Văn tự Hoa Hạ được xem xét hệ thống từ văn giáp cốt (khắc chữ trên xương) đời Ân Thương. Trước đó, trên gốm màu thời đại đá mới Ngưỡng Thiều đã xuất hiện khá nhiều ký tự được coi như một trong những cội nguồn sâu xa của chữ Trung Quốc sau này. Tuy nhiên chúng tôi không xếp những ký tự đó vào hệ thống văn tự Hoa Hạ.
Hệ thống văn tự Hoa Hạ phát triển dưới nhu cầu mở rộng giao lưu chính trị, xã hội của nhà nước sớm Trung Hoa mà khởi đỉnh có thể nói là thời kỳ Ân Thương. Tiếp sau giáp cốt, hệ thống văn tự này được phát triển dưới dạng minh văn (văn khắc trên đồ đồng, đồ đá, gốm).
Minh văn đời Chu được coi như là đỉnh cao phát triển hệ thống văn tự Hoa Hạ. Chính trong khoảng này, minh văn Hoa Hạ lan xuống vùng văn hoá phía nam, thuộc lưu vực sông Trường Giang và đặc biệt phát triển trong thời Chiến Quốc. Lúc này, ngoài minh văn người ta còn phát hiện kiểu viết văn tự Hoa Hạ trên lụa, trên thẻ tre, gỗ và in trên gạch xây mộ.
Tuyến phát triển văn tự Hoa Hạ từ giáp cốt đến minh văn rồi đến cách viết trên lụa, tre, gỗ và sau cùng là trên giấy được coi như tuyến phát triển văn tự chủ đạo và chính thống ở toàn vùng Đông Á. Không loại trừ, trong quá trình phát triển xã hội dạng tiền nhà nước và nhà nước, nhiều tiểu quốc khác ở xung quanh văn minh Hoa Hạ đã hình thành văn tự riêng của mình. Trong quá trình hòa nhập, phát triển, ngôn ngữ văn tự Hoa Hạ đã được làm phong phú thêm ở các hệ thống phương ngữ, phương tự đó. Các nhà nghiên cứu cổ Hán tự đã chỉ ra nhiều ví dụ điển hình như vậy, như trường hợp chữ Giang (sông), Đạo (lúa gạo), Nỗ (nỏ)…khi ngôn ngữ này lan toả xuống phương Nam. Cũng tương tự như vậy, người ta cũng tìm thấy những phát triển và biến đổi ngôn ngữ Hoa Hạ khi nó lan sang phía Đông (Di), đọng lại trong Hán tự cổ của ngôn ngữ Triều Tiên, Nhật Bản, hay lên phía Bắc (Hồ) với ngôn ngữ của người Mông Cổ và phía Tây (Khương) với ngôn ngữ Tây Tạng, phía Nam (Việt) với ngôn ngữ các nhóm trong Bách Việt cổ đại.
Cụm từ “Âu Lạc” mà chúng ta sẽ thảo luận dưới đây được tiếp nhận chính từ các thư tịch cổ Trung Hoa, được ghi lại bằng văn tự Hán khi văn tự này lan toả xuống phương Nam (Bách Việt). Trong bài viết này, việc phân tích lịch sử và ngữ nghĩa của tên gọi “Âu Lạc” sẽ đi theo tuyến phục dựng so sánh ngôn ngữ học lịch sử.
1- Chữ “Âu” 甌 trong Âu Lạc 甌 駱
Từ “Âu” 甌 bắt đầu xuất hiện sớm nhất trong thư tịch Trung Quốc từ thời Chiến Quốc, Tần – Hán, tức là khi ảnh hưởng của ngôn ngữ và văn tự Hoa Hạ đã bắt đầu phổ biến ở vùng Giang Thuỷ (Trường Giang, Dương Tử). Chính sự tham gia vào chính trị Trung Nguyên dưới dạng tiểu quốc (liệt quốc) của Chu thiên tử đã đưa các tiểu quốc Trường Giang, trong đó tiêu biểu nhất là Sở, Ngô, Việt hoà nhập vào thế giới ngôn ngữ văn tự Hoa Hạ. Khi đã ổn định thành một thế lực chính trị dưới dạng chư hầu nhà Chu, tầng lớp trí thức của văn hoá Sở, Ngô, Việt bắt đầu sử dụng Hán tự để ghi chép mô tả về các hiện tượng địa lý tộc người ở phía nam. Âu Việt, Mân Việt và sau đó Lạc Việt là ba cụm từ xuất hiện vào loại sớm nhất trong khái niệm Bách Việt để chỉ những nhóm Việt chưa tham gia vào chính trị Trung Nguyên và để phân biệt với nhóm Việt đã lập quốc của Việt Vương Câu Tiễn. Theo chỉ dẫn của giáo sư Hidenori Okamura ở Đại học Kyoto, một trong những chuyên gia Nhật Bản hàng đầu trong nghiên cứu cổ Hán tự, thì người ta bắt đầu ghi nhận sự phổ biển của từ này trong Sử Ký của Tư Mã Thiên, người sống ở Trung Quốc trong thế kỷ 2 trước Công nguyên. Chữ Âu xuất hiện trong sách của ông tồn tại dưới dạng địa danh: Đông Âu, Tây Âu, Tây Âu Lạc và Âu Lạc. Chữ Âu được thể hiện bằng hai phần, bên trái là bộ Khu (Ou) trong nghĩa “Khu Vực” và bên phải thể hiện nghĩa bộ Ngoã (Oa) với ngữ nghĩa một đồ đất nung có thể che đậy (ngói) hoặc chứa đựng….
