1. Trước phỏng vấn
1.1. Nộp đơn xin thị thực kịp thời!
Điều khoản 203(g) của luật Di trú và Nhập tịch Hoa Kỳ qui định rằng các đương đơn xin thị thực phải nộp đơn xin thị thực trong vòng một năm kể từ ngày được thông báo chính thức. Tuỳ vào từng hồ sơ cụ thể, ngày đương đơn được gửi hồ sơ hướng dẫn nộp đơn xin thị thực (Instruction package) hay hồ sơ hướng dẫn phỏng vấn (Appointment Package) được xem là ngày thông báo chính thức. Nếu đương đơn không liên lạc với lãnh sự quán trong vòng một năm kể từ một trong những ngày nêu trên, hồ sơ bảo lãnh sẽ tạm thời bị đóng. Lưu ý: Người bảo lãnh, đương đơn và đại điện hợp pháp của hồ sơ có nhiệm vụ cung cấp chính xác địa chỉ hiện thời của mình cho Trung tâm Thị thực Quốc gia (NVC) hay Lãnh sự quán để đảm bảo thư từ liên quan đến hồ sơ bảo lãnh đến được với đương đơn kịp thời.
1.2. Không sắp xếp lịch trình chuyến đi trước khi nhận được thị thực
Đương đơn không nên sắp xếp cố định lịch trình chuyến đi cho đến khi nhận được thị thực. Không có gì để đảm bảo rằng thị thực sẽ được cấp tại thời điểm phỏng vấn bởi vì có nhiều yếu tố có thể ảnh hưởng đến việc cấp thị thực. Đương đơn không nên sắp xếp lịch trình chuyến đi dựa vào ngày phỏng vấn.
1.3. Thông báo bất kỳ thông tin cá nhân nào có thay đổi
Nếu trước ngày phỏng vấn mà một trong các thông tin bên dưới thay đổi, vui lòng liên hệ với Lãnh sự quán:
- Người bảo lãnh nhập tịch Hoa Kỳ: vui lòng gởi bản sao giấy nhập tịch của người bảo lãnh đến văn phòng Lãnh sự quán qua mẫu đơn trực tuyến, thư gởi bưu điện hay nộp trực tiếp.
- Người bảo lãnh qua đời: vui lòng gởi bản sao giấy chứng tử của người bảo lãnh đến văn phòng Lãnh sự quán qua mẫu đơn trực tuyến, thư gởi bưu điện hay nộp trực tiếp. Khi người bảo lãnh qua đời, hồ sơ bảo lãnh sẽ tự động bị huỷ bỏ và trả về cho Sở Di Trú Hoa Kỳ (USCIS). Đương đơn có thể trực tiếp liên hệ với Sở Di Trú Hoa Kỳ về vấn đề xin được tiếp tục hồ sơ vì lý do nhân đạo.
- Đương đơn sắp 21 tuổi: vui lòng thông báo với văn phòng chúng tôi 3 tháng trước khi khi hồ sơ có đương đơn đủ 21 tuổi.
- Đương đơn kết hôn: trong một số trường hợp, tình trạng hôn nhân của đương đơn có thể làm thay đổi loại thị thực của đương đơn. Vui lòng gởi bản sao giấy hôn thú của đương đơn đến văn phòng Lãnh sự quán.
- Đương đơn muốn thêm con mới sinh vào hồ sơ bảo lãnh: vui lòng nhấp vào đây.
- Thông tin cá nhân cần được điều chỉnh (ví dụ: tên, ngày tháng năm sinh, v.v): vui lòng nhấp vào đây.
- Yêu cầu cấp chứng nhận công dân Hoa Kỳ: theo luật Hoa Kỳ, những người sinh ra ở ngoài Hoa Kỳ có thể xin cấp chứng nhận công dân Hoa Kỳ nếu lúc được sinh ra đã có cha hay mẹ là công dân Hoa Kỳ. Các đương đơn xin thị thực cho rằng mình có thể xin cấp chứng nhận công dân Hoa Kỳ vì lý do trên có thể xem thông tin về vấn đề này bằng cách nhấp vào đây.
