Site icon Tạp chí Đáng Nhớ

Các chuyến đi sứ sang Trung Hoa dưới triều Nguyễn (1802 – 1945)

Lịch sử bang giao giữa Việt Nam và Trung Hoa dưới triều Nguyễn (1802 – 1945) được phản ánh trong nhiều bộ sử biên soạn dưới triều Nguyễn, trong đó, bộ Khâm định Đại Nam hội điển sự lệ (KĐĐNHĐSL) và bộ Đại Nam thực lục (ĐNTL) là những bộ sử ghi chép đầy đủ nhất về những nhân vật, sự kiện, điển lệ… liên quan đến quan hệ ngoại giao giữa triều Nguyễn và triều Thanh như: thể thức sai sứ, tiếp sứ; ngày tháng cử sứ thầìn sang Thanh và đón sứ thần nhà Thanh sang ta; danh mục phẩm vật sứ bộ mang đi và mang về; danh tính các sứ thần và số lượng thành viên trong mỗi sứ bộ; lộ trình và diễn tiến đi sứ…

KĐĐNHĐSL, phần Chính biên, gồm 262 quyển do Nội các nhà Nguyễn khởi biên từ năm 1843 triều Thiệu Trị, hoàn tất vào năm 1851 triều Tự Đức. Đây là bộ sách ghi chép về các điển lệ, các hoạt động trên mọi phương diện đối nội, đối ngoại, chính trị, quốc phòng, kinh tế, văn hóa, khoa cử… trong khoảng thời gian từ đầu triều Gia Long đến đầu triều Tự Đức. Toàn bộ các hoạt động đối ngoại được phản ánh trong mục Bang giao, từ quyển 128 đến quyển 130, trong đó, quyển 128 đã liệt kê những sứ bộ được triều Nguyễn phái sang Trung Hoa từ năm Gia Long nguyên niên (1802) đến năm Tự Đức tam niên (1850), một năm trước khi hoàn tất bộ sách này.1

ĐNTL là bộ biên niên sử do Quốc sử quán triều Nguyễn biên soạn dưới triều Tự Đức (1848 – 1883), bổ túc vào các triều Duy Tân (1907 – 1916) và Khải Định (1916 – 1925), ghi chép những sự kiện quan trọng xảy ra trên khắp nước ta, từ thời các chúa Nguyễn (phần Tiền biên) đến triều Khải Định (phần Chính biên)2, nhất là những sự kiện diễn ra trong cung đình Huế. Vì thế, phần ghi chép về các sứ bộ sang Thanh được phản ánh trong ĐNTL nhiều hơn so với KĐĐNHĐSL.

Tuy nhiên, những ghi chép về các chuyến đi sứ sang Thanh trong KĐĐNHĐSL và ĐNTL trong cùng khoảng thời gian từ năm 1802 đến 1850 lại không hoàn toàn thống nhất với nhau về năm tháng sai sứ và danh tính của sứ thần. Cụ thể như sau:

Về số lần đi sứ: Từ năm 1802 đến 1850, KĐĐNHĐSL liệt kê 19 sứ bộ sang Thanh, nhưng theo ĐNTL trong cùng khoảng thời gian ấy chỉ có 15 sứ bộ sang Thanh. ĐNTL không đề cập các sứ bộ: sứ bộ do Nguyễn Du làm chánh sứ (gọi tắt là sứ bộ Nguyễn Du, đi sứ năm 1813), sứ bộ Nguyễn Xuân Tình (1819), sứ bộ Hoàng Văn Quyền (1825), sứ bộ Nguyễn Trọng Vũ (1829), sứ bộ Hồ Công Thuận (1817), sứ bộ Bùi Quỹ3 (1848) được ghi chép trong KĐĐNHĐSL. Ngược lại, so với ĐNTL, trong khoảng thời gian trên, KĐĐNHĐSL không liệt kê sứ bộ Hoàng Tế Mỹ (1841) và sứ bộ Trương Hảo Hợp (1845).

– Về thời điểm đi sứ: Không có sự thống nhất về năm đi sứ giữa KĐĐNHĐSL và ĐNTL đối với bốn sứ bộ sau: sứ bộ Hoàng Kim Hoán (KĐĐNHĐSL ghi năm 1825 nhưng ĐNTL ghi năm 1824); sứ bộ Hoàng Văn Đản (KĐĐNHĐSL ghi năm 1831, ĐNTL ghi năm 1830); sứ bộ Trần Văn Trung (KĐĐNHĐS ghi năm 1833, ĐNTL ghi năm 1832); sứ bộ Phan Tỉnh (KĐĐNHĐSL ghi năm 1849, ĐNTL ghi năm 1848.

Hệ quả của việc này đã dẫn đến những sai biệt gây tranh cãi trong các biên khảo của các tác giả hậu sinh như Vương Hồng Sển, Phạm Hy Tùng, Trần Đức Anh Sơn, Philippe Truong… khi họ bàn về năm đi sứ sang Thanh và tên của một số vị sứ thần thời Nguyễn4. Một số biên khảo khác như Các sứ bộ do triều Nguyễn phái sang nhà Thanh; Những ông nghè ông cống triều Nguyễn; Chân dung các vua Nguyễn; Khoa cử và các nhà khoa bảng triều Nguyễn; Sứ thần Việt Nam; Chuyện đi sứ- tiếp sứ thời xưa…5, trong phần viết về ngày tháng đi sứ và danh tính các vị sứ thần cũng không thống nhất với nhau.

Trong bài viết này, thông qua việc đối chiếu nhiều nguồn sử liệu với những biên khảo của các tác giả trong và ngoài nước, tôi muốn làm rõ một số vấn đề liên quan đến việc nhà Nguyễn sai sứ sang Thanh; khảo đính danh tính và năm tháng đi sứ của một số sứ thần và bổ túc những sứ bộ từng đi sứ sang Trung Hoa dưới triều Nguyễn, mà vì một lý do nào đó, đã không được đề cập trong các sử liệu và biên khảo trước đây.

Thể thức sai sứ sang Trung Hoa dưới triều Nguyễn và mục đích các chuyến đi sứ

 Theo một quy định do nhà Minh (1368 – 1644) ban hành vào năm Hồng Vũ thứ 7 (1374), cứ ba năm một lần, nước ta phải cử sứ bộ sang tuế cống6. Sau khi nhà Thanh diệt nhà Minh, năm 1663, vua nhà Thanh là Khang Hy cũng theo nếp cũ, định lệ tam niên nhất cống. Tuy nhiên, do đường sá xa xôi cách trở nên thể theo yêu cầu của triều đình nhà Lê, vào năm 1668, vua Khang Hy đổi lệ thành lục niên lưỡng cống nghĩa là sáu năm mới sai sứ đi cống một lần nhưng mang gộp lễ vật của cả hai kỳ tuế cống7. Đến năm 1792, vua Càn Long ban cho triều đình Tây Sơn một chỉ dụ khác về thời hạn tuế cống8 và nhắc lại thời hạn này trong một chỉ dụ ban hành vào năm 1803 sau khi vua Gia Long lập ra triều Nguyễn9. Các chỉ dụ mới này quy định như sau:

– Triều đình An Nam, sau này là Việt Nam (từ 1804 đến 1838), rồi Đại Nam (từ 1838 đến 1945) phải gửi đồ tuế cống cho Trung Hoa hai năm một lần và cứ bốn năm phải có một sứ bộ sang chầu.10

– Ngoài ra, phải có sứ bộ đến Bắc Kinh, mỗi khi có hoàng đế Trung Hoa thăng hà (để phúng điếu) và mỗi khi có hoàng đế mới đăng quang (để chúc mừng).

– Phía Việt Nam cũng cử sứ bộ sang Thanh trong các trường hợp sau: Báo tang một vị vua Việt Nam vừa mất; xin phong vương cho vị vua mới lên ngôi và sau đó phải có sứ bộ sang cám ơn về việc được nhà Thanh phong vương; để chúc mừng sinh nhật vua và hoàng gia nhà Thanh; đi mua sắm vật dụng cho triều đình; đi truy bắt tội phạm trong nước chạy sang Trung Quốc…

– Thời Tự Đức, triều đình còn cử người qua Trung Quốc cầu viện để chống phỉ, hay để do thám hoạt động của các nước Âu tây ở Hương Cảng (như các chuyến đi của Đặng Huy Trứ vào năm 1865 và các năm 1867 – 1868)11 và Thiên Tân (như chuyến đi của Phạm Thận Duật và Nguyễn Thuật vào năm 1882.12 Sau khi Kinh đô thất thủ (5/7/1885), phong trào Cần Vương nổ ra, vua Hàm Nghi còn cử người sang Trung Hoa cầu viện để chống Pháp (như các chuyến đi của Nguyễn Quang Bích vào năm 1885 và năm 1887).13

– Ngoài ra, triều đình còn cử người sang Trung Quốc chuyên trách việc mua hàng hóa, trong đó có việc đặt mua đồ sứ. Đối với những chuyến đi như trên, sử sách triều Nguyễn thường dùng chữ đi công vụ thay cho đi sứ.

Những sứ bộ do triều Nguyễn phái sang Trung Hoa

Như đã đề cập trên đây, các chuyến đi sứ và công vụ sang Trung Hoa dưới thời Nguyễn được phản ánh khá tường tận trong hai nguồn sử liệu chính thức của triều đình là KĐĐNHĐSL và ĐNTL,  nhưng những ghi chép giữa hai bộ sử này có nhiều điểm không thống nhất với nhau.

Để làm rõ những khúc mắc trên, tôi đã tham khảo một nguồn tư liệu quan trọng khác là các tập thơ văn của các sứ giả sáng tác trong hành trình đi sứ, thường được gọi là sứ trình thi (thơ đi sứ). Các tập thơ văn này đã được khảo cứu và giới thiệu trong bộ sách Di sản Hán Nôm Việt Nam thư mục đề yếu (DSHNTMĐY), gồm 3 tập, do Viện nghiên cứu Hán Nôm và Học viện Viễn đông Bác cổ Pháp hợp tác xuất bản năm 1993, in song ngữ Pháp – Việt.14 Ngoài ra, tôi cũng tham khảo, đối chiếu thông tin trong một số biên khảo khác như: Các sứ bộ do nhà Nguyễn phái sang nhà Thanh, Sứ thần Việt Nam, Chân dung các vua Nguyễn (tập 1), Những ông nghè ông cống triều Nguyễn, Khoa cử và các nhà khoa bảng triều Nguyễn, Les ambassades en Chine sous la dynastie des Nguyễn (1804 – 1924) et les bleu de Hué để vấn đề thêm phần sáng tỏ.

