Site icon Tạp chí Đáng Nhớ

Công Chúa Suzy Vĩnh San, Trưởng Nữ Của Vua Duy Tân

Một ngày đầu thu, lá vàng bắt đầu rơi, dọc đường các rặng cây đổi màu từ xanh sang muôn sắc lả úa vàng cho đến đỏ thẫm, tiết trời thay đổi từ lạnh (9°) cho đến dễ chịu (19°), trong cơn mưa tầm tã, tôi lên đường đi thăm công chúa Suzy theo lời “kêu gọi” của bà.
Bà bảo tôi gọi thế cho thân mật, cũng như đến thăm bà cho đỡ buồn. Tên của bà, cũng như hoàn cảnh của bà, là cả một sự rắc rối lịch sử. Bà là một trong những con số ít ỏi công chúa triều Nguyễn còn sống, và là trưởng nữ của vua Duy Tân.
Cuộc đời của bà, dù muốn dù không, mang dấu ấn của vua Duy Tân, gắn liền với những trang sử Việt Nam. Bà sinh ngày 06.09.1929, năm nay tròn 87 tuổi, tại Saint Denis đảo Ile de la Réunion, nơi vua Duy Tân bị Pháp đày đi từ năm 1916, lúc vua mới được 16 tuổi, giữa khi Đại chiến thứ nhất đang bùng nổ.
Gặp lại bà, tay bắt mặt mừng, bà hỏi chuyện về chuyến thăm nhà vừa qua của tôi, khi nào tôi lại về lần tới, thời tiết ở Việt Nam, nhất là sự ngập lụt vừa qua ở thành phố Hồ Chí Minh và rồi đến bão lụt ở miền Trung. Bà nhắc nhở Tết Việt sắp đến và phong tục Tết, lì xì, chúc Tết, và hỏi tôi Tết năm nay rơi vào tháng nào, tháng Một hay tháng Hai.
Công chúa Suzy Vinh San, ảnh do MTT chụp vào tháng 10-2016 tại Pháp
Bà ở một mình trong căn hộ nhỏ, có hai phòng, gần một thành phố cảng nhỏ ở vùng phía bắc biển Đại Tây Dương Pháp. Nơi này khí hậu ôn hòa hơn là ở sâu trong lục địa, ấm áp hơn, nhiều ngày nắng hơn, lại có ít nhiều du khách ghé thăm nên đông đúc nhộn nhịp hơn.
Xưa kia, xuất phát từ những cảng biển của vùng Bretagne, tàu thuyền của nước Pháp đi chinh phục thế giới. Những thành phố ở Bretagne vì thế giầu có lên tột bực nhờ vào kỹ nghệ hàng hải, buôn bán nô lệ, gia vị, trà, cà phê, gỗ, ngà voi, vàng bạc…chiếm được với giá rẻ từ những nước kém phát triển.
Căn nhà được trang trí xinh xắn, trên vách là các tấm ảnh của vua Duy Tân, của mẹ, của gia đình, các bức tranh sơn mài cẩn xà cừ. Trong một góc phòng khách được dùng làm bếp, chất chứa những đồ vật kỷ niệm từ đảo Réunion.
Giọng bà trầm, vang rõ nội lực. Bà đi đứng còn vững, tuy phải chống gậy, nhưng chỉ đi được hai, ba trăm thước là mệt, phải nghỉ. Tinh thần còn minh mẫn, nhưng với thời gian nhiều kỷ niệm đã bị quên lãng.
Cách đây hai năm, bà bị đột quỵ, bởi vậy nên con cháu mới đưa vào chung cư cho người già ở, thường xuyên có người gác để phòng khi. Phải rời căn nhà ấm cúng có vườn hồng thật đẹp ở trước nhà bà tiếc nuối lắm, căn nhà chứa đựng bao nhiêu là kỷ niệm của một gia đình lớn với 9 đứa con, và người chồng yêu quí đã qua đời.
Bà kể:
”Mấy tháng đầu tôi buồn lắm, chưa quen ở đây, nhưng mà cuộc đời đã sang một giai đoạn mới, phải không cháu! Bây giờ tôi lại thấy thích ở đây, cảm thấy được nhẹ gánh nặng. Những công việc hàng ngày, chợ búa, cơm nước, quét dọn, giặt giũ…tôi không phải lo nữa.”
Chúng tôi đi ra bến cảng, nơi những chiếc thuyền du lịch đậu mùa đông. Gió biển thổi lạnh ngắt! Tôi đã nhỏ người, bà lại còn nhỏ hơn tôi, bà bám chặt tay tôi, bước từng bước một, thật chậm.
Chúng tôi co ro, dìu nhau đi vào một quán bên cạnh bến càng, mọi người đang ngồi trong gió lạnh sát cạnh vào nhau để cho ấm.