1.4. Chuẩn bị hồ sơ phỏng vấn
- Đối với diện thị thực K (K1/K3), vui lòng nhấp vào đây.
- Đối với các diện thị thực khác, vui lòng nhấp vào đây.
2. Ngày phỏng vấn
- Vào ngày phỏng vấn, đương đơn cần có mặt tại Lãnh sự quán với thư mời phỏng vấn và các giấy tờ khác cho buổi phỏng vấn. Lưu ý: để vào trong Lãnh sự quán, đương đơn cần trình thư mời và hộ chiếu cho nhân viên an ninh ở cửa ra vào.
- Người đại diện của hồ sơ không được phép tham dự buổi phỏng vấn xin thị thực. Các viên chức được đào tạo để phỏng vấn bằng tiếng Việt. Nếu đương đơn vẫn không hiểu các câu hỏi của viên chức, nhân viên địa phương sẽ giúp thông dịch cho đương đơn.
- Quý khách nào không có tên trên thư mời sẽ không được vào bên trong Lãnh sự quán trong suốt buổi phỏng vấn trừ các trường hợp sau đây:
- Người bảo lãnh
- Cha, mẹ hay người bảo hộ của đương đơn dưới 17 tuổi
- Cha, mẹ, hay người bảo hộ của đương đơn gặp khó khăn về tinh thần/ thể chất (bị tàn tật)
- Con hay người chăm sóc của đương đơn lớn tuổi (trên 70 tuổi)
Nếu đương đơn có con nhỏ và không có tên trên thư mời phỏng vấn, đương đơn nên sắp xếp người chăm sóc con trong thời gian đương đơn tham dự phỏng vấn vì con của đương đơn sẽ không được vào bên trong khu vực phỏng vấn. Các thành viên khác trong gia đình, người thân hoặc bạn bè của đương đơn nếu không thuộc một trong bốn trường hợp nêu trên cũng sẽ không được vào bên trong tòa nhà Lãnh sự quán.
- Nếu đương đơn không tham dự phỏng vấn vì một lý do nào đó, đương đơn cần điền và nộp lại cho Lãnh sự quán mẫu đơn RSI để được sắp xếp lịch phỏng vấn khác khoảng 3 đến 4 tháng sau khi Lãnh sự quán nhận được đơn.
- Phí xin thị thực định cư là 325$ Mỹ một người. Nếu đương đơn không chắc rằng phí này đã được đóng trước đây, vui lòng mang số tiền phí trên đến buổi phỏng vấn. Lãnh sự quán nhận thanh toán bằng tiền đô-la Mỹ và thẻ tín dụng.
- Lãnh sự quán nỗ lực giải quyết hồ sơ một cách nhanh nhất có thể được. Tuy nhiên, do số lượng đương đơn xin thị thực mỗi ngày rất lớn, các đương đơn cần chuẩn bị để có mặt ở Lãnh sự quán vài tiếng đồng hồ cho tiến trình phỏng vấn.
3. Sau phỏng vấn
3.1. Nếu đương đơn đủ điều kiện để được chấp thuận cấp thị thực sau buổi phỏng vấn
Thị thực sẽ được chuyển phát trong vòng hai tuần. Tất cả các đương đơn xin thị thực định cư phải sử dụng dịch vụ chuyển phát. Đương đơn không thể nhận hộ chiếu trực tiếp tại Lãnh sự quán. Trong một số trường hợp, thị thực sẽ không được cấp ngay do thủ tục hành chánh hoặc do không đủ tiêu chuẩn. Vì thế, Lãnh sự quán khuyến cáo đương đơn không nên sắp xếp chuẩn bị rời Việt Nam, thanh lý tài sản, thôi việc hoặc mua vé máy bay trước khi đương đơn nhận được thị thực. Hộ chiếu có dán thị thực Hoa Kỳ sẽ được chuyển đến quý vị mà không thu phụ phí. Vui lòng truy cập NGAY vào trang mạng www.ustraveldocs.com/vn hoặc bằng cách gọi điện thoại đến Tổng đài số 19006444 nếu quý vị đang ở Việt Nam, hoặc số (703)665-7350 nếu quý vị đang ở ngoài Việt Nam để đăng ký địa chỉ cho dịch vụ chuyển phát thị thực này. Nếu quý vị gặp bất kỳ trở ngại nào về việc đăng ký địa chỉ trên mạng, vui lòng liên lạc với Tổng đài để được hỗ trợ. Quý vị phải đăng ký địa chỉ NGAY, nếu không thì hộ chiếu và thị thực sẽ không được chuyển phát đến quý vị. Sự chậm trễ trong việc đăng ký địa chỉ sẽ trì hoãn việc chuyển phát hộ chiếu và thị thực đến quý vị.
