Site icon Tạp chí Đáng Nhớ

Một vài điều ít người biết về Lê Lợi bị lược đi trong Toàn thư

Đại Việt sử ký toàn thư (ĐVSKTT) chép về vua Lê Lợi, giai đoạn trước lúc khởi nghĩa như sau:

“Bấy giờ, họ Hồ cướp ngôi nhà Trần, rồi quân Minh xâm lược nước Nam, chia cắt nước ta thành quận huyện, bắt dân ta làm tôi tớ, luật pháp phiền hà khắc nghiệt, thuế má lao dịch nặng nề. Đối với những người hào kiệt trong nước, chúng phần nhiều vờ trao quan tước rồi đem về an trí ở phương Bắc. Vua hiểu biết hơn hẳn mọi người, sáng suốt và cương quyết, không bị quan tước dụ dỗ, không bị uy thế khuất phục. Người Minh đã dùng trăm phương ngàn kế xảo trá, vẫn không dụ được vua.

Trước đó bọn Đặng Tất, Nguyễn Súy ở châu Hóa cùng lập con cháu nhà Trần là Trần Ngỗi, Trần Khoáng làm vua. Nhưng vua thấy họ yếu hèn, lại say đắm tửu sắc, biết là chẳng làm nên chuyện, mới ẩn náu nơi núi rừng, dụng tâm nghiền ngẫm thao lược, tìm mời những người mưu trí, chiêu tập dân chúng lưu ly, hăng hái dấy binh, mong trừ hoạn lớn.” [1]

Sử Trung Quốc chép tiểu sử Lê Lợi có vài điểm khác sử ta. Theo Minh thực lục, trước cuộc khởi nghĩa Lam Sơn, Lê Lợi đã từng giữ chức Kim Ngô Tướng quân cho Trần Quí Khoách; sau đó, “hàng” nhà Minh, giữ chức Tuần kiểm; sự việc được ghi lại qua văn bản dưới đây:

“NGÀY 3 THÁNG GIÊNG NĂM VĨNH LẠC THỨ 16 [8/2/1418]

Viên Thổ quan Tuần kiểm Lê Lợi tại huyện Nga Lạc, phủ Thanh Hóa làm phản; quan Tổng binh Giao Chỉ Phong Thành hầu Lý Bân sai bọn Đô đốc Chu Quảng chinh tiễu. Trước đây Trần Quí Khoách làm phản, Lợi sung chức Kim Ngô Tướng quân ngụy; rồi bó thân xin hàng, được ban chức Tuần kiểm, nhưng vẫn ôm lòng phản trắc. Nay tiếm xưng là Bình Định vương, cho em Lê Thạch làm Tướng quốc ngụy, Đoàn Mãng làm Đô đốc; tụ tập bọn giặc là Phạm Liễu, Phạm Yến mang binh cướp phá. Quân Quảng tới chém hơn 60 thủ cấp, bắt sống bọn giặc Phạm Yến hơn 100 người, bọn Lợi bỏ trốn. Nay Bân tâu xin đem bọn Yến tru lục tại Giao Chỉ để răn đe dân chúng. [Thiên tử] chấp thuận.” [2]

Vương Thế Trinh, một danh thần nhà Minh đời Gia Tĩnh, chép sự việc tương tự trong An Nam truyện:

“Vào năm Vĩnh Lạc thứ 16 [1418] Phong Thành hầu [Lý Bân] tấu Tuần kiểm Lê Lợi làm phản. Lợi vốn là bề tôi của cố Vương Trần Quí Khoách, thiện chiến, được thăng mấy lần đến chức Kim Ngô Tướng quân. Xin hàng, lãnh chức Tuần kiểm; nhưng vì không được cư xử tốt bởi người có đức nên làm phản; đánh phá các quận ấp, tự xưng là Bình Định vương.” [3]

Qua những sử liệu tương phản, câu hỏi cần được đặt ra: Trước khi khởi nghĩa, Lê Lợi có hợp tác với nhà Hậu Trần và nhà Minh hay không?

