Cư dân vùng sông nước Tây Nam bộ có hàng nghìn cách nói với những biểu cảm, thái độ thâm thúy khác nhau, tuỳ tình huống. Thành thử khi mới nghe qua, nếu không phải là “người Nam bộ chính cống”, hoặc người nước ngoài cho dù “sành tiếng Việt hơn cả người Việt”, sẽ rất dễ bị ngộ nhận về ý nghĩa, bởi họ không tài nào hiểu nổi được một cách trọn vẹn cái tâm ý cực kỳ sâu xa ẩn chứa trong ấy.
Muộn lắm cũng vào những thập niên đầu thế kỷ thứ XIX, Trịnh Hoài Đức, tác giả sách Gia Định Thành thông chí đã có ghi nhận vấn đề nói của người miền Nam – tuy chỉ “lược cử đôi tiếng” ở một vài khía cạnh. Ta đọc lại một đoạn của ông để biết được mấy tiếng dùng lúc bấy giờ:
“Người nói tiếng thổ thường hay pha trộn tiếng Tàu, tiếng Cao Man, lóng nghe mà lập lần chỉ biết đại khái, chớ không phân biệt được rõ ràng. Như quát mải (mua sỉ) thì nói là ngoa; khi trảm (đối phỉnh) thì nói là khí ngỗ; ấp tạ (vái chào khi ra về) thì nói là xá; phốc tái (đánh nhau) thì nói là bốc chòe; thì (là cái muỗng múc đồ ăn) thì nói là thưng xỉ; đối trừ (khấu trừ) thì nói là tụi phiến, trụy (bổ ngã) thì nói là xí tụi; thái nghi (?) thì nói thói kỷ (?); ruột heo thì nói là tư tậu; cật heo thì nói là tư yêu; sợi miến thì nói là mì xoạ… ấy là nói theo tiếng của người Quảng Đông. Còn như sang sông thì nói là tầm long; người chủ sự thì nói là tằng nhạo; thần ghe thuyền thì nói là thần dục; cái bao nhỏ thì nói là cà giòn; đối trừ thì nói gật, ấy là nói theo tiếng Cao Miên. Những tiếng ấy người ở hạt khác đều không biết, đây lược cử đôi tiếng để nêu sự đặc dị đó thôi” [1].
Với yếu tố thời gian, cộng cùng những tác động khách quan và chủ quan, nhất là trước sự chuyển biến không ngừng từng thời đại, ngôn từ cũng theo đó mà biến hóa, làm cho không ít từ đã trở thành tử ngữ. Dù vậy, trong tinh thần “bảo tồn, bảo tàng” thiết nghĩ các loại sách công cụ cũng nên trân trọng gìn giữ như gìn giữ một loại báu vật thiêng liêng. Có thế đời sau mới có thể nắm biết được đầy đủ các mặt sinh hoạt đời sống thế hệ cha ông. Còn nếu ngược lại, vô hình trung chúng ta đã làm nghèo đi di sản văn hóa phi vật thể cao cấp dân tộc vậy.
Một số cách nói thường dùng của người bình dân
Người sống vùng sông nước Nam bộ có cách nói rất đặc trưng, đó là:
+ Về xưng hô, vợ chồng mới lập gia đình, trò chuyện nhau rất “mắc cỡ miệng” nên thường hay nói trổng tức không gọi chồng (hay vợ) bằng bất cứ tiếng gì (thí dụ: Vợ: “Xế, xách rổ ra đồng đãi kiếm mớ tép làm nhưn đổ bánh xèo ăn chơi“, chồng: “Ừa, sẵn biểu con Tư đổ ít cái bánh khọt chế nước cốt dừa cho thiệt béo, nhớ mần nước mắm chua lạt cho nhiều đặng chấm nghen!”), còn xưng hô với nhau thì nói “người ta” (“Chiều ăn cơm nhà hông đặng người ta chờ?” – vợ hỏi. Chồng trả lời: “Chiều nay người ta ăn đám giỗ bên nhà mợ Út, khỏi chờ!”).
Vợ gọi chồng bằng ông thì đã đành, ngộ cái là chồng cũng thường gọi vợ bằng ông (!), thí dụ: “Ông vô cho thằng nhỏ bú đi. Nó khát sữa, khóc um nãy giờ đó!”. Khi đã có con thì mượn tên đứa con lớn mà gọi nhau, chẳng hạn: “Ba con Thắm”, “Mẹ thằng Sơn”, có khi chỉ gọi “Tía nó”, “Má sắp nhỏ”… Dù đã sinh năm, bảy đứa cũng cứ như thế. Nếu chẳng may đứa lớn chết thì mượn tên đứa kế. Nhưng khi nó đã trưởng thành hoặc có gia đình thì không còn gọi như vậy nữa, vả lại lúc ấy vợ chồng cũng đã lớn tuổi, do đó đổi cách xưng gọi nhau là mình, hoặc ông/ bà… Đặc biệt, ở tuổi đang yêu người ta cũng có gọi nhau bằng mình: “Bấy lâu em còn nghi còn ngại, Bữa nay em kêu đại bằng mình. Phụ mẫu hay đặng không lẽ đánh mình, giết em?!”; “Bên dưới có sông, bên trên có chợ, Hai đứa mình kết vợ chồng nghen!”.