Trong các sách công cụ giải thích văn tự Hán cổ (Nhĩ Nhã, Từ Nguyên, Từ Hải…), chữ Âu như vậy bao hàm nghĩa một đồ đựng tương tự như cách chúng ta hiện vẫn dùng: âu đựng cơm canh. Chữ “Kim Âu” đôi khi xuất hiện trong sách sử, cũng vì thế còn được hiểu theo nghĩa đen là “âu đựng làm bằng vàng” và nghĩa bóng là “biểu tượng sự toàn vẹn và vững chắc của lãnh thổ một nước”.
Khi đi sâu nghiên cứu địa danh và ngôn ngữ cổ nước ta thời dựng nước, tôi đã để ý đến hai cụm từ mà Tư Mã Thiên ở những chỗ khác nhau đã sử dụng. Đó là Đông Âu, địa danh và cũng là tộc người trong nhóm Bách Việt tồn tại trong thời Chiến Quốc ở vùng nam Triết Giang, bắc Phúc Kiến hiện nay và Tây Âu, địa danh, cũng là tên tộc người ở vùng Quảng Tây. Nhờ có sự phân biệt Đông, Tây (Âu) mà ta có thể nhận ra từ Âu cũng là từ chỉ địa danh, địa vực (làng xóm, sông hồ, núi non, tộc người…). Đông Âu định hình từ Chiến Quốc và tham dự sớm hơn vào chính trị Trung Nguyên. Khi nhà Tần thống lĩnh Trung Quốc, cũng như Nam Hải, đất Đông Âu và đất Mân cũng đã thành quận huyện của đế quốc Tần, nhưng Tây Âu thì chưa. Sang đời Tây Hán, dưới thời Cao Tổ, Lữ Hậu, đất Đông Âu còn tương đối tự trị, có Đông Âu vương cai quản tương tự như tình trạng và tước phong của Nam Việt vương Triệu Đà. Đến năm 138 trước Công nguyên, Đông Âu mới thuộc Hán. Trong một chiếu thư của Triệu Đà viết gửi Hán Vũ đế, cũng được chép trong Sử Ký, thì Đông Âu, Mân Việt trùng với Đông Việt, thuộc phạm vi Phúc Kiến, Giang Tô, được mô tả là phía Đông của nước Nam Việt và Tây Âu ở phía Tây của Nam Việt (thủ phủ Nam Việt là Phiên Ngung, tức Quảng Châu hiện nay). Trên bản đồ, khoảng ở giữa Tây Âu và Đông Âu chính là hệ núi Ngũ Lĩnh. Nam Việt là quốc gia vốn xuất phát điểm từ quận Nam Hải, nơi Nhâm Ngao và Triệu Đà làm quan nhà Tần, sau đó mở rộng lên cả bắc Ngũ Lĩnh, thậm chí đến tận giáp Trường Sa. Dãy núi Ngũ Lĩnh vì thế có thể hiểu là “Âu”. Cư dân Việt sống ở vùng Ngũ Lĩnh được người Hoa Hạ đời Chiến Quốc gọi là Âu Việt. Người Việt ở về phía đông (thực ra là đông bắc) của Ngũ Lĩnh được gọi là Đông Âu (địa danh Đông Âu đời Tần chính là trấn thành Ôn Châu từ đời Tuỳ đến đời Thanh). Người Việt sống ở phía Tây (thực ra là Tây Nam) Ngũ Lĩnh được gọi là Tây Âu.
Từ những dự kiện lịch sử trên tôi cho rằng Âu là một từ cổ bản địa được dùng để ám chỉ khối núi Ngũ Lĩnh nằm giữa vùng cư trú của người Việt. Âu Việt là chỉ nhóm Việt sống quanh vùng Ngũ Lĩnh, trước hết là chỉ nhóm Việt sống ở vùng bắc và đông bắc Ngũ Lĩnh – tức là nhóm Âu Việt tiếp xúc sớm nhất với văn hoá Hoa Hạ. Khi văn hoá Hoa Hạ đặt được cơ tầng chính trị của mình ở phía nam Ngũ Lĩnh vào đời Tần thì mới xuất hiện khái niệm và thuật từ Tây Âu, chỉ nhóm Âu Việt ở phía tây nam Ngũ Lĩnh. Chúng ta cũng có thể gặp dạng chữ mang ý nghĩa tương tự tình trạng Đông Tây Âu như Đông Lĩnh – Tây Lĩnh, Đông Cương – Tây Cương, Đông Sơn – Tây Sơn… sau này. Hướng suy đoán của chúng tôi cho rằng: “Âu” (Ou) thuộc ngôn ngữ cổ phương nam, hàm nghĩa một vùng núi cao. Suy đoán này có chút cơ sở, khi mà sau này chúng ta bắt gặp từ Âu Cơ – người đàn bà vùng núi, một thành phần hợp thành của Âu Lạc – nguồn cội thần thoại của người Việt Nam ta hiện nay.
