Đũa là một phát minh lớn của người Trung Quốc, hình thành cách đây khoảng 3.000 đến 5.000 năm trước (1). Theo thống kê, trên thế giới có 03 cách chính để ăn cơm, trong đó trực tiếp lấy tay bốc chiếm 40%, dùng dao và nĩa chiếm 30%, còn 30% là ăn bằng đũa.
Lý do người Trung Quốc không dùng dao nĩa trong bữa ăn là vì theo quan niệm của học thuyết Khổng Tử, dao nĩa là những vật dụng liên quan đến bạo lực và binh đao. Mặt khác, một lý do không kém phần quan trọng, đó là các món ăn của người Trung Quốc thích hợp với đũa hơn là dao và nĩa.
Vào đời nhà Thương (Trung Quốc), người ta gọi đũa là trợ (箸) hoặc giáp. Tuy nhiên, theo thư tịch còn ghi chép lại, người dân miền Giang Nam miền Đông Trung Quốc cho rằng, phát âm từ trợ (箸 – có hai phiên âm là zhù và zhuó) và trọ (櫡 – phiên âm zhù) là giống nhau, mà những người đi thuyền trên sông lại rất kỵ “thuyền dừng lại” (trong tiếng Trung Quốc, từ trọ – nghĩa là dừng lại). Do đó, họ đặt ngược ý thành “khoái” (筷 – Phiên âm Kuài), nghĩa là nhanh nhẹn, hoạt bát (2). Từ đó đến nay, người Trung Quốc gọi đũa là Kuài (筷).
Đôi đũa của người Trung Quốc có tiêu chuẩn về chiều dài là 7 tấc 6 phân (khoảng 25.308 cm). “7 tấc 6 phân” là tượng trưng cho “thất tình lục dục” của con người. Ngày nay, có thể nhiều người làm đũa đã không còn chú ý đến chi tiết này nữa.
Điểm mấu chốt là đũa phải gồm hai chiếc, đồng thời người ta chỉ gọi là một đôi đũa chứ không ai lại gọi là hai chiếc đũa. Điều này xuất phát từ khái niệm thái cực và âm dương. Thái cực là một còn âm và dương là hai. Một chính là hai, hai chính là một, trong một bao gồm hai và hợp hai làm một. Đây là triết học của người Trung Quốc.
Khi sử dụng chiếc đũa phải chú ý sự phối hợp và cân đối. Một chiếc động và một chiếc không động mới có thể giữ chặt được thức ăn. Nếu như hai chiếc đều động, hoặc hai chiếc đều bất động thì không thể kẹp được thức ăn. Đây là nguyên lý âm dương của người Trung Quốc, cũng có nguyên lý đòn bẩy của cơ học Tây phương.
Đối với người Việt Nam, việc dùng đũa có một số điều cấm kỵ thường được nhắc đến như sau:
1. Tuyệt đối không được cắm đũa thẳng đứng trong bát cơm, đây là điều tối kỵ.
2. Tuyệt đối không dùng đũa để gõ lên bát, đĩa và bàn (3)
3. Không cho đũa vào trong miệng để gặm.
4. Không dùng đũa cắm vào thức ăn để đưa lên miệng.
5. Tránh việc dùng đũa cao thấp khác nhau trong bữa ăn.
6. Không dùng đũa đẩy bát đĩa hay chỉ người này người khác, nối đũa…
Tham khảo và trích dẫn
• zh.wikipedia.org/zh-hant/筷子
Chú thích
(1) Mãi đến thế kỉ thứ 7, đũa ăn mới được phổ biến tại các nước Đông Á: Nhật Bản, Hàn Quốc, và Việt Nam.
(2) Cũng có giải thích khác cho rằng do chữ trợ đồng âm với chữ trụ (kỵ húy với Trụ Vương), mà chữ trụ lại có nghĩa là dừng lại nên người ta đã đổi ngược nghĩa của nó bằng cách đổi chữ trợ (nghĩa là dừng) thành chữ khoái (nghĩa là nhanh).
(3) Điều này thường bị phá lệ bởi … dân nhậu.