Với tính cách lạnh lùng và quyết đoán, Putin đã đưa nước Nga ra khỏi vòng kiểm soát của các tài phiệt.
Cuối năm 1999, Boris Yeltsin tuyên bố từ chức và trao quyền tổng thống cho Thủ tướng Vladimir Putin. Trước khi rời khỏi điện Kremlin, ông Yeltsin đã dặn dò Putin một câu ngắn gọn nhưng đầy ý nghĩa sâu xa: “Hãy gìn giữ nước Nga”.
Trở thành Tổng thống Nga là điều mà Putin chưa bao giờ nghĩ tới. Nhưng thực tế đã chứng minh rằng, Yeltsin đã lựa chọn đúng người để dẫn dắt nước Nga hồi sinh từ tro tàn.
Khởi đầu với nghề điệp viên
Vladimir Vladimirovich Putin sinh ngày 7/10/1952 tại thành phố Saint Petersburg trong một gia đình công nhân. Ngay từ nhỏ, Putin đã thể hiện tư chất thông minh, hạnh kiểm tốt nhưng thường xuyên có những cách nghĩ khác người. Ông công khai thể hiện ý tưởng sẽ trở thành điệp viên ngay từ nhỏ.
Khi vào đại học, Putin vẫn rất chuyên cần và đạt thành tích tốt. Đến năm 1975, Putin tốt nghiêp đại học và được KGB liên hệ để thu nhận. Ông được KGB huấn luyện gần 2 năm rồi sau đó về Saint Petersburg hoạt động. Năm 1984, Putin được KGB phái sang Cộng hòa Dân chủ Đức để nằm vùng trong 5 năm.
Ít gây chú ý với người xung quanh, làm việc quyết đoán hiệu quả và trung thành tuyệt đối với đất nước là những giá trị mà các điệp viên KGB luôn thấm nhuần. Người sỹ quan trẻ Putin chính là điển hình trong các điển hình của KGB. Nói theo ngôn ngữ của kiếm hiệp Trung Hoa thì Putin là dạng người “thâm tàng bất lộ”.
Vị Phó Thị trưởng trung thành và trầm lặng
Năm 1989, trước các sự kiện bức tường Berlin sụp đổ và KGB đi xuống, Putin đã quyết định chấm dứt sự nghiệp làm điệp viên. Ông về làm trợ lý cho Anatoly Sobchak. Sobchak là một chính trị gia rất có uy tín ở Nga và sau đó đã đắc cử Thị trưởng của Saint Petersburg vào năm 1991. Điều thú vị là ông từng thầy dạy của cả Vladimir Putin và Dmitry Medvedev. Cả hai người học trò của ông sau này đều đi đến đỉnh cao quyền lực của nước Nga.
Khi Sobchak trúng cử chức Thị trưởng, Putin được đề cử làm Phó Thị trưởng và giữ chức này cho đến năm 1996. Dù luôn được xem là thân tín gần gũi và có ảnh hưởng nhất với Sobchak, Putin không bao giờ phô trương quyền lực của mình.
Đến tháng 6/1996, Sobchak mất chức và bị tố cáo tham ô. Putin đã thể hiện sự trung thành của mình bằng cách từ chối làm việc dưới trướng người lãnh đạo mới.
Tiến vào điện Kremlin
Được Chubais giới thiệu, Putin được giữ chức Phó Cục trưởng Cục Quản lý sự vụ Tổng thống. Chỉ trong vòng 4 năm, Putin đã thăng cấp chóng mặt và làm quyền Tổng thống Nga vào cuối năm 1999. Điều này phải kể đến công lao của Boris Yeltsin.
Sau nhiều năm cầm quyền, Boris Yeltsin nhìn xung quanh mình toàn là những kẻ tham lam, xảm trá và cơ hội. Ông đau đầu và trăn trở không thôi về số phận của nước Nga trong những năm tới. Vì nhiều lý do ông không thể thực hiện các cải cách cũng như xóa bỏ những bất cập trong hệ thống quản lý đất nước. Ông muốn trao gửi cho người xứng đáng hơn mình. Bất chợt, ông nhận ra sự tồn tại của một người luôn làm việc lặng lẽ với ánh mắt kiên định và sự tận tụy với đất nước. Con người này khác hẳn với đám Luzhkov, Gaidar, Chubais… chỉ chăm chăm đấu đá giành quyền lực. Con người này lại càng không giống với bọn Berezovsky, Khodorkovsky, Gusinsky… chuyên đào mỏ tài nguyên nhà nước để làm đầy túi riêng. Chẳng ai chú ý tới sự tồn tại của Putin ngoài Yeltsin.