Thông thường, thời hạn của thị thực sẽ giống với thời hạn của kết quả khám sức khoẻ của đương đơn. Nếu đương đơn biết mình không thể sắp xếp ra đi trong hạn thị thực của mình, đương đơn có thể thông báo cho Lãnh sự quán để hoãn việc cấp thị thực lại. Việc cấp thị thực có thể hoãn lại trong vòng 1 năm kể từ ngày phỏng vấn.
Sở Di trú và Nhập tịch Hoa Kỳ (USCIS) công bố hướng dẫn dành cho người mới nhập cư. Hướng dẫn này cung cấp các thông tin thực tiễn giúp những người mới nhập cư sớm hòa nhập vào đời sống mới tại Hoa Kỳ, với các thông tin về cách tìm chỗ ở, cách xin số An sinh xã hội hay cách vận hành của hệ thống chính phủ Hoa Kỳ.
Nếu đương đơn không đến Hoa Kỳ trong vòng giới hạn của thị thực thì phải làm gì?
Văn phòng Lãnh sự quán không gia hạn thêm cho thị thực đã cấp. Tuy nhiên, thị thực hết hạn có thể được cấp mới trở lại. Vui lòng đến Bộ phận định cư vào các buổi chiều từ 13:00 đến 14:00 giờ thứ Hai, thứ Ba, thứ Năm và thứ Sáu (trừ thứ Tư và các ngày lễ) và thư phản hồi từ bộ phận Thông tin gởi cho quý vị cùng với những giấy tờ sau:
1) thị thực đã hết hạn và gói thị thực màu nâu của đương đơn;
2) thư giải thích lý do tại sao đương đơn không thể xuất cảnh trong thời hạn của thị thực. Đương đơn cần phải đóng phí thị thực và làm mới những giấy tờ nào hết hạn.
2) thư giải thích lý do tại sao đương đơn không thể xuất cảnh trong thời hạn của thị thực. Đương đơn cần phải đóng phí thị thực và làm mới những giấy tờ nào hết hạn.
3.2. Nếu đương đơn chưa hội đủ điều kiện để được cấp thị thực sau buổi phỏng vấn
Viên chức phỏng vấn sẽ cung cấp thư từ chối (Mẫu OF-194) ghi rõ lý do từ chối và nêu các hướng dẫn về thời gian, cách thức để nộp bổ túc cho các hồ sơ được yêu cầu. Hầu hết các trường hợp bị từ chối theo điều khoản 221(g), 212(a)(1) và 212(a)(4) của luật Di trú và Nhập tịch Hoa Kỳ (INA).
Đương đơn thường bị từ chối cấp thị thực vì các lý do sau:
Điều khoản 221(g): theo tinh thần điều khoản này, đương đơn bị từ chối cấp thị thực do còn thiếu các giấy tờ cần phải được bổ túc cho đến khi được xét thấy đầy đủ. Đương đơn có thể nộp giấy tờ được yêu cầu qua đường bưu điện hay nộp trực tiếp tại Lãnh sự như được hẹn trên giấy từ chối OF-194. Đương đơn nên đính kèm OF-194 khi nộp giấy tờ. Đương đơn được khuyến khích đến nộp trực tiếp theo đúng hẹn. Lưu ý: với đơn xin thị thực bị từ chối theo điều khoản 221(g), đương đơn cần bổ túc trong vòng một năm kể từ ngày từ chối. Hồ sơ có thể bị đóng nếu đương đơn không nộp bổ túc trong thời hạn nêu trên.