Nhắm tìm hiểu rộng thêm, hãy tham khảo Lam Sơn thực lục (LSTL), có đoạn chép:

“… Tuy giặc có khéo léo, khôn ngoan nhiều cách, mà tráng chí của nhà vua, trước sau chẳng chịu chùng. Thế nhưng trong lúc thế giặc còn mạnh, chưa dễ đánh được nào. Nhà vua thường hậu lễ nhún lời, đem nhiều vàng bạc đút lót cho các tướng giặc là bọn Trương Phụ, Trần Trí, Sơn Thọ, Mã Kỳ; mong thư bớt lòng hãm hại nhà vua, để nhà vua đợi thời lừa dịp.

Đảng của giặc là Lương Nhữ Hốt bàn với bọn giặc, nói rằng:

– Chúa Lam Sơn chiêu vong, nạp bạn, đãi quân lính rất hậu, chí nó chẳng nhỏ. Nếu thuồng luồng gặp được mây mưa, thì tất không phải là vật ở trong ao đâu. Nên sớm trừ đi, để sau sinh vạ.

Năm Mậu Tuất (1418) khi ấy nhà vua khởi quân tại Lam Sơn.” [4]

LSTL do khai quốc công thần Nguyễn Trãi soạn, vua Lê Lợi trực tiếp đề tựa; đây là tư liệu gốc trước mọi bộ sử của nước ta. Căn cứ vào LSTL, người đọc sử có những nghi vấn như sau:

Nếu là một thường dân, như ĐVSKTT chép, làm sao Lê Lợi có đủ tư cách để liên lạc với các quan lại cao cấp của nhà Minh như bọn Trương Phụ, Trần Trí, Sơn Thọ, Mã Kỳ để đút lót?

Hơn nữa nếu chỉ là thường dân thôi, làm sao có thể “chiêu vong, nạp bạn [dung nạp người làm phản], đãi quân lính rất hậu” như lời Lương Nhữ Hốt tố cáo với bọn giặc.

Nghi vấn này không còn là nghi nữa, nếu căn cứ vào sắc dụ của vua Nhân Tông nhà Minh gửi cho Lê Lợi có đoạn ghi “Ngươi vốn là kẻ lương thiện, từ lâu có lòng thành qui phụ”, chỉ rõ rằng, Lê Lợi trước đó có làm việc cho nhà Minh. Bản dịch sắc dụ như sau:

NGÀY 4 THÁNG 9 NĂM VĨNH LẠC THỨ 22 [26/9/1424]

Sai trấn thủ Giao Chỉ Trung quan Sơn Thọ mang sắc dụ cho Đầu mục Giao Chỉ Lê Lợi. Sắc rằng: “Ngươi vốn là kẻ lương thiện, từ lâu có lòng thành qui phụ. Nhưng quan ty cai trị không đúng cách, sinh ra nghi sợ; rồi ẩn trốn nơi sơn lâm, không toại chí nguyện. Nay sau khi được đại xá, hứa bỏ hết sai lầm quá khứ, hàm chứa sự canh tân. Đặc cách sai người mang sắc dụ, ban cho ngươi chức Tri phủ Thanh Hóa, cai trị dân một phương. Hãy đến nhận chức ngay, để đáp lại sự cứu xét đến lòng thành và bao dung đãi người của Trẫm….” [5]

Một văn kiện khác, đó là “Chiếu tha những người có tội tại Giao Chỉ” [6] có ghi trong Minh Thực lục và được ĐVSKTT chép lại. Chúng tôi dò lại ĐVSKTT, cả phần nguyên văn chữ Nho và bản dịch của Nhà xuất bản Khoa học Xã hội [7] thấy thiếu một đoạn quan trọng. Đoạn văn này xác nhận Lê Lợi, Phan Liêu, Lộ Văn Luật đã từng làm việc cho nhà Minh; chắc Sử thần Ngô Sĩ Liên soạn ĐVSKTT, muốn giấu việc này nên cố tình lược bỏ đi. Nhắm làm sáng tỏ vấn đề, chúng tôi chép toàn bộ bản dịch chiếu thư, riêng phần bị lược bỏ được in đậm, phiên âm, và chép nguyên văn để dễ bề tham khảo:

NGÀY 3 THÁNG 5 NĂM TUYÊN ĐỨC THỨ NHẤT [8/6/1426]

Xuống chiếu tha những người có tội tại Giao Chỉ. Chiếu rằng:

“Đạo trị nước của Trẫm nhắm thương dân; thể hiện lòng nhân từ xót xa, khoan tuất sự lầm lỗi. Giao Chỉ kể từ ngày sáp nhập vào bản đồ đến nay đã đến hai mươi năm; mấy lần gây phản nghịch, làm bận đến vương sư. Nhưng ghét chết thích sống, lòng người không ai nghĩ khác; đâm xuống vực, nhảy vào lửa không phải là bản tâm của con người. Tìm hỏi nguyên nhân đều do quan lại cai trị không đúng, không ngừng cướp đoạt; cảnh tình kẻ dưới không đào đạt được lên, người trên lại không ân trạch ban xuống. Dân chúng lâm cảnh khốn khổ, đâm ra nghi ngờ, bèn trốn vào rừng núi, hô nhau làm loạn, tình cảnh thực bất đắc dĩ. Xét về tội cũng có chỗ đáng thương, nên ban ân mưa móc để đều được thấm nhuần.

Phàm quân dân Giao Chỉ phạm vào tội phản nghịch, bị phát giác hoặc chưa phát giác, bị kết án hoặc chưa kết án; khi chiếu thư đến, tội không kể lớn nhỏ, đều được tha. Lê Lợi, Phan Liêu, Lộ Văn Luật, vốn đã qui phụ triều đình, từng được bổ nhiệm sử dụng, rồi suy nghĩ lệch lạc, để đến nỗi sai trái như vậy. Nay đặc biệt mở con đường đổi mới, nếu thành thực hối cải, trở lại theo điều thiện, giữ tiết bề tôi thì được khoan thứ, vẫn được trao quan chức. Những kẻ bị Lê Lợi bức hiếp theo nghịch, cùng những dư đảng của Trịnh Công Chứng trốn tránh chưa xuất hiện, nay có thể đích thân ra qui thuận, hoặc đến quan sở tại đầu thú cũng đều được tha, quan sẽ trở lại nguyên chức, quân trở lại nguyên đơn vị, dân trở lại với nghề cũ. Sau khi chiếu thư ban ra, như bọn Lê Lợi cùng những kẻ bị cưỡng bách, chấp mê không hối tội, vẫn chống mệnh như cũ, thì quân Thiên-triều gia tăng thảo phạt, hối cũng không kịp nữa.

(Kỳ Lê Lợi, Phan Liêu, Lộ Văn Luật đẳng, bản giai qui tâm triều đình, tằng kinh nhiệm dụng, ngẩu quai nhất niệm, thất ngộ chí thử. Kim đặc khai kỳ tự tân chi lộ, thành năng hối quá tòng thiện, phục thủ thần tiết, tất hựu kỳ tội, nhưng thụ dĩ quan. Cập hữu bị Lê Lợi đẳng bách hiếp tòng nghịch, tịnh Trịnh Công Chứng đẳng dư đảng đào tỵ vị xuất giả, kim năng đình thân lai qui, hoặc phó sở tại quan ty tự thú, quan phục nguyên chức,quân phục nguyên ngũ, dân phục nguyên nghiệp. Chiếu thư đáo hậu như Lê Lợi đẳng cập hiếp tòng chi đồ, chấp mê bất thuân, nhưng tiền cự mệnh, thiên thảo tất gia, hậu hối vô cập.

其 黎 利 潘 僚 路 文 律 等, 本 皆 歸 心 朝 廷, 曾 經 任 用, 偶 乖 一 念, 失 誤 至 此. 今 特 開 其 自 新 之 路, 誠 能 悔 過 從 善, 復 守 臣 節, 悉 宥 其 罪, 仍 授 以 官. 及 有 被 黎 利 等 迫 脅 從 逆 并 鄭 公 證 等 餘 黨 逃 避 未 出 者, 今 能 挺 身 來 歸, 或 赴 所 在 官 司 自 首 一 體 赦 宥, 官 復 原 職, 軍 復 原 伍, 民 復 原 業. 詔 書 到 後 如 黎 利 等, 及 脅 從 之 徒 執 迷 不 悛, 仍 前 拒 命, 天 討 必 加 後 悔 無 及.)