Trong một nghiên cứu gần đây (13.7.2005) được giới thiệu trên trang Web “China History Forum” (chinahistoryforum.com), Trương Thái Du (Zhang Taiyou) đã gợi ý giải thích ngữ âm chữ Âu với nghĩa cổ của từ “U” trong tiếng Việt – gò cao, u biếu, ụ đất, sau đó trở thành hàm nghĩa vú của người phụ nữ, u già, thày u…- người mẹ. Kiểu vận hành ngôn ngữ này giống như cách người Việt Mường gọi mấm – vú, măm – trẻ em bú tý, mớm – cho trẻ em ăn, bầm – mẹ, chăm bẵm – nuôi trẻ… Gợi ý này cần được các chuyên gia ngữ âm học lịch sử kiểm chứng thêm. Trong phạm vi logic mà chúng tôi đang theo đuổi thì có thể xác nhận phần nào tính hợp lý của gợi ý đó. Chữ Âu bao hàm cả nghĩa nổi cao lẫn nghĩa người mẹ. Âu Cơ trở thành Người mẹ ở vùng núi, ở phía Tây. Khu vực địa lý từ Triết Giang, Phúc Kiến trở xuống nước ta mới có hiện tượng rõ ràng núi ở phía tây và biển ở phía đông. Quan niệm gắn phía tây với núi (mặt trời khuất núi) có vẻ là một quan niệm phương nam. Chữ Âu trong ngôn ngữ Hán sau này cũng hàm chỉ vùng núi phía Tây, như trường hợp Âu Dương Phong – Tây độc. Hình tượng Âu Cơ – Lạc Long Quân rất liên quan đến quan niệm Tây Vương Mẫu – Đông Vương Phụ phổ biến vào thời Đông Hán, đặc biệt trong phạm vi văn hoá Ngô Việt. Chữ Âu, từ nghĩa đen chỉ hiện tượng nhô cao được dùng để gọi những vùng núi – như hiện tượng Ngũ Lĩnh. Trong nghĩa “Kim Âu” chính chữ Âu ám chỉ một khối Núi hàm nghĩa Đất Nước tương tự cách dùng “vững như núi Thái Sơn”, “vững như bàn thạch”. Kim Âu vì vậy có thể hiểu là Đất nước yêu quý (như vàng).
2- Chữ “Lạc” 駱 trong” Âu Lạc” 甌 駱
Trong khung cảnh nghiên cứu về ngữ nghĩa Lạc Việt, Âu Lạc thì chữ “Lạc” được giải thích hợp lý nhất cho đến nay, theo chúng tôi, vẫn là của Nguyễn Kim Thản và Vương Lộc. Theo đó Lạc là ghi âm bằng chữ Hán của âm Rặc, Rạc, Đắc, Đác, Nác, Lác đều chỉ nước, sông… thuộc ngôn ngữ cổ Việt Mường, Nam Á, Môn – Khơ me. Chữ Lạc có khá sớm và khá đa dạng trong ngôn ngữ Hoa Hạ và Hán tự. Nó trở thành một từ khá nổi tiếng đương thời khi mà Lạc Thuỷ, tên nhánh sông quan trọng ở trung lưu Hoàng Hà, tham gia vào các sự kiện chính trị quân sự Trung Nguyên thời Chu (Xuân Thu), rồi Lạc Dương một thời gian dài trở thành thủ phủ của Đế quốc Đông Hán. Đã có rất nhiều thảo luận xoay quanh chữ Lạc khi mà sử sách ghi chép về thời cổ đại Việt Nam luôn gắn với từ này. Thoạt đầu, chữ Lạc trong Lạc Thuỷ gồm bộ ghi âm là “các” và bộ ghi nghĩa là “thuỷ”. Đến khi nhà Đông Hán chọn Lạc Dương làm kinh đô thì chữ “Lạc” sử dụng bộ “các” ghi âm nhưng lại dùng bộ “duy” để ghi nghĩa. Sang thời Tam Quốc, khi Tào Tháo dùng Lạc Dương làm thủ phủ của nước Nguỵ thì chữ “Lạc” lại xuất hiện trở lại với nghĩa bộ “thuỷ”. Trong Sử Ký của Tư Mã Thiên chúng tôi đặc biệt chú ý đến cách ghi chữ Lạc gắn với Âu Lạc. Chưa thấy trường hợp nào Tư Mã Thiên viết chữ Lạc Việt độc lập. Tuy nhiên “Lạc Việt” lại là một vùng tộc danh hàm chỉ về phía đông nam ven biển xa xăm được biết đến từ thời Chiến Quốc. Tư Mã Thiên đã dùng chữ Lạc (Việt) trong cụm từ Tây Âu Lạc, Âu Lạc tới ba lần trong phần Nam Việt Uý đà Liệt truyện. Chữ “Lạc” này vẫn giữ âm chữ “các” nhưng dùng bộ “mã” ghi nghĩa. Trong một chuyên khảo của Hoa Bằng ông đã chỉ ra thêm cách viết chữ “Lạc” trong “Lạc Việt”, “Lạc Hầu”, “Lạc Tướng” của sách Giao Châu ngoại vực, Thuỷ Kinh chú… đều dùng bộ “trãi” thay bộ “mã”. Sự phong phú của cách ghi hình chữ “Lạc” trong “Lạc Việt” thường phản ánh đó là lối dùng chữ ghi âm hơn là ghi nghĩa. Chữ “Lạc” đã được dùng để ghi âm NƯỚC trong ngôn ngữ cổ Việt Mường.
