Site icon Tạp chí Đáng Nhớ

Đăng Văn – Tiếng trống kêu oan

Dưới thời vua Minh Mạng (1820-1840) nhà vua đã lập ra một cơ quan xử án tối cao của triều đình, đó là Tam Pháp ty. Đây là trụ sở phối hợp ba cơ quan tư pháp là Bộ Hình (Tư pháp), Đô Sát viện (viện Giám sát) và Đại Lý tự (toà Phá án) để giải quyết thỏa đáng những điều khiếu nại của nhân dân. Người dân có thể tới đây để đánh trống kêu oan, nộp đơn và xin được cứu xét theo thủ tục khẩn cấp.

          Trước đó, năm 1804, trong bản Dụ của vua Gia Long để thành lập “Triều đình hội nghị” có đoạn viết:

        “Các án kiện tụng ở các địa phương xử chưa rõ lẽ, cùng quân dân có oan khuất kêu lên thì hội đồng xử đoán, rồi sau tâu lên để xin quyết định”.

         Khi kế vị, vua Minh Mạng e sợ nỗi oan của người dân triều đình khó mà biết được, vì thế vua cho thiết kế một chiếc trống lớn đem treo lên ở Tam Pháp ty và xuống chiếu ai có điều oan khuất thì đến đánh lên, vua sẽ cho Tam Pháp ty nghị xử, nếu xét ra đúng thì được minh oan, nếu không thì trị tội để tránh chuyện kêu oan bừa bãi làm mất thì giờ. Chiếc trống ấy gọi là trống Đăng Văn (đánh lên để mọi người nghe thấy) được treo ở Công Chính đường. Vua ra quyết định hàng tháng, cứ đến ngày 6, 16, 26 thì Tam Pháp ty phải mở hội đồng để nhận đơn thưa kiện của bá tánh trong cả nước.

        Sách Đại Nam Thực Lục (ĐNTL) chép:

        “Phàm thần dân ở trong kinh và ngoài các tỉnh ai có oan khuất thì đưa đơn (đơn kêu oan phải có một bản chính và một bản phụ, duy khi tố cáo bí mật về việc phản nghịch quan trọng và những việc có quan hệ đến lợi hại thì mới cho làm một bản tâu phong kín lại). Hội đồng nhận đơn cứ chiếu lý bàn xử, rồi hội hàm làm thành tập tấu dâng lên. Sau khi được chỉ, việc nào quan hệ đến nha nào, thì chép đưa cho nha ấy làm theo. Khi tiếp được tờ tâu phong kín, thì lập tức dâng trình, không được tự tiện phát đi. Còn những ngày khác, mỗi nơi cắt một thuộc viên đều thay phiên thường trực, nếu có người thần dân nào có tờ tâu phong kín tố cáo việc bí mật hoặc sự việc thật cần kíp khẩn thiết không thể đợi đến nhật kỳ nhận đơn thì cho bất kỳ lúc nào cũng được đáng trống Đăng Văn, đưa đơn kêu. Người thường trực nhận lấy đơn ấy, một mặt đem người kêu ấy giao cho lính thủ hộ coi giữ, một mặt trình lên Công chính đường. Còn tờ trạng phong kín ấy cũng lập tức được dâng trình. Các đơn khác thì trước hết tóm tắt lại chép thành phiến để tâu biết, rồi phải theo lý bàn kỹ đợi chỉ sẽ xử sự nghiêm ngặt…

        “Lại nữa từ nay phàm việc án nào nên do triều đình xét hỏi, thì đình thần đến nhà Công chính đường ấy hội lại xét hỏi…” (ĐNTL, T3, sđd, tr 334)

         Trong tập Souvenirs de Huế (Hồi ký Huế) xuất bản năm 1867, một người Pháp có mẹ là người Việt tên là Michel Đức Chaigneau có thuật lại sự kiện một người dân đến đánh trống kêu oan dưới thời Minh Mạng, bài này được ông Lê Trọng Sâm dịch như sau:

        “Sau khi đi qua cửa Đông Nam ta thấy trước mặt có tòa Tam Pháp. Chính trong tòa án này được xét xử các vụ án chung thẩm còn tranh cãi hoặc những vụ án mà bản án có những xét xử khác không công nhận thẩm quyền của tòa án kia. Trong một bản án có tội tử hình, các bản án ở đây đều được xem xét nghiêm túc, các nhân chứng đều được nghe lại và mỗi quan tòa cho ý kiến riêng biệt trong một văn bản có đóng dấu gửi lên nhà vua. Vua tự mình xem xét và nếu có những ý kiến khác nhau, vua ban ra một lời chỉ dẫn cho đến lúc tìm ra được sự thật. Khi người bị buộc tội được cho là vô tội, người vu cáo bị trừng phạt nghiêm khắc.