Câu chuyện xoay quanh chủ đề Việt Nam có những gì mới, những gì vui, rồi lại trở về quá khứ, về chuyện cũ, chuyện của vua Duy Tân và của bà.
Bỗng dưng, bà nói, như vẫn nghĩ trong đầu:
“Cháu biết không? Chưa chắc gì cha tôi, nếu về được Việt Nam, lại thành công!”
Cuộc đời nổi trôi đã đưa bà từ đảo Réunion, sang Madagasca, rồi về Pháp định cư.
Sau những lần dọn nhà như thế là những sự mất mát đồ đạc và kỷ niệm. Bà cho tôi xem vài tấm ảnh của gia đình, phần lớn là ảnh sau khi vua Duy Tân đã qua đời. Trong thời gian ở đảo Réunion, hầu như không có mấy, có lẽ vì cuộc sống yếu kém vật chất.
Công chúa Suzy Vinh San, alias Nguyễn Phúc Lương Bình, trưởng nữ của vua Duy Tân, năm 20 tuổi
Lúc sinh ra đời, bà mang họ mẹ là Antier. Cho đến khi vua Duy Tân tử nạn máy bay trên bầu trời nước Cộng hòa Trung phi, sau cuộc gặp gỡ với tướng De Gaulle vào ngày 14.12.1945, trên đường từ Paris trở về đảo Ile de la Réunion để thăm gia đình vào dịp lễ Giáng Sinh, máy bay rớt xuống ngày 26.12.1945 tại làng Bossako, thuộc vùng M’Baiki, La Lobaye, trên lãnh thổ Oubangui-Chari.
Ngày 22.07.1946 tòa án Saint Denis nhìn nhận những người con này là con đẻ của vua Duy Tân, và cho phép được mang họ cha. Nhưng vì sự không thông hiểu phép tắc đặt tên trong triều đình nhà Nguyễn nên trong sổ hộ tịch Pháp chỉ ghi tên vua Duy Tân là Hoàng tử VINH-SAN, chức vị là Hoàng tử An Nam, cho phép các con vua Duy Tân mang họ Vinh-San, lại không kèm theo chức tước, khiến cho bà và các em không được mang chức vị công chúa và hoàng tử nhà Nguyễn.
Vì thế, bà buồn bã nói:
”Năm tôi lên tám, một hôm cha tôi hỏi tôi rằng: “Con có muốn được cha nhìn nhận không?” Với sự ngây thơ của một đứa trẻ con tám tuổi, tôi đâu biết phải trả lời cha tôi như thế nào?! Bây giờ hối tiếc thì đã muộn.”
Trong thời gian ở đảo, vua Duy Tân lần lượt có 3 người vợ, không hôn thú, đó là các bà Anne-Marie Viale, bà Fernande Antier và bà Ernestine Yvette Maillot, khiến cho tất cả các con đều mang họ mẹ.
Phong tục “Nạp phi” của triều đình nhà Nguyễn là lễ cưới của các vua, sau đó các bà vợ được tấn phong Đệ nhất giai phi (Hoàng quí phi), đệ nhị giai phi…, và phải được Tôn nhơn Phủ, Hội đồng Phụ chính, các bà hoàng mẹ và Cơ mật viện công nhận. Hoàng quí phi lúc bấy giờ của vua Duy Tân là bà Mai Thị Vàng, con gái quan phụ đạo Mai Khắc Đôn.
Sau khi cuộc khởi nghĩa chống Pháp thất bại vì bị Võ An, Trần Quang Trứ và Trùm Tồn tố giác, khiến cho các quan Thái Phiên, Trần Cao Vân…và nhiều người nữa bị Pháp xử tử hình, vua Duy Tân khẳng khái nhận tội cầm đầu cuộc khởi loạn, được quan đại thần Hồ Đắc Trung cứu khỏi tội tử hình, nhưng bị Tôn Nhơn Phủ, Cơ Mật Viện và Pháp xử phải bị truất phế và bị đi đày biệt xứ cùng với cha là vua Thành Thái.
Bà Suzy kể rằng:
”Gia đình cha mẹ tôi sống thanh bạch. Con cái không được hưởng quyền lợi gì cả. Cha tôi luôn từ chối tất cả hậu đãi của người Pháp. Chúng tôi không sống trong lâu đài, nhà chỉ là nhà thuê. Khi cha tôi chết, là cả một bầu trời sụp đổ.“
Ngày 03.11.1916, chiếc tàu Pháp mang tên “Guadiana” đem hai vua, Thành Thái và Duy Tân cùng với người thân, đến đảo La Réunion đi đày, và cặp bến Points des Galles (Réunion) ngày 20.11.1916.