Nhờ đối chiếu và phân tích các nguồn sử liệu trên, một số vấn đề liên quan đến các sứ bộ do triều Nguyễn cử sang Trung Hoa, trong khoảng thời gian từ lúc vua Gia Long lên ngôi (1802) cho đến năm 1884, là lúc nhà Nguyễn phá chiếc ấn do nhà Thanh phong15 chính thức không làm phiên thuộc của nhà Thanh nữa vì “đã được nước Pháp bảo trợ”, đã được làm rõ. Cụ thể như sau:

– Về số lần đi sứ: Cả KĐĐNHĐSL và ĐNTL đều ghi chép không đầy đủ. Theo lệ, cứ bốn năm một lần, nhà Nguyễn phải cử sứ bộ mang cống vật đi triều cống nhà Thanh. Đó là các năm tị, dậu, sửu.16 Trừ những năm có chiếu chỉ nhà Thanh tư sang cho miễn lệ cống, như các năm Tân tị (1821) thời Minh Mạng,17 Tân sửu (1841) và tị (1845) thời Thiệu Trị18, các năm tị, dậu, sửu khác đều có sứ bộ đi cống nhưng không được hai bộ sách trên ghi chép đầy đủ. Đó là các chuyến đi cống vào những năm: Quý sửu (1853), Đinh tị (1857), Ất sửu (1865), Kỷ tị (1869), Đinh sửu (1877) và Tân tị (1881), đã không được ghi chép.19 

Nhiều chuyến công vụ đến vùng Lưỡng Quảng, Vân Nam, không lên đến Bắc Kinh, hay các chuyến đi mua hàng ở Quảng Đông, Hương Cảng… cũng không được KĐĐNHĐSL và ĐNTL ghi chép, nhưng lại được phản ánh trong Châu bản triều Nguyễn và trong các tập thơ đi sứ, như:

+ Chuyến đi Quảng Đông mua hàng vào năm Minh Mạng thứ 6 (1825), do Cai đội Nguyễn Đắc Súy và Hàn lâm viện biên tu Trần Văn Trung chỉ huy về đến Đà Nẵng năm Minh Mạng thứ 7 (1826).20

+ Chuyến đi Triều Châu mua sắm vật dụng cho triều đình vào năm Minh Mạng thứ 7 (1826), do Thẩm Trung, thuộc Ty Hành nhân, chỉ huy.21

+ Thuyền Tuấn Đức Trang đi Quảng Đông mua hàng vào năm Minh Mạng thứ 7 (1826).22

+ Sứ bộ do Lý Văn Phức dẫn đầu sang Phúc Kiến vào năm 1831 để giao trả nhóm quan quân nhà Thanh là Trần Khải bị bão đánh giạt vào Bình Định.23

+ Hai chuyến đi sứ của Đặng Huy Trứ, lần đầu vào năm 1865 để “thám phỏng Dương tình” (do thám hoạt động của các nước phương Tây ở Hương Cảng)24 lần thứ hai vào các năm 1867 – 1868.25

+ Chuyến đi Hương Cảng mua hàng của Trần Đình Túc và Nguyễn Huy Tế để cung tiến trong dịp Lục Tuần Đại Khánh của Hoàng Thái Hậu Từ Dũ vào năm Tự Đức 21 (1868).26

+ Chuyến đi Hương Cảng mua hàng cho triều đình của Hoàng Văn Xưởng vào năm Tự Đức 30 (1877).27

+ Chuyến đi sứ của Trần Bích San vào năm 1870 để dò xét tình hình Trung Hoa trước sự xâu xé của các đế quốc Nga, Anh, Pháp, Mỹ… 28

– Về thời điểm đi sứ: ĐNTL luôn ghi thời điểm đi sứ sớm hơn một năm so với ghi chép của KĐĐNHĐSL. Nguyên nhân của việc này là do ĐNTL ghi ngày sứ bộ được triều đình triệu tập hoặc ngày sứ bộ rời kinh đô Huế lên đường đi sứ, còn KĐĐNHĐSL thì phản ánh thời điểm sứ bộ đã sang đến Trung Hoa. Thông thường hai mốc thời gian này cách nhau ít nhất là năm, bảy tháng, thậm chí cách biệt cả năm trời. Vì rằng, sứ bộ khi ra đến Hà Nội “phải có công văn gửi tỉnh Quảng Tây (Trung Hoa) hỏi rõ ngày vào của quan rồi chờ tỉnh ấy trả lời” 29 “lại chép sẵn tờ quốc thư, lối tự sự, lối biền ngẫu, mỗi hạng một bản, tư cho tỉnh Quảng Tây thẩm duyệt trước”.30 Thời gian chờ đợi này thường rất lâu vì các nhà chức trách tỉnh Quảng Tây phải xin ý kiến từ Bắc Kinh. Khi được trả lời mới tư sang cho biết sứ bộ Việt Nam có được phép qua ải hay không? Do vậy, thời gian đi sứ Trung Hoa của một sứ bộ nhà Nguyễn thường kéo dài hai, ba năm trời và đó là nguyên nhân gây ra sự sai biệt trong việc ghi chép thời gian đi sứ giữa hai bộ sử trên.

Đặc biệt, trong hai năm 1840 – 1841, việc đi sứ có nhiều rối rắm. Năm 1841 là năm Tân sửu, đến kỳ đi cống. Vì thế, từ năm Canh thân (1840), vua Minh Mạng đã “cho án sát Hải Dương là Hoàng Tế Mỹ, sung chánh sứ đi tiến cống hàng năm; Lang trung bộ Binh là Bùi Nhật Tiến, đổi bổ Thái thường tự thiếu khanh, sung làm giáp phó sứ; Viên ngoại lang bộ Hộ là Trương Hảo Hợp, gia hàm Hàn lâm viện thị giảng học sĩ sung làm ất phó sứ”.31 Năm 1841 cũng là năm vua Đạo Quang nhà Thanh tổ chức Lục Tuần Đại Khánh Tiết, vì thế triều đình nhà Nguyễn cũng cử thêm một sứ bộ do Nguyễn Đình Tân làm chánh sứ; Phan Tỉnh, Trần Huy Phác làm phó sứ đi mừng thọ vua Đạo Quang. Cả hai sứ bộ này đều rời kinh đô Huế từ năm 1840, đến Hà Nội, chờ ngày mở cửa ải để sang Thanh.32  Trong khi hai sứ bộ đang chờ ở Hà Nội thì vua Minh Mạng băng hà (ngày 29/1/1841), triều đình cử một sứ bộ khác do Lý Văn Phức làm chánh sứ, Nguyễn Đức Hoạt và Bùi Phụ Phong làm phó sứ tức tốc rời kinh sang Thanh báo tang vua Minh Mạng và xin phong cho vua Thiệu Trị. Nhà Thanh được tin đã tư sang cho biết vua Thanh chỉ chấp thuận sứ đoàn sang cáo phó, đình chỉ hai sứ đoàn đi nộp cống và đi mừng thọ vua Thanh, đồng thời có chỉ dụ cho miễn cống nộp luôn cả hai kỳ Tân sửuẤt tị.33 Trước tình hình đó, triều đình cho gọi các quan: Phan Tỉnh, Trần Huy Phác, Bùi Nhật Tiến, Đặng Huy Thuật, quay về kinh đô Huế; riêng Hoàng Tế Mỹ và Nguyễn Đình Tân thì phải ở lại Hà Nội chờ đợi.34 Sau khi sứ đoàn của Lý Văn Phức qua ải ít lâu, một sứ bộ mới do Hoàng Tế Mỹ làm chánh sứ, Nguyễn Đình Tân làm phó sứ cũng lên đường sang Trung Quốc.35 Philippe Trương trong bài khảo cứu Les ambassades en Chine sous la dynastie des Nguyễn (1804 – 1924) et les bleu de Hué và các tác giả sách Sứ thần Việt Nam, có lẽ, do không hiểu hết sự phức tạp trong việc thay đổi nhân sự năm này, chỉ căn cứ vào tên của các vị chánh, phó sứ do triều đình tuyển chọn từ năm 1840, được ĐNTL ghi lại, nên đã liệt kê sai tên của một số vị chánh, phó sứ trong hai sứ đoàn đi sứ năm 1841,36 cũng như cho rằng năm các sứ bộ này sang Trung Quốc là năm Canh tí (1840). Thực ra, năm 1840 họ chỉ mới rời kinh đô Huế ra Hà Nội nằm chờ, chứ chưa sang Trung Quốc. Vả lại, vua Minh Mạng thăng hà vào tháng Chạp năm Canh tí (tháng 1/1841), nên sứ bộ Lý Văn Phức không thể đi báo tang vào năm 1840 như thông tin trong sách Sứ thần Việt Nam.37

Ngoài ra, tên họ của một số vị sứ thần cũng có những khác biệt giữa bản dịch bộ KĐĐNHĐSL của Viện Sử học (do Nxb Thuận Hóa xuất bản năm 1993) với bộ bản dịch bộ ĐNTL, cũng của Viện Sử học (do Nxb KHXH xuất bản từ năm 1962 đến năm 1978) do phiên âm không chính xác, dẫn đến việc một số công trình khảo cứu sau này cũng nhầm lẫn theo. Xin đơn cử một số trường hợp:

+ Tên của vị chánh sứ trong sứ bộ đi năm Giáp tí (1804) là 黎 伯 品. Bản dịch ĐNTL (do Nxb KHXH xuất bản) phiên âm Lê Bá Phẩm là đúng, còn bản dịch KĐĐNHĐSL (do Nxb Thuận Hóa xuất bản) phiên âm là Lê Bá Khản là sai.

+ Tên của vị giáp phó sứ trong sứ đoàn đi năm Mậu thân (1848) là 王有光.Bản dịch KĐĐNHĐSL (do Nxb Thuận Hóa xuất bản) phiên âm là Dương Hữu Quang là sai và tên của vị ất phó sứ trong sứ bộ này là 阮   nhưng cả hai bản dịch KĐĐNHĐSL và ĐNTL nói trên đều phiên âm Nguyễn Du là sai. Phiên âm đúng là Nguyễn Thu.38

+ Tên của vị phó sứ trong sứ đoàn đi năm Kỷ dậu (1849) là 阮文超 bản dịch ĐNTL do Nxb KHXH xuất bản, phiên âm là Nguyễn Văn Siêu là đúng, nhưng bản dịch KĐĐNHĐSL do Nxb Thuận Hóa xuất bản, phiên âm là Nguyễn Văn Diêu là sai.

