Site icon Tạp chí Đáng Nhớ

Có phải Lê Văn Duyệt phản đối việc vua Minh Mạng lên ngôi ?

Từ trước đến nay, khi nhắc đến mối quan hệ giữa Tổng trấn Lê Văn Duyệt (1764-1832) và vua Minh Mạng (1820-1840), nhiều nhà nghiên cứu cho rằng: một trong lý do chính là vì Lê Văn Duyệt đã ngăn cản vua Gia Long chọn Nguyễn Phúc Đảm (tên của vua Minh Mạng) làm Thái tử. Đây là nguyên nhân ban đầu, từ đó dẫn đến những mâu thuẩn kéo dài giữa vua và Lê Văn Duyệt trong thời gia Minh Mạng trị vì, dẫn đến hậu quả cuối cùng là mặc dù đã mất, nhưng ông vẫn bị truy đoạt quan tước, mộ bị san bằng mặt đất và khắc đá dựng bia khắc: “Quyền yêm Lê Văn Duyệt phục pháp xứ“(Chỗ này là nơi hoạn quan Lê Văn Duyệt chịu hình phạt).  

Sự kiện ban đầu có thể từ nội dung cuốn sách đã xuất bản khá lâu ở Sài Gòn; cuốn “Cuộc đời oanh liệt của Tả quân Lê Văn Duyệt” của Lê Đình Chân xuất bản năm 1956, trong đó có các đoạn sau:

“Nguồn gốc mối ác cảm của Minh Mệnh đối với Tả quân nẩy ra từ ngày Gia Long còn trị vì. Năm 1816, nhân công việc trong nước đã đỡ phần bề bộn và cảm thấy mình đã già yếu, Cao hoàng (tức vua Gia Long) bèn nghĩ đến chuyện chọn Thái tử để nối ngôi mình sau này. Con trưởng ngài là Đông cung Cảnh đã mất từ năm 1802, và để lại hai người con trai hãy còn nhỏ tuổi là Đán và Ứng Hòa. Ý Cao hoàng là muốn lập Hoàng tử Đảm; con một bà thứ phi, nhưng bấy giờ đã gần 30 tuổi làm Thái tử, vì ngài rất sợ đặt lên ngôi một vị thừa kế hãy còn quá nhỏ tuổi, như thế chỉ là mầm họa…

Tuy vậy Cao hoàng cũng cho vời các vị đại thần như bọn Nguyễn Văn Thành, Lê Văn Duyệt, Lê Chất, Trịnh Hoài Đức, Phạm Đăng Hưng, để hỏi ý kiến về việc đặt ngôi “trừ nhị”. Vua phán rằng : “Nước nhà mới yên, phải chọn người trọng tuổi cầm quyền, chẳng nên ủy việc lớn cho kẻ còn thơ ấu”.

Ý kiến đó hợp thời thế, nhưng lại không hợp với tục lệ “đích tôn thừa trọng”, cho nên Trung quân Thành, và nhất là Tả quân Duyệt đều ngỏ ý nên lập Hoàng tôn Đán, con trai Đông cung Cảnh. Tả quân vin vào câu “lập tự duy đích” và tâu rằng: Đông cung tuy mất sớm, nhưng công lao trong sự nghiệp trung hưng không phải là nhỏ, vậy con Đông cung phải được hưởng công lao của cha.

Lời tâu ý nghĩa đó cũng không sao cãi được định ý của Cao hoàng là lập Thái tử Đảm làm Thái tử….

Lẽ cố nhiên là Hoàng tử Đảm một khi lên ngôi, vẫn căm hờn những người đã cực lực phản đối sự lập mình làm Thái tử, nhất là Tả quân Lê Văn Duyệt và Hậu quân Lê Chất…” ( Cuộc đời oanh liệt của…, sđd, tr. 85-86).

Về sau, nhiều tác giả khác đã căn cứ vào tác phẩm này để khẳng định: chính Lê Văn Duyệt là người ngăn cản sự nối ngôi của vua Minh Mạng. Trong cuốn Theo dòng lịch sử dân tộc sự kiện & Tư liệu, tác giả Nguyễn Phan Quang viết:

Minh Mạng đã xem Lê Văn Duyệt như là một trong hai cái gai chọc vào mắt mình (tức Duyệt và Thành). Nguồn gốc của sự mâu thuẫn đó là: Lê Văn Duyệt phản đối việc Minh Mạng nối ngôi Gia Long và muốn lập con Hoàng Tử Cảnh. Sau nhiều năm suy nghĩ và dọn dẹp dư luận nhưng khi đưa ra quyết định truyền ngôi Gia Long vẫn không tránh khỏi những phản ứng đáng lo ngại trong đám triều thần, trước hết là Nguyễn Văn Thành và Lê Văn Duyệt: Nhưng cho đến lúc này, Gia Long vẫn kiên trì che giấu ý đồ chính trị của mình. Khi Thành và Duyệt thắc mắc về quyết định chọn Minh Mạng, Gia Long đã giải thích với họ như sau: Khi người ta chết mà còn để lại những món nợ trên đời, thì chủ nợ thường tìm đến hỏi nợ ở con mình chứ không phải ở cháu mình. Vì vậy, trẫm không thấy sai trái gì khi chọn một đứa con mà không chọn một đứa cháu.” (Theo dòng lịch sử dân tộc …, sđd, tr. 716-717). 

Tương tự, trong một tác phẩm của mình, nhà văn Sơn Nam cũng đã nhận định về con người Lê Văn Duyệt: “Trong các vị Tổng trấn Gia Định thành, Lê Văn Duyệt nổi bật hẳn. Là người ít học, cậy công phò Nguyễn Ánh, họ Lê khinh lờn vua Minh Mạng và đã chống đối lại vua Minh Mạng nối ngôi cha”. (Đất Gia Định…, sđd, tr.446).

Sự thật, về vấn đề này, sách Đại Nam Thực Lục do Quốc Sử Quán triều Nguyễn biên soạn tường thuật khá chi tiết. Nội dung những điều chính yếu được tuần tự ghi chép như sau:

Tháng Hai năm Tân Dậu (1801)…ngày Quý Sửu, Đông cung Nguyên súy Quận công Cảnh mất. Trước kia Đông cung từ Tây Dương về, từng theo đánh giặc, đến nay Lưu trấn Gia Định, bị bệnh đậu mùa mất 22 tuổi.”(ĐNTL T1, sđd, tr. 433).

Sau khi Đông cung Cảnh mất một thời gian khá lâu, vua Gia Long vẫn chưa chọn ai làm Thái tử, nên vào tháng Sáu năm Nhâm Thân (1812), Tiền quân Nguyễn Văn Thành dâng thư phong kín tâu  bốn điều, trong đó điều đầu tiên: 

Xin sớm dựng Thái tử và phong tước hiệu cho các Hoàng tử để yên lòng người… Vua khen và nhận. “(ĐNTL, sđd, tr. 841).

Gần hai năm sau, vào ngày Ất Mùi, tháng Hai năm Giáp Tuất (1814), Hoàng hậu mẹ của Đông cung Cảnh mất. Ngày Canh Tuất làm lễ thành phục. Sách chép:

Ngày Canh Tuất, lễ thành phục. Vua mặc áo vén gấu đến lạy hai lạy. Sai hoàng tử dâng cơm tế điện. Trước kia Hoàng tử thứ tư (tức Nguyễn Phúc Đảm) mới lên 3 tuổi, vua cho Hoàng hậu nuôi làm con mình. Hoàng hậu đòi làm giấy khoán (theo thế tục, phàm nuôi con người làm con mình thì phải có khế khoán quá phòng). Vua sai Lê Văn Duyệt viết giấy đưa cho. Hậu giao cho cung tỳ là Nguyễn Thị Lê cất giữ. Từ đấy Hoàng tử thứ tư thường vào chầu ở Đại Nội, làm con của Hoàng hậu, thường gọi là mẹ. Đến khi Hoàng cả là Cảnh, Hoàng hai là Hy, Hoàng ba là Tuấn nối nhau mất, Hoàng tư lấy thứ bậc là lớn nhất, duy đời trước phái trưởng phần nhiều khó nuôi cho nên không muốn gọi là trưởng. Đến nay làm lễ tang Hoàng hậu, bầy tôi có người bàn lấy Hoàng tôn Đán (con Hoàng tử Cảnh tức Mỹ Đường) làm chủ tự. 

Vua dụ rằng: “Hoàng tử từng làm con của Hoàng hậu đã có giấy tờ, nên sai làm chủ tự, việc lớn của nhà nước không nên câu nệ theo lễ đích tôn thừa trọng như nhà thường”. Nguyễn Văn Thành cho thế thì văn tế khó gọi. Vua bảo rằng: “Con theo mệnh cha tế mẹ là việc danh chính ngôn thuận, có gì mà không nên”. Bấy giờ mới bàn định. Nguyễn Văn Thành tỏ ý không bằng lòng” (ĐNTL, sđd, tr. 877).