Dõi theo cách ghi chép của Tư Mã Thiên và các sách khác muộn hơn vài ba thế kỷ, ta có thể hiểu rằng song song tồn tại với nước Nam Việt của Triệu Đà giai đoạn đầu (thời Tần) là Tây Âu và Đông Âu, sau đó xuất hiện Tây Âu Lạc rồi Âu Lạc. Điều này phản ánh tiến trình lịch sử: Tây Âu sau đó đã hoà nhập với Lạc Việt để tạo ra Tây Âu Lạc hay Âu Lạc của Thục Phán An Dương Vương. Trong quá trình phát triển sau đó, nước Nam Việt của Triệu Đà đã bao gồm cả Âu Lạc sau năm 179 tr.Cn. Các sách sử sau Tư Mã Thiên mấy thế kỷ như Hán Thư, Hậu Hán Thư, Thuỷ Kinh Chú… đều chép nhiều về người Lạc Việt, như một tộc danh lớn ở vùng ven biển Quảng Tây, Quảng Đông và Bắc Việt Nam, tộc danh này trùng với khái niệm là cư dân bản địa của Giao Chỉ, Giao Châu. Đến tận đời Tống, khi Chu Khứ Phi mô tả về Phương Nam, thì Lạc Việt vẫn là một tộc danh lớn ở Quảng Đông. Xem ra, Lạc trong Lạc Việt rồi Lạc Long Quân gắn với nước rất nhiều. Lạc Việt, người Việt ở vùng sông nước thấp ven biển, Lạc Long Quân là vị vua Rồng Nước. Hình tượng Rồng Nước – Lạc Long được đối hợp sau này với Âu Cơ – chim núi tạo nên thể lưỡng hợp thấp – cao, đất – biển, núi – đồng bằng. Biểu trưng Cha Rồng mẹ Chim (Mẹ tiên trên núi là quan niệm chỉ xuất hiện sau khi đạo Lão phát triển ở Việt Nam từ Thế kỷ 2 sau Cn) được khảo cổ học phát hiện hàng loạt trên các đồ đồng từ thế kỷ 1 tr. Cn đến thế kỷ 2 sau Cn (hình). Quan niệm Rồng, Phượng tượng trưng cho Vua, Hoàng Hậu có nguồn gốc sâu xa từ đây.
Như vậy, “ Âu Lạc” là địa danh, tộc danh và cả quốc danh Việt cổ, bao hàm lãnh thổ và cư dân thuộc văn hoá Đông Sơn (trồng lúa nước, dùng trống đồng, rìu xéo…) phân bố ở một phần Quảng Tây, Vân Nam (Trung Quốc) và Bắc Việt Nam. Âu Lạc tồn tại thực sự và có lẽ ra đời vào khoảng đầu thế kỷ thứ 2 trước Công Nguyên, là sự phối hợp hoà bình của Tây Âu và Lạc Việt – hai nhóm Việt cổ lớn nhất còn lại trong vùng chưa bị Hán hoá, một ở vùng cao miền núi và một ở vùng thấp ven biển. Sự phối hợp Âu Lạc đó nhằm chống lại sức ép thôn tính của nước Nam Việt láng giềng của Triệu Đà. Biểu tượng thần thoại của Âu Lạc là Rồng Nước (Lạc Long, Giao Long) và Chim Núi (Âu Cơ). Biểu tượng này được thể hiện vào đời thuộc Hán bằng hình rồng bốn chân và chim công. Trước đó, hình ảnh Đông Sơn kết tụ của hai biểu tượng này chính là loài chim nước phổ biến trên trống đồng (chim Lạc mỏ dài bắt cá).
Trong suốt thời Hán, khái niệm người Lạc Việt luôn trùng với địa danh hành chính Giao Chỉ, Giao Châu.