Từ các nguồn sử liệu và những biên khảo nêu trên, tôi đã cho rằng có ít nhất là 42 sứ bộ đã được phái sang Trung Hoa dưới các triều vua: Gia Long (1802 – 1820), Minh Mạng (1820 – 1841), Thiệu Trị (1841 – 1847), Tự Đức (1848 – 1883) và Khải Định (1916 – 1925) với những mục đích khác nhau (Bảng 1: Xem sách Huế – Triều Nguyễn: Một cái nhìn). Các triều vua từ Dục Đức đến Duy Tân (từ năm 1883 đến năm 1916), không phái sứ bộ sang Trung Hoa vì nội tình đất nước rối ren, phải đối phó với họa xâm lăng của thực dân Pháp. Từ sau Hòa ước Giáp Thân (1884), quan hệ ngoại giao giữa Đại Nam và Trung Hoa đã thực sự chấm dứt do áp lực của thực dân Pháp. Những sứ bộ sang Trung Quốc vào các năm 1921, 1924 và 1925 dưới triều Khải Định không phải là những sứ bộ ngoại giao. Họ chỉ đến Quảng Đông để đặt mua đồ sứ.

Để độc giả tiện tham khảo, tôi xin liệt kê danh mục gồm 42 sứ bộ được nhà Nguyễn phái sang Trung Hoa thời gian từ năm 1802 đến năm 1925. (Bảng 2: Xem sách Huế – Triều Nguyễn: Một cái nhìn)

Nghiên cứu lịch sử bang giao giữa nhà Nguyễn với nhà Thanh là một công việc phức tạp, cần phải đầu tư nhiều thời gian và công sức. Bài viết này chỉ cung cấp một số tư liệu và kiến giải nhằm làm rõ những vấn đề liên quan đến các chuyến đi sứ dưới thời Nguyễn. Kính mong quý độc giả chỉ giáo thêm.

Chú thích

1 Bộ KĐĐNHĐSL, phần Chính biên đã được Viện Sử học phiên dịch. Bản dịch này được Nxb Thuận Hóa xuất bản vào năm 1993, gồm 15 tập. Người viết sử dụng bản dịch này, có tham khảo thêm bản chữ Hán (photocopy), hiện đang lưu giữ tại Phòng Nghiên cứu, Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế. Phần Tục biên hiện đang được Viện Sử học phối hợp với Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế tổ chức biên dịch, sẽ xuất bản trong nay mai.

2 Bộ ĐNTL, cả Tiền biên và Chính biên, đã được Viện Sử học tổ chức phiên dịch, riêng phần Chính biên chỉ dịch đến năm Đồng Khánh thứ 3 (1888). Bản dịch này được Nxb Khoa học (sau đổi tên là Nxb Khoa học xã hội) xuất bản trong các năm 1962 – 1978, gồm 38 tập. Người viết sử dụng bản dịch này

3 Có tư liệu ghi là Bùi Ngọc Quỹ.

4 Xem các biên khảo Les Bleus de Hué à décor Mai hạc (BSEI, Vol.19, 1944. pp. 57 – 64) và Khảo về đồ sứ cổ men lam Huế (Nxb TpHCM, 1993) của Vương Hồng Sển; Có phải các sứ bộ bang giao thời Nguyễn kiêm nhiệm vụ đặt lò sứ Trung Hoa làm đồ sứ cho triều đình? (Thông tin KH&CN, Số Xuân Canh Thìn – 2000, tr. 162 -172)  của Phạm Hy Tùng; Les ambassades en Chine sous la dynastie des Nguyễn (1804 – 1924) et les bleu de Hué ( Bản đánh máy vi tính, Paris, 1998) của Philippe Truong; Trao đổi với tác giả bài viết “Có phải các sứ bộ bang giao thời Nguyễn kiêm nhiệm vụ đặt lò sứ Trung Hoa làm đồ sứ cho triều đình? (Thông tin KH&CN, số 3/2000, tr. 89 – 99) của Trần Đức Anh Sơn

5 Xem thêm:

– Đỗ Bang, Nguyễn Minh Tường, Chân dung các vua Nguyễn, Tập 1, Nxb Thuận Hóa, 1996.

– Bửu Cầm, Các sứ bộ do triều Nguyễn phái sang nhà Thanh, Sử địa, số 2, 1966, tr. 46-51.

– Bùi Hạnh Cẩn, Nguyễn Loan, Lan Phương, Những ông nghè ông cống triều Nguyễn, Nxb VHTT, Hà Nội, 1995.

– Phạm Đức Thành Dũng, Vĩnh Cao, Khoa cử và các nhà khoa bảng triều Nguyễn, TTBTDTCĐ Huế hợp tác với Nxb Thuận Hóa, Huế, 2000.

– Nguyễn Thị Thảo, Phạm Văn Thắm, Nguyễn Kim Oanh, Sứ thần Việt Nam, Nxb VHTT, Hà Nội, 1996.

6,7 Hoàng Xuân Hãn, Vụ Bắc sứ năm Canh thìn đời Cảnh Hưng với Lê Quý Đôn và bài trình bằng văn Nôm, Sử địa, Số6/1967, tr. 3-5;143-162.

8 Deveria, G. (1880), Histoire des Relations de la Chine avec l’ Annam – Vietnam du XVIe au XIX siècle, Ernest Leroux Editeur, Paris, p.52.

9 Nội các triều Nguyễn, KĐĐNHĐSL, Bản dịch của Viện Sử học, tập 8, Nxb Thuận Hoá, Huế, tr. 305.

10 Đổ Bang, Nguyễn Minh Tường. Tài liệu đã dẫn. tr. 19

11 Phạm Tuấn Khánh, Chuyến đi sứ của Đặng Huy Trứ và một tư liệu chưa được công bố, Thông tin TTKH&CN, Số 3/199, tr. 85 – 90.

12 Quốc sử quán triều Nguyễn, ĐNTL, tập 35, Bản dịch của Viện Sử học, Nxb KHXH, Hà Nội, 1977, tr. 161.

13 Phạm Đức Thành Dũng, Vĩnh Cao (2000), Khoa cử và các nhà khoa bảng triu Nguyễn, TTBTDTCĐ Huế hợp tác với Nxb Thuận Hóa, Huế, 2000, tr. 528.

14 Viện nghiên cứu Hán Nôm và Học viện Viễn đông bác cổ Pháp, Di sản Hán Nôm Việt Nam. Thư mục đ yếu, 3 tập, Nxb KHXH, Hà Nội, 1993

15 Sau Hoà ước Quý mùi (1883) do Pháp ép buộc triều đình Huế ký kết, mối quan hệ ngoại giao giữa triều Nguyễn với nhà Thanh bị buộc phải chấm dứt, khâm sứ Pháp ở Trung Kỳ nhiều lần đòi triều đình Huế nộp cho họ chiếc ấn do nhà Thanh phong trước đây. Để chiếc ấn khỏi rơi vào tay người Pháp, triều đình đã cho phá chiếc ấn tại toà Khâm sứ Trung Kỳ trước sự chứng kiến của người Pháp. ĐNTL ghi: “Nay nước Đại Nam đã nhận nước Pháp bảo trợ, không làm phiên phục nhà Thanh nữa, thì cái ấn nhà Thanh ấy, nên lấy ngày trao đổi lại để trả nước ấy. Nhưng đã nói mãi hai, ba lần vẫn đu như thế. Nguyễn Văn Tường bàn lại: Thôi thì phá đi đđúc cái khác. Sau đó thì phá, đúc thành khối bạc tại sứ quán nước ấy (tức toà Khâm sứ Trung Kỳ – TĐAS)”. Đến đây, việc sai sứ sang nhà Thanh với tư cách là các phái đoàn ngoại giao thực sự chấm dứt. (ĐNTL , Tài liệu đã dẫn, tập 36, tr. 119)

16 KĐĐNHĐSL, Sđd, tr. 305

17, 18  KĐĐNHĐSL. Sđd, tr. 307, 308

19  Dựa vào các thông tin trong DSHNTMĐY và trong Sứ thần Việt Nam, tôi xác định chuyến đi sứ vào năm 1853 là do Phan Huy Vịnh làm chánh sứ, Vũ Văn Tuấn làm phó sứ, còn chuyến đi sứ năm Kỷ tị (1869) thì do Lê Tuấn làm chánh sứ, cùng đi có Nguyễn Tư Giản, Hoàng Tịnh và đi trong hai năm 1868 – 1869. Riêng năm Tân dậu (1861), ĐNTL cho biết triều đình có cử sứ bộ đi cống nhưng không ghi tên các vị chánh phó sứ  (tập 29, tr.  255)

20 Cục lưu trữ nhà nước, Đại học Huế, Trung tâm Nghiên cứu Việt Nam và Giao lưu Văn hóa,  Mục lục châu bản triu Nguyễn, 2 tập, Nxb Văn hóa, Hà Nội, 1998, tr. 356.

21 Mục lục châu bản triu Nguyễn, Tài liệu đã dẫn, tr.  379.

22 Mục lục châu bản triu Nguyễn, Tài liệu đã dẫn, tr. 711.

23 Sứ thần Việt Nam, Tài liệu đã dẫn, tr. 263 và 281.

24 Phạm Tuấn Khánh, Tài liệu đã dẫn, tr. 85 – 90.

25 Phạm Tuấn Khánh (1995) “Chuyến đi sứ của Đặng Huy Trứ và một tư liệu chưa được công bố”, Thông tin Khoa học và Công nghệ (TTKH&CN), (3), tr. 85-90 và Trần Đình Sơn (2000), “Cần nhìn nhận đúng đắn hơn về danh nhân văn hóa Đặng Huy Trứ (1825 – 1874)”, Kỷ yếu Hội thảo khoa học Danh nhân văn hóa Đặng Huy Trứ, Huế, tr. 138-146.

26 Hai người này được phái sang Hương Cảng để truy tìm một phạm nhân của triều đình tên là Lê Duy Định đang trốn tại đó và tập hợp bè đảng, mua vũ khí chống lại triều đình. Đồng thời kết hợp mua một số hàng hóa để cung tiến trong lễ mừng Lục Tuần Đại Khánh của Hoàng Thái Hậu Từ Dũ (Châu bản triều Tự Đức. Tờ 209 – 214, Dẫn theo cuốn Châu bản triu Tự Đức 1848 – 1883, Ban Văn học thuộc Viện KHXH TpHCM tuyển dịch và tóm lược, Tài liệu đánh máy, 1979, tr. 104).

