Site icon Tạp chí Đáng Nhớ

Uẩn khúc trong vụ án vua Minh Mạng xử tử bố vợ

Đầu thời vua Minh Mạng, vụ án Phó tổng trấn Gia Định thành Huỳnh (Hoàng) Công Lý là một vụ trọng án làm vua lao tâm khổ tứ và phiền lòng rất nhiều. Vụ án ấy, ít nhiều có liên quan tới Tổng trấn Lê Văn Duyệt. Riêng đời sau, thì đồn đãi đến “tam sao thất bản”.

Lăng vua Minh Mạng.

Sở dĩ nói vậy, bởi nếu đối chiếu những ghi chép trong sử nhà Nguyễn với những nghiên cứu sau này, thì ta nhận thấy có một sự sai lệch đáng kể về vai trò xét xử vụ án của vua Minh Mạng và Tổng trấn Gia Định thành Lê Văn Duyệt. Việc ấy, cũng nên làm sáng tỏ.

Cũng là kẻ quyền cao

Nói về Huỳnh Công Lý, thì trước thời điểm bị tội để rồi sau phải “im hơi, tắt tiếng” với đời, thì chức vụ của họ Huỳnh kể ra cũng đáng nể lắm, bởi lúc ấy đường đường Huỳnh Công Lý đang là Phó tổng trấn, chỉ đứng dưới quan Lê Văn Duyệt mà thôi. Lại thêm điều nữa, ông ta là cha vợ vua Minh Mạng, do có con gái làm phi của vua. Quyền thế ấy, thật không dám coi là nhẹ được.

Về đường làm quan của họ Huỳnh, qua thu lượm những mảnh sử liệu nơi “Đại Nam thực lục”, thì được biết ngay từ thời vua Gia Long, tên tuổi của Huỳnh Công Lý, đã được biết đến rồi. Bởi như ghi chép thì tháng 11 năm Ất Hợi (1815), “Tả thống chế Thị trung là Hoàng Công Lý xin mộ dân ngoại tịch ở Bình Định lập làm đội Thái hương, hằng năm nộp trầm hương mỗi người 1 cân”. Việc này được vua Gia Long ưng chuẩn.

Tháng 10 năm Đinh Sửu (1817), họ Huỳnh lại cùng với Tôn Thất Bính mộ dân ngoại tịch sung vào vệ Nội hầu và các đội Túc trực. Đến cuối thời Gia Long, tháng 7 năm Mậu Dần (1818), họ Huỳnh được bổ làm quan cai trị đất Gia Định: “Lấy Đô thống chế Tả dinh quân Thần sách là Lê Văn Phong làm Phó tổng trấn Bắc thành, Tả thống chế Thị trung là Hoàng Công Lý làm Phó tổng trấn Gia Định”. Cái duyên với đất Gia Định bắt đầu từ đây. Nhưng cũng từ đó, mà tì vết rồi dẫn đến án tử của họ Huỳnh cũng điểm.

Sang thời vua Minh Mạng ở ngôi, tháng 7 năm Canh Thìn (1820), “Quốc triều sử toát yếu” cho biết, có nhà sư Chân Lạp tên Kế làm loạn, tự xưng Chiêu vương, thu thập bè đảng, lấn cướp một số đạo thủ Quang Hóa, Quản Phong, Thuận Thành thuộc trấn Phiên An làm cho dân ta náo động. Được tin ấy, Hoàng Công Lý với tư cách Phó tổng trấn Gia Định đã sai thuộc cấp là Trấn thủ Phiên An Đào Quang Lý đem quân đi trấn áp. Nhưng sức giặc mạnh nên sau đó, Hoàng Công Lý trực tiếp cầm quân, phối hợp với Chân Lạp đánh cho chúng chạy dài. Làm quan đất này, cai trị vùng đất rộng lớn, quyền lực chỉ đứng sau vị Tổng trấn nổi danh Lê Văn Duyệt, họ Huỳnh cũng làm được những việc đáng kể như đã nói ở trên trong việc trị an Gia Định thành vậy.

