Sau khi đọc quyển sử của chúng tôi, bạn bè và thân hữu hỏi „Anh nói ta là Mã Lai. Tôi cũng biết vài tiếng Mã Lai, nhưng nó lại không phải là tiếng Việt Nam.”
Chắc nhiều độc giả cũng thắc mắc như thế, nhưng họ không quen biết với chúng tôi nên không hỏi gì được. Và chắc còn lâu mới là hết ngộ nhận. Thành thử có những điều mà nhiều người cho là rất giản dị, lại bị chúng tôi nói đi nói lại hoài hoài.
I) Thứ nhứt, không nên nghĩ rằng chỉ có những dân tự xưng là Mã Lai, mới là Mã Lai. Đại Hàn không bao giờ tự xưng là Mã Lai hết, nhưng họ lại là Mã Lai thuần túy. Người tự xưng là Mã Lai, lại nói tiếng Ba Tư.
II) Sự giống nhau của danh từ, tùy thuộc rất nhiều điều kiện, không thể giống nhau 100% được.
Trong quyển sử, chúng tôi đã cho một con số: Ta và Nam Dương giống nhau 40%. Thế thì không nên hỏi tại sao là nói Cái Áo, họ không nói Cái Áo.
Nay chúng tôi đổi lại như thế này:
I) Ta và họ giống nhau đến 99,99%, nếu chỉ tính những danh từ của con người cổ sơ.
II) Ta và họ chỉ giống nhau 10% nếu tính về toàn thể danh từ hiện kim.
III) Con số 40% là tỉ lệ giống nhau của ngày tái hợp.
Và xin nhắc lại rằng có hai thứ Mã Lai. Thứ Mã Lai làm chủ Hoa Bắc, đã di cư đến cổ Việt cách đây 5000 năm, được tiền sử học đặt tên là Austrosiatiques, chúng tôi đặt tên là Mã Lai đợt I, Tàu đặt tên là Lạc bộ Trãi.
Thứ Mã Lai làm chủ Hoa Nam đã di cư đi Nam Dương cách đây 2500 năm, được tiền sử học đặt tên là Austronésiens, chúng tôi đặt tên là Mã Lai đợt II, và Tàu đặt tên là Lạc bộ Mã.
Hai thứ Mã Lai ấy đáng lý gì giống nhau 100% vì đồng chủng và tách rời ra chưa lâu. Nhưng họ lại chỉ giống nhau có 99,99% về các danh từ cổ sơ vì bọn đợt II đã sáng tác một danh từ mới để gọi cái CHƠN. Đó là CẲNG.
Nhưng ngày nay thì không phải thế, vì 5000 năm đã qua rồi, họ biết thêm không biết bao nhiêu là thứ và sáng tác khác nhau hết.
Lửa là phát minh đầu tiên của nhơn loại, nhưng lại không thuộc vào số danh từ cổ sơ, vì loài người xuất hiện xong, nhiều chục ngàn năm sau mới thành chủng tộc. Thành chủng tộc rồi thì mỗi nhóm phát minh lửa không đồng lúc, không đồng địa bàn với nhau.
Nhà bác học P. Paris, nhận thấy rằng dân thiểu số Xi Tiêng ở Bình Long, làm lửa theo một phương pháp khác các dân tộc thiểu số khác ở V.N. và phương pháp của họ cổ sơ hơn.
Vậy người Xi Tiêng biết lửa sau các dân tộc khác, và dĩ nhiên, họ có thể gọi lửa không giống ai hết. Nếu họ giống ai là vì họ học theo.
Người Nam Dương rất văn minh vào năm họ di cư, sánh với các thứ Mã Lai khác. Nhưng đến Nam Dương, họ chịu ảnh hưởng ngoại lai, nên họ gọi lửa bằng danh từ của Lưỡng Hà. Cả người Chàm cũng thế.
Hiện nay trong lãnh thổ Việt Nam và ở Đ.N.A có ba hệ danh từ Lửa tất cả. Đáng lý gì, bằng vào đó là biết rằng có 3 giai đoạn biết lửa khác nhau. Nhưng danh từ Chàm và Nam Dương lại là danh từ Lưỡng Hà. Thành thử ta không còn biết là có hai hay có ba. Danh từ của Việt Nam thuộc hệ thống PLƠN. Danh từ AGNI của Ba Tư Ấn Độ, bị Nam Dương biến thành API, Chàm biến thành APUI.