3- Chữ Giao trong địa danh Giao Chỉ, Giao Châu
Chữ Giao trong văn tự tượng hình Hoa Hạ xuất hiện từ rất sớm, biểu trưng cho hiện tượng tiếp xúc, giao cắt. Truy nguyên chữ Giao, một số nhà nghiên cứu đã có xu hướng giải thích Giao Chỉ, Giao Châu theo hướng đó, tức là chỉ vùng đất có sự giao tiếp giữa nước (biển) và đất do ảnh hưởng của thuỷ triều. Chúng tôi lại có ý định truy tìm nguồn gốc chữ Giao trong Giao Chỉ, Giao Châu theo hướng ngôn ngữ học lịch sử, bắt nguồn từ địa danh Keo (chùa Keo) ở Thái Bình, Nam Định và Bắc Ninh và Keo, Kẹo nhằm chỉ người ở vùng thấp trong ngôn ngữ cổ Đông Nam Á. Trong một buổi trao đổi học thuật ở đại học Kyoto năm 2006, khi được hỏi chữ Giao trong Giao Chỉ, Giao Châu xuất hiện thế nào và từ bao giờ trong thư tịch cổ Trung Hoa, giáo sư Hidenori Okamura đã nói ngay rằng Tư Mã Thiên là người đầu tiên đã sử dụng chữ Giao với hàm ý chỉ vùng thấp ngập nước ven biển khi ông gắn chữ Giao với Giao Long nhằm chỉ một loại rồng ở vùng ngập nước, ảnh hưởng mạnh của thuỷ triều phía đông nam Trung Hoa cổ đại. Thực ra, khi kiểm định kỹ lại Sử Ký của Tư Mã Thiên, thời Hán Cao Tổ đã từng có chức Giao hầu (tước Hầu của vùng đất Giao) do Lữ Sản em trai của Lữ Hậu đảm trách. Lữ Sản sau này được Lữ Hậu phong làm Lữ vương (tước Vương của vùng đất Lữ – nơi phát tích của tổ tiên Lữ Hậu). Trước khi chết, Lữ Hậu chia quân đội nhà Hán làm hai khối lớn, chính Lữ Sản được kiêm quản quân phương Nam. Điều này khiến ta có thể phỏng đoán đất Giao mà Lữ sản từng được phong hầu ở phương Nam, gắn với Giao Chỉ, Giao Châu chăng? Đào Duy Anh và Nguyễn Đổng Chi dẫn nhiều sách sử Trung Hoa viết từ thời Xuân Thu, Chiến Quốc, như Kinh Thư, Mặc Tử, Hoài Nam tử, Hàn Phi tử, Thiếu vi thông giám để chứng minh từ trước thời Hán, trong quan niệm của người Hoa Hạ thì phía nam, thấp, ẩm ướt đã là vùng Giao mà sau này tương ứng với Giao Chỉ, Giao Châu.
Theo Thẩm Đính Bản trong “Trung Quốc Lịch sử Địa lý Khái thuật” thì phải đến tận sau khi nhà Tây Hán thôn tính nước Nam Việt (năm 111 tr. Cn) mới xuất hiện địa danh Giao Chỉ, tên một vùng bao gồm những quận hành chính như Thương Ngô, Uất Lâm, Nam Hải, Hợp Phố, Giao Chỉ, Cửu Chân, Nhật Nam và Tượng Quận. Sang thời Đông Hán, Giao Chỉ đổi thành Giao Châu vẫn bao gồm các quận như cũ, trong đó quận Giao Chỉ vẫn ở khu vực hạ lưu sông Hồng hiện nay. Tên Giao Chỉ quận thay bằng Giao Châu trong thời Đông Tấn, lại được dùng trong thời Tuỳ, đến thời Đường lại trở lại Giao Châu nằm trong An Nam Đô hộ phủ của Lĩnh Nam Đạo. Sử sách nhà Tống, Nguyên sau này vẫn dùng thuật từ “Giao nhân” (người Giao) để chỉ quân dân nhà Lý, Trần.
Chúng tôi nhận thấy có sự trùng hợp giữa cách gọi Lạc Việt (tộc danh thời Chiến Quốc) với Giao Chỉ, Giao Châu (địa danh hành chính từ Tây Hán về sau) cho cùng một vùng đất bao gồm Quảng Đông, Quảng Tây, đồng bằng và trung du sông Hồng ở bắc Việt Nam. Theo chúng tôi, đó không phải là hệ thống tộc danh tự xưng mà là tộc danh, địa danh ước đặt xuất hiện trong văn tự Trung Hoa cổ đại. Người Việt thuộc Văn hoá Đông Sơn không tự xưng mình là Việt Nước (Việt Rặc) mà là những nhóm người Bách Việt khác ở vùng cao xung quanh gọi những người Việt ở vùng thấp nhiều đầm hồ là (Việt) Rặc và những người Bách Việt ở vùng thấp đã gọi những người ở vùng cao là (Việt) Âu. Tương tự như vậy là sự phân định giữa Lục Chân lạp và Thuỷ Chân Lạp sau này ở vùng nam Đông Dương thời cổ đại. Chắc hẳn trước đó đã có sự phân biệt giữa Phù Nam cạn và Phù Nam nước (văn hoá Óc Eo). Sự kiện Âu Lạc cũng phản ánh tình trạng đó. Đặt tên phân định tộc người dựa trên những đặc trưng địa lý cư trú là một hình thức phổ biến trên toàn thế giới, trong đó cao – thấp, núi – biển, cao khô – thấp ướt… là dạng hiện tượng thuộc loại phổ biến nhất. Việc nhất trí với quan điểm giải thích của Nguyễn Kim Thản và Vương Lộc dẫn đến sự đồng nghĩa của Lạc (nước, thấp) với Giao. Theo tôi, cách lý giải Giao là vùng giao tiếp của đất ngập – cạn do ảnh hưởng của thuỷ triều cũng không mâu thuẫn với những dữ kiện Giao Long, Giao Chỉ, Giao Châu. Tuy nhiên, nếu thừa nhận đó là cách đặt tên theo nghĩa của ngôn ngữ Hán thì phải giải thích tại sao những vùng như vậy ở khắp ven biển đông bắc và đông Trung Quốc cổ đại lại không có địa danh Giao lớn như vậy. Trong thời kỳ chữ Hán còn mới phát triển, chưa đủ mô tả những khái niệm và hiện tượng mới, thì khi người xưa muốn dùng Hán tự để ghi tộc danh, địa danh mới lạ họ thường dùng Hán tự để ghi lại âm mà người dân bản địa thường dùng. Người dân bản địa ở đây không phải là người dân tự xưng danh, mà thường là họ dùng để phân định những tộc láng giềng. Sự chuyển hoá cách gọi người ở vùng thấp ngập nước đông nam Trung Quốc và bắc Việt Nam từ Rặc (Lạc) sang Keo (Giao) có thể phản ánh sự biến đổi trong thành phần cư dân tộc người ở vùng Ngũ Lĩnh vào đời Hán. Những người này đã gọi người Lạc Việt cũ bằng cách gọi mới là Keo (thấp) song song tồn tại với cách gọi Rặc (nước) trước đó. Và chữ Giao đã được sử dụng để ghi âm lại cách phân định này. Theo nghiên cứu ban đầu, âm Keo có nhiều yếu tố ngôn ngữ Tày Thái. Sự thay thế cư dân dùng Keo thay cho Rặc có thể phản ánh xu hướng nam tiến của nhóm cư dân nói ngôn ngữ Tày Thái cổ và sự vắng bóng dần ở vùng bắc Đông Dương các nhóm cư dân Nam Á, Môn Khơ me.