Tội bất dung tha

Tiếc nỗi, nắm giữ quyền cao chức trọng, đáng ra càng phải giữ mình làm gương cho kẻ dưới mới phải, nhưng họ Huỳnh, lại từ quyền thế chức vị ấy ngày càng lún sâu vào vũng bùn tội lỗi. Bởi như sử nhà Nguyễn cho hay, vào tháng 9 năm Canh Thìn (1820): “Phó tổng trấn Gia Định là Hoàng Công Lý tham lam trái phép, bị quân nhân tố cáo hơn mười việc. Lê Văn Duyệt đem việc tâu lên. Vua bảo Nguyễn Văn Nhân và Nguyễn Đức Xuyên rằng: “Không ngờ Công Lý quá đến thế, công trạng nó có gì bằng các khanh, duy nhờ Tiên đế cất nhắc, ngôi đến Phó tổng trấn, lộc nước ơn vua, thực không phải bạc, thế mà lại bóc lột tiểu dân, làm con mọt nước. Nay tuy dùng phép buộc tội, nhưng dân đã khốn khổ rồi”.

Về tội trạng của họ Huỳnh, xem trong “Ngự chế văn”, ta biết được vua Minh Mạng có dụ ngày 14 tháng 5 năm Minh Mệnh thứ hai, trong đó có đoạn nêu rõ tội trạng của Huỳnh Công Lý là “Trước đây, khi phạm tội Hoàng Công Lý làm Thị trung Tả thống chế, đã không làm rõ được ý trẫm là yêu thương binh lính. Trái lại còn [lợi dụng] làm giàu cho mình, làm hại người khác, sai riêng cấm binh mở ba cửa hàng gạch ngói mưu lợi riêng. Tất cả gỗ đá gạch ngói đều cho chở về xây dựng, nhưng chưa bị phát giác. Đến khi y trở lại nhận chức Phó tổng trấn Gia Định, lòng tham lại càng quá đáng. Nay bị binh lính, dân chúng, thợ thuyền Gia Định tố giác”. Xét ra, 10 tội mà quân dân tâu lên với triều đình, ta thấy được y đã lợi dụng chức vụ mà mưu lợi riêng, vơ vét cho đầy túi tham khi bóc lột binh lính, thợ thuyền Gia Định.

Riêng đời sau, thì có nơi ghi khác, như “Kỷ niệm 200 năm sinh đức Tả quân” chép: “Huỳnh Công Lý là người tham lam, sách nhiễu dân chúng thái quá: nào khi giám đốc việc đào kinh An-thông (kinh Bến-nghé – người dẫn chú) ở Sài-gòn ăn qua kinh Ruột Ngựa và việc vét kinh Bảo-định cho thông từ Chợ cũ My-tho đến rạch Vũng-gù (Tân-an), Lý xuất của kho mà không phát cho dân phu, bắt chẹt để làm tiền điền chủ và người có thân nhân phải đi làm xâu… nào khi xây rộng mộ cha, Lý đã ban mả dời mồ thân nhân kẻ khác chôn gàn đó một việc mà luật nước cấm rất ngặt. Ngoài ra, Lý ỷ thế con gái là sủng phi của vua Minh Mạng nên còn làm nhiều điều tác tệ bất chấp pháp luật triều đình”. Như sách này ghi, thì họ Huỳnh đã “làm tiền điền chủ và những người đi xâu”, rồi lấn đất mồ mả, ỷ thế con gái được vua yêu…Vậy, triều đình sẽ xử y thế nào?