Nhưng “tự nhiên” và “thân mật” nhất vẫn là “mầy, tao”, cho rằng như vậy mới… tình! Ca dao:
– Ngày nào tui kêu mình đặng bằng mầy,
Gối luông chung gối, dạ nầy mới vui!
(Gối luông: Gối dài hai người nằm chung).
– Ra đường võng giá nghênh ngang,
Về nhà hỏi vợ cám rang đâu mầy?
Cám rang tao để cối xay,
Hễ chó ăn hết thì mầy biết tao!
– Ví dầu chồng thấp vợ cao,
Qua kinh, nước lớn cõng tao bớ mầy!
– Cơm sôi bớt lửa bớ mầy,
Kẻo không gạo nhão má rầy tới tao!
– Say nằm bụi chuối anh rên,
Miệng kêu bớ vợ lấy mền đắp tao!
Phải đâu chỉ các chàng mới “sỗ sàng” như thế! Các cô cũng thố lộ:
Chữ tình dán tại cây cau,
Tao nghe má nói gả tao cho mầy.
Bạn bè, trang lứa cũng quen gọi mầy, xưng tao.
+ “Nói ý hiểu tứ”: Dùng trong hoàn cảnh người nói không thể nói trắng ra, mà người nghe vẫn cảm nhận được đầy đủ dụng tâm, dụng ý. Thí dụ hồi thời kháng Pháp, những người thuộc giáo hệ Bửu Sơn Kỳ Hương cũng đã dùng biện pháp “nói ý hiểu tứ” rất nhuần nhuyễn. Chẳng hạn như nói “việc đời đã tới” người trong đạo hiểu là công cuộc chống Pháp đã bắt đầu. Họ rủ anh em “đi lo việc đời”, hoặc nói “đi làm việc nghĩa”, “cứu nhân độ thế”, hay “cứu đời”… thì hiểu là họ xả thân lo cho đời, gác lại mọi việc nhà, quên hết việc riêng tư để cùng nhau tích cực làm tròn bổn phận người dân của mình – tham gia khởi nghĩa đánh đuổi bọn Tây tà để cứu dân, cứu nước.
+ Nói vậy chớ không phải vậy: Cũng là một cách nói rất đặc trưng. Thí dụ: (hỏi): Nó có ở trỏng không? (trả lời): Chắc có (là không chắc có, nhưng với ý là có!). Hay: Mời cháu vô nhà nghỉ. Trả lời: Dạ được! (là chịu vô nhưng phải hiểu là không vô, vì có việc phải đi liền). Hoặc: Bữa nay thấy ngoài chợ người ta có bán tôm càng không? Trả lời: Tôm càng thì hiếm (hay hiếm hiệm – hiếm là ít lắm, nhưng phải hiểu là nhiều lắm).
Với kiểu nói này, nếu không phải là người “Nam bộ chánh cống” thì khó mà hiểu nổi!
+ Nói hổng phải nói: Vẫn biết rằng nói ra thì “hổng phải” nhưng không thể không nói. Thí dụ: “Nói hổng phải nói, tại tiếp mấy quan anh, mình phải đãi la-de coi mới được, chớ cái thứ đó uống biết chừng nào say. Rượu đế mới ghịch». Hoặc: «Nói hổng phải nói chớ mầy mà cứ đeo theo cái nghề buôn lậu, có ngày tán gia bại sản, ở tù nữa là khác!”.
+ Nói mà nghe: Là nói riêng với ai đó về một sự việc mà người nói có ý muốn người nghe không nên nói đi nói lại, để tránh “đôi chối”, tức sẽ không chịu trách nhiệm về lời nói ấy của mình. Thí dụ: “Nói mà nghe, ông ta đầu hai thứ tóc vậy chớ không nên nết!”. Hoặc: “Con nhỏ đó người ta hay nhìn là tại nó “khoe của” chớ ăn nói không “duyên dùng” gì hết!”.
+ Nói trẹo: Là một trong những cách nói đặc trưng nhất của người Nam Bộ. Nếu chưa quen cách nói này người nghe không thể không ngạc nhiên, thắc mắc, nhưng nếu tinh ý một chút, qua quan sát, mọi thắc mắc sẽ tan biến và đồng cảm được ngay. Chẳng hạn như:
– Khi thấy đứa bé kháu khỉnh, dễ thương, các bà các chị hun lấy hun để, âu yếm nựng nó, tỏ vẻ rất cưng nhưng không nói “Thằng nhỏ thấy cưng quá!” mà nói: “Thằng nhỏ thấy ghét quá!”, hoặc “Con nhỏ xấu ghê đi”. Vì sao vậy? Cái gì cũng có duyên do của nó. Dân gian cho rằng nếu khen đứa bé đẹp đẽ, thấy thương thì tục cho là “rủa mát”, cho nên phải “chê”, phải nói xấu thậm tệ để cho quỷ thần không “nhìn” (“bắt” – làm cho chết!). Thế mới nuôi được!