Chỉ và Châu trong Giao Chỉ và Giao Châu đều cùng một nghĩa chỉ địa danh cư trú lớn, tương tự nghĩa của chữ “vùng”. Có lẽ cũng không cần nhắc lại suy diễn thiếu cơ sở khoa học của nhiều học giả trước đây cho rằng “chỉ” là ngón chân choạc ra của người Việt hay đi trên thuyền. Khảo sát nguồn gốc thay đổi Chỉ và Châu từ Hán đến Đường có thể lần tìm ngữ nghĩa chính xác của chữ Chỉ trong Giao Chỉ.
4- Hùng Vương và Văn Lang
Hùng Vương: Nhiều nhà nghiên cứu đã từng đề xuất khả năng nhầm lẫn tự dạng giữa chữ Lạc và chữ Hùng. Bởi lẽ có nhiều thư tịch cổ dùng Lạc vương, Lạc tướng, Lạc hầu trong thời Hùng Vương. Tuy nhiên trong dân gian không ai thay Hùng vương bằng Lạc Vương cả. Điều đó chứng tỏ sự tồn tại thực của cách gọi Hùng Vương trong lịch sử. Giáo sư Hoàng Thị Châu và Trần Quốc Vượng từng gợi ý truy tìm chữ Hùng từ chữ Khun, Cun trong ngôn ngữ cổ Đông Nam Á hàm nghĩa to lớn, người đứng đầu. Người xưa đã dùng chữ Hán để ghi nhận lại cách gọi của người Việt với thủ lĩnh của mình bằng chữ Hùng. Tuy nhiên phải xác nhận rằng, khác với trường hợp Âu Lạc, Lạc Việt, Giao Chỉ, Giao Châu, trong các thư tịch đương thời và gần đương thời của Trung Quốc hầu như không có tài liệu nào nói đến Hùng Vương và nước Văn Lang. Những điều tìm thấy trong sử sách về Hùng Vương và Văn Lang đều có niên đại muộn hơn sự đương tồn của các sự kiện này nhiều trăm năm về sau. Điều đó chứng rỏ những khái niệm này đã từng tồn tại dưới dạng trường ca, sử thi hay mo then Việt cổ trước khi được ghi chép lại bằng văn tự Hán. Theo logic đó, tôi ủng hộ cách truy tìm như các giáo sư Hoàng Thị Châu và Trần Quốc Vượng đã làm.
Văn Lang: Cụm từ này đã thấy được chép lại trong Thuỷ Kinh chú (Lâm Ấp ký), nhưng chủ yếu xuất hiện trong các văn liệu chữ Hán ở Việt Nam, sớm nhất hiện biết là từ đời Lý, Trần như trong những sách chính sử Việt Sử Lược, Đại Việt sử ký (toàn thư) và dã sử Lĩnh nam trích quái, Việt điện u linh tập. Nguồn tư liệu để các tác giả viết về thời Hùng Vương, Văn Lang trong các sách đó chủ yếu là từ truyền miệng hoặc chép lại từ những sách của các tác giả trước đó mà nay đã thất truyền. Những sách được chép lại đó, cho dù có lãng mạn lắm cũng khó sớm hơn được Tư Mã Thiên, đa phần từ thế kỷ thứ 3 AD trở về sau. Có nghĩa rằng, nguồn tư liệu của những tác giả trước, nếu có cũng duy nhất là truyền miệng dưới dạng Sử thi, Mo, Then như cách lưu sử của nhiều dân tộc thiểu số hiện nay.