Từ nay trở về sau tại đất Giao Chỉ, ngoài việc nạp thuế lương thực, những việc trưng điều khai mỏ vàng, bạc, muối, sắt , hương liệu, cá, hoa quả đều đình chỉ; vàng, bạc, đồng, tiền, muối, cá ướp được lưu hành trong lãnh thổ, quan phủ không cấm, để tỏ lòng thể tuất của Trẫm đối với dân chúng.” [8]

Xin nhấn mạnh thêm văn bản của ĐVSKTT, câu “Phàm quân dân Giao Chỉ phạm vào tội phản nghịch, bị phát giác hoặc chưa phát giác, bị kết án hoặc chưa kết án; khi chiếu thư đến, tội không kể lớn nhỏ, đều được tha”, đó chỉ mới là câu “chủ đề” (topic sentence) hay “cương”. Người rành về phép viết văn đều biết rằng dưới câu này cần phải có những câu khai triển, như nói về “Lê Lợi, Phan Liêu, Lộ Văn Luật, Trịnh Công Chứng v.v..” trong Minh thực lục. ĐVSKTT đã cố ý không chép những câu đó; khiến người sành văn cảm thấy thiếu, chẳng khác gì kẻ đi thăm triển lãm, chỉ mới được nghe giới thiệu tổng quát tại cửa, mà chưa được bước vào phòng!

*

Hãy hiểu các sự kiện nêu trên vào đúng thời điểm lịch sử xẩy ra. Sau khi Minh Thành Tổ nuốt lời hứa không lập vua nhà Trần, trực tiếp cai trị hà khắc, thì các cuộc khởi nghĩa nổi lên khắp nước ta. Trước tình huống đó, vua nhà Minh đành phải ra chiếu ân xá và nới lỏng phần nào sự bóc lột:

NGÀY 24 THÁNG 2 NĂM VĨNH LẠC THỨ 9 [18/3/1411]

Chiếu dụ Giao Chỉ rằng: “Trẫm nhận mệnh trời, cai trị muôn phương, vĩnh viễn che chở soi xét tình cảnh kẻ dưới; lòng đầy sự thương yêu, sớm chiều canh cánh. Nghĩ rằng Giao Chỉ đã được sáp nhập vào bản đồ, nhưng suốt năm chưa được yên ổn nghỉ ngơi, sau buổi khốn khó giặc giã bèn ban ân khoan hồng như sau: Kể từ ngày 24 tháng 2 năm Vĩnh Lạc thứ 9 trở về trước, những người Giao Chỉ tụ tập trong núi rừng đều được xá tội, quân cho trở lại nguyên đơn vị, dân trở lại với nghề cũ, quan lại quân dân phạm tội chưa bị phát giác cũng được tha. Ngoài thuế lương thực, các loại thuế vàng, bạc, muối, sắt, cá, hoa quả được miễn trưng thu trong 3 năm. Vàng, bạc vẫn cấm không được khai thác; nội bộ trong dân được phép giao dịch bằng vàng, bạc, tiền đồng; nhưng không được đưa ra khỏi lãnh thổ. Những Thổ quan Giao Chỉ rõ ràng có tài năng về việc cai trị quân dân, cho biết tên để thưởng cờ biển làm bằng.” [9]

Chiếu thư ra rồi, có nhiều nhóm lợi dụng thời cơ xin hàng để nghĩ xả hơi, rồi lại tiếp tục nổi dậy. Tình trạng như vậy, vua nhà Minh đành ra chỉ dụ ân xá cho một vài nhóm thuộc loại “hàng rồi phản, phản rồi xin hàng”:

“NGÀY 19 THÁNG MỘT NĂM VĨNH LẠC THỨ 11 [4/12/1413]

Sắc dụ quan Tổng binh Anh Quốc công Trương Phụ, Kiềm Quốc công Mộc Thạnh rằng trong những số đầu mục tại Giao Chỉ có những kẻ đã hàng rồi phản, phản rồi xin hàng. Hãy chọn trong số đó một, hai người, tuyên bố ân mệnh của Trẫm, tha hết tội, lượng tài cao thấp giao trước chức quan, ngõ hầu yên lòng dân chúng.” [10]

Cũng vào năm này [1413] thế lực nhà Hậu Trần gần như sụp đổ, Trần Quí Khoách phải chạy vào Quảng Trị; giao Nghệ An cho Phan Quí Hựu giữ; rồi cha con Phan Quí Hựu, Phan Liêu đầu hàng giặc. Trong hoàn cảnh đó, nếu Lê Lợi tại Thanh Hóa có làm quan cho Trần Quí Khoách thì cũng bị đứt liên lạc và ông cũng biết rằng, lực lượng Trần Quí Khoách không thể cứu vãn được tình hình.