– Du sơn, khi đã mệt đừ, mồ hôi mồ kê nhễ nhại, không thể kéo lê đôi chân nặng trịch thêm nửa bước, bà con vừa hào hển thở vừa nói với người đồng hành: “Leo núi khoẻ quá! Ngồi nghỉ một lát mới được!…
+ Nói tránh: Để thể hiện sự nể trọng bậc trưởng thượng, khả kính, người Nam bộ thường nói tránh – “tránh” xa hơn cả kiểu kỵ huý, vì những tiếng kỵ huý người ta còn giữ âm, thí dụ như tiếng “Kính” là chính tên ông Nguyễn Hữu Cảnh (người có công khai sáng vùng đất phương Nam), người ta nói là “Kỉnh”, rồi “Kỉnh” thành “Kiểng”, lại từ “Kiểng” thành “Cảnh” – Nguyễn Hữu Cảnh. Còn trong cách nói tránh, dân gian có quy ước về âm, như âm uy => oai, thí dụ: thị uy => thị oai, như Nguyễn Văn Thụy => Nguyễn Văn Thoại (Thụy Ngọc Hầu => Thoại Ngọc Hầu). Có khi người ta không quan tâm đến vấn đề giữ âm mà dùng những tiếng có cùng nghĩa. Thí dụ những người theo đạo Tứ Ân Hiếu Nghĩa không nói đường mà nói nẻo, hoặc ngọt (vì đường trùng danh xưng một vị Phật: Đường Công Vương Phật). Trong dân gian cũng không khác, thí dụ ông “Tư” người ta gọi là ông “Bốn”; ông “Năm Núi” thì gọi ông “Năm Sơn… Hoặc chỉ gọi chức hay thứ như “ông Cả” (Hương cả), “ông Hội đồng”…, “ông Út”, “cô Năm” v.v.
Lại có trường hợp nói tránh do quá sợ. Thí dụ như không dám nói con cọp mà nói “ông cọp”, “ông hổ”, “ông cả” (tục xưa ở một số địa phương phải nhường chức Hương cả trong làng cho cọp – có lẽ do trước đó có một hai ông Hương cả đã ngẫu nhiên bị cọp vồ!?), hay “ông hạm”, “ông ba mươi”. Cũng không dám nói con sấu mà nói “ông dài”, con sấu dị tật 5 chân thì nói “ông năm chèo”. Kê 3 cục đất lại bắc nồi lên chụm nấu thì kêu là “ông táo”… Hoặc bị “giời ăn” (chứng nổi mụt từng chòm trắng trắng ngoài da rất nhức, nóng và hay lây); bị “phát bối” (đau ung độc ở sau lưng, chỗ tay sờ không tới); bị “hung thư” (mụt ấy nổi ở trước ngực); hay mụt “bạc đầu”… cho rằng nếu nói ngay tên thì việc điều trị sẽ không thuyên giảm, có khi nguy hiểm đến tính mạng, vì vậy khi có ai hỏi hay cần thiết phải nói, người ta phải kề tai nói nhỏ, hay chỉ nói “bịnh ấy” hoặc “bịnh đó đó”, chứ không nói rõ ra. Phải ráng mà hiểu!
+ Nói cữ: Đúng hơn là cữ nói, cũng tương tựa như vậy. Sở dĩ có chuyện cữ là do khiếp sợ quỷ thần, hoặc sợ vì lý do nào đó không thực hiện được như lời đã nói (hứa) sẽ mắc tội với “thiêng liêng”.
– Trưa, đứng bóng, trời nắng gắt; hoặc chiều, chạng vạng tối là hai thời điểm chuyển đổi thời tiết trong ngày, vì vậy, trẻ sơ sinh cơ thể còn non yếu nên rất dễ bị “trúng gió”, hiểu là cảm (cảm nóng hoặc cảm lạnh) nếu ẵm chúng ra đường. Chuyện là thế, nhưng ngày trước người ta lại cho rằng lúc ấy là “giờ thiêng”, “âm binh” đi đầy đường, do vậy “con nít” hoặc người “yếu bóng vía” (bệnh rề rề) phải ở trong nhà, vì nếu đi láng cháng ngoài đường ắt sẽ bị “bà bắt” (làm cho chết)! Chẳng biết “bà” là bà gì, bà nào, nhưng ai cũng rất khiếp sợ, vì vậy không dám nói rõ là “bà bắt” mà chỉ nói “hổng nên”!
– Những người “tín ngưỡng tôn giáo nặng” định vào chùa làm công quả một thời gian nhất định, hoặc muốn ăn chay có thời hạn, hay ăn chay trường, thường không dám nói ra thành tiếng với ai, mà làm thì cứ làm, ăn chay thì cứ ăn chay, được mấy ngày hay mấy ngày bởi họ nghĩ rằng, nếu nói ra mà vì lý do nào đó không thể thực hiện đúng thì sẽ mắc tội với Trời Phật (!). Cả đến việc đi núi (hành hương chiêm bái) cũng vậy, chừng nào đi thì đi, không dám nói. Muốn rủ ai đi cùng cho có bạn thì nói là “đi lên trển” (!). Chỉ nói mờ ớ như vậy, song “người đồng điệu” vẫn hiểu được.