Yeltsin đã nhìn thấy ở Putin “tất cả những phẩm chất mà ông vẫn muốn nghĩ về các vị tướng Nga”. Ông viết trong hồi ký của mình: “Nước Nga đã luôn tự hào về các vị tướng của mình. Những vị tướng của cuộc chiến tranh năm 1812, những vị tướng của chiến dịch Crimea, những vị tướng vĩ đại của Chiến tranh thế giới thứ II. Tôi luôn ngóng đợi một vị tướng giống như vậy xuất hiện. Thời gian trôi qua, vị tướng ấy đã xuất hiện. Anh ấy chính là Vladimir Putin”.
Lúc đầu, ông Putin không mấy mặn mà với đề nghị được thăng chức mà vị Tổng thống Yeltsin đưa ra. Ông Putin chỉ đáp ngắn gọn: “Tôi sẽ làm việc bất cứ ở vị trí nào mà ngài đề cử”. Phải mất công lắm thì ông Yeltsin mới thuyết phục được Putin nhận làm người kế nhiệm mình. Không phải ai cũng có con mắt tinh đời như Boris Yeltsin. Ông đã nhìn ra một thủ lĩnh mới cho nước Nga ở một viên chức chính phủ với bề ngoài có vẻ bất cần danh vọng và phù hoa như Vladimir Putin lúc đó.
Cuối cùng Yeltsin đã ra một quyết định gây tranh cãi nhất và cũng là đúng đắn nhất trong cuột đời mình. Ông trao quyền lực lại cho Putin, người mà khi ấy vẫn chưa được công chúng biết tới rộng rãi.
Putin là một người trung thành, cần mẫn và kín đáo nhưng cũng đầy bí hiểm. Nếu bạn đã đọc cuốn Man Without A Face (tạm dịch là Người không chân dung) của ông trùm gián điệp Markus Wolf thì bạn sẽ hiểu các điệp viên được dạy rằng phải luôn cố gắng ẩn mình trong đám đông và ít gây chú ý. Putin là người thấm nhuần và hiểu rõ điều này. Ông không cần nổi tiếng mà chỉ cần làm tốt việc mình cần phải làm.
Thanh kiếm kề cổ các ông trùm
Putin từng trả lời phỏng vấn trên tờ Time: “Các nhà tài phiệt ở Nga không còn tuân thủ pháp luật. Họ chỉ biết mải mê làm giàu bất chính và khiến cho hàng chục triệu người Nga mất đi những khoản tiết kiệm ít ỏi để dành cả đời mới có được. Điều đó sẽ tạo ra sự mất niềm tin và căm hận. Trọng trách của tôi là khuyến cáo mọi người tuân thủ luật pháp, bất chấp độ dày quyển sổ tài khoản của họ như thế nào. Dù các nhà tài phiệt giàu có đến đâu cũng không thể đứng trên luật pháp. Kế đến là phải làm sao cho hoạt động kinh doanh của giới doanh nhân có trách nhiệm xã hội hơn. Chúng ta phải đập bỏ bức tường căm hận giữa dân chúng và giới doanh nghiệp. Chúng tôi cần các doanh nghiệp hiểu về trách nhiệm xã hội, nhiệm vụ. Mục tiêu chính đối với một doanh nghiệp không phải là hùng hục làm giàu phi pháp rồi chuyển hết tiền ra nước ngoài tẩu tán tài sản. Họ phải biết nhìn nhận, đánh giá những gì mà một doanh nhân cần làm cho đất nước và cho nhân dân. Cuối cùng, chúng tôi phải làm tất cả để đánh bại đói nghèo”. Thực tế cho thấy Tổng thống Putin đã làm đúng những gì mình nói.
Khi ông Putin bước chân vào điện Kremlin, người lãnh đạo của tập đoàn Gazprom là nhà tài phiệt Rem Vyachirev. Ông ta kiêu ngạo đến mức khi được nghe câu hỏi: “Ông sẽ ra sao nếu Yeltsin thất cử?” đã thẳng thừng tuyên bố: “Dù ai làm Tổng thống cũng phải tìm cách chung sống hòa bình với Gazprom”.