Tháng 12 năm Ất Hợi (1816)… Vua tuổi đã cao mà chưa quyết định người nối ngôi. Hoàng Tử thứ tư hiền và lớn hơn cả, vua đã để ý. Bầy tôi đều có lòng theo. Riêng một Nguyễn Văn Thành là người ngạo mạn kiêu căng, muốn được vua nhỏ tuổi, không thích vua lớn tuổi. Một hôm mời các quan trong triều uống rượu ở nhà, nói lên rằng: “Hoàng tôn Đán (con Hoàng tử Cảnh – TTT chú) nối ngôi, tôi sắp tâu xin lập đây”.

Trong đám ngồi không ai dám nói gì. Trịnh Hoài Đức sợ vạ lây mình, bèn nói rằng: “Việc lớn của nhà nước, quyết định do ở lòng vua, nếu người bầy tôi định kế riêng, tham lấy công to thì tội lại lớn”. Văn Thành bèn thôi. Sau đó có người nói đến tai vua. Vua giận nói rằng: “Hắn muốn dựng vua nhỏ để dễ khống chế, ngày sau có thể chẹt họng vỗ lưng chăng. Ta há tối tăm nhầm lẫn không biết đắn đo nên chăng, vội nghe lời hắn mà không vì Xã Tắc chọn người sao!”. Từ đó hễ cứ Văn Thành vào yết kiến là chỉ xin dựng Thái tử. Vua nín lặng. Văn Thành tự biết không được thỏa ý, càng thêm ngờ sợ

Con là Văn Thuyên nhòm biết ý cha, thầm mang lòng phản trắc, bèn giao thông khách khứa, kết riêng bè đảng. Văn Thành cũng không ngăn cấm.” (ĐNTL tr. 912-913).

Ngày Canh Dần tháng Ba năm Bính Tý (1816)… Đặt triều nghi ở điện Cần Chánh, triệu bầy tôi đến, đều cho ngồi. Dụ rằng: “Trẫm nay làm việc đã mỏi, rất lo đến kế lớn của Xã Tắc. Thái Tử lên ngôi chừ nhị  của nước, cần phải sách lập để chính thống mà giữ bền gốc nước”. Bèn triệu Thượng thư Lại Bộ là Trịnh Hoài Đức đến trước giường ngự, sai viết: “Lập Hoàng tử Hiệu (cũng là tên của vua Minh Mạng- TTT chú) làm Hoàng thái tử” để đưa bầy tôi xem. Vua nói: “Ai đồng ý thì ký tên vào”. Quần thần đều nói: “Ý thánh định trước, thực là phúc không cùng của xã tắc, bọn thần noi theo mệnh lệnh”.

Vua thung dung dụ rằng: “Cha truyền ngôi cho con là đạo thường xưa nay. Từ đời Hán đời Đường trở xuống, ít người không theo. Hoặc có kẻ nói đích tôn thừa trọng, ta thực không hiểu thuyết ấy. Duy có vua Thái Tổ nhà Minh mê hoặc theo lời nói của Lưu Tam Ngô mà bỏ con là Yên Vương để lập đích tôn là Doãn Văn, rốt cùng sinh tai họa. Phàm biết con không ai bằng cha. Nếu vua Thái Tổ nhà Minh cho Yên Vương là hiền mà bấy giờ họp ngay đình thần, nói rõ là lập Thái Tử, thì một lời nói ra, ai dám không theo! Như thế thì làm sao sinh loạn được”. Quần thần đều vui phục “.(ĐNTL, tr. 920-921).

Ngày Tân Mão, tháng Chạp năm Kỷ Mão (1820…Triệu Hoàng thái tử và các Hoàng tử, tước Công và các quan đại thần là bọn Lê Văn Duyệt, Phạm Đăng Hưng vào hầu. Bày ấn ngọc, cờ, gươm ở trên án vàng trước giường ngự. Dụ Hoàng thái tử rằng: “Đấy là cơ nghiệp gian nan của Trẫm, nay giao cho con, con nên cẩn thận giữ gìn”. (ĐNTL, tr. 1000).

“Ngày Kỷ Hợi, tháng Chạp năm Kỷ Mão (1820)… Vua ốm nặng. Triệu Hoàng thái tử và các Hoàng tử, tước Công cùng các đại thần là bọn Lê Văn Duyệt, Phạm Đăng Hưng cùng nhận di chiếu. Sai Lê Văn Duyệt kiêm giám năm dinh quân Thần Sách. Ngày Đinh Mùi vua băng ở điện Trung Hòa. Thọ 58 tuổi.” (ĐNTL, sđd, tr. 1002).