Án tử được tuyên

Việc phạm tội của quan Phó tổng trấn đất Gia Định, được báo về kinh đô. Sau khi đã rõ sự vụ, vua Minh Mạng đã sai đình thần hội bàn “Công Lý bị người kiện, nếu triệu về Kinh để xét, tất phải đòi nhân chứng đến, không bằng để ở thành mà tra xét thì tiện hơn”. Vua cho là phải, bèn hạ Công Lý xuống ngục, sai Thiêm sự Hình bộ Nguyễn Đình Thịnh đến hội với tào thần ở thành mà xét hỏi”. Vậy là từ những lời tố cáo tội trạng của họ Huỳnh, vua Minh Mạng ra lệnh tống giam y vào ngục để xét hỏi, thay vì đưa về kinh để vua trực tiếp xử lý.

Qua truy xét, Huỳnh Công Lý toàn mắc vào trọng tội bất dung tha cả. Điểm này, xem qua “Đại Nam thực lục”, được biết, tháng 5 năm Tân Tỵ (1833), vua dạy “Hoàng Công Lý trước bị tội tham nhũng, tang vật đến trên 2 vạn quan tiền. Sai quan thành Gia Định đòi hỏi. Khi thành án, giao đình thần bàn xét, đáng tội chết, bèn đem giết, tịch thu gia sản đem trả lại binh dân”. Tội ấy, không chỉ khi y làm Phó tổng trấn mới vướng vào, mà ở chức cũ, cũng đã phạm rồi. Bởi, vẫn theo lời vua Minh Mạng, thì “Lý làm Tả thống chế quân Thị trung, ngày ngày bắt quân sĩ xây dựng nhà riêng ở trên bờ sông Hương, đến nay việc phát, hạ lệnh trị giá bán nhà ấy lấy tiền cho cấm binh”.

Người đã trực tiếp xét xử vụ án Huỳnh Công Lý, chính là Tổng trấn Lê Văn Duyệt. Dụ ngày 14 tháng 5 năm Minh Mệnh thứ hai ghi rõ : “Quan Tổng trấn ở đó đã tra xét rõ ràng và tấu trình. Trẫm nghĩ phạm nhân cũng là viên quan lớn ngoài biên nên giáng chỉ cho đình thần họp bàn định tội và phúc tấu. Nay đã trình lên và đều nói tội ác của Hoàng Công Lý chồng chất quá nhiều, xin chém theo luật cho mọi người biết và để răn sau này. Lời nghị tội thật xác đáng. Vậy ngoài việc y lệnh thi hành ra, việc xin sung công cửa hàng”… “Vậy hãy bán cửa hàng đó, được bao nhiêu giao cho Tả dực thống chế Tôn Thất Dịch phân phát cho 5 vệ Tả dực sao cho công bằng, để cho binh lính túc vệ của ta đều được ban ơn”. Theo lời dụ, ta được biết quan Tổng trấn xử vụ Huỳnh Công Lý, nhưng bởi đây là kẻ có quyền cao, đương làm Phó tổng trấn, án liên quan đến sinh mệnh con người, nên vua Minh Mạng chính là người quyết định cuối cùng và theo đó, họ Huỳnh bị tử hình.

Nội dung sự vụ án Huỳnh Công Lý là thế. Nhưng đời sau nhiều ý kiến cho rằng, một tay Tổng trấn họ Lê quyết hết việc này, bởi Tổng trấn Lê Văn Duyệt e rằng nếu giải họ Huỳnh về kinh, thì vua Minh Mạng sẽ tìm cách mà tha cho cha vợ. Ngay như Trương Vĩnh Ký cũng lầm khi trong Ký ức lịch sử về Sài Gòn và các vùng phụ cận (Souvenirs historiques sur Saigon et ses environs), ông có đề cập đến một trong những ngôi mộ nổi tiếng nơi nghĩa trang mà ông biết là mộ Huỳnh Công Lý: “Ai cũng biết ngôi mộ nằm cạnh đường sắt tàu hơi (tramway, khi ấy chưa chạy bằng điện) gần nhà ông Vandelet, Minh Mạng đã chu đáo cho xây ngôi mộ này để tôn vinh bố vợ là Huỳnh Công Lý; ông này bị chặt đầu theo lệnh của Lê Văn Duyệt. Trước đây Huỳnh Công Lý làm quan trấn tỉnh Gia Định (tức Sài Gòn). Trong một lần Tổng trấn du hành ra Huế, Lý đã giao du với các bà vợ của Duyệt. Khi từ kinh về và được thông báo về tính nham nhở của quan phụ tá, Tổng trấn liền cho xử trảm mà không đủ lý do chính đáng, cũng không kiêng nể gì Minh Mạng (Theo chính sử thì vụ này không đơn giản như thế, và Lê Văn Duyệt chưa bao giờ tỏ thái độ quá quắt đối với nhà vua)”…