Khi mà LỬA, một món có lâu đời hơn cái nồi, cái nhà, mà cũng khác nhau, thì đừng mong thấy những danh từ sáng tác sau lửa, lại giống nhau được.
Số lượng danh từ giống nhau tùy thuộc thời điểm tách rời nhau của các nhóm trong chủng tộc. Hễ họ tách rời ra trước khi biết lửa thì danh từ Lửa phải khác nhau, hễ họ tách rời ra sau khi biết lửa thì danh từ Lửa phải giống nhau.
Lại có bọn, về sau bị ảnh hưởng ngoại lai, dùng danh từ lửa của ngoại chủng thì lại còn không thể biết gì hết về thời điểm họ tách rời nhau.
Vậy căn cứ vào danh từ LỬA cũng chẳng biết gì cho nhiều, mặc dầu ai cũng tưởng lửa là món cổ sơ. Ta là Lạc bộ Trãi. Đồng bào Thượng là Lạc bộ Trãi. Thế mà ta nói LỬA theo Lạc bộ Chuy, trong khi đồng bào Thượng thì thống nhứt về lửa.
Vậy hồi cổ thời lưu vực Hồng Hà đã đón nhận một số dân Lạc bộ Chuy đông đảo lắm, nên mới mất danh từ lửa và nói theo Lạc bộ Chuy.
Trãi Chuy
UNH: Mạ PLƠN: Cao Miên
ÔNH: Xi Tiêng LỬA: Việt Nam
ON: Sơ Đăng
DÍ: Ka Tu
QUÚ: Kuy
Thế thì bằng vào danh từ, rất khó phân biệt Trãi và Mã, phương chi trong lãnh thổ V.N có nhiều nhóm Trãi chậm tiến và được người Chàm (Mã) khai hóa, như Chu Ru, nhứt là Rôglai. Rôglai dùng đến hơn 60% danh từ hiện kim của Mã.
Ở các chương đầu sách, chúng tôi có xin quý vị bằng vào chế độ hôn nhơn để phân loại họ chớ khó lòng biết họ là Trãi hay Mã, bằng vào danh từ.
Nhưng học khá nhiều rồi thì chúng tôi khám phá được điều kỳ dị sau đây là bọn Trãi có thể mất đến 99% danh từ, nhưng luôn luôn giữ được danh từ CHIM.
Jêh mất gần hết ngôn ngữ, nói gần như Nam Dương nhưng cứ gọi Chim là Tjjem.
Danh từ Chim của Lạc bộ Mã, khác Chim của Lạc bộ Trãi một trời một vực.
MẮT còn đại thắng hơn CHIM nữa. Vì đó là danh từ chung của cả ba nhóm: chi Lạc Trãi, Lạc Mã và chi Ân (trừ Cao Miên thì đánh mất mắt).
Đó là một sự lạ trong nhóm Trãi. Đại khối Mã Lai, có thể mất đến 70% danh từ, như Nhựt Bổn, vẫn giữ được danh từ Mắt. Chỉ có Cao Miên là đánh mất Mắt.
Đa Đảo: MATA
Miền Dưới: MATA
Chàm: MƠTA [1]
Rađê: MƠTA
Giarai: MƠTA
Rôglai: MATA
Bru: MAT
Kuy: MAAT
Jêh: MATA
Mạ: MAT
Khả Lá Vàng: MAT
Việt Nam: MẮT
Bà Na: MAT
Cua: MAT
Churu: MAT
Koho: MAT
Srê: MAT
Tây Tạng: MAG
Sơ Đăng: MA
Thái: TA
Nhựt Bổn: MA TA [2]
———————-
[1]Xin đừng lẫn lộn với Mơtà = Giàu
[2]Nhật lấy chữ Muc của Tà và đọc là Mê để chỉ Mắt, nhưng Mata còn nguyên vẹn trong nhiều danh từ kép của họ. Y như ta, họ mượn tiếng Tàu như còn giữ tiếng Việt ở nhiều trường hợp, thí dụ ta nói RĂNG, mà nói Nha-y-sĩ