+ Nói trại (nói trệch): Là cách nói cố sửa đổi cho lệch tiếng chuẩn, tựa như nói tránh, nhưng không cần cùng nghĩa, hoặc gần nghĩa. Có hai lý do chính sanh ra việc nói trại hoặc nói trệch là:
Thứ nhất: Do phiên âm từ thổ ngữ. Thí dụ địa danh Vĩnh Long, ngày trước gọi Vãng Long: Vãng là biến thể của Vũng (chứ không phải Vĩnh) vì nơi đây trước hết gọi Vũng Long (hay Long Úc). Hoặc địa danh Trà Vinh, tên cũ là Trà Vang, ngữ nguyên của nó là Prăc Prabăng. Người Việt lấy chữ Trà thế chữ Prắc, và chữ Vang (rồi Vinh) thế chữ Prabăng. Rõ ràng là không sát lắm với âm của nguyên ngữ, song ta không lấy làm lạ vì người miền Nam phiên âm từ tiếng Khơ-me sang tiếng Việt rất tuỳ tiện, không theo phương pháp hay nguyên tắc nào cả.
Thứ hai: Do cách nói tự nhiên, như đi đường thì nói là đi đàng; nghĩa nhân thì nói là ngỡi nhơn; họ Hoàng nói họ Huỳnh; họ Vũ nói họ Võ v.v.
Cho dù duyên do nào đi nữa thì cuối cùng, đó chẳng qua là cách nói trại tự nhiên của một vùng miền chứ không phải nhứt thiết là nói tránh hoặc cử tên hay kỵ huý.
Về việc nói trại, ngay cả thời trước từng có người phàn nàn, cảnh báo: “Theo phép nước thì các tên vua chúa đều phải kỉnh huý, nói trại bề hoặc viết thiếu nét. Các quan bắt chước cũng ép dân huý tên mình, cha mẹ, tên ông bà, rồi mỗi nhà còn phải huý tên cha mẹ ông bà, lại hát bội tới đâu huý tên hương chức, tổng, hội đồng, tràn đồng như vậy thì không khỏi bao lâu tiếng An Nam đã ít mà lại phải trại bề ráo. Khá nói cho phải, từ khi Tân trào đến đây tới giờ thiên hạ đều bỏ bớt. Nếu y như cựu lệ thì một khi kia phải rối lắm. Như câu: ai có phước cho bằng tôi. Thì phải nói trại: ơi có phúc chu bường tuôi. Mỗi tiếng đều sái ráo thì tiếng An Nam chừng 100 năm phải mất biệt…” [2]
+ Nói lái, nói lắp: Là nói đảo ngược âm/ vần/ thanh một cặp từ, hay 3 – 4 từ (nếu có thể) để trở thành những tiếng khác. Nói lái là một trong những yếu tố cấu thành sự phong phú của tiếng Việt. Nó được dùng trong những trường hợp tuy nghiêm chỉnh nhưng hàm chứa sự ẩn nghĩa, biến nghĩa, hài hước, hoặc chế giễu một cách khá thú vị.
Bất cứ ai kể cả trẻ em cũng nói lái được dễ dàng vì không cần bẻ môi bẻ miệng khó khăn, lại có quy ước đơn giản là không cần phân biệt chính tả mà chỉ cần thuận âm. Thí dụ: Cô Hai đi Sài Gòn nhớ mua giùm tôi giấm sủ (vú sẩm – sẩm là tiếng gọi phụ nữ người Hoa).
Trong bông đùa, người ta thường nói lái hai tiếng đơn giản. Thí dụ như chuyện ở trường học: thầy giáo => tháo giày; nhà trường => nhường trà. (Thầy giáo tháo giày đi chân đất, Nhà trường nhường trà uống nước sôi); giáo chức => dứt cháo; dạy học => dọc hại; bà giáo => báo già; đại học => học đại; hiệu trưởng => hưởng triệu…
Người có khiếu nói lái thường nghiệm chuyện để đùa nghịch với bạn bè, bằng cách tìm một từ/ cặp từ thanh bai, ý nhị nào đó để làm cái cớ mà gài vô câu nói, đặng khi lái những từ ấy, nghiệm ra, ai đó không thể không đỏ mặt! Thí dụ: “Em đẹp quá, trắng như bông cau!” (lái là Bao Công – mặt đen); “Xin giới thiệu, chú Tư đây vốn là người có biệt tài lái vỏ” (lái vỏ là điều khiển máy đuôi tôm chạy chiếc vỏ lãi gần giống như tắc ráng dưới sông rạch, vốn là, và lái vỏ nói lái là…). Hoặc: “Ông Hai vốn nguyên là… địa chủ” – vốn nguyên là, và địa chủ, nói lái là… Hoặc gắn thêm một tiếng theo tên của người ấy, tạo thành một “biệt danh” để đùa. Thí dụ như: Thu cúc (tên Cúc, gắn thêm chữ lót Thu, lái là…), Hồng Mai (tên Mai, gắn thêm chữ lót Hồng, lái là…); Tuấn nổ (Tên Tuấn, hay khoe khoang bốp chát, lái là…), Thái đức (tên Thái, ca ngợi có đức hạnh, lái là…) …
Nói lái hai tiếng có khi lái được năm kiểu khác nhau. Thí dụ từ gốc là Cần Thơ, có thể nói lái là: cơ thần, thân cờ, thần cơ, thờ cân, cân thờ.