Đáng sợ gì hơn cả

Loài yếu sợ loài khoẻ, kẻ dại sợ kẻ khôn như chó sợ hùm, mường mọi sợ người văn minh vẫn có. Nhưng cái sợ ấy là cái sợ hoạ...

Châu Nhuận Phát dành hết gia sản 17.000 tỷ cho từ thiện

Chắc hẳn người yêu thích phim Hong Kong không ai là không biết đến chàng diễn viên tài hoa - Châu Nhuận Phát. Không chỉ thành công trong sự nghiệp,...

Lý giải Việt sử 4000 năm bằng khoa học

Tóm lược: Bài này đi từ các cứ liệu lịch sử cổ địa chất của vùng đồng bằng Bắc bộ, và suy luận với tư duy khoa học để loại...

Khảo cứu về danh xưng Việt Thường

Trong các ghi chép lịch sử của Trung Quốc, thì Việt Thường là một cái tên xuất hiện trong nhiều ghi chép, chủ yếu là ở hai sự kiện: sự...

Từng có một Thăng Long kỳ lạ

Trong khoảng thời gian 1639-1645, Daniel Tavernier với tư cách là một viên sĩ quan phụ trách kế toán trên tàu của Công ty Đông Ấn Hà Lan đã đến...

Kiến thiết quốc gia, giúp đồng bào ta

Kiến thiết quốc gia Giúp đồng bào ta Xây đắp muôn người Ðược nên cửa nhà Tô điểm giang san Qua bao lầm than Ta thề kiến thiết Trong giấc...

Hưng Đạo Đại Vương Trần Quốc Tuấn – Danh tướng kiệt xuất của người Việt

Sinh năm 1228, Trần Quốc Tuấn ra đời khi họ Trần vừa thay thế nhà Lý làm vua trong một đất nước đói kém, loạn ly. Trần Thủ Độ, một...

Nguồn gốc tên các châu lục

Xin cho biết nguồn gốc các tên châu Âu, châu Á, châu Mỹ, châu Phi, châu Nam Cực? Đây là những địa danh mà tiếng Việt đã mượn từ tiếng...

Tại sao lại gọi là đường “xá”, phố “xá”

Phố và xá trong phố xá cũng đều là những từ Hán Việt. Phố ở đây có một nét nghĩa là “cửa hàng buôn bán”; xá có một nét nghĩa...

Tháp bà Nha Trang và lược sử Chiêm Thành

Nói đến Nhatrang, "phố biển hiền hòa", "miền thùy dương cát trắng", nằm cách Huế khoảng 624 cây số về phía nam và cách Sàigòn khoảng 442 cây số về...

Các công trình ở Sài Gòn sau trăm năm vẫn còn sử dụng

Sau một thế kỷ, Nhà thờ Đức Bà, Nhà hát Thành phố, Hồ Con Rùa vẫn tồn tại và phục vụ nhiều công năng khác nhau. Chợ Bến Thành Chợ...

Kỷ niệm về Viện Đại học Đà Lạt

Cuối năm 1967, tôi vào học tại Viện Đại học Đà Lạt, sau khi đã hoàn tất năm Dự bị Văn khoa (nhiệm ý Triết học) tại Sài Gòn.Viện Đại...

Exit mobile version