27 Châu bản triều Tự Đức. Tờ 159-163. Dẫn theo cuốn Châu bản triu Tự Đức 1848 – 1883, Tài liệu đã dẫn, tr. 181

28 Nguyễn Thị Thảo, Phạm Văn Thắm, Nguyễn Kim Oanh (1996), Sứ thần Việt Nam, Nxb VHTT, Hà Nội, 1996, tr.162-163.

29 KĐĐNHĐSL. Tài liệu đã dẫn, tr. 305.

30 KĐĐNHĐSL. Tài liệu đã dẫn, tr. 306.

31 ĐNTL , Tài liệu đã dẫn, tập 22, tr. 303

32 ĐNTL , Tài liệu đã dẫn, tập 22, tr. 303

33 ĐNTL , Tài liệu đã dẫn, tập 24, tr. 96

34 ĐNTL , Tài liệu đã dẫn, tập 23, tr. 41 – 42

35 ĐNTL , Tài liệu đã dẫn, tập 23, tr. 60

36 Vương Hồng Sển, Les Bleus de Hué à décor Mai hạc, BSEI, Vol.19, 1944. pp. 57 – 64

37 Chổ này sách Sứ thần Việt Nam còn có thêm một nhầm lẫn khác khi viết rằng: “Năm 1840: Lý Văn Phức sang báo tang vua Thiệu Trị“.(tr. 271) Thực ra, Lý Văn Phức đi báo tang vua Minh Mạng và xin phong cho vua Thiệu Trị vào năm 1841, chứ không phải năm 1840, như đã phân tích trên đây.

38 Riêng về trường hợp sứ thần Nguyễn Thu (阮) trên tạp chí Thông tin KH&CN (Số 3/2000), tôi đã có bài trao đổi với Phạm Hy Tùng về vấn đề này. Sở dĩ Phạm Hy Tùng cho rằng không có sứ giả nào tên là Nguyễn Thu đã từng đi sứ dưới triều Nguyễn là bắt nguồn từ việc KĐĐNHĐSL và ĐNTL phiên âm sai tên vị sứ thần này. Nguyễn Thu, sinh năm 1799 mất năm 1855, trước tên là Nguyễn Bảo (阮 保 ), tự là Tĩnh Quất, hiệu là Cửu Chân và Tĩnh Sơn, người làng Hương Khê, Nông Cống, Thanh Hoá. Ông đỗ cử nhân khoa Tân tị (1821), làm quan đến chức án sát. Năm 1841, được sung làm Biên tu Quốc sử quán, tham dự biên soạn ĐNTL (tiền biên), sau thăng đến Thị giảng học sĩ (1844), tước Hồng lô tự khanh. Năm 1848, được ban tước Quang Lộc tự khanh, sung làm phó sứ trong sứ bộ do Thị lang bộ Lễ là Vương Hữu Quang làm chánh sứ đi Trung Hoa báo tang. Sau khi đi sứ về, ông được thăng chức Thị lang bộ Hộ. Nguyễn Thu trước tác khác nhiều (15 tác phẩm), tiêu biểu là các tác phẩm: Quốc sử ký biên, Kinh Môn phủ chí, Thanh Hà huyện chí, Tinh thiu tu bút, Phương Sơn từ chí lược, Điển lễ lược khảo, Lê quý kỷ sự… (tr. 11 -12). Không chỉ KĐĐNHĐSL và ĐNTL mà một số biên khảo khác cũng phiên âm sai tên vị sứ thần này. Quốc triu hương khoa lục chép tên ông này là Nguyễn Bảo và ghi thêm: ‘sau đổi là Nguyễn Du” (tr. 128). Cuốn Những ông nghè ông cống triu Nguyễn, cũng chép tương tự, nhưng ghi rõ hơn: “sau đổi là Nguyễn Du, có sách chép là Nguyễn Thu” (tr. 455). Cuốn Bang giao trong Khâm định Đại Nam hội điển sự lệ do Tố Nam Nguyễn Đình Diệm dịch, in ở Sài Gòn năm 1968, đã phiên tên vị sứ thần này theo lối phát âm miền Nam là Nguyễn Thâu, nhưng do lỗi xếp chữ, đã in nhầm thành Nguyễn Thân (tr. 29). Philippe Truong căn cứ vào bản dịch này nên trong bài Les ambassades en Chine sous la dynastie des Nguyễn (1804 – 1924) et les bleu de Hué, đã ghi tên vị sứ thần này là Nguyễn Thân (tr. 12). Vương Hồng Sển, tuy tham khảo bản dịch này nhưng trong cuốn Khảo v đồ sứ cổ men lam Huế khi liệt kê các thành viên của sứ bộ đi năm 1848, đã ghi đúng tên vị sứ thần này là Nguyễn Thâu (theo lối phiên âm miền Nam) (tr. 161).

39 Chuyến đi sứ này còn được phản ánh trong Cẩn Trai thi tập, là tập thơ của Trịnh Hoài Đức, in năm 1819, trong đó có một chương tên là Quan quang tập, gồm 152 bài thơ do Trịnh Hoài Đức làm trong chuyến đi sứ nói trên (Xem DSHNTMĐY, tập I, tr. 108).

40 Chuyến đi này còn được phản ánh trong Hoa trình thi tập, là tác phẩm tập hợp nhiều bài thơ của các tác giả từng đi sứ sang Trung Hoa. Trong tập thơ này Nguyễn Gia Cát góp mặt 56 bài thơ do ông làm trong chuyến đi sứ sang Thanh từ năm 1802 đến năm 1803 (Xem DSHNTMĐY, tập I, tr. 796).

41 Tham gia sứ bộ này có Vũ Huy Tấn, hiệu Đạm Trai, tác giả Hoa trình học bộ tập, là tập thơ văn viết về chuyến đi sứ này (Xem DSHNTMĐY, tập I, tr. 792).

42 Trong lần đi sứ này Nguyễn Du đã làm 130 bài thơ, miêu tả những cảnh tượng ông gặp trên đường đi sứ, tập hợp thành tập Bắc hành tạp lục (DSHNTMĐY, tập I, tr. 96 – 97).

43 Chuyến đi sứ này còn được phản ánh trong tác phẩm Sứ trình tạp vịnh, tập thơ do Khuê Nhạc chép lại những bài thơ đi sứ vào năm 1817, trong đó có 21 bài thơ tả phong cảnh và ghi lại cảm tưởng trong chuyến đi sứ của Phan Huy Thực. (DSHNTMĐY, tập II, tr. 729 -730).

44 Ngô (Thì) Vị về sau chết tại Vĩnh Thuần (Quảng Tây) trên đường đi sứ. Ông đã để lại tác phẩm Mai Dịch trâu dư văn tập, gồm 93 bài thơ, 1 bài phú và 12 bài văn vịnh phong cảnh và các cổ tích trên đường tác giả đi sứ Trung Quốc năm 1820-1821 (Xem DSHNTMĐY, tập I, tr. 267).

45 Chuyến đi sứ không được ghi lại trong KĐĐNHĐSL, nhưng được Nhữ Bá Sĩ, hiệu là Nguyên Lập, phản ánh trong tác phẩm Nguyên Lập việt hành tạp thảo thi. Tập văn thơ này do Nhữ Bá Sĩ sáng tác trong thời gian đi sứ Quảng Đông vào năm Minh Mệnh Quý mùi (1823), nhưng trong cuốn DSHNTMĐY in là “năm Minh Mạng Quý tị (1823)”, có lẽ do chữ Quý vị (mùi) bị in nhầm. Trong đó, có những bài thơ vịnh phong cảnh trên đường đi và thơ xướng họa với các bạn thơ trong Hội Trung ngoại quần anh (Hội thơ của người Trung Quốc và Việt Nam) (DSHNTMĐY, tập I, tr. 411). Tham khảo thêm Những ông nghè ông cống triu Nguyễn, Tài liệu đã dẫn, tr.  756).

46 ĐNTL cho biết sứ bộ Hoàng Kim Hoán và sứ bộ Hoàng Văn Quyền cùng đi sứ Trung Hoa vào tháng 10 năm Giáp thân (1824) (tập 7, tr. 91). KĐĐNHĐSL cho biết cả hai sứ bộ cùng đến Bắc Kinh vào năm Ất dậu (1825) (tập 8, tr. 307). Philippe Truong trong bài nghiên cứu Les ambassades en Chine sous la dynastie des Nguyễn (1804 – 1924) et les bleu de Hué, căn cứ vào năm đi sứ trong ĐNTL là năm Giáp thân (1824) nên cho rằng sứ bộ này đã đem về những món đồ sứ ký kiểu hiệu đề Giáp thânGiáp thân niên chế. Đó là những chiếc ống cắm bút vẽ phong cảnh sơn thủy –  nhân vật, đề tài ngư tiu canh mục (tr. 7). Tôi cho rằng những món đồ sứ ký kiểu hiệu đề Giáp thân Giáp thân niên chế không thể do các sứ bộ này mang về vì họ xuất phát tại Huế vào tháng 10 năm Giáp thân, đến Hà Nội phải chờ hàng tháng trời mới được qua ải nên không thể kịp đặt đồ sứ trong năm Giáp thân. Những món đồ sứ ký kiểu hiệu đề Giáp thânGiáp thân niên chế, có thể do sứ bộ của Nhữ Bá Sĩ, đi từ năm Quý mùi (1823), về vào năm Giáp Thân (1824), ký kiểu tại Quảng Đông. Trong chuyến đi sứ này Phan Huy Chú, bút danh là Phan Mai Phong đã sáng tác 275 bài thơ, 4 bài phú, 8 bài từ, sau tập hợp lại in thành tập Hoa thiu ngâm lục vào năm 1826, có kèm bài tựa của tiến sĩ Hà Tông Quyền, hiệu Tấn Phủ, phản ánh toàn bộ hành trình đi sứ (Xem DSHNTMĐY, tập I, tr. 790).