Nếu cần nói lái ba tiếng, thì chỉ cần lấy hai tiếng là tiếng thứ nhất và tiếng thứ ba làm căn bản. Thí dụ: Vịnh Thái Lan => Vạn Thái Linh; cá hóa long => công hóa lá; cà dái dê => …; gió quá tay => … quá to.
Nói lái bốn tiếng thì chỉ cần lái tiếng thứ hai và tiếng thứ tư. Thí dụ: bờ biển có cát => bờ bác có kiểng; con cua con rồng => con công con rùa…
Trong kho tàng văn nghệ dân gian có những câu đố với lời giải (lái) hết sức bất ngờ, chẳng hạn như: Vừa đi vừa lủi vừa mỗ (lỗ mũi); Cây xanh xanh, lá xanh xanh, Cái bông trên cành, cái trái cận mây (cây mận); Chợ trong không bán, bán tránh chợ ngoài (bánh tráng); Mai thôi chút nữa thì lầm, Cau dày không bẻ, bẻ nhằm cau ranh (canh rau); Cầm quần cầm áo cầm khăn, Cầm luôn dây nịt mượn em chuộc dùm (trái chùm duột/ ruột); Cong cong như ngọn cần câu, Như bông gà tía hồng hồng máu lia (mía lau)…
Lại thấy đối lái trong “thơ”. Gọn, nhưng hóc búa, hóm hỉnh, nhẹ nhàng:
– Trai Hóc Môn vừa hôn vừa móc.
– Gái Gò Công vừa gồng vừa co.
Đối thật chỉnh, nhưng bởi “mắc hơn chữ Tây” nên đâu phải câu nào cũng đối được! – Nói lái chữ Tây vậy mà còn dễ hơn. Chuyện kể rằng, trong một cửa hàng bán tranh sơn mài, khi nghe cô chủ quầy nói giá, bà vợ Việt “bàn ra”, nhắc khéo, có ý cản chồng (Pháp) đừng mua, bằng cách nói một câu bâng quơ “très chaud” (nóng quá), ông chồng không hiểu ý, nên cứ mua. Về nhà mới rõ lúc ấy bà tế nhị bằng cách nói lái “très chaud” tức “trop cher” là đắt lắm!
Câu thách đối lái sau đây dường như đến nay ai cũng… “bó tay”: “Gái Củ Chi chỉ cu hỏi củ chi?”.
+ Nói lắp và nói cà lăm: Nói lắp hay nói lặp là nói lặp y lại tiếng mới vừa nói (như từ từ, lẹ lẹ, xanh xanh, vừa vừa, khư khư, nhiều nhiều, chang chang…), hoặc gần âm (như đo đỏ, đu đủ, nho nhỏ, tàm tạm, lia lịa…), và cũng có thể gần cùng một nghĩa. Còn cà lăm là nói dấp dính mãi một tiếng hay vài ba tiếng rồi mới nói được tiếng khác tiếp theo, nghe rất buồn cười. Khi trò chuyện với người cà lăm, chờ họ nói xong một câu người ta không thể không cảm thấy khó chịu, thậm chí bực vì cái sự cà lăm này hầu như chỉ diễn ra trong tình trạng gấp rút, hối hả, hoặc tình huống nguy kịch. Thành ra việc gấp hóa muộn, có khi hư việc.
Hệ quả của cà lăm có khi cũng rất khó lường! Một trường hợp:
Anh ta hớt hải chạy vào báo với những người trong nhà:
– Cái thằng, cái thằng, cái thằng, cái mà thằng… Út Mót, thằng Út Mót, nó, nó, nó, nó, cái mà, cái mà té, té, té… dưới sông!
Anh ta cứ “cái mà, cái mà” mãi, thằng nhỏ chết chìm là cái chắc!
+ Nói lịu: Ta không lầm nói cà lăm với nói lịu, vì lịu tuy cũng nói lặp lại vài bốn tiếng câu nói của người khác một cách vô ý thức, hoặc khi quýnh, nói sai rồi sửa lại cũng vẫn sai như vậy, mà nhiều lần như thế. Nguyên nhân là do biết rõ người ấy có tật hay lịu, ai đó chọc chơi, bằng cách bất thình lình vỗ mạnh vào vai hay chụp vào người, tức vừa cố ý làm cho giật mình, vừa nói to vài tiếng gì đó, thí dụ “Má ơi” tức thì họ sẽ “lịu” um lên “Má ơi! Má ơi…” kèm những từ vô nghĩa nói liên tục. Tất nhiên sau đó là một “trận cười” của cả người lịu và những người không lịu. Mạnh ai nấy cười, nhưng riêng người lịu thì do “hết hồn hết vía” và mệt nên không thể không “rủa vui”: “Cái thằng mắc dịch!”; “Quỷ nà!”. Tật lịu dường như chỉ có ở đàn bà, và ít ai bỏ được (hay nói đúng hơn là không chịu bỏ), vì vui!