Khi diễn giải về chữ Văn Lang với tư cách một tộc danh, quốc danh dưới thời Hùng Vương nhiều sử gia phong kiến nước ta cũng làm theo lối triết tự: Văn Lang là tục xăm vẽ chàm hình giao long ở trên người để tránh thuỷ quái xâm hại. Việt sử lược có kể ra tên 15 bộ tồn tại dưới thời Hùng Vương, trong đó, thủ lĩnh bộ Văn Lang có tài pháp thuật đã áp chế thống lĩnh các bộ khác, trở thành Hùng Vương vào thời Chu Trang vương. Tên một số bộ này tiếp tục tồn tại dưới thời thuộc Hán, nhưng tên Văn Lang thì không thấy nữa. Nhiều nhà nghiên cứu đã thử phục nguyên một cách khá thuyết phục tên các bộ này bằng phương pháp ngôn ngữ học lịch sử, như Câu Lậu là bộ lạc thờ Trâu (C’lâu) phát âm theo tiếng Việt Mường cổ tương tự như trường hợp quả Trám được ghi âm Hán là Cảm Lãm (C’lám), Từ Liêm (Chèm)…Hy vọng bằng cách này chúng ta có thể sẽ suy tìm được tên thật và ý nghĩa thật của “Văn Lang”.
5- Chữ “Thường” trong Việt Thường Thị và chữ “Tượng” trong Tượng Quận
Sử gia các đời thường lúng túng với hai địa danh còn khá lờ mờ này vốn được xuất hiện khá sớm trong thư tịch Trung Hoa lẫn Việt Nam. Cả hai địa danh này (Việt Thường Thị và Tượng Quận) đều gắn với những ghi chép vào loại đầu tiên của học giả sử dụng văn tự Hoa Hạ ghi chép về vùng đất Hoa Nam, như Sử Ký (Tư Mã Thiên), Thuỷ Kinh Chú, Giao Châu Ngoại vực ký…. Các sách sử Việt Nam sau này sớm nhất vào khoảng Lý Trần đều dẫn lại từ các nguồn sách trước sau công nguyên vài thế kỷ đó.
Hiện tại, trong một số sách chuyên khảo về địa lý, địa danh cổ Trung Quốc, các nhà nghiên cứu Trung Quốc đa phần nghiêng về hướng quy tụ địa bàn gốc của “Việt Thường Thị” và “Tượng Quận” vào khu vực Nam – Tây Nam Ngũ Lĩnh, tức vùng đất Quảng Tây và lân bang (một phần đông nam Vân Nam, một phần tây nam Quý Châu) ngày nay. Theo sử sách, Việt Thường Thị có quan hệ chính thức với thế giới Hoa Hạ dưới thời Chu thông qua việc dâng chim trĩ, nhiều lần thông dịch (tức phải đi qua nhiều tộc người khác Hoa Hạ). Địa danh Tượng quận xuất hiện vào thời Tần, trước đó, thời Chiến Quốc, đơn vị “quận” mới chỉ xuất hiện ở vùng bắc Ngũ Lĩnh, thuộc tỉnh Hồ Nam (Trường Sa Quận, Cửu Giang Quận). Đó là phạm vi nhóm Bách Việt mới tham gia vào cục diện chiến quốc dưới ảnh hưởng của văn hoá Ngô, Sở, trùng với cái gọi là Dương Việt (Yang Yue) trước đó. Trước khi nhà Tần đặt quận huyện ở vùng Dương Việt và Nam Hải (214 tr.Cn) vùng Tượng Quận có tên gọi là Thương Ngô (Shang Wou).
Lần theo trật tự cách người Hoa Hạ gọi và ghi chép về vùng đất Hoa Nam, nơi các nhóm Bách Việt ngự trị chúng ta thấy có sự lan dần về phía nam theo trục Hồ Nam (Trường Sa, Cửu Giang) với những tên gọi đều khá gần gũi với những âm Yang (Dương Việt), Shang (Thương Ngô), Chang (Việt Thường), Siang (Tượng Quận). Theo chúng tôi, những chữ ghi âm Hoa Hạ thoạt đầu không hẳn luôn mang ngữ NGHĨA, tức là nó chưa hẳn đã xuất phát từ nhu cầu ám nghĩa (ví dụ Trường Giang – sông dài, Hoàng Hà – sông có nước phù sa đất vàng – hoàng thổ, Hồng Hà – sông có phù sa màu đỏ …) mà nặng về ghi âm. Vì thế một âm có thể có nhiều cách ghi khác nhau. Những âm tương tự như trên được ghi bằng những chữ khác nhau, nhưng dường như đều có một mẫu số chung là mô tả một cộng đồng tộc người nằm trong một khối tộc lớn hơn (Việt, Ngô). Mẫu số chung đó gần với khối tộc mà từ sau công nguyên mới dần định hình trong địa bàn này: Cháng hay Choang (Zhang, Zhuang). Thoạt đầu họ được phân định với những nhóm Bách Việt khác bằng âm Yang (Dương Việt) rồi Shang (Thương Ngô). Vì thế, Việt Thường thị (Chang Yue) có thể hiểu ám chỉ thủ lĩnh một khối họ tộc (thị) tổ tiên người Choang miền núi trong nhóm Bách Việt, có thể là nhóm cư dân phân bố ở miền tây Quảng Tây, đông nam Vân Nam (huyện Văn Sơn), cực bắc Việt Nam (Lào Cai, Cao Bằng, Hà Giang…) hiện nay – một bộ phận quan trọng của Tây Âu sau này. Vào đời Chu, từ vùng này đến lưu vực sông Hoàng, nơi Chu Thiên tử ở còn rất xa và phải qua nhiều vùng tộc người và tiểu quốc khác nhau.