47 Lượt về của sứ bộ này được phản ánh chi tiết trong Châu bản triu Nguyễn: “Ngày 28/3 năm Minh Mạng thứ 7, Hiệp tổng trấn Bắc Thành Nguyễn Hữu Thận tấu trình v việc ngày 18/3, 2 sứ bộ sang Thanh (của Hoàng Kim Hoán và Hoàng Văn Quyn đu đi năm Minh Mạng thứ 6 (1825), trở v đến Thăng Long. Hai chánh sứ Hoàng Kim Hoán và Hoàng Văn Quyn theo trạm v trước, 4 phó sứ còn lưu lại Thăng long để kiểm soát đồ vật. Hộ tào Nguyễn Công Thiệp đã cùng các phó sứ kiểm kê đồ vật mua được; chọn các loại hàng hóa nhẹ như gấm, đoạn…gồm 14 thùng, phân thành 12 gánh chuyển theo đường bộ v Kinh từ ngày 25/33. Còn hàng nặng gồm 16 thùng thì niêm phong, giao cục Tạo tác giữ gìn, cùng với 53 hòm tư trang của 2 sứ bộ và tùy tùng, chờ để chuyển v kinh bằng đường biển”. (Châu bản tập 15, tờ 212 – 213) (Dẫn theo Mục lục châu bản triu Nguyễn, Tài liệu đã dẫn, tr. 420).

48 Sứ bộ này không được ghi chép trong KĐĐNHĐSL cũng như trong ĐNTL, nhưng sự hiện hữu của nó được phản ánh qua tác phẩm Sứ hoa quyển (còn có tên khác là Sứ Thanh văn lục), gồm những văn kiện ngoại giao giữa triều Nguyễn và triều Thanh được sưu tập qua chuyến đi sứ của Phan Thế Trung vào năm Minh Mệnh thứ 8 (1827) (DSHNTMĐY, tr. 723).

49 Theo KĐĐNHĐSL (tập 8, tr. 308) thì sứ bộ Hoàng Văn Đản đi sang Trung Hoa vào năm Tân mão (1831), nhưng theo ĐNTL (6ập 10, tr. 164), sứ bộ Hoàng Văn Đản đi sứ Trung Hoa từ năm 1830. Theo tôi, có trường hợp này là do cách ghi năm tháng đi sứ khác nhau giữa KĐĐNHĐSL và ĐNTL mà tôi đã phân tích trên đây. Tôi đã dựa vào tập thơ Hoa trình tục ngâm, do một thành viên trong sứ đoàn này là phó sứ Phan Huy Chú, sáng tác trong chuyến đi sứ này. Tập thơ này gồm 127 bài, đã được Phan Huy Chú công bố tại Lý Giang, Quế Lâm, Trung Quốc vào năm Nhâm thìn (1832). Theo phản ánh trong tập thơ này thì chuyến đi sứ bắt đầu từ năm Tân mão (1831) và đến năm Nhâm thìn (1832) thì sứ bộ của Hoàng Văn Đản và Phan Huy Chú vẫn còn ở Trung Hoa (DSHNTMĐY, tập 1, tr. 799).

50 Đây là nhóm quan quân nhà Thanh do Trần Khải cầm đầu bị bão đánh dạt sang nước ta từ năm Tân mão 1831. Trong chuyến đi này Lý Văn Phức đã sáng tác nhiều thơ văn, tập hợp thành tập Mân hành tạp vịnh thảo (còn có tên là Mân hành thi thoại) (DSHNTMĐY, tập 2, tr. 275).

51 Chuyến đi sứ này cũng được mô tả trong quyển Hoa trình lược ký, in chung trong tác phẩm Hoa trình ký thi họa tập do tiến sĩ Đặng Văn Khải soạn, Vũ Tông Phan và Phan Thanh Giản viết tựa, in năm Minh Mạng thứ 15 (1834). Tác phẩm này gồm 3 quyển: Hoa trình lược ký, Dương hành thi tậpThận Đình anh ngữ. Trong đó tập Hoa trình lược ký là tập thơ phản ánh hành trình của sứ bộ đi sứ Trung Hoa trong hai năm 1833 -1834 (DSHNTMĐY, tập 1, tr. 794).Phan Thanh Giản cũng sáng tác Sứ trình thi tập, gồm 147 bài thơ đề vịnh phong cảnh, cảm hoài, xướng họa… trong chuyến đi sứ năm Quý tị (1833) này (DSHNTMĐY, tập 2, tr. 731).

52 Chuyến đi sứ này không được KĐĐNHĐSL ghi lại, nhưng được phản ánh qua tác phẩm Việt hành ngâm thảo. Đây là tập thơ văn của Lý Văn Phức, tự Lân Chi, hiệu là Tô Xuyên và Khắc Trai, làm lúc ông đi công cán ở Quảng Đông vào năm 1833, có cả thơ xướng họa của các thi hữu người Trung Quốc, đáng chú ý là có 3 bài tựa của Mậu Liên Tiên, một thi sĩ nổi danh ở Quảng Đông lúc ấy (DSHNTMĐY, tập 3, tr. 589). Tập thơ văn này về sau in chung trong tập Lý Khắc Trai việt hành thi (DSHNTMĐY, tập 2, tr. 18).

53 Chuyến đi sứ này không được KĐĐNHĐSL ghi lại, nhưng được phản ánh qua hai tác phẩm: Tiên thành lữ thoạiTam chi việt tạp thảo. Tiên thành lữ thoại gồm 104 bài thơ do sứ đoàn gồm Lý Văn Phức, tự Lân Chi, Trần Tú Dĩnh và Đỗ Tuấn Đại làm trong chuyến đi sứ Trung Quốc năm 1835 (DSHNTMĐY, tập 3, tr. 321). Tam chi việt tạp thảo là tập thơ văn gồm 130 bài thơ phú, văn tế của Lý Văn Phức làm trong chuyến đi sứ này, là chuyến đi sứ lần thứ ba của ông, trong đó có bài văn tế của Mậu Liên Tiên. Chỗ này DSHNTMĐY phiên âm tên của tác giả bài văn tế là Lục Liên Tiên (DSHNTMĐY, tập 3, tr. 11). Thực ra, âm của chữ 繆 là Mậu chứ không phải là Lục.

54 Chuyến đi sứ này còn được phản ánh qua tác phẩm Sứ trình chí lược thảo. Đây là tập thơ văn của Lý Văn Phức, tự Lân Chi, gồm 3 phần trong đó phần 1 miêu tả cuộc hành trình của Lý Văn Phức, Nguyễn Đức Hoạt, Bùi Phụ Phong  trong chuyến đi sứ Trung Quốc năm 1841 (DSHNTMĐY, tập 2, tr. 727). Lý Văn Phức còn sáng tác một bài ca Nôm, gọi là Sứ trình tiện lãm khúc, kể về hành trình đi sứ và soạn bộ Sứ trình quát yếu biên, nói về con đường đi sứ từ Nam Quan đến Yên Kinh, miêu tả độ dài các cung đường và sông núi, đền chùa, di tích… dọc đường đi cùng với bản đồ minh họa (DSHNTMĐY, tập 2, tr. 729). Tham gia sứ bộ này còn có Phan Huy Vịnh, tác giả tập Như Thanh sứ bộ Phan Huy Vịnh thi. Đây là tập nhật ký bằng thơ ghi lại hành trình chuyến đi sứ Trung Quốc của Phan Huy Vịnh (trong sứ bộ của Lý Văn Phức vào năm Tân sửu (1841) (DSHNTMĐY, tập 2, tr. 504).

55 Trong cuốn Khảo v đồ sứ men lam Huế, Vương Hồng Sển đã dựa vào thông tin trong cuốn Bang giao trong KĐĐNHĐSL ghi rằng nhà Thanh có chiếu chỉ cho phép triều đình nhà Nguyễn miễn 2 kỳ cống nộp năm Tân sửu (1841) và Ất tị (1845) nên băn khoăn không biết triều Nguyễn có cử sứ bộ sang Thanh vào các năm này hay không? (tr. 154). Thực ra, tuy không sai sứ đi triều cống theo lệ, nhưng nhà Nguyễn vẫn cử sứ bộ Lý Văn Phức đi báo tang và xin phong vào năm 1845 và cử sứ bộ Trương Hảo Hợp đi tạ ân vào năm 1845. Sứ bộ Trương Hảo Hợp về đến kinh đô Huế vào năm Bính ngọ (1846) thì bị xử phạt vì tội bắt phu khuân vác nặng. Trong đó, Trương Hảo Hợp bị phạt nặng nhất, mất chức Tả thị lang bộ Lễ, bị điều đi giữ chức Quyền tuần phủ Lạng Sơn (ĐNTL, tập 26, tr. 139). Chính sứ bộ này là những người đã cho đặt vẽ hàng trăm bức tranh gương minh họa cho tập Ngự đề danh thắng đồ hội thi tập của vua Thiệu Trị. Một số bức tranh này hiện vẫn còn treo tại BTMTCĐ Huế và trong một số lăng tẩm các vua Nguyễn ở Huế.

56 ĐNTL, tập 26, tr. 82. Sách Sứ thần Việt Nam cho biết năm này có sứ bộ Nguyễn Thu đi sứ (tr. 271). Điều này không đúng. Xin xem thêm chú thích 38 trên đây

57 Trong chuyến đi sứ này Bùi Quỹ đã sáng tác một số tập thơ văn kể về hành trình đi sứ, như Sứ trình yếu thoại khúc (DSHNTMĐY, tập 2, tr. 732 – 733), Yên đài anh thoại (DSHNTMĐY, tập 3, tr. 714), Yên hành khúc (DSHNTMĐY, tập 3, tr. 716) và Hữu Trúc tiên sinh thi tập (DSHNTMĐY, tập 1, tr. 924). Ngoài ra, Bùi Quỹ cùng các thành viên khác trong sứ bộ như Nguyễn Bá Nghi, Tôn Thất Hợp, Vũ Phạm Khải, còn tập hợp những thơ văn, từ khúc… sáng tác trên đường đi sứ thành tác phẩm Yên hành tổng tái (DSHNTMĐY, tập 3, tr. 716). Nguyễn Thu cũng sáng tác 119 bài thơ văn trong chuyến đi sứ này. Những bài thơ văn này, vào năm 1904, được Hương Đình tiên sinh sao chép lại và đặt tựa là Tinh thiu tu bút (DSHNTMĐY, tập 3, tr. 337).