+ Nói dư: Là nói thêm tiếng để trở thành “tiếng đôi” đặng cho thuận miệng, êm câu. Thí du: “Một năm mười hai tháng mới thấy có xe hơi chạy đường này một lần”. Hoặc (phàn nàn thợ hồ), thay vì nói: “Thợ gì mà làm kỳ quá”, người ta nói: “Thợ thầy gì mà làm ăn kỳ cục quá xá”.
+ Nói đánh đầu: Là nói xóc nặng, hay “nói khía cạnh”, cũng gọi “nói cạnh hồi”, khiến cho người ta nổi nóng. Thí dụ (khi đang gây cãi nhau): “Phải rồi! Thằng này nghèo, chạy xe lôi kiếm sống vậy chớ nó biết dạy con, đứa nào cũng ăn học đàng hoàng; không phải như ai đó tối ngày lo đá gà, cờ bạc, để con đi phá làng, phá xóm”. Hoặc (mắng con): “Chừng này mới 12 giờ khuya, về chi sớm, sao hổng đi luôn đi?!”.
+ Nói lẩy: Là nói giọng hờn dỗi, tuy thiệt cho mình, nhưng do giận quá, nên bất cần, cốt để “lợi gan”. Thí dụ (ghen): “Của cải, tiền bạc trong nhà có bao nhiêu, ông đem nuôi con đĩ đó hết đi! Tui với mấy đứa nhỏ cạp đất ăn cũng được nữa. Hổng cần ông lo!”. Hoặc (thấy chồng đang đánh dạy con): “Củi bửa nè, đập cây này nó mới chết, chớ đánh chi cây roi có bằng cẳng cái nhằm nhò gì!”.
+ Nói lề: Là nói theo tục, về những chuyện vô lý không đáng tin, hoặc đoán hay phê bình một việc với óc dị đoan. Thí dụ người ta nói ngày mùng một Tết không nên chải gỡ, không quét nhà, không mở tủ… mình cũng tin theo, nói theo. Hoặc nói: “Nó thi đậu là nhờ có ăn chè đậu”; “Những người ở ác sẽ không có con”…
+ Nói ngược: Thời Pháp thuộc, nhiều mặt sinh hoạt bị đảo lộn, từ chính trị, đạo đức, văn hóa đến khoa học kỹ thuật… mỗi nơi đều diễn ra quá khác thường! Những người đã có dịp tận mắt chứng kiến “chuyện lạ” về kể lại, người nghe không chịu tin chẳng nói làm gì, đàng này có khi họ đã mắt thấy, tai nghe, sờ đụng mà cũng vẫn còn ngờ! Đàn ông cúp tóc (hớt tóc) ngắn, mặc đồ tây; phụ nữ đầu uốn quăn, ngực độn vú keo (cao) su! Đèn (điện) để ngoài trời gió thổi ù ù không tắt. Xe bay được trên trời v.v. và v.v., toàn chuyện “ngược đời”! Thành ra dân gian không thể không đặt vè nói… ngược để phản ánh cái thời xã hội “bị đảo lộn” ấy: “… Ngựa đua dưới nước, Tàu chạy trên bờ, Lên núi đặt lờ, Xuống sông hái củi, Gà cồ hay ủi, Heo nái hay bươi, Nước kém ba mươi, Mùng mười nước nhảy, Ghe nổi thì đẩy, Ghe cạn thì chèo…”.
Trên nhiều phương diện trật tự xã hội bị đảo ngược, những mẫu người nặng mang truyền thống, quyết gìn giữ cổ tục không thể không cảm thấy xót xa khi mà những cái ngược ấy dần dần “trở thành xuôi”, nên cũng có vè: “Ngồi buồn nói ngược mà xuôi, Cua đinh nó liệng giữa trời không hay, Trời tối đánh chó ra cày, Trâu kia giận sủa, chuột giày ông voi, Thầy bói rủ nhau đi coi, Giữa trưa đốt đuốc đi soi ếch bà, Con nít chạy ẵm ông già, Già đi lẫm chẫm vậy mà té ao, Câu cá vác đá làm phao, Lưới kia đang bủa ào ào trên mây, Sấu mun giỡn tít ngọn cây, Thần trùng bị trói nằm ngay xuống bè…”.
+ Nói móc: Cũng gọi nói móc họng hay nói đâm hông, có ý châm chọc làm cho người ta phải “tức cành hông”. Thí dụ (thấy người ta bị cháy nhà, không còn một chiếc đũa cái, đũa con, đang lâm cảnh màn trời chiếu đất…, thay vì chia sẻ sự đau khổ mất mát quá lớn ấy, ai đó lại nói móc…): “Mấy ông không biết, nó chê nhà lá, đốt bỏ đặng lên nhà đúc đó!”. Hoặc (nói thí thí): “Nó tổ chức đốt nhà đặng bắt bảo hiểm thường. Cháy một thường mười. Trận này nó giàu to đây nè, ở đó mà tội nghiệp!”