Qua đó ta thấy không có chỗ nào ghi chép việc Lê Văn Duyệt chống đối vua Gia Long chọn Hoàng Tử Đảm (hay Hiệu) tức vua Minh Mạng làm người kế vị, mà chỉ thấy một mình tiền quân Nguyễn Văn Thành phản đối mà thôi. Hơn nũa, nếu Lê Văn Duyệt có tham gia phản đối thì đến khi lâm chung, tại sao vua Gia Long lại chọn Lê Văn Duyệt là “cố mệnh lương thần” và giao cho ông “kiêm giám năm dinh quân Thần Sách” ?

………….

 * TÀI LIỆU THAM KHẢO:

– Quốc Sử Quán triều Nguyễn, Đại Nam Thực Lục, tập 1, Nxb Giáo Dục, 2007.

– Lê Đình Chân, Cuộc đời oanh liệt của Tả quân Lê Văn Duyệt, Nxb Phổ Thông, Sài Gòn, 1956.

 – Nguyễn Phan Quang, Theo dòng lịch sử dân tộc sự kiện &Tư liệu ,Nxb Tổng hợp TpHCM, 2004. 

– Sơn Nam, Đất Gia Định- Bến Nghé & Người Sài Gòn, Nxb Trẻ 2004.

Nghề thêu ở Văn Lâm

Trải qua nhiều thế kỷ, những tác phẩm thêu thùa luôn gắn liền với hình ảnh người phụ nữ truyền thống. Và trong các làng nghề thêu truyền thống ở...

Dịu dàng chiếc nón lá Việt Nam

Chiếc nón lá Việt Nam đã có từ xa xưa. Hình ảnh của nó đã được khắc trên trống đồng Ngọc Lũ, trên thạp đồng Đào Thịnh vào khoảng 2500-3000...

Hàm Nghi – Từ vị vua bị lưu đày trở thành nghệ sĩ

Năm 1926, để kỷ niệm 10 năm thành lập Viện Bảo tàng Auguste Rodin (1840-1917) Hotel Biron 79 rue de Varenne. Paris 7è, năm 1916. Rodin nhà điêu khắc vĩ...

12 nền văn minh nhân loại đã tàn lụi trong sự bí ẩn

Con người hiện đại chỉ có thể biết đến các nền văn minh này qua những tàn tích kiến trúc đồ sộ, thể hiện một trình độ phát triển đáng...

Mỹ thuật thời kỳ Hùng Vương

Phần trước chúng ta nói về mỹ thuật việt nam “thời kỳ hình thành cơ tầng văn hóa nghệ thuật bản địa”, tức là thời tiền sử. Ngay sau thời...

Nhân quả báo ứng của người ăn mày mù lòa

Ngày nọ, một người ăn mày mù bị một đứa trẻ dùng côn gỗ đánh vào trán làm sưng lên một cái u. Anh ta dùng tay sờ lên chỗ...

Mẹ chồng làm gì khi con dâu bắt đầu về nhà?

Phong tục ở mỗi địa phương một khác, trái ngược nhau nhưng đều có ý nghĩa hay: Ngày xưa ở nhiều địa phương Nghệ An, Hà Tĩnh có lệ tục...

Tìm hiểu về tục nhuộm răng của người Việt xưa

Nhuộm răng đen là một tục lệ lâu đời, xuất hiện từ thời Hùng Vương, tồn tại suốt mấy ngàn năm trong lịch sử văn hóa của người Việt. Đây...

Ảnh hiếm về cuộc sống người Hoa ở Sài Gòn năm 1961

Cuộc sống đời thường của người Hoa ở khu vực chợ Lớn đã được nhiếp ảnh gia Pháp Jack Garofalo ghi lại vào năm 1961. Jack Garofalo (1923 – 2004),...

Nhạc sĩ Hoàng Thi Thơ – Thi sĩ của đồng quê

Chỉ thuần túy đọc lời các nhạc phẩm của Hoàng Thi Thơ, ta có thể quả quyết ông chính là một Thi sĩ của đồng quê … Sinh ra trong...

Cảm ơn, người phụ nữ điên…

Gặp một người điên có bao giờ bạn cảm thấy khinh bỉ, tỏ ra khó chịu, thậm chí là trêu chọc làm tổn thương người đó? Xin được gửi tới...

Chợ Phan Thiết xưa qua những ảnh màu rực rỡ

Có lịch sử hình hành vào năm 1697, chợ Phan Thiết là nơi lưu giữ những nét văn hóa đặc sắc có từ lâu đời của mảnh đất Bình Thuận....

Exit mobile version