58 Lẽ ra, năm này còn có một sứ bộ đi tạ ân việc nhà Thanh sai sứ là Lao Sùng Quang sang phong vương cho vua Tự Đức. Triều đình nhà Nguyễn đã cử Phan Huy Vịnh làm chánh sứ, Trần Mẫn và Lê Đức làm giáp, ất phó sứ đi tạ ân. Đoàn đến cửa ải nhờ khâm sứ Quảng Tây là Lao Sùng Quang chuyển biểu tạ ơn về Bắc Kinh trước. Sau đó, phía Trung Hoa phúc đáp rằng lễ phẩm tạ ơn chuyến này được chuẩn cho để lại đến kỳ tuế cống thường lệ rồi dâng luôn một thể, sứ bộ cũng được yêu cầu trở lui, không sang Thanh năm ấy. Sau khi sứ bộ của Phan Huy Vịnh trở lui, triều Nguyễn mới cử sứ bộ Phan Tĩnh đi tuế cống, cùng dâng lễ vật tạ ân một thể. Chuyến đi này đã được phản ánh chi tiết qua hai trước tác của phó sứ Nguyễn Văn Siêu, hiệu Phương Đình, là Bích viên thảo giámPhương Đình vạn lý tập. Bích viên thảo giám gồm 257 bài thơ do Nguyễn Văn Siêu làm trong chuyến đi sứ năm ấy. Phương Đình vạn lý tập cũng là những bài thơ đi sứ của Nguyễn Văn Siêu, cùng với các trước tác khác của ông như: Phương Đình anh ngôn thi tập, Phương Đình thi loại lưu lãm tập, Phương Đình mạn hứng tập, Phương Đình văn loại, Phương Đình tu bút lục… về sau tập hợp thành tác phẩm Phương Đình thi loại, với bài tựa của Đoan Trai Diên Phương Tẩu viết vào năm Tự Đức 4 (1851) (DSHNTMĐY, tập 2, tr. 598).

59 Chuyến đi sứ này không được KĐĐNHĐSL và ĐNTL ghi lại. Dựa vào những thông tin trong DSHNTMĐY, tôi xác định rằng trong sứ bộ này có sự tham gia của Trương Đăng Quế, bấy giờ đang giữ chức Cần Chánh điện Đại học sĩ. Trương Đăng Quế, tự là Diên Phương, hiệu là Đoan Trai, biệt hiệu là Quảng Khê Tẩu (DSHNTMĐY, tập 3, tr. 447), thường ký là Đoan Trai Diên Phương Tẩu. Trong chuyến đi sứ này Trương Đăng Quế đã biên soạn tác phẩm Sứ trình vạn lý tập với bút hiệu là Đoan Trai Diên Phương Tẩu, gồm 173 bài thơ đề vịnh phong cảnh, ký sự, xướng họa với bạn bè trên đường đi sứ năm 1851 (DSHNTMĐY, tập 2, tr. 732). Cần Chánh điện Đại học sĩ là chức quan lớn nhất trong các chức quan thời Nguyễn, đứng đầu Tứ trụ đại thần. Trương Đăng Quế là vị quan đã hai lần là Cố mạng đại thần (vâng mệnh vua Minh Mạng đưa vua Thiệu Trị lên ngôi vào năm 1841, rồi lại vâng mệnh vua Thiệu Trị  đưa vua Tự Đức lên ngôi vào năm 1847). Vì thế trong chuyến đi sứ này, hẳn ông đảm nhận chức chánh sứ. Trong bài khảo cứu Les ambassades en Chine sous la dynastie des Nguyễn (1804 – 1924) et les bleu de Hué, Philippe Truong cho biết đây là sứ bộ của sứ thần Nguyễn Hữu Lập (p. 13). Thiển nghĩ, điều này là không chính xác. Nguyễn Hữu Lập, người huyện Thanh Xuyên, phủ Anh Sơn, tỉnh Nghệ An, sinh năm Giáp thân (1824). Năm Canh tuất (1850), ông mới thi đổ Cử nhân, được cử giữ chức Huấn đạo tại huyện Can Lộc (Hà Tỉnh). Vào năm 1851, ông chỉ mới 27 tuổi, lại là một viên quan nhỏ, ông không thể là vị chánh sứ trong sứ bộ đi sứ năm này, đặc biệt là trong sứ bộ này còn có sự tham gia của vị đệ nhất đại thần Trương Đăng Quế. Mãi đến năm Nhâm Tuất (1862), ông mới thi đỗ tiến sĩ, sau đó mới được cử đi sứ nhà Thanh.

60 Về mục đích đi sứ, năm 1850, vua nhà Thanh là Đạo Quang thăng hà, vua Hàm Phong lên nối ngôi. Theo lệ thường, nhà Nguyễn phải cử hai phái bộ sang tiến hương vua Đạo Quang và mừng vua Hàm Phong đăng quang. Tuy nhiên, nhà Thanh đã tư sang cho miễn sứ bộ tiến hương và chúc mừng việc đăng quang. Nay nhà Nguyễn cử quan đầu triều đi sứ, có lẽ là để chúc mừng tân vương, dù đã được cho miễn.

61 Chuyến đi sứ này không được đntl ghi lại, nhưng được phản ánh qua tác phẩm Chu nguyên học bộ tập. Đây là tập thơ gồm 152 bài thơ do phó sứ Vũ Văn Tuấn làm trong dịp đi sứ (DSHNTMĐY, tập 1, tr. 294).

62 Sứ bộ này rời Huế từ tháng 10 năm 1852, đến Trung Hoa năm 1853, nhưng do gặp loạn Thái Bình Thiên Quốc nên không thể về nước như dự kiến. Vua Tự Đức lo lắng và đã chu cấp gạo tiền cho những người thân của các thành viên trong sứ bộ. Mãi đến năm 1855, sứ bộ mới về đến kinh đô Huế. Vua Tự Đức vui mừng việc sứ bộ trở về đã làm 8 bài thơ để đón tiếp sứ đoàn, trong đó có bài thất ngôn bát cú được khắc vào bia đá, gọi là Ngự chế thi bi, dựng ở thôn Thụy Khuê (thuộc Sơn Tây).

63 Chuyến đi sứ này không được đntl ghi lại, nhưng được phản ánh qua tác phẩm Việt hành tạp thảo. Đây là tập thơ gồm hơn 80 bài thơ đề vịnh, ký sự, xướng họa…của Nhữ Bá Sĩ làm trong chuyến đi sứ Trung Quốc năm 1857 (DSHNTMĐY, tập 3, tr. 589).

64 Theo ĐNTL (tập 29, tr. 225), sứ bộ này lên đường năm 1860, đến Trung Hoa năm 1861.

65 Chuyến đi này Đặng Huy Trứ đã làm 48 bài thơ, 9 bài tựa và 17 câu đối dưới bút danh là Đặng Hoàng Trung, về sau hợp thành tập Đông Nam tận mỹ lục, do ông tự bỏ tiền khắc in vào năm 1868 (DSHNTMĐY, tập 1, tr. 630).

66 Chuyến đi này của Đặng Huy Trứ, tuy không được chính sử triều Nguyễn ghi lại nhưng lại được phản ánh qua nhiều trước tác do ông biên soạn và in ấn trong lúc dưỡng bệnh tại Trung Hoa như: Đặng Hoàng Trung thi sao, Đặng Dịch Trai ngôn hành lục, Từ thụ yếu quy, Từ giới, Tứ thập bát hiếu… Đặc biệt là những món đồ sứ do ông ký kiểu dùng làm đồ tế tự cho dòng họ Đặng, với các hiệu đề mang dòng chữ: Tự Đức Mậu thìn trung thu Đặng quý từ đường tế khí…

67 Chuyến đi này tuy không được chính sử triều Nguyễn ghi lại nhưng được phản ánh qua nhiều tập thơ đi sứ và các tập tấu văn của các sứ thần tham gia sứ bộ như: Cung kỷ luân âmđình ứng chế thi sao của Nguyễn Thuật (DSHNTMĐY, tập 1, tr. 363 và 697). Thạch nông văn tập, Yên thiu bút lụcYên thiu thi văn tập của Nguyễn Tư Giản (DSHNTMĐY, tập 3, tr. 113, 716 và 718) và đặt biệt là tập Như Thanh nhật ký, là cuốn sổ ghi chép lại hành trình khứ hồi, việc trao quốc thư, dâng nộp cống phẩm… do Lê Tuấn, Hoàng Tịnh và Nguyễn Tư Giản cùng chép (DSHNTMĐY, tập 3, tr. 504).

68 Trong bài khảo cứu của mình, Philippe Truong ghi Phạm Hy Lượng là chánh sứ, Trần Bích San là phó sứ (p. 16). Các tác giả sách Sứ thần Việt Nam (tr. 144) và sách Khoa cử và các nhà khoa bảng triu Nguyễn (tr. 589) cho biết Phạm Hy Lượng chỉ là phó sứ, Trần Bích San mới là chánh sứ. Chuyến đi này còn được phản ánh qua tập Phạm Ngư Đường bắc sà nhật ký, là tập nhật ký của Phạm Hy Lượng ghi chép về hành trình đi sứ lần này (DSHNTMĐY, tập 1, tr. 528).

69 Bùi Văn Dị, tự là Ân Niên, hiệu là Châu Giang. Vì thế nên ĐNTL ghi tên vị chánh sứ là Bùi Ân Niên (tập 33, tr. 301). Chuyến đi sứ năm 1876 của Bùi Văn Dị còn được phản ánh qua 4 tập thơ đi sứ là: Vạn lý hành ngâm, Trí chu thù xướng tập, Du hiên tùng bút Đại châu sứ bộ xướng thù. Vạn lý hành ngâm tập hợp khoảng 170 bài thơ do Bùi Văn Dị viết về hành trình đi sứ (DSHNTMĐY, tập 3, tr. 529). Du hiên tùng bút là tập văn xuôi ghi chép về các thắng cảnh trên đường đi. Đại châu sứ bộ xướng thù do Bùi Văn Dị soạn, Đường Cảnh Phong và Nghê Mậu Lễ (đều là người Trung Quốc) đề tựa, là tập thơ do Bùi Văn Dị và các sứ giả Việt Nam xướng họa với các danh nhân Trung Quốc trong dịp đi sư ï(DSHNTMĐY, tập 1, tr. 465). Trí chu thù xướng tập là tập thơ gồm 49 bài của Bùi Văn Dị, xướng họa với Dương Ân Thọ, người Trung Quốc (làm 56 bài), được cử đón tiếp sứ bộ của Bùi Văn Dị. Tập thơ này được in tại Trung Quốc vào năm 1877 (DSHNTMĐY, tập 3, tr. 398). Điều này chứng tỏ đến năm 1877 sứ bộ vẫn còn lưu lại trên đất Trung Hoa.

