dựng rất đỗi quen thuộc đối với mọi người đó là...

Dấu tích ngôn ngữ Nam Việt trong cổ thư Trung Quốc

Sách Thông điển của Đỗ Hữu 杜佑(1) thời Đường (801) 通典卷第一百八十四 – 州郡十四, có ghi chép như sau: “Tự Lĩnh nhi nam đương Đường Ngu Tam Đại vi man di chi quốc, thị Bách...

Làng phong Quy Hòa – Bệnh viện trăm tuổi đẹp như tranh

Làng phong Quy Hòa ở Quy Nhơn, Bình Định, là một bệnh viện cổ độc đáo với quy hoạch kiến trúc đẹp và vô cùng đặc biệt. Năm 1929, linh...

Cuộc sống ở Hà Nội 2002 qua ảnh

Chừng ấy năm là khoảng thời gian tương ứng với sự chuyển giao một thế hệ. Loạt ảnh Hà Nội năm 2002 do nhiếp ảnh gia người Australia Peter Charlesworth...

Tìm hiểu danh xưng “Lạc” vương và “Hùng” vương

Theo truyền thống người Việt Nam, danh xưng “Hùng vương” bao đời nay đã được lưu truyền qua truyền khẩu và thư tịch, tuy nhiên vào đầu thế kỷ XX,...

Đất nước thời Đông Dương qua ảnh

Nữ phu kiệu ở Đồ Sơn, ngư dân quăng lưới tại Sầm Sơn hay khung cảnh Sài Gòn, Chợ Lớn... thời Đông Dương được lưu giữ qua ảnh đen trắng....

Tự điển tiếng Việt Đổi Đời – Kỳ 4 – Từ Vần O-S

O. - Ông/Bà trở thành Mr. & Mrs. - Ống sắt trở thành  tuýp, ống tuýp (Tiếng Pháp là tube): P. - Phái tính (phái nam, phái nữ) trở thành giới tính. Giới có nghĩa là giới hạn, ngăn cấm hoàn toàn không...

Exit mobile version