Site icon Tạp chí Đáng Nhớ

Chuyện “Hồn Trương Ba da hàng thịt” trong tâm thức người Việt

Nhiều nhà nghiên cứu văn học hiện nay cho rằng Hồn Trương Ba, da hàng thịt là câu chuyện không mấy tiêu biểu cho thể loại cổ tích, nếu đặt bên cạnh những Tấm Cám, Cây tre trăm đốt, Thạch Sanh Lý Thông… Tuy nhiên, theo diễn biến cốt truyện, người đọc cũng dễ dàng nhận thấy những yếu tố cơ bản tạo nên sắc thái cổ tích cho tác phẩm: Đó là nhân vật, tình huống, diễn biến cốt truyện, phép mầu mang đến may mắn cho con người…

Và mặc dù câu chuyện dân gian này còn phảng phất dấu ấn sáng tác bởi các Nho sĩ xưa, nhân vật vua cờ Đế Thích vẫn có thể được coi là một kiểu Bụt, Tiên giáng thế để cứu độ, bù đắp cho những mất mát, khổ nạn của người đời. Trong truyện, Đế Thích được biết đến như một vị Tiên thánh, có tài đánh cờ siêu phàm. Ngài đã giáng trần, thi cờ và kết bạn với Trương Ba, sau này giúp họ Trương thay xác đổi hồn. Câu chuyện mở đầu bằng một cuộc cờ và kết thúc bằng một phép tiên cải tử hoàn sinh – một mơ ước muôn thuở của con người.

Về nội dung, đọc các sách cũ, ta thấy qua thời gian, chuyện được thêm thắt vào nhiều tình tiết ở phần kết, chủ yếu do người chép trong quá trình sao lục tạo nên, cũng không ngoài mục đích để cho câu truyện có tính logic và hấp dẫn hơn!

Năm 1777, khi biên soạn sách Kiến văn tiểu lục, nhà bác học Lê Quý Đôn (1726-1784) đã căn cứ vào văn bia tại đền thờ đức Thiên Đế (Thiên Đế điện bi ký) ở huyện Yên Mỹ, Hưng Yên để chép nguyên văn sự tích câu chuyện ở mục Linh tích như sau:

“Xã Liêu Hạ, huyện Đường Hào (huyện Yên Mỹ, tỉnh Hưng Yên cũ) có đền thờ Đế Thích do Mạc Ngọc Liễn, Đà Quốc công nhà Mạc sửa chữa lại. Bản triều năm Hoằng Định thứ 6 (1605), thái tể Vinh Quốc Công lập nhà tiền đường, dựng bia khắc bài minh. Trong văn bia nói: “Đời vua thứ 3 triều Lý, năm Long Thụy thứ 2, hương Cổ Liêu có người tên là Trương Ba, ba đời làm điều lành, hay uống rượu đánh cờ rất cao, khắp nước không ai có thể đối địch được, bèn sang Trung Quốc, gặp ông già tên là Kỵ Như, cũng nổi tiếng cao cờ. Hai người kết bạn, dắt nhau về hương Cổ Liêu, cùng ở một cái am nhỏ trong khoảng 7 năm trời.

Một hôm Trương Ba bảo Kỵ Như rằng: Nước cờ chúng ta, ở hạ giới này không ai dám đấu, nghe nói trên trời có Đế Thích đánh cờ cao lắm, hôm nào được gặp, cùng nhau đấu trí xem sao!”. Được mấy hôm, hai người đương đánh cờ, thấy một ông già gầy còm, áo rách, nón nan chống gậy đi đến, bảo hai người rằng: “Tôi từ phương xa, nghe nói ở đây đánh cờ vui lắm, cũng muốn thử tài một ván chơi”. Kỵ Như đẩy bàn cờ, bảo Trương Ba đấu cờ với ông già, mới đi được năm ba nước, Trương Ba không thể nào đối địch được, liền chắp tay hỏi rằng: “Tiên ông ở đâu đến đây? Nước cờ rất cao, xin tiên ông cho biết rõ họ tên, để chúng tôi được vâng lời dạy bảo”. Ông già cũng chắp tay hồi lâu nói: “Nhà tôi ở Thượng giới, cung trời thứ ba mươi ba, tôi là Đế Thích đây”.

Hai người nghe nói rất sợ hãi, đều sụp lạy năm lạy, rồi dâng mía ngọt và chuối tiêu. Đế Thích Thiên vương cảm lòng thành, lấy ba thứ hương trong tay áo là trầm hương, đàn hương và giáng hương trao cho và dặn bảo rằng: “Sau này nếu có tai nạn gì, nên đốt hương này, tôi sẽ đến cứu”. Nói xong, liền cỡi mây bay lên trời. Hai người đem những thứ hương ấy cất vào chỗ kín đáo. Lâu ngày hai người đều bị bệnh mất, người nhà nhớ lại việc này, bèn lấy hương đốt, được chốc lát thì Đế Thích giáng lâm, triệu các quan tam phủ công đồng hoàn hồn cho thêm đẹp đẽ. Hai người được sống lại, bèn lập đàn miếu phụng thờ Đế Thích cùng các quan Tam phủ, trấn giữ phương càn hương Cổ Liêu, người trong hương hằng năm theo thời tiết đem hương hoa trai khiết phụng thờ, cầu đảo có phần linh ứng.