+ Nói dóc: Là bịa chuyện ra mà nói, thường không có ý gạt người ta, hoặc có gạt đi nữa thì cũng để cùng nhau mà cười chơi chớ không đến nỗi hại gì cho lắm. Thí dụ như thỉnh thoảng những người chạy xe đò dựng chuyện (hoặc bày ra chuyện khó tin) rồi đồn dội lên rằng, ở… (xứ A xứ B nào đó), có ông già làm chuyện rất lạ: đặt lờ trên ngọn tre! Vậy mà trúng hết biết, lúc nào trong cái lờ ấy cũng thấy mấy chục con tôm càng! (Thế là những người cả tin ùn ùn nhau đi coi cho biết. Đến nơi mới té ngửa ra: có đúng y như vậy thật. Nhưng đó là cái “thật giả”, bởi ai đó đã rất cắc cớ, đem cái lờ treo trên cây tre, có bỏ vô trong đó mấy con tôm… bằng nhựa! Ai nấy chỉ biết nhìn nhau mà cười!).
+ Nói láo: Là nói không thật, tức có nói không, không nói có, tiếng nhà Phật gọi vọng ngữ. Nói láo mang tính dối trá, có ý gạt người. Mà hễ gạt được thì hệ quả tất nhiên là rất tai hại thậm chí nguy hiểm, nhất là “báo cáo láo”. Thí dụ như con đi học xa, chỉ lo chơi bời trác táng đã bị đuổi học mà vẫn gạt cha mẹ rằng học tốt, nên cứ được gửi thêm tiền!
Thành ra, nói dóc và nói láo khác nhau, nhưng thường thì người ta vẫn hiểu như là một. Ở miền Nam có Ông Ó là nhân vật nổi tiếng nói dóc (nhưng bị hiểu là nói láo. Có câu: “Ông Ó nói láo dễ nghe, Còn mầy nói láo chà tre lên đầu”, và “Nói láo là cháu ông Ó”).
+ Nói phóng đại: Đây là cách nói để gây cười vô tư, tức là cười nhẹ nhàng, cười liền, không cần phải suy nghĩ lâu mới thấm, mới cười. Người Nam bộ khá giỏi nói về khoa này, nhưng dám chắc khó ai qua được nhà văn hóa dân gian Nam Bộ Ba Phi – được phong nghệ nhân dân gian. Tất cả những truyện Ba Phi kể, bất kỳ đề tài gì, đều được gọi chung là “Truyện Ba Phi”. Nhờ có óc tưởng tượng cực kỳ kỳ lạ, cực kỳ phong phú, bác Ba Phi nghiễm nhiên trở thành người có biệt tài xuất chúng về nói gây cười. Truyện Ba Phi như là một hiện tượng mới trong làng cười Việt Nam. Thật vậy bất kỳ sự kiện, hiện tượng nào nhất là với những thổ/đặc sản ở quê rừng U Minh Hạ (Cà Mau) lão nông Ba Phi cũng tức thời xây dựng được thành câu chuyện cực kỳ hấp dẫn. Ở đó tính phóng đại được nâng lên mức cực đại, làm tăng thêm tính chất điển hình, sinh động mà vẫn rất đồng điệu với thiên nhiên. Tuy là “nói dóc” nhưng đó là cái dóc rất hóm hỉnh, luôn tạo sự bất ngờ thú vị khiến người nghe không thể không cười lăn cười lộn, sảng khoái cực điểm.
+ Nói rút: Tức nói ríu hay nói lược là rút (lược) hai tiếng lại còn một tiếng. Đó là cách nói dùng “dấu thanh hỏi” thay cho thanh của tiếng người ta đã vừa nói đến. Cách nói này được dùng rất phổ biến như: ở ngoài ấy thì nói là ở ngoải; ở trong ấy nói ở trỏng; bên ấy nói bển, trên ấy nói trển…; hồi năm ấy thì nói là hồi nẳm; xưa thật là xưa nói là xửa xưa; việc mới xảy ra hồi nảy thì nói hổi giờ…; không (hay hông) thì nói khổng (hổng). Thí dụ: “Tôi khổng biết chuyện đó”; “Tôi hổng nghe ai nói như vậy”; ông ấy (hay ông ta) thì nói là ổng. Tương tự, có các tiếng: bả, chủ, ảnh, chỉ, cổ, dỉ, thẳng, mở, con mẻ, thằng chả, thẩy, riêng cẩu, ẻm, chảu, thỉm thì ít dùng, và tất nhiên không nói ríu được những tiếng không thay được dấu thanh, như bác, chít, chắt…
+ Nói rút gọn: Thường được dùng trong những trường hợp cần rút gọn lại một cụm từ có khoảng 4 – 6 tiếng mà những tiếng ấy chừng như đã trở nên quen thuộc, dễ nhận ra đối với người nghe. Thí dụ như, thay vì nói đủ kinh tế tài chính người ta nói kinh tài; hoặc nông dân, thanh niên, phụ nữ thì nói nông thanh phụ; Long Xuyên, Châu Đốc, Sa Đéc nói là Long Châu Sa…
+ Tương tự, người ta cũng thường hay nói tắt đối với một số cụm từ như trường Chu Văn An thì nói trường Chu; đi Vãng Long (Vĩnh Long) nói đi Vãng; vô tuyến truyền hình nói vô tuyến; mời (người rất thân) dùng cơm, chỉ nói “Cơm!” (tất nhiên có kết hợp với cử chỉ, ánh mắt).