Tượng Quận xuất hiện sau nữa, vào đời Tần, khi người Hoa Hạ dùng đơn vị quận để chỉ những vùng đất mà họ đã chinh phục hoặc đã đặt được quan hệ thần thuộc. Cuộc hành quân của Đồ Thư đã khai phá tuyến Trường Sa, Cửu Giang vượt Ngũ Lĩnh vào sâu đất Việt. Tuy nhiên đoàn quân Tần Hoa Hạ này chỉ đến được Nam Hải (Quảng Đông) và lân bang. Một trong những đất lân bang đó là Tượng Quận. Theo chúng tôi, Tượng quận là khối vùng tổ tiên người Choang (khi này vẫn được gọi là Yuê) đã bị lệ thuộc quân Tần. Các nhóm Choang Việt còn lại thuộc vào Tây Âu. Việc người Hoa Hạ gọi tên vùng là Tượng Quận bắt đầu ghi nhận cách đặt tên ghi âm ám nghĩa vào thời Tần Hán. Chữ “Tượng” được chọn hàm chủ ý gắn liền phiên âm Shiang với ngữ nghĩa liên quan đến hiện tượng phân bố voi và sử dụng voi trong vùng này. Đối với người phương bắc thời đó, thì đây là thế giới phổ biến của voi.
6- Cổ Loa, Khả Lũ
Chúng ta có thể bắt đầu với phát hiện mối liên quan của “Cửa Lò” với ngữ âm malayo – Kuala. Tôi được nghe gợi ý này lần đầu từ giáo sư Trần Quốc Vượng từ cách nay gần 20 năm. Tôi tán thành gợi ý này và bắt đầu thu thập những bằng chứng dấu vết ngữ âm học lịch sử mang dấu vết malayo song hành với việc tìm những chứng cứ khảo cổ của văn hoá Sa Huỳnh, Mã Lai-Đa Đảo, Nam Đảo (Malayo-Polinesien hay Austronesien) trên đất nước ta. Bài này tập trung vào vấn đề văn hoá xã hội ở thời điểm bản lề trước sau Công nguyên, bản lề Tiền sử – Sơ sử và Lịch sử nhà nước sớm, bản lề hoà nhập dân tộc huyết thống và văn hoá ở miền bắc Việt Nam – cái nôi của dân tộc. Vì vậy, trước mắt giới hạn ở “Cổ Loa”.
Kuala có nghĩa chỉ một cửa sông. Ngôn ngữ Malay là một bộ phận quan trọng của ngôn ngữ Nam Á. Hiện tượng tồn tại một số ngôn ngữ khác trong hệ ngôn ngữ Việt là rất bình thường. Điều khó khăn là lần tìm ra con đường vận hành nguyên thuỷ của nó. Điều này có một điểm hạn chế lớn ở nước ta đó là ngành ngôn ngữ học lịch sử còn kém phát triển. Những nghiên cứu thí điểm của các nhà ngôn ngữ tiền bối như Maspero, Audricour, Nguyễn Thị Châu, Nguyễn Kim Thản, Nguyễn Tài Cẩn, Phạm Đức Dương và những nhà ngôn ngữ học lịch sử nghiệp dư khác trước đây đã hé mở một hướng tiếp cận có tính thuyết phục cao, trong đó việc giải mã lớp phủ Hán văn lên một số hiện tượng ngôn ngữ cổ bản địa.
Gần đây, TS Phạm Văn Đấu có thông báo và hỏi tôi về hiện tượng hệ thống địa danh “Cua”, “Khùa”…mà ông mới phát hiện khi điền dã khảo sát một cụm làng cổ tương truyền là nơi giam giữ tù binh thợ người Chiêm Thành trong các cuộc hành quân nam tiến từ Lý Thường Kiệt đến Lê Thánh Tông. Điều này gợi lại cho tôi giả thiết công tác từ lâu về cuộc thảo luận được xới lên từ đầu thế kỷ 20, khi Maspero bắt tay nghiên cứu “Royal de Van Lang” (Nhà nước Văn Lang), đó là vấn đề thành Cổ Loa và thành Khả Lũ.
Chúng ta có thể khảo sát nhiều hiện tượng địa danh gắn với cách Hán hoá các ngữ âm cổ tương tự như các loại hình địa danh K… và L như Cổ Loa, Kẻ Loa, Khả Lũ. Vấn đề này đã từng được Đào Duy Anh để ý khi ông viết “Đất nước Việt Nam qua các đời”. Theo hướng này, cần tìm nghĩa Cổ Loa, Khả Lũ theo hướng Kuala, Cửa Lò, tức một vùng ngã ba sông hay dạng bến cửa sông, có liên quan đến cư dân chịu ảnh hưởng của ngôn ngữ Mã Lai – Đa đảo vào khoảng thiên kỷ I trước Công nguyên. Hiện tại, ngoại trừ những công cụ kiểu Sơn Vi phát hiện ở một số nơi vùng Cổ Loa (Gò Đường Cấm) thì những cư dân lập làng sớm nhất ở Cổ Loa là những người Đồng Vông, dùng gốm xốp nặng và nhiều viên đá làm chì lưới đánh cá gần gũi với lối sống của cư dân biển từ cách nay khoảng 4000 năm.
Trên đây chỉ là những gợi ý cách tiếp cận. Để chứng thực hay chứng không thực vấn đề, rõ ràng cần nhiều công sức nghiên cứu hơn nữa.