Được biết trong 10 năm kháng chiến, Bình Định vương Lê Lợi mấy lần tạm hòa với giặc, còn sử nhà Minh thì chép là “hàng”. Tại đây cần chính danh cái gọi là “hàng”. Nó không phải là tình trạng được hiểu theo kiểu ngày nay là hạ vũ khí xuống, dơ tay lên trời, rồi số phận hoàn toàn tùy thuộc vào kẻ chiến thắng. Trong Minh thực lục, văn bản đề ngày 7 tháng 2 năm Tuyên Đức thứ 3 [21/2/1428] chép lời tâu của Vương Thông mô tả tình cảnh quân Minh thua trận, Liễu Thăng bị chết chém, Vương Thông cùng đường đành phải làm lễ hội thề rồi giao thành Đông Quan cho Lê Lợi, rồi Lê Lợi lấy danh nghĩa Trần Cảo xin sắc phong cũng gọi là “hàng”:

“Gần đây Lê Lợi tập trung dân bản xứ, tự phong ngụy Vương để làm vững lòng dân chúng, bất ngờ mang đại quân vượt sông xâm lược. Bọn thần mong đại quân đến tăng viện gấp, lại nghe An Viễn hầu Liễu Thăng đến quan ải Trấn Di tử trận, Bảo Định bá Lương Minh, Thượng thư Lý Khánh đều bị bệnh chết, Đô đốc Thôi Tụ mang quân tới Xương Giang thì bị giặc tập kích, Kiềm Quốc công, Tân Ninh bá đến châu Qui Hóa bị giặc ngăn trở không tiến được.

Thần đôn đốc ngày đêm công kích, Lê Lợi sợ triều đình lại mang đại quân đến đánh bắt, bèn sai người đưa thư xin hàng, lại đem đầu mục lớn nhỏ đến cửa quân chịu tội, cùng ngụy Vương Trần Cảo sai người dâng biểu trần tình tạ tội.” [11]

Vậy thực chất chữ “hàng” ở đây có nghĩa là ngưng chiến, và chịu nhận sắc phong của nhà Minh. Bởi vậy nếu từng là Kim Ngô Tướng quân của Trần Quí Khoách, ở vào hoàn cảnh nhà Hậu Trần trên đường sụp đổ; một người quyền biến như Lê Lợi tất không chịu bất lực buông tay, đành tạm “hàng” với quân Minh để giữ gìn thực lực. Cần nhấn mạnh thêm, người xưa không cấm dùng “quyền”; chúng ta còn nhớ câu đối của hai danh nhân đời Nguyễn sơ, Nguyễn Công Trứ đáp lại Hà Tông Quyền như sau “Thánh nhân bất đắc dĩ dụng quyền” [12] . Hơn nữa với chức Tuần kiểm, trông coi một tổ chức bán quân sự, dưới quyền phần lớn là bộ hạ cũ, ít bị kiểm soát, Lê Lợi có cớ chiêu dụ người lưu vong, dung nạp kẻ làm phản như LSTL chép. Việc ngoại giao, đút lót vàng bạc cho tướng giặc Trương Phụ, Trần Trí, Sơn Thọ, Mã kỳ như LSTL đề cập; ít nhiều có tác dụng. Bằng cớ là trong sắc dụ vua Nhân Tông nhà Minh gửi cho Lê Lợi, ghi rằng Sơn Thọ đứng ra bảo lãnh cho Lê Lợi, để được phong chức Tri phủ Thanh Hóa:

“… Sở dĩ có sắc dụ này, vì Thọ tâu trước mặt Thiên tử rằng Lê Lợi và y hợp ý nhau, nay đến dụ sẽ trở về. Thiên tử nói:

– Bọn giặc gian trá, ngươi không biết được; nếu bị lừa, đây là dịp giúp cho thế giặc ngày một lớn, khó mà chế ngự.

Thọ khấu đầu tâu rằng:

– Nếu như thần dụ mà nó không quay về, thì tội thần đáng vạn lần chết.