Khác với sự đối đãi với vua Hàm Nghi, đi đày ở Alger (Algérie) vào năm 1889 cho đến khi vua Hàm Nghi qua đời ở Alger năm 1944, vua Hàm Nghi được xã hội Algérie và người Pháp trọng vọng, tuy ngài cũng bị hạ xuống thành Hoàng tử An Nam, như Thành Thái và Duy Tân.
Vua Hàm Nghi sống trong biệt thự, lâu đài, cưới con gái của ông chánh án tòa thượng thẩm Alger là bà Marcelle Laloe làm chánh phi, các con của vua đều mang tước vị hoàng tử, công chúa, cuộc sống sung túc, đầy đủ, đem lại cho vua Hàm Nghi nhiều cảm hứng vẽ tranh, điêu khắc.
Vua Hàm Nghi lại còn được phép đi Pháp, đi Paris. Mỗi năm, vua Hàm Nghi được Pháp cấp dưỡng 80.000 quan, trong khi vua Thành Thái chỉ được 30.000, còn vua Duy Tân bị ngược đãi nhất, vua chỉ nhận được 12.000 quan Pháp. Những số tiền ấy lấy ra ở ngân sách thuộc địa Đông Dương.
Cùng đi đày với vua Duy Tân, có mẹ là bà Nguyễn Thị Định, em gái là công chúa Lương Nhàn (Mệ Cưỡi) 10 tuổi, và bà hoàng quí phi Mai Thị Vàng. Nhưng bà Mai Thị Vàng không chịu nổi cuộc sống xa quê hương, khí hậu của đảo và cuộc đời nghèo khó. (Theo Hồ sơ Duy Tân, Hoàng Trọng Thược). Nhà vua xin cho bà, mẹ và em gái hồi hương, chỉ sau mấy tháng, cả ba bà về Huế.
Vua Duy Tân ở lại một mình trên đảo, tách ly với cha là vua Thành Thái. Vua Thành Thái sống biệt lập với hai bà vợ, và các con, nhất quyết cự tuyệt mọi quan hệ với người Pháp, mặc dù trên quan điểm chính trị, hai cha con Thành Thái-Duy Tân đều cắt tóc ngắn theo phương Tây, chứng tỏ ý chí “thoát Hán”, truyền bá chữ quốc ngữ. Vua Thành Thái là người đã ký đạo dụ, cho giảng dạy chữ quốc ngữ ở các trường học.
Vua Duy Tân, khi ở Huế đã được giáo dục bằng chữ quốc ngữ và tiếng Pháp, tiếp tục học hết bậc Trung Học ở trường Leconte de Lisle trên đảo, thi đậu bằng Tú Tài Pháp, và tiếp tục theo học về Hiến pháp Luật và Dân luật.
Nhưng để đương đầu với nghịch cảnh, vua Duy Tân, trở thành chuyên viên vô tuyến điện, mở một cửa hàng sứa chữa, buôn bán dụng cụ vô tuyến điện, điện thoại, radio…ở số 41 đường Labourdonnais…
Trong một cuộc phỏng vấn dành cho ký giả Pháp Wateblet, vua Duy Tân nói ”Bị đày đến đảo Réunion khi mới 17 tuổi, tôi rất bỡ ngỡ, lạc lõng, không hạp thủy thổ nên bị sốt hoài, đã ba lần tôi bị chứng tiểu tiện ra máu, nhưng lần lần rồi cũng qua khỏi.
Người dân bản xứ đối với tôi rất tốt. Phong cảnh của Réunion đẹp tuyệt, tôi đã đi viếng tất cả các thắng cảnh. Nhưng tất cả các thứ ấy không thể nào làm cho tôi quên được quê hương Việt Nam của tôi.” (trích Thái Văn Kiểm)
Bà Suzy thở dài:
“Cha tôi có quan hệ với những người luật sư, thi sĩ, quan lại hành chính Pháp. Raoul Nativel, một nhà thơ, là bạn của cha tôi. Mỗi buổi chiều cha tôi đều dành để tiếp khách…
Tôi thích nhất là cha tôi đàn vĩ cầm cho một mình nghe. Lúc cha tôi chết, tôi được 16 tuổi…
Giáng sinh năm ấy chờ mãi không thấy cha tôi về, mãi sau mới được tin dữ. Giấy báo tử chính thức được gửi về cho Prince Bửu Lân (Vua Thành Thái.). Gia đình không còn thu nhập của cha tôi cấp dưỡng. Tôi phải bỏ học ngay, tìm việc làm. Mà lúc ấy lương một tháng của tôi chỉ có 5 quan Pháp, một tháng, cháu biết không, 5 quan! Gia đình rất túng quẫn.“
 
