Site icon Tạp chí Đáng Nhớ

Thu sang làng nhỏ

Thưở ấy, dọc con đường làng, tre mọc nhiều hơn mấy cây bằng lăng bây giờ, cứ độ thu về, lá khô rụng khắp lối, theo gió mà vương vãi một trời sắc vàng, nâu, xanh tàn úa… lẫn lộn đủ màu. Đi bộ tới trường, trong cái hơi sương lãng bãng của mùa khai giảng, giòn giã dẫm lên từng nhành lá khô dưới đất mà nghe như tiếng âu lo đang loảng xoảng rơi trong trí óc non nớt của lũ trẻ con lần đầu tới trường.

Thu của xứ Nghệ, hương ổi thoang thoảng len mọi ngõ nhỏ, cái dư hương gần gũi đến độ tôi tưởng tượng như mình có thể chạm vào nó, khe khẽ, như đang chạm vào một làn sương sớm tinh khôi và nồng đượm. Hương ổi cộng với nắng mai, thức dậy mà hít lấy khí tiết thanh tao ấy, thấy lòng cũng bỗng nhiên nhẹ hẳn, lồng ngực như vừa trút ra một tấn âu lo, phiền muộn và tâm hồn giờ đây cũng trở nên lồng lộng bởi cái màu nắng mới rọi soi như đang hong khô, sưởi ấm, phát quang cho một khoảng đất đai ẩm mục từ trước giờ.

Tôi thích đứng một mình trên kênh Nông Giang, đuổi theo một cánh chuồn chuồn, mặc đám cỏ may bám lấy chi chít một góc quần. Đứng giữa đồng cỏ lộng gió, cảm nhận cái hơi sương vẫn chưa tàn hẳn, nếm lấy hương đòng mới trổ, ngan ngát như mùi sữa non thơm đến mát cả gan ruột. Đâu đó, nghe văng vẳng tiếng loa phát thanh buổi sáng mới biết rằng thời gian vẫn đang trôi, chậm chậm, khe khẽ, chứ không hề ồn ã, tấp nập như chốn thị thành.

Con kênh bắc ngang bởi một chiếc cầu xi măng, từ trên cầu mà nhìn ra xa, thấy con sông vẽ một nét ngoằn ngoèo nhưng rất mượt mà giữa đồng lúa đương thì thiếu nữ, sông trôi âm thầm như đang kéo vờn một tấm voan mỏng, nước sông ngầu đục chứ không hề xanh xanh như trong thơ ca người ta vẫn nói, nhưng đó là cái ngầu đục của phù sa, của phì nhiêu, của màu mỡ.

Tôi có ghé về thăm căn nhà nhỏ của ông bà ngoại, cũng gần con kênh ấy, đón tôi là một đàn vịt bầu béo núc và bốn con cún đứng từ xa đã tít mù vẫy đuôi khi nhìn thấy. Cũng vào độ này, vườn ổi của bà lại ôm lấy một trời xanh biếc của lá già, ổi vào mùa, giòn rụm, và thơm đến muốn cứ thế mà lăn ra ngất đi rồi chìm sâu vĩnh cửu vào thế giới mát xanh của ổi chín, của hương thu và của mùi cỏ non nhựa rỉ sau đôi tay bà cắt xén.

Nhà bà ngoại, tách xa thôn làng một đoạn đi xe đạp, thưở bé, tôi vẫn hay trèo lên cây sung trước ngõ, phóng đôi mắt ra xa, trông buổi thu chiều tắm mình trong cái ánh đỏ óng ả của hoàng hôn, những ngôi nhà phía ấy cũng đỏ ối một vạt như thế, xen lẫn, ảo diệu trong màn khói lam của bếp lửa, của đám lá khô bị đốt. Xuyên qua cái ảo ảnh nhờ nhờ, nhàn nhạt ấy, có khi tôi cũng tự nhiên mà buồn, dù ở cái tuổi ấy, lý ra tôi chẳng có lý do gì để mà biết đến cái buồn, há chăng là vì điều gì đó ví như duyên nợ với thu quê còn sót lại tự kiếp trước, để giờ tôi vẫn ôm chút tư vương, lặng lẽ tương tư với đất trời.

Đường trở lại làng có hôm vắng lắm, như thu đang kéo dài từng tích tắc, con người bớt vội vã, chim muông thì miên viễn tấu bản giao hưởng tự nhiên, tôi thấy như cả đất trời cũng đang nhè nhẹ chuyển mình theo một điệu slow tình tứ, hết mực dịu dàng. Bên lề đường, rau củ, hoa trái mơn mởn được mùa, một vài ông chú trung niên hì hục bê vác hàng gánh rau non, thu văng vẳng trong âm thanh tiếng chày đập áo và vài thằng bé, chí choé đuổi nhau, cười đùa vui vẻ.