Bèn giáng sắc này.” [13]

*

Nhắc lại việc LSTL chép về Lương Nhữ Hốt báo động với quân Minh rằng: “Chúa Lam Sơn chiêu vong, nạp bạn, đãi quân lính rất hậu. Nếu con thuồng luồng gặp được mây mưa thì tất không phải là vật ở trong ao đâu; nên sớm trừ đi để lâu sanh họa”. Nhữ Hốt là người Việt theo giặc, chắc rành về người mình hơn; lời báo động của y khiến con “thuồng luồng” Lê Lợi đành phải sớm rời ao tù “Tuần kiểm”, mang quân khởi nghĩa; để rồi “thuồng luồng” sớm biến thành “long” tức “rồng”, một biểu tượng đặc biệt dành riêng cho đấng anh hùng lên ngôi vua!

Nguồn gốc và ý nghĩa của ngày Thất Tịch

Ngày Thất Tịch là ngày 7 tháng 7 Âm lịch, gắn liền với sự tích Ngưu Lang Chức Nữ. Ngày nay, lễ Thất Tịch đã có mặt ở nhiều nước...

Xứ Đàng Trong thế kỷ 17 – Phần 2 – Đất đai phì nhiêu

Người ta dễ dàng nhận thấy là nước lụt đã làm cho đất đai ở xứ Đàng Trong phì nhiêu, như chúng tôi vừa nói. Tuy nhiên, tôi thấy còn...

Gia phả hoàn chỉnh có những mục gì?

Gia phả được coi là hoàn chỉnh trước hết phải là một gia phả được ghi chép rõ ràng, chữ nghĩa chân phương có ghi rõ tên người sao lục,...

Hình hài của quảng cáo Việt Nam trước 1975

Hãy cùng ngược dòng thời gian và tìm hiểu trước năm 1975, hình hài của quảng cáo Việt Nam trông ra sao. Thời kỳ Pháp thuộc (1884 – 1945) Dưới...

Diện mạo thành Bát Quái nổi tiếng Sài Gòn – Gia Định xưa

Mang kiến trúc độc đáo, thành Bát Quái là một công trình phòng thủ quan trọng, giúp các vua Nguyễn giữ vững an ninh vùng Gia Định trong một thời...

Về xuất xứ của câu ca dao “Gió Đưa Cành Trúc La Đà”

Từ trước đến nay đã có rất nhiều bài viết thảo luận về địa danh Thọ Xương. Cũng như nguồn gốc của hai câu ca dao liên quan đến địa...

10 câu châm ngôn tinh túy lưu truyền trong giới cao nhân

Có đôi khi, nhìn vào những trí huệ và cảm ngộ về cuộc đời của người khác, chúng ta có thể cảm thụ được, ít nhất cũng làm thay đổi...

Hình ảnh người Việt 100 năm trước qua ống kính nhiếp ảnh gia người Pháp

Nhiếp ảnh gia Pierre Dieulefils đã từng dày công nghiên cứu, tìm hiểu nền văn hóa Việt Nam. Những bức ảnh được chụp từ năm 1885 của Pierre Dieulefils đã...

Hà Nội xưa – Nghe Cầu Giấy kể chuyện

Cầu Giấy ngày nay đã là một quận với 8 phường, nhưng cái tên của nó lại xuất phát từ một cây cầu rất bé nhỏ nằm trên đường Cầu...

Giai thoại về miếng thịt sống trong bát cơm cuối của tử tù Trung Quốc thời xưa

Có nhiều giai thoại liên quan đến việc hành hình tử tù Trung Quốc thời xưa như trong bữa cơm cuối cùng của họ thường có một miếng thịt sống...

Ảnh cổ Việt Nam và tư liệu – Phần 15

Những bức ảnh Việt Nam xưa được sưu tầm từ nhiều nguồn giúp chúng ta hình dung được khung cảnh Việt Nam trong quá khứ. Mời quý vị cùng xem....

Tổng đốc Phương ở Sài Gòn

Giữa bối cảnh cuối thế kỷ 19 đầu thế kỷ 20, trong khi tầng lớp thượng lưu Hoa – Việt ở Nam kỳ đều chịu ảnh hưởng văn hóa Pháp,...

Exit mobile version