       Trong những trường hợp thông thường, có thể xãy ra một người kêu oan buộc phải nhờ vào lẽ công bằng của tòa Tam Pháp sau khi đã trình lên bốn cấp xét xử khác nhau mà không có khả năng tạo thành bản án. Như vậy, khi một người nào đó đi kiện một người khác, ví như là người hàng xóm về một sự xâm chiếm của cải của mình, về một vụ gây tổn hại cho mình hoặc một vài đối xử tệ hại, người này kêu lên ông Xã trưởng, ông này có thể tập hợp hội đồng gồm có các chức sắc của nơi xét xử vụ việc lần đầu tiên. Nhưng nếu xã trưởng chối từ không xét xử với lý do là không thật giỏi, không biết thật hay giả, người này kêu lên nơi thứ hai đến ông Chánh tổng. Nếu ông này cũng chối từ không có ý kiến, họ lại kêu lên cấp thứ ba trước vị Tri phủ. Nếu cũng như vừa rồi, quan tòa này cũng không chịu nghe, người này lại kêu lên vị Án sát. Nhưng ngay cả nơi đó cũng không làm vừa lòng, họ cần phải từ bỏ đơn khiếu nại của mình và trình lên tòa đại hình xem như nguồn trông cậy cuối cùng mà đến đây người này chắc chắn sẽ được nghe đầy đủ.

        Không có gì ngăn cản bước đi và cách tiến hành, người khiếu nại không mệt mỏi của chúng ta mang theo đơn cương quyết đến tòa Tam pháp, gặp ngay ở cửa một chiếc trống to với cái dùi, ông nắm lấy và đánh mạnh ba tiếng theo sau là những tiếng thúc nhanh hơn và chờ đợi một lát. Một viên chức xuất hiện với giọng hỏi nghiêm trang: “Ông kêu gì?”. Người kia trả lời: “Công lý!” với hai tay đưa bản đơn cao ngang trán cho người này. “Ông sẽ nhận được”, người viên chức trả lời, nắm lấy bản cáo trạng đi ra và không nói gì hơn.

         Điều cần chú ý ở đây là tuyệt đối nghiêm cấm viên chức các tòa án này nhận khoản tiền thưởng cho sự mệt nhọc của họ…” ( Hồi ký Huế, sđd, tr 174).

 

         Đến đời vua Tự Đức (1847-1883), để biểu hiện sự nghiêm minh, vua ra lệnh trong Thành Nội không ai được đánh trống để khỏi lầm với tiếng trống Đăng Văn. Nghe thấy tiếng trống, dù lúc ấy nhà vua đang làm gì cũng chuẩn bị sẵn sàng nhận đơn kêu oan kịp thời được đưa lên. Nhà vua đọc xong, sẽ tự phê ngay trên đơn và đưa xuống Tam Pháp ty xét xử ngay. Nếu kiện đúng, nhà vua sẽ phán quyết. Để đề phòng bọn gây rối đánh trống náo loạn kinh thành, người đánh trống sẽ phải tự trói tay chân mình lại để khẳng định tiếng trống Đăng Văn ấy đúng là của mình đánh. Chính mình là nhân chứng của mình, mình phải chịu trách nhiệm về sự đúng đắn của tiếng trống ấy. Việc thực hiện tiếng trống được quy định như sau: Người bị xử oan ức thì đến lầu đặt trống, đánh 3 tiếng dõng dạc và 1 hồi vang vọng, Tam Pháp ty cử người trực ở chòi trống, hễ thấy ai đánh trống kêu oan thì nhận đơn rồi đưa vào.

          Bấy giờ, nổi tiếng hơn cả là vụ bà Bùi Hữu Nghĩa đánh trống kêu oan. Ông Bùi Hữu Nghĩa, người tỉnh An Giang, đậu Thủ khoa thi Huơng năm 1835, đời Minh Mạng, làm Tri huyện, bị vu oan, mất chức, bị đày làm lính. Bà Bùi Hữu Nghĩa đã từ Vĩnh Long đi ghe ra Huế, đến Tam Pháp ty đánh trống Đăng văn để nộp đơn kêu oan cho chồng, cứu được chồng thoát nạn.