Có một thuở tôi mê đắm vẽ vời, mong ước non nớt sẽ được vẽ cả cuộc đời về sau, nhưng lớn lên rồi tôi mới nhận ra, hoài bão mong manh đã nhạt phai tự bao giờ, cô bé năm ấy yêu vẽ, nhưng cô bé lúc này đã bớt một chút yêu rồi và một khi cuồng nhiệt đã nhạt dần thì buông tay là cách để giữ cho niềm yêu thiêng liêng ấy không tàn lụi hẳn, ít nhiều ,tôi vẫn thích xem tranh và ngộ rõ nếu không đủ yêu thương thì rõ ràng tôi không đi sức mạnh để trọn sống với đam mê một thời ấy. Tôi đã vẽ rất nhiều về thu xứ sở- những đồng ngô, những nương khoai, những đoá lục bình tím biếc hay màu xanh ngăn ngắt của bầu trời ngày chuyển mùa…

Tất thảy hiện lên ngô nghê dưới chiếc bút chì màu, thu đẹp và nôn nao lạ thường. Tôi có xem nhiều về tranh thu khác, mỗi người một phong cách, đọc tranh còn đọc thấy cả xúc cảm và kí ức, hẳn thế nên trong tranh bao giờ cũng có một nỗi niềm chẳng ai giống ai. Quen thuộc với non nước đồng chiêm, có ai mà chẳng một lần chiêm tranh tranh thủy mặc, ở đấy tôi gặp nhiều non nước, tôi trông nhiều cánh buồm, cánh cò, tôi thấy nhiều đồng quê, ruộng lúa, bờ tre, thân dừa hay những thân phong đỏ ối lá rơi, nhưng chưa bao giờ tôi thấy thu trong ấy.

Thu, hoặc vì quá đỗi đẹp đẽ, rung động để khiến người ta có thể chính xác mà phác đúng chân dung mình, hoặc vì mỗi miền, mỗi quê có lấy mỗi thu cũng khác, hay tự chính tâm tôi, thu vẫn là thu, vẫn mảnh trời ấy, vẫn cơn gió ấy, vẫn một cánh diều đón nắng về sân, vẫn một tiếng sáo trên lưng trâu già gọi vọng thiên thu, vẫn một nhánh đòng non nhuần thấm khí trời ngát thơm nhộn nhịp tế bào nhưng ngặt nỗi đớn đau người xưa đã không còn. Cố nhân đã đi về miền quá vãng, thu có ghé về, thì vẫn là thu, nhưng tôi ghé về thì có ai chắc được tôi vẫn là tôi của cái thuở thu sang mơn mởn như ngày ấy.

Có ai chắc được…

Bà Triệu – Nữ tướng cưỡi voi dẹp giặc

Ngày nay, ở Thanh Hóa vẫn còn lăng Bà Triệu với hội thờ vào ngày 21-2, tương truyền là ngày mất của người nữ anh hùng. Bà Triệu, hay nàng...

Bên trong phòng ngủ của Tổng thống Nguyễn Văn Thiệu

Màu sắc chủ đạo trong phòng ngủ của vợ chồng Tổng thống Nguyễn Văn Thiệu là màu vàng – màu sắc của các bậc đế vương theo quan niệm xưa....

Trả lời câu hỏi không rõ câu hỏi

Tại sao kỳ quặc thế? Vì các bạn trẻ muốn hỏi nhưng ngại không đặt thành câu hỏi, hoặc không biết để mà hỏi vì những vấn đề này thời...

2 nàng công chúa Việt tài sắc nhưng cả đời đau khổ

Xinh đẹp, tài năng nhưng đúng là hồng nhan bạc mệnh. Cuộc đời của những công chúa này chẳng những không hạnh phúc mà còn chịu nhiều khổ đau. Công...

Nguồn gốc từ “Khách Sáo” là gì

Từ điển tiếng Việt định nghĩa: “Khách sáo: có tính chất xã giao, lịch sự bề ngoài, không thật lòng. Lối mời mọc rất khách sáo. Không khách sáo với...

Già đầu còn mê nhạc sến

“… và cũng thời gian, khoảng hơn chục năm sau, tôi thấy bạn bè , những kẻ từng mỉa mai tôi về nhạc sến, mỗi lần đi hát karaoke chúng...

Cận cảnh Bia Văn Miếu – Quốc Tử Giám

Theo các tư liệu lịch sử bia Tiến sĩ Văn Miếu – Quốc Tử Giám được dựng trong khoảng gần 300 năm (1484-1780). 82 tấm bia tương ứng với 82...

Truyện Chưởng ở Sài Gòn trước 1975

Khoảng năm 1960, tờ Dân Nguyện của ông chủ bút Hà Thành Thọ bỗng khởi đăng nhiều kỳ (feuilleton) cuốn tiểu thuyết võ hiệp Lam y nữ hiệp của Hồng...

Cuộc nổi dậy của chị em họ Trưng và sự biệt lập văn hoá Việt – Hán

Trưng Trắc và em gái Trưng Nhị là người huyện Mê Linh, Giao Chỉ thời Đông Hán, họ đã chiếm một vị trí quan trọng trong lịch sử thời Đông...

Những Chiếc Xe Mì Của Quá Khứ

Sài gòn từ khi hình thành là nơi đất lành chim đậu, là nơi giao thoa các nền văn hoá khác nhau. Đó không chỉ là nơi hội tụ của...

Vì sao Lưu Bị không chọn Trương Phi làm thị vệ?

Trương Phi - Quan Vũ - Lưu Bị tình thân như thủ túc, hiểu nhau tường tận và nguyện sống chết có nhau nhưng tại sao Lưu Bị lại không...

Cần kiệm thành đại sự

Trong cuốn Chu Tử Gia Huấn thời Minh nói rằng: “Dù là ăn một bát cơm hay một bát cháo, hãy nghĩ tới việc có được nó không dễ; Dù...

Exit mobile version