70 Chuyến đi sứ này của Bùi Văn Dị đã gây cho người Pháp một sự nghi ngờ. Họ cho rằng vua Tự Đức đã vi phạm hiệp ước đã ký giữa triều đình nhà Nguyễn với Pháp vào năm Giáp tuất (1874), trong đó có điều khoản yêu cầu triều Nguyễn không được tự ý có những liên lạc ngoại giao với Trung Hoa. Tuy nhiên, theo một báo cáo của Rheinart, đại biện Pháp ở Huế, gửi Công sứ Sài Gòn ngày 19/7/1876, thì mục đích chuyến đi sứ đã được xác minh: “Sứ bộ sắp đi Trung Hoa năm nay sang bên đó không chỉ để chức mừng Thiên tử mới, mà còn để dâng những cống phẩm mà quốc vương An Nam phải nộp cho Trung Hoa ba năm một lần, (đúng ra là bốn năm một lần – TĐAS) với tư cách là nước chư hầu”. Một báo cáo khác của Kergadarec, lãnh sự Pháp ở Hà Nội, cũng gửi Công sứ Sài Gòn, đề ngày 27/9/1876, cũng xác nhận là sứ bộ này là sứ bộ đi cống theo lệ.

71 Philipe Truong cho biết sứ bộ này có sự tham gia của Bùi Ân Niên, tức Bùi Văn Dị (p. 17). Tuy nhiên, ĐNTL chỉ ghi tên hai vị sứ thần là Nguyễn Thuật và Trần Khánh Tiến (tập 34, tr. 350). Nguyễn Thuật chính là chánh sứ của chuyến đi này.

72 Người Pháp đã cố gắng ngăn cản chuyến đi sứ này vì họ cho rằng những chuyến đi sứ của triều đình Tự Đức không chỉ đơn thuần là đi cống theo lệ mà còn chứa đựng những mục đích khác như cầu viện nhà Thanh giúp đỡ binh lực chống Pháp và làm cho mối quan hệ giữa Trung Quốc và Pháp trở nên căng thẳng hơn. Tuy nhiên, người Pháp đã không ngăn cản được chuyến đi và họ đành bằng lòng với suy nghĩ đây là sứ bộ đi cống theo lệ và không mang theo những văn bản nào khác có thể gây nguy hại cho lợi ích của Pháp ở Việt Nam và Trung Hoa lúc đó .

73 Sứ bộ này còn được phản ánh trong các tập: Vãng sứ Thiên Tân nhật ký, Như Thanh đKiến Phúc nguyên niên như Thanh nhật trình. Vãng sứ Thiên Tân nhật ký do Phạm Thận Duật và Nguyễn Thuật biên soạn. Đây là tập nhật ký hành trình của sứ bộ từ năm 1882, đến năm 1884, trong đó có ghi chép về việc vua Tự Đức thăng hà (1883) và việc Pháp xâm lược Việt Nam (DSHNTMĐY, tập 2, tr. 553). Như Thanh đ là tập bản đồ do Phạm Văn Trữ thực hiện vào năm Tự Đức 35 (1882), ghi lại hành trình đường bộ từ Nam quan đến Yên Kinh, có ghi rõ tên các tỉnh, phủ, huyện, đường thuỷ, đường bộ, núi sông, phong cảnh những nơi mà sứ bộ của Phạm Thận Duật, Nguyễn Thuật và Phạm Văn Trữ đã đi qua trong chuyến đi sứ nói trên. Kiến Phúc nguyên niên như Thanh nhật trình do Phạm Thận Duật biên soạn vào năm 1884 ghi chép về các hoạt động của sứ bộ trong chuyến đi sứ từ năm 1882 đến năm 1884, gồm các việc như trình quốc thư, nộp phẩm vật, hội đàm với sứ thần Nhật Bản và đình thần nhà Thanh về việc Pháp xâm lược Việt Nam… (DSHNTMĐY, tập 3, tr. 49). Đến tháng 2 âm lịch năm Giáp Thân (1884) sứ bộ này mới về nước.

74 Sau khi phá chiếc ấn do nhà Thanh phong cho vào năm 1884, việc liên lạc ngoại giao giữa nhà Nguyễn và nhà Thanh chấm dứt. Các chuyến công cán ở Trung Hoa dưới thời Khải Định chủ yếu là các chuyến đi mua hàng chuẩn bị cho lễ Tứ Tuần Đại Khánh của vua tổ chức vào năm 1924. Các chuyến đi này đã mang về những chiếc độc bình, đôn kích thước lớn, có hiệu đề: Khải Định Tân dậu niên tạo, Khải Định giáp tý niên tạo….

BẢNG LIỆT KÊ CÁC SỨ BỘ NHÀ NGUYỄN ĐI SỨ  VÀ CÔNG CÁN

Ở TRUNG HOA VÀ CÁC ĐỒ SỨ KÝ KIỂU TRONG CÁC CHUYẾN ĐI

Năm Sứ bộ Mục đích đi sứ Hiệu đề trên đồ sứ  tương ứng năm đi sứ Ghi chú
 Nhâm tuất(1802) Chánh sứ (CS): Trịnh Hoài ĐứcPhó sứ (PS):

Ngô Nhân Tĩnh, Huỳnh (Hoàng) Ngọc Uẩn

 

 

 

CS: Lê Quang Định

PS: Lê Chánh (Chính) Lộ, Nguyễn Gia Cát

– Mang ấn vàng và sắc phong mà nhà Thanh phong cho triều Tây Sơn sang trả; báo tin Nguyễn Ánh chiến thắng Tây Sơn, lập triều đại mới và giao nộp cho nhà Thanh 3 tên cướp biển người Tàu là Mạc Quan Phù, Lương Văn Canh và Lương Văn Tài.– Xin phong vương cho vua Gia Long và xin đổi tên nước ta thành Nam Việt. Vua Gia Khánh nhà Thanh chuẩn cho tên nước ta là Việt Nam. Chưa tìm thấy hiện vật – Năm này có hai sứ bộ sang Trung Hoa– Sứ bộ này về nước vào tháng chạp năm Gia Long thứ 2 (tháng 1/1804)
Giáp tí (1804) CS: Lê Bá PhẩmPS: Trần Minh Nghĩa, Nguyễn Đăng Đệ – Đi tạ ân việc nhà Thanh cử Tề Bố Sâm sang phong vương cho vua Gia Long trước đó. (Tề Bố Sâm sang đến Thăng Long vào khoảng cuối tháng 2, đầu tháng 3/1804).Sứ bộ này cũng mang lễ vật đi cống Thanh triều, thay cho đợt tuế cống năm 1803 và năm 1805. – Giáp tí niên chế (có hình vuông kép bao quanh)– Giáp tí (có hình vuông kép bao quanh)

– Giáp tí (có vòng tròn kép bao quanh)

– Giáp tí niên chế

– Giáp tí

 
Đinh mão(1807) CS: Võ (Vũ) TrinhPS: Ngô Nhân Tĩnh Chưa rõ mục đích – Mậu thìn niên chế Sứ bộ này về nước năm Mậu thìn (1808)
Kỷ tị(1809) CS:Nguyễn Hữu ThậnPS: Ngô (Thì) Vị,             Lê Đắc Tần

 

CS: Võ (Vũ) Trinh

PS: Nguyễn Đình Chất, Nguyễn Văn Thịnh

– Đi tuế cống theo lệ– Đi mừng lễ Ngũ tuần Đại khánh của vua Gia Khánh (Thanh Nhân Tông) – Kỷ tị niên chế– Canh ngọ niên chế – Năm này có hai sứ bộ sang Trung Hoa– Sứ bộ Nguyễn Hữu Thận về nước năm Canh ngọ (1810)
Quý dậu(1813) CS: Nguyễn DuPS: Trần Văn Đại,

Nguyễn Văn Phong

Đi tuế cống theo lệ Chưa tìm thấy hiện vật  
Đinh sửu(1817) CS: Hồ Công ThuậnPS: Nguyễn Huy Trinh, Phan Huy Thực Đi tuế cống theo lệ Chưa tìm thấy hiện vật
Kỷ mão1819 CS: Nguyễn Xuân TìnhPS: Đinh Phiên,             Nguyễn Hựu Bổng Đi mừng lễ Lục tuần Đại khánh của vua Gia Khánh – Kỷ mão niên chế– Kỷ mão ngự chế

– Kỷ mão

Canh thìn1820 CS: Ngô (Thì) Vị,PS: Trần Bá Kiên,             Hoàng Văn Thịnh Đi báo tang vua Gia Long và xin phong vương cho vua Minh Mạng – Canh thìn niên chế– Canh thìn niên chế (chữ triện)

– Canh thìn

Sứ bộ này do Nguyễn Du làm CS nhưng chưa lên đường thì Nguyễn Du mất, Ngô (Thì) Vị được cử thay thế
Quý mùi(1823) CS: Nhữ Bá Sĩ Chỉ đi đến Quảng Đông, chưa rõ mục đích – Giáp thân niên chế Sứ bộ này về nước năm Giáp thân (1824)
Ất dậu(1825) CS: Hoàng Kim HoánPS: Phan Huy Chú,     Trần Chấn

 

 

 

CS: Hoàng Văn Quyền

PS: Nguyễn Trọng Vũ,             Nguyễn Hựu Nhân

– Đi tạ ân việc Thanh triều cử Tổng đốc Quảng Tây là Phan Cung Thân sang phong vương cho vua Minh Mạng năm 1821.– Đi tuế cống theo lệ – Ất dậu– Ất dậu niên tạo

– Ất dậu niên chế

– Bính tuất

– Bính tuất niên chế

– Năm này có 2 sứ bộ đi sứ. Cả 2 sứ bộ này đều lên đường vào tháng  10 năm Giáp thân (1824) và về nước vào năm Bính tuất (1826)
Đinh hợi(1827) CS: Phan Thế Trung  – Chưa rõ mục đích – Đinh hợi niên chế– Mậu tí niên chế Sứ bộ này về nước năm Mậu tí (1828)
Kỷ sửu(1829) CS: Nguyễn Trọng VũPS: Nguyễn Đình Tân,            Đặng Văn Khải – Đi tuế cống theo lệ – Canh dần niên chế– Canh dần Sứ bộ này về nước năm Canh dần (1830)
Tân mão(1831) CS: Hoàng Văn ĐảnPS: Trương Hảo Hợp,               Phan Huy Chú