Đến nay, ba xã Liêu Hạ, Thư Thị và Thổ Cốc, theo lệ kỳ phước. Vinh Quốc Công bị bệnh, sai người đến cầu đảo, liền được khỏi bệnh, nhân đấy sửa sang điện miếu để tạ phúc lành”. (Kiến Văn Tiểu Lục, Lê Quý Đôn TT2, sđd, tr 442).

Trong sách Thiên Đế bảo lục (ghi chép quý báu về Đức Tiên Đế- tức Thần tích Đền Thiên Đế Thích) không rõ tác giả, người viết cũng chép sự tích giống như trên văn bia ở đền thờ, tuy nhiên ở đoạn cuối chép rõ hơn:

“Vài ba năm sau Trương Ba qua đời, trải 100 ngày, vợ con nhớ lại bèn đem những hương thần trước đây, đốt cả đi. Đế Thích cưỡi mây giáng xuống, bèn hỏi: “Cha của ngươi chết thế nào?” Trả lời: “Đã tròn 100 ngày rồi!”.

Đế Thích lại hỏi: “Trong làng ngươi có ai vừa mới chết không?” Trả lời: “Có một người làm nghề đồ tể vừa chết được mấy ngày”. Đế Thích lập tức triệu các quan tam phủ công đồng sai gọi hồn Trương Ba về cho nhập vào xác người đồ tể đó. Cho nên vợ con của hai nhà ấy cứ tranh nhau vì hình dạng bên ngoài là của đồ tể, còn tính cách bên trong lại của Trương Ba có tài ăn nói không ai hơn được. (Ngạn ngữ có câu: “Hồn Trương Ba da hàng thịt” ấy là chỉ sự việc này).”

Nhưng có thể nói người đầu tiên viết thành chuyện để lưu truyền trong dân gian chính là danh sĩ Vũ Phương Đề (1697 – ?). Trước đó, vào khoảng nửa đầu thế kỷ XVIII, ông cũng căn cứ vào bi ký nói trên để thuật lại sự tích chuyện trong sách Công dư tiệp ký. Trong sách ông cũng cho biết chuyện được ra đời ở xã Liêu Hạ, huyện Đường Hào (Hưng Yên ):

“Hiện nay ở đền Liêu Hạ, chính giữa thờ tượng Đế Thích, bên tả là tượng Trương Ba, đằng trước bày một bàn cờ lớn. Người đời bấy giờ nói đến đánh cờ thì đều nhắc đến Trương Ba là trước nhất. Gần đây giặc giã quấy rối, các đền miếu ở vùng ấy đề bị phá đốt hết, nhưng đền thờ Đế Thích và Trương Ba ở Liêu Hạ vẫn nghiễm nhiên tồn tại, thực là một Đại Linh Từ ở vùng này vậy.” (Công dư tiệp ký, sđd, tr 136).

Giống như tác giả của Thiên Đế bảo lục, Vũ Phương Đề cũng viết thêm vào đoạn cuối chuyện, có lẽ để câu chuyện tăng thêm phần hấp dẫn chăng?

“Một hôm, hai vờ chồng Trương Ba đi chợ. Vợ người hàng thịt trông thấy Ba liền chạy lại ôm lấy khóc lóc thảm thiết. Vợ Trương Ba lấy làm lạ nói rằng:

– Người này là chồng tôi, làm sao chị lại dám nhận liều?

Người vợ hàng thịt nói:

– Quả thật hình dáng chồng tôi, cả làng đều biết. Chị là người nào mà dám tranh chồng với tôi?

Hai bên cãi nhau mãi, không giải quyết được, bèn đem nhau lên quan…Quan bèn sai đem một con lợn và một bàn cờ đến. Trước tiên, quan sai Trương Ba chọc tiết lợn, nhưng Ba không biết chọc vào chỗ nào. Rồi quan sai Ba đánh cờ, thì nước cờ cao lắm, không ai địch nổi. Quan bèn phán rằng:

– Người này đích thực là Trương Ba, chuẩn cho cùng với vợ tác hợp, vợ người hàng thịt không được nhận liều.” (Công dư tiệp ký, sđd, tr 137).