- Nếu giấy từ chối OF-194 không có ngày hẹn nộp bổ túc: Đương đơn có thể nộp các giấy tờ được yêu cầu qua đường bưu điện hay nộp trực tiếp tại Lãnh sự quán vào lúc 1 đến 2 giờ chiều, các ngày làm việc trong tuần ngoại trừ ngày thứ Tư. Vui lòng đính kèm giấy từ chối OF-194 vào các giấy tờ nộp bổ túc.
- Nếu giấy từ chối OF-194 có ngày hẹn nộp bổ túc: Đương đơn cần nộp các giấy tờ được yêu cầu trực tiếp tại Lãnh sự quán lúc 1 đến 2 giờ chiều vào ngày được hẹn ghi trên giấy OF-194 hoặc các ngày làm việc trong tuần ngoại trừ ngày thứ Tư. Lưu ý: các giấy tờ nộp bổ túc không đúng hẹn trên giấy OF-194 sẽ được xét duyệt sau. Vui lòng đính kèm giấy từ chối OF-194 vào các giấy tờ nộp bổ túc.
- Trong trường hợp đương đơn nộp bổ túc sớm hơn ngày được hẹn trong OF-194 mà vẫn chưa nhận được kết quả hồ sơ trước ngày hẹn thì đương đơn có thể trở lại văn phòng chúng tôi vào đúng ngày hẹn của mình để yêu cầu xem xét hồ sơ. Lãnh sự quán không bảo đảm tất cả hồ sơ sẽ được xem xét vào ngày đương đơn được hẹn, tuy nhiên Lãnh sự quán sẽ cố gắng để có thể xem xét những hồ sơ này trong thời gian sớm nhất có thể.
Một số lý do hồ sơ bị từ chối theo điều khoản 221(g):
- Kết quả khám sức khỏe và/hay giấy lý lịch tư pháp bị thiếu hay hết hạn vào thời điểm phỏng vấn;
- Hồ sơ được đề nghị xét nghiệm di truyền học (ADN) vì các giấy tờ đã nộp không thể chứng minh được các mối quan hệ trong hồ sơ.
- Hồ sơ còn thiếu giấy Bảo trợ Tài chánh (I-864/I864A) của người bảo lãnh hay người đồng tài trợ tài chánh, có thể truy cập vào USCIS-Forms.
- Nếu giấy từ chối OF-194 nêu rằng “Hồ sơ của quí vị cần được tiến hành thêm một số thủ tục”, đương đơn không cần phải nộp thêm giấy tờ mà cần phải đợi viên chức lãnh sự xét duyệt hồ sơ. Chúng tôi sẽ liên hệ với đương đơn khi việc xét duyệt hồ sơ hoàn tất. Xin lưu ý rằng thời hạn một năm nêu trên không áp dụng cho trường hợp từ chối này.
Điều khoản 212(a)(1): điều khoản này ngăn cấm việc cấp thị thực cho đương đơn nào bị nhiễm các bệnh có ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe cộng đồng. Lãnh sự quán đề nghị đương đơn sắp xếp việc chữa bệnh với bệnh viện Chợ Rẫy. Khi tình trạng sức khỏe của đương đơn được cải thiện, đương đơn có thể đủ điều kiện được cấp thị thực.
Điều khoản 212(a)(4): điều khoản này ngăn cấm việc cấp thị thực cho đương đơn nào có thể sẽ trở thành gánh nặng xã hội sau khi định cư ở Hoa Kỳ. Trong trường hợp này, Lãnh sự quán không thể giải quyết hồ sơ xin thị thực cho đến khi tình hình tài chính của người bảo lãnh được cải thiện rõ rệt. Hồ sơ bị từ chối theo điều khoản 212(a)(4) được bổ túc trong thời gian 5 năm kể từ ngày từ chối.