          Ngoài vụ án của Bùi Hữu Nghĩa, ở Huế xãy ra câu chuyện nhờ đánh trống kêu oan mà triều đình đã phá một vụ án hết sức nghiêm trọng:

          Theo lệ truyền của người Hoa ở phố Gia Hội Huế, những Hoa Kiều ở đây và Quảng Nam rủ nhau xin phép về quê tham nhà bên Trung Quốc, kết hợp chở hàng buôn bán. Không ngờ quan quân tuần biển chẳng hỏi han gì, chặn lại giết người cướp của, lại còn tâu lên triều đình để xin thưởng công trừ giặc. Một tên trong số họ nhà gần phố Gia Hội, khi về nghỉ, nhân ăn nhậu cùng bạn bè, không tiền trả, cầm chiếc nhẫn cho chủ quán. Chẳng may cho y, vợ một người mất tích nhận ra (vì mặt nhẫn có khắc tên chồng bà), bèn viết đơn vào thành đánh trống kêu oan. Vua Tự Đức sai tra xét, tên ấy phải nhận tội và khai ra hết sự tình. Vụ án này sách Đại Nam Thực Lục có chép rõ ràng chi tiết:

          Nguyên mùa hè năm Tự Đức 4 (1851), Chưởng vệ Phạm Xích, Lang trung Tôn Thất Thiều quản suất thuyền Bằng Đoàn đi tuần biển, tâu trình gặp ba chiếc thuyền giặc ở hải phận Quảng Nam- Quảng Ngãi, họ bèn bắn chìm một chiếc, một chiếc chạy trốn về đông, còn lại một chiếc hư hại nặng; quan quân áp sát giết hết đồ đảng khoảng 70-80 tên, đưa thuyền về đảo Chiêm Dữ neo lại, xin triều đình ban thưởng!

        Sau khi nhận đơn kêu oan; vua Tự Đức xem lại tờ tờ tâu trước, bấy giờ mới phát hiện rằng giặc nhiều thế sao lại kháng cự yếu ớt, dễ dàng bị tiêu diệt đến thế; sinh nghi, vua sai quan bộ binh đi khám xét điều tra lại. Viên đội trưởng trong vệ Tuyển Phong là Trần Hựu thú nhận rằng: ngày 18 tháng 5 năm Tân Hợi (17-6-1851), thuyền quan đậu ở cửa biển Thị Nại, được tin có 3 chiếc thuyền lạ ngoài hải phận đảo Thanh Dữ. Phạm Xích chẳng hỏi ất giáp gì, đuổi theo bắn, không gặp sự kháng cự nào; chúng chỉ một mực bỏ chạy về hướng đông. Khi Xích áp gần một chiếc, bắn một phát, thì thuyền ấy cuốn buồm, 33 người tới thuyền nan trình thẻ, nói là nhà buôn ở phố Thừa Thiên xin về thăm quê (Trung Quốc) và đã được cấp phép, lại có quen biết với Tôn Thất Thiều. Nhưng Thiều lại sai bắt chém hết; Xích cũng sai bọn suất đội Dương Cù đem 76 người còn lại trên thuyền giết luôn, ném xác xuống biển. Quan bộ binh cho rằng bọn Xích giết càn để cướp của, lại mạo xưng công lao, tâu vua giao cho Tam Pháp Ty tra xét. Án thành, Thiều là chủ mưu, bị đổi họ và cùng với Phạm Xích bị xử tội lăng trì, vợ con phải phát phối; Dương Cù xử tội trảm quyết, Trần Hựu biết thú nhận, được tha. Vua Tự Đức tức giận, phê chuẩn ngay bản án. (ĐNTL T7, sđd, tr 205).