Công chúa Lương Nhàn (Mệ Cưỡi), em gái vua Duy Tân, con của vua Thành Thái và Bà Nguyễn Thị Định. Ảnh chụp năm 1947, sau khi vua Duy Tân bị tử nạn, bà sang đảo La Reunion đem ba đứa con trai của vua Duy Tân về Saigon ăn học (Georges, Claude, và Roger). Ngồi dưới chân bà trong ảnh là một cô con gái nuôi và Claude. MTT
Bà Fernande Antier, khi gặp vua Duy Tân thì mới có 14 tuổi (năm 1927). Trong khoảng 18 năm chung sống với vua Duy Tân bà hạ sinh tổng cộng 8 người con: Thérèse, Solange, André, Ginette, Suzy, Georges, Claude, và Roger, nhưng chỉ còn sống có 4 người con, mà Suzy là trưởng nữ.
Bà Suzy kể:
”Tôi tên là Rita Suzy Georgette Vinh-San, khi lấy chồng thì mang họ chồng là Rita Beauval theo hành chánh. Vua Thành Thái đặt tên Việt cho ba người con trai, không đặt tên cho tôi, nhưng tôi lấy tên Việt Nam là Nguyễn Phúc Lương Bình, vì tôi thích cười, thích hòa bình, hòa hợp. Các em tôi được ông nội đặt cho tên là Bảo Ngọc (Georges), Bảo Vàng (Claude) và Bảo Quý (Roger).
Bây giờ, hoàn cảnh đã làm cho mỗi người một nơi, cha tôi an nghỉ ở Huế, mẹ tôi được chôn cất ở Ruffec (Pháp). Claude vừa mới qua đời ở đảo Réunion. Lần thứ nhất tôi về Việt Nam là lần đưa hài cốt cha tôi về Huế, tôi được làm quen với Huế và Việt Nam.
Sau đó, tôi có về Việt Nam bốn lần nữa, kể cả với chồng tôi. Tôi đã được đi thăm Hà Nội, thành phố Hồ Chí Minh và Huế, thăm mộ cha tôi, ngôi mộ đã phủ rêu đen ngòm…
Tôi yêu Việt Nam, muốn về thăm lần nữa, nhưng không thể đi được nữa rồi, tuổi đã lớn, các con tôi không cho đi xa. Cha tôi đã trở về Huế, trở về với lịch sử Việt Nam, còn chúng tôi thì ở Pháp….”
Vua Duy Tân được an táng cùng với những người tử nạn máy bay tại nghĩa trang M’Baiki. Bốn mươi hai năm sau, năm 1987, hài cốt của vua Duy Tân được bốc từ nghĩa trang M’Baiki để chuyển về Huế, thể theo nguyện vọng của Vua và gia đình.
Một buổi lễ cầu siêu cho Vua Duy Tân được tổ chức tại chùa Vincennes ngày 28.03.1987 với sự tham dự đông đảo của nhiều nhân vật Pháp, Việt. Ngày 06.04.1987 vua Duy Tân an nghỉ vĩnh viễn tại An Lăng, Huế, cùng với cha là vua Thành Thái và ông nội là vua Dục Đức.
Sau khi người em gái cùng cha khác mẹ là Marie Gisèle Andrée Vinh San qua đời năm 2011 vì tai nạn đất sụp lở trên đảo Réunion, thì bà Suzy là người con gái ruột của vua Duy Tân duy nhất còn sống. Tôi thấy bà và các con bà sinh ra đều có nét rất rõ của vua Duy Tân, nét Việt Nam, như một nửa của vua Duy Tân vẫn còn sống.
Sau buổi trò chuyện, cuối cùng bà Suzy hỏi tôi về cách luộc gà của người Việt Nam, bà ở một mình, vẫn tự nấu ăn lấy mỗi chiều, và thố lộ món yêu thích nhất của bà là nem chua Huế.