Tuy nhiên, Rem Vyachirev đã phải co vòi trước Vladimir Putin. Trong một cuộc họp về tình trạng thiếu hụt khí đốt, Rem Vyachirev giải thích loanh quanh để biện hộ cho mình và không đưa ra được giải pháp gì. Tổng thống Putin đã nói thẳng: “Nếu ông không làm được thì quân đội sẽ tiếp nhận các đường ống dẫn khí đốt, FSB (Tổng cục An ninh Liên bang Nga) sẽ phụ trách các hạng mục khác. Ông và các lãnh đạo Gazprom sẽ vào nhà đá”. Vyachirev lập tức tái mặt và nhận ra rằng đây chính là đối thủ đáng gờm nhất trong đời mình!
Vào giữa năm 2000, Putin triệu tập một cuộc họp đặc biệt. Tất cả các tài phiệt giàu có nhất nước Nga được mời đến điện Kremlin. Họ được đưa đến căn phòng lớn nhất để gặp Tổng thống.
Putin kiên nhẫn chờ cho đến khi họ ổn định chỗ ngồi. Với vẻ mặt lạnh nhạt và quyết đoán, ông nói: “Những người ngồi đây đã đóng góp đáng kể vào công cuộc xây dựng đất nước này thông qua những cấu trúc chính trị và bán chính trị. Vì vậy, tôi thấy chẳng có ích gì khi đổ trách nhiệm cho hình ảnh phản chiếu ở trong gương cả. Tuy nhiên, những điều này cần phải chấm dứt ngay lập tức”. Putin luôn mạnh mẽ và khó đoán trong cả cuộc đời mình. Các nhà tài phiệt già đời dường như lâm vào sợ hãi sau mấy câu nói rắn rỏi đó.
Họ cũng hiểu được phần nào gợi ý của Putin. Thứ nhất là các ông trùm không được tiếp tục thao túng chính trường. Thứ hai là phải đóng thuế đầy đủ và không vi phạm pháp luật nữa. Khi rời khỏi điện Kremlin, các ông trùm chia thành hai nhóm đối lập. Các tài phiệt Roman Abramovich và Oleg Deripaska là hạt nhân của phe có ý định tuân thủ những quy định mới của Putin. Trong khi đó, Mikhail Khodorkovsky, Boris Berezovsky và Gusinsky đứng đầu phe nổi loạn.
Những người tuân thủ luật pháp được đối xử công bằng và tử tế. Còn các ông trùm vẫn muốn duy trì cách kinh doanh vô tổ chức như cũ đã dần dần bị loại bỏ. Tổng thống Putin ra lệnh bắt giữ Gusinsky vì tội tham ô. Tội danh này chỉ được hủy bỏ khi Gusinsky đồng ý chuyển giao tập đoàn Media-Most gồm nhiều tờ báo và đài phát thanh cho công ty Gazprom của Chính phủ với giá trọn gói là 300 triệu USD.
Kế đến là việc khai đao với Mikhail Khodorkovsky vào cuối năm 2003 với loạt tội danh liên quan đến trốn thuế, rửa tiền và biển thủ công quỹ. Khodorkovsky vào tù từ lúc đó và mười mấy năm sau mới có cơ hội hít thở không khí tự do.
Sau khi tranh cử tổng thống thất bại, Yuri Luzhkov trở lại ghế Thị trưởng Moscow và không còn gây nên sự chú ý của báo chí. Alexander Smolensky bán lại các tài sản và biến mất khỏi giới doanh nhân.
“Trùm cuối” Boris Berezovsky cũng phải trốn sang Anh để tránh bị truy nã liên bang về hàng loạt tội danh như lừa đảo, rửa tiền… Ông sống cuộc đời lưu vong cho đến lúc chết.
Bị “con trai” phản bội
Sau bao nhiêu thành công vang dội, bao nhiêu phi vụ đẳng cấp thì cuối cùng Berezovsky cũng gặp phải đối thủ lớn nhất trong đời mình. Khốn thay đó lại là học trò cưng mà ông tự nhận là luôn coi anh như con trai mình. Có lẽ điều cay đắng nhất mà Berezovsky phải chịu đựng là bị Abramovich phản bội. Tuy nhiên, chả có người Nga nào trách móc Abramovich cả. Bởi vì ông đã làm điều đó vì lợi ích của nước Nga.
Người Nga nói với nhau rằng nếu phải kiếm màu sắc đại diện cho Abramovich thì đó chính là màu xám. Ông ta không phải màu trắng (lương thiện), cũng không phải màu đen (mafia) mà là một trạng thái trung dung nằm giữa những thứ ấy.