Thực ra, theo các sử liệu đã ghi chép thì tiếng trống kêu oan không phải do vua Minh Mạng đặt ra mà đã có từ trước dưới thời vua Lê Thái Tổ. Trong Đại Việt Sử ký Toàn thư (ĐVSKTT) có nhắc đến vụ tri huyện Dặc Khiêm bào chữa cho Phạm Luận, cả hai đều bị oan sai, bị giải về Yên Kinh. Nhờ có người anh của Khiêm đánh trống Đăng Văn khiếu oan nên mới được miễn tội:

“Tân Sửu 1421 mùa Xuân tháng Giêng:

“Tổng binh Lý Bân và nội quan Lý Lượng của nhà Minh bắt Phạm Luận là sinh viên huyện Giáp Sơn, buộc Luận mạo nhận là Dương Cung để cho qua chiếu lệnh lùng bắt , bắt đến cả gia thuộc Luận là bọn Phạm Xã giải về Yên Kinh.

Tri huyện Dặc Khiêm nhận thực không phải là tên Cung. Bân không nghe. Khiêm lấy bao vàng dâng đại cáo, tâu thẳng về Yên Kinh. Bân sai người chặn đường bắt về. Hoàng Phúc khuyên Khiêm rằng:

        “Mọi người đều cho là đúng, chỉ riêng ngươi bảo không phải là làm sao?”. Khiêm nói:

        “Ai ra ngoài mà chẳng phải ra cửa ngõ?”.

         Bân cho giải cả Khiêm và Luận về Yên Kinh, giao xuống cho pháp ty xét hỏi. Khiêm suýt nữa bị tội, vì có người anh đánh trống đăng văn khiếu oan nên được miễn tội. Sau thăng dần đến chức Hữu bố chính sứ nước ta. Gia thuộc của Luận cuối cùng bị chết trong ngục”(ĐVSKTT T2, sđd, tr 17)

        Cũng trong ĐVSKTT ta thấy từ thời Lý, vua Lý Thái Tông (1028-1054) đã giao các việc xét xử, kiện tụng của dân cho chính thái tử Khai Hoàng Nhật Tôn dùng điện Quảng Vũ làm nơi xử kiện:

       “Mùa hạ, tháng 4, ngày mồng 1, xuống chiếu từ nay trở đi phàm nhân dân trong nước ai có việc kiện tụng gì, đều giao cho Khai Hoàng Vương xử đoán rồi tâu lên, lại cho lấy điện Quảng Vũ làm nơi vương xử kiện” (ĐVSKTT T1, tr 299).

        Năm 1042, vua cho xây dựng Bộ luật Hình thư đầu tiên của nước ta, quy định phân minh các việc xử phạt, tránh việc làm tuỳ tiện, những lạm dụng của các quan lại gây ra oan trái cho dân.

        Năm 1052, nhà vua cho đặt Đăng văn chung (Chuông kêu oan) ở điện Long Trì:

       “Nhâm Thìn, năm thứ 4 (1052) Tháng 3, đúc chuông lớn để ở Long Trì cho dân oan ức gì không bày tỏ được thì đánh chuông ấy để tâu lên.” ( ĐVSKTT, sđd, tr 313)

        Về sau, năm 1158 vua Lý Anh Tông (1138-1175) cũng “cho đặt cái hòm đồng ở giữa sân chầu để ai có việc gì thì bỏ thư vào hòm ấy”.(ĐVSKTT T1, tr 401)

        Qua đó ta thấy việc vua Minh Mạng cho treo trống Đăng Văn ở Huế cũng chỉ kế thừa những công việc mà các triều trước đã thực hiện. Trong một mức độ nào đó, phải nói rằng tiếng trống Đăng Văn dưới thời nhà Nguyễn đã thể hiện được tinh thần dân chủ, ngăn cản việc lạm quyền, tham ô trù dập của các quan địa phương trong các vụ án thuộc thẩm quyền xét xử; đồng thời thể hiện được sự nghiêm minh của pháp luật thời bấy giờ.

Năm 1885, kinh thành Huế thất thủ vào tay thực dân Pháp, triều đình Huế không còn thực quyền, tiếng trống Đăng Văn đã không còn và cả Tam Pháp ty cũng bị giải thể. Về sau, khi Đồng Khánh lên ngôi vua (tháng 9 năm 1885), muốn phục hồi một truyền thống tốt đẹp của các tiên đế, nên đã vận động để Tam Pháp ty và tiếng trống Đăng văn tái hoạt động. Sách Đồng Khánh Khải Định chính yếu chép:

“Năm Đồng Khánh Ất Dậu 1885. Tháng 10, mở lại Đại Lý tự, lấy Binh bộ Tả Thị lang Hoàng Vĩ kiêm nhiếp. Viện Cơ Mật tâu rằng Đại Lý tự là nơi công chính, phàm các vụ kiện tụng hình án trong dân gian mà có điều gì oan khuất thì đều đến đó mà kêu. Gần đây sau sự biến, tạm thời bị đình chỉ, đến nay cho mở trở lại. Vua chuẩn y theo”. ( ĐKKĐCY, sđd, tr 134). Nhưng mãi đến năm 1901 dưới triều Thành Thái (1889-1907), tiếng trống kêu oan mới thực hiện trở lại, nhưng chỉ kéo dài đến năm 1906 thì hết hiệu lực…

………….

