Hiện tượng thân thể không phân hủy dù cơ thể đã chết hàng trăm năm là một bí ẩn lớn với các nhà khoa học.
Cho dù bạn tin vào sự sống sau cái chết hay sự tồn tại của linh hồn, nhưng có một điều chắc chắn sẽ xảy ra, đó là cơ thể người và các sinh vật sống sẽ trải qua rất nhiều thay đổi sau khi chết.
Chúng ta biết rằng, khi không còn duy trì được những chức năng cơ bản của sự sống như lưu thông máu và trao đổi chất – cơ thể sẽ bắt đầu suy thoái: lớp da bợt đi và bong ra, nhãn cầu tan rã, lông tóc rụng dần và cuối cùng chỉ còn lại xương cốt.
Không chỉ vậy, quá trình được đẩy nhanh nhờ giòi bọ và các loài vi khuẩn, khiến cơ thể mục nát, nhanh chóng hòa mình vào Đất Mẹ. Tuy nhiên, có nhiều trường hợp bí ẩn – khi thi thể không bị phân hủy dù đã chôn cất vài chục, thậm chí là vài trăm năm…
“Thi thể bất hoại” là gì?
Xác ướp Tollund Man
Hầu hết mọi người sẽ “về với cát bụi” theo quy trình phân hủy trên, tuy nhiên, ghi chép ở nhiều tôn giáo đề cập tới trường hợp, nhiều cơ thể có thể chống lại sự phân hủy.
Trong nhiều thế kỷ, Giáo Hội La Mã tin rằng, những giáo dân với đức tin mãnh liệt và thuần khiết sẽ có cơ thể chống lại thời gian, chống lại sự phân hủy tự nhiên trong mộ phần của mình. Họ được cho là những “thi thể bất hoại”.
“Thi thể bất hoại” có nghĩa là dù ở bất kỳ điều kiện thời tiết nào, cơ thể không thể bị thối rữa hay phân hủy. Nhiều người tin rằng chỉ ai có lòng thánh thiện, cao cả mới đủ khả năng, phẩm hạnh để sở hữu được một “thi thể bất hoại”.
Nghe có vẻ khó tin, nhưng hiện có rất nhiều nhà thờ trên thế giới đang trưng bày những “thi thể bất hoại”. Tuy một số thi thể đã bắt đầu phân hủy nhưng một số vẫn được bảo quản khá tốt sau hàng thế kỷ. Vậy bằng cách nào một thi thể có thể “bất hoại” như thế?
Phải chăng đó là một thủ thuật ướp xác?
Từ thuở xa xưa, loài người đã có một số phương pháp bảo quản cơ thể người chết, nhưng có lẽ nổi bật nhất là thuật ướp xác của người Ai Cập. Các cơ quan nội tạng sẽ được rút hết ra ngoài cơ thể, sau đó được “nhồi” bằng các loại dược thảo thiên nhiên nhằm chống lại sự phân hủy.
Sau đó, thi thể sẽ được “ướp” trong dầu và cuối cùng được cuốn trong vải lanh. Gần như chỉ có những người trong hoàng tộc mới được ướp xác. Ngày nay, những xác ướp hoàng gia vẫn được bảo quản khá tốt sau hàng ngàn năm và có mặt ở rất nhiều nơi trên thế giới.
Pharaoh và hoàng tộc là những người có đặc quyền ướp xác
Tuy nhiên, có một điều không phải ai cũng biết, đó là xác ướp có thể được tạo thành hoàn toàn “ngẫu nhiên”. Vào thế kỷ XIX, có một phong tục vô cùng độc đáo xuất hiện tại Mexico. Đó là người nhà sẽ phải lưu giữ thi thể người chết trong 5 năm trước khi đem hỏa thiêu.
Vào năm 1865, những thi thể đầu tiên được khai quật tại thành phố Guanajuato đã khiến nhiều người kinh ngạc khi tất cả thi thể đều còn nguyên vẹn và không có dấu hiệu bị phân hủy – giống như đã được “ướp”.
Nguyên nhân được xác định là do đất nghĩa trang là mặn, khô đã hút nước và ngăn cản quá trình phân hủy của xác. Những mẫu đất này hiện vẫn đang được trưng bày trong bảo tàng cùng thành phố.
Một trường hợp thi thể “hóa xác ướp” khác là Tollund Man, một người tiền sử có niên đại khoảng 2.000 năm trước. Ông bị treo cổ tại Đan Mạch, sau đó thi thể rơi vào hố than bùn và được bảo quản gần như hoàn hảo cho đến khi được phát hiện vào năm 1950. Đặc biệt hơn, ngay cả tóc và bộ râu vẫn còn nguyên vẹn.
Khoa học vào cuộc
Những trường hợp về “thi thể bất hoại” kể trên đều đã được các nhà khoa học nghiên cứu và chỉ ra nguyên nhân. Tuy nhiên, có những trường hợp “thi thể bất hoại” khiến nhiều nhà khoa học đau đầu không lý giải được.
Thông thường, những xác ướp được tìm thấy thường trong tình trạng “thạch hóa” nhưng những “thi thể bất hoại” lại khá… mềm. Tuy những xác chết này ở trong điều kiện thông thường và không có dấu hiệu ướp xác nhưng làn da vẫn có sự đàn hồi, dù đã trải qua hàng chục, hàng trăm năm.
Thi thể của Thánh Virginia Centurione Bracelli
Trông họ chỉ giống như đang ngủ hoặc mới chết mà thôi. Kỳ lạ hơn, những xác chết chôn gần đó vẫn trải qua quá trình phân hủy bình thường, thậm chí với tốc độ rất nhanh.
Một trong những trường hợp “bất hoại” nổi tiếng nhất có thể kể đến là Thánh nữ Bernadette, ra đi ở tuổi 35, nhưng đã rất nổi tiếng trong giáo dân vì đã được diện kiến “Đức Mẹ Maria”.
Thi thể Thánh Gioan Maria Vianney vẫn đeo mặt nạ sáp nằm trong lồng kính
Thánh Bernadette mất vào năm 1879 và được khai quật vào năm 1909, tuy nhiên, thi thể của Thánh nữ không hề phân hủy. Sau đó, Thánh Bernadette được chôn trở lại và đào lên năm 1923.
Thi thể Thánh Bernadette
Sau lần khai quật mộ thứ 3, thi thể của Thánh nữ đã được giải phẫu và phát hiện ra ngay cả cơ quan nội tạng cũng còn nguyên vẹn và khá mềm, dễ uốn. Hai bàn tay và khuôn mặt của Thánh Bernadette trông vẫn rất sống động, nhưng đó là do đã được bọc sáp. Bên dưới lớp sáp, lớp da đã hóa nâu.
Dù khoa học vẫn chưa lý giải được tại sao thi thể có thể được bảo quản “siêu tốt” mà không ướp xác hay có tác động từ môi trường nào, nhưng theo các nhà khoa học, thi thể cuối cùng vẫn sẽ bị phân hủy, chỉ là vấn đề về thời gian mà thôi. Hiện, Thánh Bernadette được trưng bày tại Nhà thờ Thánh Gildard tại Nevers, Pháp.