+ Nói bắt vần: Là nói cho ăn vận, cho vần câu. Thí dụ (câu hát hài hước): «Em thấy anh tương tư bệnh chắc, em rước ông thầy thuốc bắc, em sắc hai chục chén còn lại một phân. Bỏ thêm một lát gừng sống, một đống gừng lùi, một nùi lá chuối hột, một hộp đương quy, một ky trái táo, năm sáu chục trái cà na, thần sa một lượng, khoai sượng một chục, măng cụt một trăm, rau răm một đám, cám nhuyễn một bao, con gái rao rao mười hai đứa, sứa lửa vài trăm… Huỳnh liên, huỳnh bá, huỳnh cầm… Uống ba thang mà anh không mạnh thì em đào hầm chôn luôn! ».
+ Nói nhốt tiếng: Là nói không đủ tiếng trong câu, người quen nghe vẫn hiểu được. Thí dụ: Đánh đàng (đòng) xa => Đánh… xa; Ăn tô tôi (thôi nôi) => Ăn… tôi; Đi thành phố => Đi… phố; Chị Tư chỉ nói một là một hai là hai! => Chị Tư chỉ nói một… một hai… hai!…
+ Nói nối âm: Thí dụ: Anh em => Anh nem; Hai mươi một (21) => Hăm mốt; Hai mươi năm (25) => Hăm lăm…
+ Nói tiếng đôi để trợ ý: Bên cạnh những tiếng đôi thông thường như xe cộ, tàu bè, cá mắm, cây cối… dân gian còn sáng tạo một “loại hình” tiếng đôi khác khá thú vị, bởi tiếng kèm theo sau có tác dụng làm bật lên ý của tiếng trước liền kề. Thí dụ: Tóc tai (tóc không gọn, để dài phủ lỗ tai); Mần mụn (làm hoài, toàn việc lặt vặt – mụn); Răng cỏ (trường hợp răng xệu xạo, không đều đặn hoặc không đủ – liên tưởng đến loài trâu bò ăn cỏ chỉ có một hàm răng); Ăn bậy ba hột (không muốn ăn nhưng cũng phải ăn cho đỡ đói); Cháo lao (ăn uống không đầy đủ, nghèo khổ, thay vì ăn cơm, chỉ ăn cháo nên không đủ dinh dưỡng – lao).
+ Nói có ý bác bỏ, xem thường, chê khinh: Thí dụ: “Thằng cha đó mà thầy bà gì!”; “Nó nói phách vậy chớ tài ba gì!”.
Phổ biến là lấy âm đầu của tiếng chính cộng thêm vần “iếc”. Thí dụ: Nó thi thì thi chớ đậu điếc gì!; Món đó mà ngon nghiếc gì!; Nghe nói y ta làm giám đốc giám điếc gì đó!; Cha đó hay than chớ nghèo nghiếc gì! v.v. và v.v.
Hãy còn vô vàn cách nói khác, chẳng hạn như nói thiên cơ, nói “ma ma phần phật”, nói tiên tri, nói bắt quàng, nói lẽ, nói vè, nói thơ v.v.
Trở lên là những đặc trưng ngôn ngữ vùng sông nước. Đã là đặc trưng thì có cái hay, cái dở. Cái hay tất nhiên cần phải được trân trọng gìn giữ để làm giàu thêm tiếng nói nước nhà; còn cái dở, cái lạc hậu, trước trào lưu tiến hóa xã hội, và trước yêu cầu chuẩn hóa ngôn ngữ toàn dân, tự nó đã bị đào thải dần. Thật vậy, ngày nay không tìm đâu ra những người nói lịu, hoặc cà lăm; không ai quá kiêng dè chuyện kỵ húy vốn quá rối rắm, tối nghĩa; cũng ít ai nói trẹo, nói tránh… dễ gây hiểu lầm, và cho dù những cặp vợ chồng ít học cũng gọi nhau anh anh, em em ngọt xớt chứ không xưng hô mày, tao quá sổ sàng như trước.
N.H.H.
(1) Gia Định thành thông chí, Tập hạ – Phong tục chí, Nha Văn hóa, phủ Quốc vụ khanh đặc trách văn hóa xb.. S., 1972. Tr. 14, 15.
(2) Dị nhơn ký, Lục tỉnh tân văn, số 37, tr. 8).
[1] Gia Định thành thông chí, Tập hạ – Phong tục chí, Nha Văn hóa, phủ Quốc vụ khanh đặc trách văn hóa xb. S., 1972. Tr. 14, 15.
[2] Dị nhơn ký, Lục tỉnh tân văn, số 37, tr. 8).