Từ lâu, Hồn Trương Ba da hàng thịt là câu chuyện được giới nghiên cứu văn học dân gian đánh giá cao về cốt truyện, cũng như nội dung cần chuyển tải.
Trải qua hàng trăm năm, chuyện được đủ các hạng người trong xã hội ưa thích vì ý nghĩa và tính hấp dẫn của nó. Đặc biệt, hai nhân vật trong truyện đã được nhân dân lập đền thờ bái vọng, điều đó chứng tỏ chuyện có một sắc thái rất riêng, so với nhiều truyện cổ tích khác. Tác gỉa Nguyễn Đổng Chi trong công trình Kho tàng truyện cổ tích Việt Nam đã đưa truyện này vào phần “Sự tích các câu ví”, ông cũng căn cứ vào các tài liệu có trước để cho rằng chuyện xuất phát từ làng Liêu Xá, huyện Đường Hào, trấn Hải Dương, nay là thôn Liêu Hạ, xã Tân Lập, huyện Yên Mỹ, tỉnh Hương Yên, nơi đây hiện đang có điện thờ hai nhân vật huyền thoại này .

Tài liệu tham khảo:
– Công dư tiệp ký, Vũ Phương Đề, Nxb Văn Học, 2001
– Kiến Văn Tiểu Lục, Tuyển tập Lê Quý Đôn II, Nxb KHXH 1977.
– Kho tàng truyện cổ tích Việt Nam (trọn bộ 5 tập), Nguyễn Đổng Chi, Nxb Văn Học, 1982.

Tuổi Dần Ông Cọp quá ghê

Tuổi Dần ông cọp quá ghê Bắt người ăn thịt tha về non cao Tý Sửu Dần... Dần 寅 là ngôi thứ 3 của Thập nhị Địa Chi là... Ông Cọp, như...

Diện mạo sân bay Cam Ranh trước 1975

Sân bay Cam Ranh hiện tại là một sân bay quốc tế nhộn nhịp ở khu vực Nam Trung Bộ. Không phải ai cũng biết rằng trong giai đoạn trước...

Tìm lại tác giả phù điêu chợ Bến Thành

Nằm ở trung tâm Sài Gòn, chợ Bến Thành đã trở nên quá quen thuộc với mỗi người dân Sài Gòn, cũng như đối với du khách trong và ngoài...

Cái chết bí ẩn của 9 nhà khoa học Liên Xô

Đến nay đã gần 6 thập kỷ trôi qua nhưng người ta vẫn chưa tìm ra được lời giải cho vụ việc 9 nhà khoa học Liên Xô thiệt mạng...

Ký ức về đoàn hát Kim Chung

Trước 1954 đoàn Kim Chung thành lập ở ngoài Bắc, cũng là một đoàn hát có bề thế, nổi tiếng, chủ nhân là ông Trần Viết Long, một công tử...

Sài Gòn Tạp Pín Lù – Chuyện 1 cô lưu lạc

Chuyện một cô lưu lạc (nhan nầy do bà V.A. chọn như vậy). Nếu tôi cứ ăn ở theo sách, cứ lấy chồng trong làng, cứ an phận tuỳ duyên,...

Các kiểu đi xe máy ở Việt Nam

Giao thông ở Việt Nam luôn khiến khách du lịch hoảng sợ vì độ nguy hiểm và khó lường. Đây cũng là chủ đề được bàn luận nhiều trên các...

Cung Diên Thọ – nơi cư ngụ của các Hoàng thái Hậu nhà Nguyễn

Trải qua các cuộc chiến tranh, cung Diên Thọ hầu như vẫn còn nguyên vẹn, được coi là hệ thống kiến trúc cung điện quy mô nhất còn lại tại...

Về nạn cờ bạc trong lịch sử Việt Nam

Nạn cờ bạc ở nước ta thời xưa gieo rắc ảo tưởng giàu sang, khiến đến vua cũng có người ham chiếu bạc, quan bỏ việc say đỏ đen. Cờ...

Thoại Ngọc Hầu

Tức ngài Nguyễn-văn-Thoại (có sách chép là Thụy), ông vốn người huyện Diên-Phước, tỉnh Quảng-Nam, sanh năm 1762, vô Nam-kỳ khi nhỏ, 15 tuổi đã theo phò chúa Nguyễn-Ánh. Nguyễn-văn-Thoại...

Lột trần Việt ngữ – Kỳ 4/25 – Nguyên nhân mất mát âm D và GI của miền Bắc

Một người Bắc Việt mới vào Nam, không thể nào phát âm được hai âm D và Gi giống người Nam cả, chỉ dẫn thế nào họ cũng thất bại....

Người quân tử khi tuyệt giao sẽ không nói lời xấu xa

Trong cuộc sống có thiện duyên thì sẽ có ác duyên, nếu biết khiêm nhường hạ mình để hóa giải ác duyên thì những ác duyên trong đời sẽ giảm...

Exit mobile version