 

CS: Lý Văn Phức

– Đi mừng lễ Ngũ tuần đại khánh vua Đạo Quang (Thanh Tuyên Tông)– Sang Phúc Kiến giao trả một nhóm quan quân nhà Thanh bị đánh giạt vào Việt Nam năm 1831 Chưa tìm thấy hiện vật – Năm này có hai sứ bộ sang Trung Hoa – Sứ bộ Hoàng Văn Đản về nước năm Nhâm thìn (1832)
Quý tị(1833) CS: Trần Văn TrungPS: Phan Thanh Giản,              Nguyễn Huy Chiểu

 

CS: Lý Văn Phức

– Đi tuế cống theo lệ– Sang Quảng Đông Chưa tìm thấy hiện vật – Năm này có hai sứ bộ sang Trung Hoa)– Sứ bộ Trần Văn Trung về nước năm Giáp ngọ (1834)
Ất mùi(1835) CS: Lý Văn PhứcPS: Trần Tú Dĩnh,             Đỗ Tuấn Đại – Chưa rõ mục đích – Bính thân Sứ bộ này về nước năm Bính thân (1836)
Đinh dậu(1837) CS: Phạm Thế TrungPS: Nguyễn Đức Hoạt,            Nguyễn Văn Nhượng – Đi tuế cống theo lệ Chưa tìm thấy hiện vật
Tân sửu(1841) CS: Lý Văn PhứcPS: Nguyễn Đức Hoạt,               Bùi Phụ Phong

 

CS: Hoàng Tế Mỹ

PS: Nguyễn Đình Tân

– Đi báo tang vua Minh Mạng và xin phong cho vua Thiệu Trị– Chưa rõ mục đích – Tân sửu– Tân sửu niên chế Năm này có 2 sứ bộ sang Trung Hoa
Ất tị(1845) CS: Trương Hảo HợpPS: Phạm Chi Hương,              Vương Hữu Quang – Đi tạ ơn việc sứ Thanh là Bảo Thang sang tuyên phong cho vua Thiệu Trị vào năm 1842. – Ất tị– Ất tị niên chế
Bính ngọ(1846) CS: Ngô Kim Thanh(phái đoàn này gồm 6 người) – Đi Quảng Đông mua hàng hóa – Đinh mùi
Mậu thân(1848) CS: Bùi (Ngọc) QuỹPS: Vương Hữu Quang

Nguyễn Thu

– Đi báo tang vua Thiệu Trị và xin phong cho vua Tự Đức Năm này không ký kiểu đồ sứ
Kỷ dậu(1849) CS: Phan TỉnhPS: Mai Đức Thường,              Nguyễn Văn Siêu – Đi tuế cống theo lệ Chưa tìm thấy hiện vật
Tân hợi(1851) CS: Trương Đăng Quế – Đi chúc mừng vua Thanh là Hàm Phong mới lên ngôi – Nhâm tí mạnh đông – Sứ bộ Trương Đăng Quế về nước năm Nhâm tý (1852)
Quý sửu(1853) CS: Phan Huy VịnhPS: Vũ Văn Tuấn,                      Phạm Chi Hương – Đi tuế cống theo lệ Chưa tìm thấy hiện vật – Sứ bộ này về nước năm Ất mão (1855)
Đinh tị(1857) CS: Nhữ Bá Sĩ – Đi tuế cống theo lệ – Đinh tị niên chế– Đinh tị
Tân dậu(1861) CS: Hoàng Thiện TrườngPS: Văn Đức Khuê,                      Nguyễn Huy Kỷ – Đi tuế cống theo lệ Chưa tìm thấy hiện vật
Ất sửu(1865) Đặng Huy Trứ – Đi Quảng Đông, Áo Môn và Hương Cảng để thăm dò tình hình các nước Âu Mỹ (thám phỏng Dương tình) Chưa tìm thấy hiện vật
Đinh mão(1867) Đặng Huy Trứ – Đi Quảng Đông thăm dò tình hình các nước Âu Mỹ và mua sắm vật dụng, vũ khí cho triều đình. Các đồ sứ có hiệu đề giống nhau ở 12 chữ đầu tiên:Tự Đức mậu thìn trung thu Đặng quý từ đường tế khí + 2 (hoặc 4 chữ) thể hiện chủ đề trang trí. Do bị ốm nặng, phải ở lại Trung Hoa để dưỡng bệnh nên đến năm 1868, Đặng Huy Trứ mới về nước.
Mậu thìn(1868) CS: Nguyễn ThuậtPS: Lê Tuấn, Hoàng Tịnh, Nguyễn Tư Giản – Đi tuế cống theo lệ, đồng thời yêu cầu nhà Thanh gửi quân sang vùng rừng núi Bắc Việt Nam để tiêu diệt các nhóm tàn quân Thái bình thiên quốc. – Mậu thìn niên chế Sứ bộ này về nước vào năm 1869
Canh  ngọ(1870) CS: Trần Bích SanPS: Phạm Hy Lượng

 

– Đi điều tra tình hình chính trị của Trung Hoa và đối sách của họ trước sự xâm lược của phương Tây. – Tự Đức tân mùi– Tân mùi niên chế Sứ bộ này về nước vào năm Tân Mùi (1871)
Quý dậu(1873) CS: Phan Sĩ ThụcPS: Hà Văn Quan

 

– Đi tuế cống theo lệ. Chưa tìm thấy hiện vật
Bính tí (1876) CS: Bùi Văn DịPS: Lâm Hoàng – Đi chúc mừng vua mới lên ngôi của nhà Thanh là Quang Tự, kết hợp đi cống theo lệ. – Bính tí ngự chế Sứ bộ này về nước vào năm Đinh sửu (1877)
Canh thìn (1880) CS: Nguyễn ThuậtPS: Trần Khánh Tiến – Đi tuế cống theo lệ.
Nhâm ngọ(1882) CS: Phạm Thận DuậtPS: Nguyễn Thuật, Phạm Văn Trữ – Đầu tiên chỉ đi tới Thiên Tân cầu viện sự trợ giúp của Thanh triều để chống lại Pháp sau khi H. Rivière đưa quân chiếm thành Hà Nội. Sau đó đi tới Yên Kinh. Sứ bộ này về nước vào tháng 2 năm Giáp thân (1884)
Tân Dậu(1921) Không rõ tên các thành viên trong sứ bộ – Đi mua đồ sứ ở Quảng Đông chuẩn bị cho lễ Tứ tuần Đại Khánh của vua Khải Định. – Khải Định niên tạo– Khải Định niên chế

– Khải Định Tân dậu  niên tạo

Giáp tí(1924) Không rõ tên các thành viên trong sứ bộ – Đi mua đồ sứ ở Quảng Đông chuẩn bị cho lễ Tứ tuần Đại Khánh của vua Khải Định. – Khải Định Giáp tí niên tạo
Ất sửu(1925) Không rõ tên các thành viên trong sứ bộ – Đi mua đồ sứ ở Quảng Đông. – Khải Định Ất sửu

Nghĩa của thành ngữ “Đầu Ngô mình Sở”

Tại sao người ta hay nói “đầu Ngô mình Sở” mà không nói “đầu Yên mình Triệu” hoặc không dùng nước nào khác? Sở dĩ nói đầu Ngô mình Sở...

Lời Đức Phật dạy về hôn nhân

Phật dạy hôn nhân chính là sự gặp gỡ đồng cảm giữa hai tâm hồn yêu mến nhau, quyết tâm cùng nhau xây dựng mái ấm hạnh phúc gia đình....

Ngô Vũ Vương – Ngô Quyền – Và trận Bạch Đằng lừng danh thiên hạ

Ngô Quyền (chữ Hán: 吳權; 12 tháng 3 năm 898 – 14 tháng 2 năm 944), còn được biết đến với tên gọi Tiền Ngô Vương (前吳王) hoặc Ngô Vũ...

Giáo dục Việt Nam thời Pháp thuộc

Gần một thế kỷ xâm lược Việt Nam, người Pháp từ chỗ còn lúng túng đã xây dựng được một nền giáo dục khá hoàn thiện. Năm 1858, Pháp nổ...

Loạt ảnh Vũng Tàu năm 1967 của cựu sĩ quan Mỹ

Bến cá Bãi Trước, cảnh nhộn nhịp ở chợ, vẻ hồn nhiên của trẻ em… là loạt ảnh đời thường chân thực ở Vũng Tàu năm 1967 của cựu sĩ...

Hàng trăm mộ cổ trên ngọn núi hoang vắng ở Phú Yên

Số mộ hiện còn khảo sát nhận diện được ở khu mộ cổ núi A Mang là hơn 500 ngôi mộ, khiến đây là khu mộ cổ có quy mô...

Ảnh tư liệu quý về Hà Nội xưa

Ga Hà Nội năm 1898, chợ Đồng Xuân 1931, Hồ Hoàn Kiếm 1938… là loạt ảnh tư liệu quý về Hà Nội xưa của các nhiếp ảnh gia Pháp. Loạt...

Từ mì đến miến và vằn thắn

Trong Từ điển tục ngữ Hán - Việt của Lê Khánh Trường . Lê Việt Anh (Nxb. Thế giới, 2002), các tác giả đã giảng câu Công yếu hồn đồn,...

Khoa Cử Việt Nam – Phần 2: Thi Đình – Chương một: Định kỳ – Phép thi

Thi Ðình mục đích để sắp đặt những người đỗ Trúng cách theo thứ bậc cao hay thấp chứ ít khi đánh hỏng. Trên nguyên tắc phải đỗ thi Hội...

Người đẹp Việt năm 1966 trong ảnh của Rick Paker

Trong thời gian đóng quân tại miền Nam Việt Nam, chàng lính Mỹ Rick Paker đã không bỏ lỡ cơ hội thực hiện loạt ảnh ấn tượng về các người...

Tại sao Ông Táo lại không mặc quần

Truyền thuyết kể lại rằng ông Táo ở truồng không mặc quần. Ông Táo chỉ đội mũ, đi hia không mặc quần như thấy qua câu thơ của một nhà văn:...

Thế nào mới được coi là diệt chủng?

Ngày 24/4/1915, chính quyền đế chế Ottoman đã vây bắt hàng loạt các nhà trí thức Armenia ở Istanbul, đa số họ đều đã bị giết hại ngay sau đó....

Exit mobile version