Tài liệu tham khảo:

– Đại Việt Sử ký toàn thư T1&2, Nxb VHTT, 2004.

– Đại Nam Thực Lục, T3&7, Nxb Giáo Dục, 2007.

– Hồi ký Huế, Michel Đức Chaigneau, Nxb Thuận Hóa, 2011.

Sài Gòn năm 1970 qua ảnh quý của cựu binh Mỹ

Những hình ảnh quý giá về Sài Gòn năm 1970 – 1971 do cựu nhân viên quân sự Mỹ John Hettish thực hiện. Đường Phan Thanh Giản (Điện Biên Phủ),...

Vài ấn quyết thông thường trong hình tượng Phật giáo

Đóa hoa lòng kính dâng đấng Từ Thân Mùa Phật Đản muôn vạn lần như một. Trong nhiều thế kỷ, nghệ thuật Phật giáo không trình bày đức Phật qua...

Kinh đô Huế qua ảnh xưa

Huế có một quá trình lịch sử hình thành và phát triển khoảng gần 7 thế kỷ. Nơi đây từng là điểm giao thoa của hai nền văn hóa phương...

Chiếc ghế đá “độc nhất vô nhị” gần Hồ Gươm

Dạo quanh khu vực Hồ Gươm – nơi được coi là trái tim của Hà Nội, biết bao nhiêu dấu ấn lịch sử của đất nước như Tháp Rùa, đền...

Lăng mộ danh y Hải Thượng Lãn Ông

Lăng mộ danh y Hải Thượng Lãn Ông là một quần thể kiến trúc hoành tráng và uy nghi, tọa lạc ở một địa thế rất đẹp. Nằm ở xã...

Tiền thưởng đời Vua Gia Long (1802 – 1820)

Sưu tập tiền thưởng nằm trong bộ sưu tập bảo vật triều Nguyễn có minh văn gồm nhiều chất liệu quý hiếm khác nhau. Sưu tập bảo vật triều Nguyễn...

Nguyên nhân gọi Cố Cung là Tử Cấm Thành

Cố Cung có cách gọi cũ là Tử Cấm Thành, được Hoàng đế Minh Thành Tổ bắt đầu xây dựng từ năm Vĩnh Lạc thứ 4 đến năm Vĩnh Lạc...

Hoài Bắc Phạm Đình Chương – Một thời đã qua

Phạm Ðình Chương dùng âm giai Tây phương mà vẫn giữ được nét dân tộc qua những nốt láy mềm mại, những chuyển cung đặc biệt Việt Nam (điển hình...

Thuốc đắng dã tật sự thật mất lòng – “Dã” hay “giã”?

Do nhầm lẫn về âm đọc, nhiều người không phân biệt được “dã” và “giã”, thậm chí còn cho rằng chúng là một, như trong trường hợp “thuốc đắng dã/giã...

Bồn Kèn – bùng binh đầu tiên của Sài Gòn

Bùng binh ở ngã tư Nguyễn Huệ – Lê Lợi (quận 1) xây năm 1920 là vòng xoay đầu tiên của cả Việt Nam và Sài Gòn. Nằm ở khu...

Canh chua cá và tiếng ầu ơ…

Ra ngoài ao bắt lên con tra, xuống vườn rau bẻ vài cây rau ngổ, cắt nhánh bạc hà, hái trái me chua… Một nồi canh mùi thơm bốc lên...

Nhà cổ Huỳnh Thủy Lê nổi tiếng đất Nam Bộ

Bên cạnh kiến trúc độc đáo, nhà cổ Huỳnh Thủy Lê còn gắn với một cuộc tình của nữ nhà văn Pháp Marguerite Duras và thiếu gia người Hoa Huỳnh...

Exit mobile version