Đính chính vài chi tiết về các trận thuỷ chiến chống quân Nguyên

Đính chính vài chi tiết về các trận thuỷ chiến chống quân Nguyên tại vùng sông Bạch Đằng trong cuộc xâm lăng nước ta lần thứ ba. Đại Việt Sử Ký Toàn...

Người Hoa hơn gì người Việt

Trong khuôn khổ bài viết này, người Hoa được hiểu là người quốc tịch Việt gốc Hoa ở Chợ Lớn – Sài Gòn. Không phải người Hoa đang ở Trung...

Vivi – Huyền thoại trong tuổi thơ tươi đẹp

Họa sĩ Võ Hùng Kiệt sinh năm 1945 tại Vĩnh Long, Việt Nam. Hiện cư ngụ tại Spring Valley, CA, USA. Vivi là bút danh ghép từ hai chữ Việt...

Một góc ấu thơ

Những ngày cuối thu, lá cuốn xào xạc theo chiếc xích lô lững thững trên con phố nhỏ ngả nắng vàng hoe. Đôi tai lỡ bắt chút thanh âm văng...

Phú Yên, Khánh Hòa và Ninh Thuận năm 1992 trong ảnh của Hans-Peter Grumpe

Khám phá vẻ đẹp của biển Đại Lãnh, cuộc sống ở thành phố Nha Trang và những di tích cổ độc đáo của người Chăm tại Ninh Thuận năm 1992...

Thói bạo lực của người Việt

Một lần, nhìn thấy hình ảnh mông một em bé mười hai tuổi bị bầm tím sưng vù vì bị một người lớn có chức vụ – công an xã...

Thói lười học của người Việt

Đọc cái chủ đề “Lười học” hẳn mọi người sẽ phì cười vì nào giờ chúng ta vẫn luôn được nghe rằng “người Việt có tinh thần hiếu học” và...

Nhắc lại cuộc đời cố tổng thống VNCH Trần Văn Hương

“Tôi xin hứa với anh em trong quân đội là ngày nào anh em còn chiến đấu, tôi luôn luôn đứng bên cạnh anh em và ngày nào, chẳng may,...

Trung thu ở Hà Nội năm 1926

Xưởng làm bánh Trung thu trên phố Hàng Đường, con tò he bằng bột gạo, đồ chơi bằng thiếc ở phố Hàng Thiếc… là loạt ảnh đặc sắc về Tết...

Tiểu sử vua Gia Long qua cuốn sách của Marcel Gaultier

Trong lịch sử Việt Nam, cuộc đời của Hoàng đế Gia Long Nguyễn Phúc Ánh còn mang quá nhiều những nghi vấn và những đám mây mù xoay quanh. Triều...

Làm thế nào để nhận biết nghệ thuật Phục hưng Ý?

Đôi khi chúng ta sử dụng từ phục hưng để nói về sự hồi sinh của một cái gì đó nói chung, nhưng trong lịch sử nghệ thuật, Phục hưng...

Chuyện ít ai biết về cung nữ cuối cùng của triều Nguyễn

Cụ Lê Thị Dinh là cháu ngoại của Quận Công Ưng Quyến, em trai của ba vị vua gồm Kiến Phúc, Hàm Nghi, Đồng Khánh. Năm lên 8 tuổi, bà...

Exit mobile version