Để biết thêm thông tin về những nội dung liên quan đến việc không đủ điều kiện được cấp thị thực khác, vui lòng nhấp vào đây.
3.3 Hồ sơ bị từ chối và trả về Sở Di trú Hoa Kỳ.
Các hồ sơ bị từ chối và đề nghị hủy bỏ sẽ được trả về Sở Di trú Hoa Kỳ nơi hồ sơ được mở trước đây. Đương đơn được thông báo và trả tất cả các giấy tờ xin thị thực khi hồ sơ trả về Sở Di trú. Phải mất vài tháng thì Sở Di trú mới nhận được hồ sơ bị trả về từ Lãnh sự quán. Một khi hồ sơ bị trả về Sở Di trú, chúng tôi không thể cứu xét hồ sơ nữa vì hồ sơ đã bị đóng tại văn phòng chúng tôi.
Nếu quí vị có thắc mắc hay yêu cầu gì đối với hồ sơ đã bị trả về Sở Di trú Hoa Kỳ, vui lòng liên hệ trực tiếp với văn phòng Sở Di trú nơi mở hồ sơ bảo lãnh trước đây. Quí vị cũng có thể xem thêm thông tin trên trang web của Sở Di Trú tại http://www.uscis.gov.
3.4 Đơn xin miễn trừ tình trạng không đủ điều kiện nhập cảnh
Kể từ ngày 4-6-2012, tất cả các đương đơn xin thị thực hôn phu/hôn thê (K) và thị thực định cư (IV) muốn nộp đơn xin miễn trừ tình trạng không đủ điều kiện được cấp thị thực cần nộp trực tiếp mẫu đơn I-601 (Đơn xin miễn trừ tình trạng không đủ điều kiện nhập cảnh) và bất cứ mẫu đơn I-212 (Đơn xin tái đăng ký nhập cảnh vào Hoa Kỳ sau khi bị trục xuất) nào đang được nộp trong cùng thời điểm đó tới hộp thư của cơ quan Di trú và Nhập tịch Hoa Kỳ (USCIS) tại Hoa Kỳ. Thông tin hướng dẫn cách nộp mẫu đơn I-601 được đăng tải trên trang web của USCIS: http://www.uscis.gov/i-601.
Một số ít ngoại lệ không tuân theo quy định mới này được liệt kê cụ thể trên trang web của USCIS. Đối với tất cả các trường hợp khác, nếu đương đơn tin rằng những hoàn cảnh và điều kiện đặc biệt của đương đơn đòi hỏi mẫu đơn I-601 của đương đơn phải được ưu tiên giải quyết, đương đơn nên gửi yêu cầu được ưu tiên giải quyết vào cùng thời điểm nộp mẫu đơn I-601 đến hộp thư của cơ quan Di trú và Nhập tịch Hoa Kỳ (USCIS) tại Hoa Kỳ.
3.5 Nếu người bảo lãnh là công dân Hoa Kỳ và đang có mặt tại thành phố Hồ Chí Minh, có thể yêu cầu xem xét hồ sơ theo hướng dẫn sau:
Nếu đã quá 3 tháng kể từ thời điểm hồ sơ của Quý vị được xem xét, và Quý vị muốn yêu cầu văn phòng Lãnh sự quán xem xét lại hồ sơ, xin vui lòng truy cập trang web và nộp Mẫu đơn yêu cầu xem xét lại hồ sơ dành cho người bảo lãnh tại địa chỉ:
Nếu hồ sơ được xem xét và thông tin trên hệ thống cho thấy việc xếp lịch hẹn tiếp người bảo lãnh là cần thiết, văn phòng Lãnh sự quán sẽ liên hệ với Quý vị và hướng dẫn cụ thể hơn. Lãnh sự quán sẽ nỗ lực giải quyết nhiều hồ sơ nhất trong phạm vi có thể mà không cần đến sự có mặt của đương đơn.