Công việc xây dựng đầu tiên của Pháp ở Hà Nội (1875 – 1888)
Hiệp ước ký ngày 15/3/1874 giữa triều đình nhà Nguyễn và thực dân Pháp đã cho phép người Pháp được quyền cư trú và đặt lãnh sự ở ba nơi là Hà Nội, Hải Phòng và Quy Nhơn. Mỗi lãnh sự được đem theo một đội quân 100 người. Ở Hà Nội, triều đình phải cắt cho Pháp một khu đất gọi là “nhượng địa” (concession) ở phía Đông nam thành phố vốn là đồn thuỷ quân bên bờ sông Hồng, diện tích khu đất nhượng cho Pháp lúc đầu là 25 hécta. Sau do sự bất lực của nhà Nguyễn, diện tích nhượng địa lên tới 18,5 hécta. Tháng 10/1974 thực dân Pháp khởi công xây dựng các công trình kiến cố tại đó gồm: toà lãnh sự, nhà ở các sĩ quan, trại lính… Các công trình cao hai tầng xây dựng kiên cố và có kiến trúc đơn giản, mặt bằng hình chữ nhật xung quanh có hành lang rộng. Đây là loại kiến trúc thực dân ở thời kỳ đầu.
Tháng 6/1883, con đường đầu tiên được mở để nối khu nhượng địa với Trường Thi và Hoàng thành cũ – nơi đặt trụ sở của bộ máy chỉ huy quân sự. Đó cũng là trục chính để mở rộng các hoạt động xây dựng trong nhiều năm tiếp theo. Các phố Tràng Tiền, Hàng Khay nằm trên trục đường ấy đã được chính quyền thực dân chú trọng đầu tư ngay từ những năm 1884 – 1886, và đã trở thành trục trung tâm thương nghiệp và dịch vụ, mở đầu thời kỳ xây dựng khu phố Pháp ở Hà Nội.
Toàn bộ nhà cũ đã bị phá bỏ vào năm 1886. Phố được mở rộng, mặt đường rải nhựa và hai bên mặt phố xây dựng các cửa hiệu buôn bán và dịch vụ. Các phố vuông góc về hai phía với phố Hàng Khay – Tràng Tiền được mở ngay sau đó, là phố Hàng Trống (rue des Brodeurs hay Jules Ferry) nối với phố Bà Triệu (rue Gia Long), phố Hàng Bài (res des Cartes hay Boulevard Đồng Khánh)… Đây là hệ thống đường phố đầu tiên ở Hà Nội được trang bị kỹ thuật hạ tầng, làm cơ sở cho sự phát triển khu trung tâm hành chính Hà Nội thời thực dân ở phía đông hồ Hoàn Kiếm, tức là ở phía bắc của trục đường Hàng Khay – Tràng Tiền. Sau đó là phát triển tiếp về phía nam để hoàn thiện khu phố Pháp theo dạng ô bàn cờ gồm các phố: Hai Bà Trưng, (Rollandes), Lý Thường Kiệt (Carreau), Trần Hưng Đạo (Gambetta)…
Ở phần đất phía tây hồ Hoàn Kiếm, Giáo hội đã chiếm toàn bộ đất thôn Báo Thiên, năm 1883 phá chùa Báo Thiên lấy đất xây dựng nhà thờ lớn trong 2 năm 1884 – 1886.
Trong Hoàng thành các dinh thự cũ bị triệt phá để lấy chỗ xây dựng trại lính cùng các công trình quân sự khác. Năm 1886, điện Kính Thiên bị phá dỡ, chỉ còn sót lại thềm rồng đá. Như vậy trừ Cột Cờ được giữ lại để phục vụ cho mục đích liên lạc quân sự, các kiến trúc khác đã bị phá huỷ, biến thành khu vực quân sự của chính quyền thực dân.
Đô thị Hà Nội thời kỳ 1888 – 1918
Từ năm 1888 đến năm 1918 là thời kỳ tiến hành chương trình khai thác thuộc địa. Thực dân tập trung xây dựng, mở rộng để biến Hà Nội không chỉ là thủ phủ hành chính, chính trị của xứ Bắc Kỳ mà còn là thủ đô của Liên bang Đông Dương. Trong những năm 1894 đến 1897 đã phá hủy nốt những bức tường thành cổ chỉ để lại cổng Chính Bắc với vết đạn công thành.
Ở khu vực hồ Hoàn Kiếm, thực dân Pháp cũng đã phá huỷ gần như toàn bộ hệ thống các di tích văn hoá, kiến trúc truyền thống nằm rải rác xung quanh hồ để lấy chỗ xây dựng khu phố Tây. Sự phá huỷ thô bạo các kiến trúc truyền thống của Hà Nội thực sự là việc làm phản văn hoá đã khiến Pôn Du-me (Paul Doumer) toàn quyền Đông Dương đã phải hối tiếc: “Tôi đã đến quá chậm để có thể cứu lấy những phần đặc sắc, cụ thể là các cổng thành. Những di tích ấy đáng lẽ phải được bảo tồn”.
Cùng thời gian, người Pháp tập trung hoàn thiện xây dựng khu trung tâm hành chính, chính trị của thành phố Hà Nội ở phần đất phía đông hồ Hoàn Kiếm. Ý đồ này bắt đầu thực hiện vào những năm 1886 – 1893. Khu trung tâm hành chính thành phố Hà Nội nằm ở vị trí tiếp cận phía Nam với khu phố cổ Hà Nội được giới hạn bởi các phố Đinh Tiên Hoàng (Francis Garnier), Tràng Tiền (Paul Bert) và Ngô Quyền (Henri Rivière). Đây là khu vực xây dựng tập trung bao gồm các cơ quan hành chính, chính trị đầu não của bộ máy chính quyền thực dân ở Hà Nội. Đó là toà Đốc lý, toà Thống sứ, kho bạc, bưu điện, ngân hàng Đông Dương, sở công chính, khách sạn Metrôpôn… và vườn hoa Pôn Be (nay là vườn hoa Indira Gangđi)
Song song với việc hoàn thiện khu vực trung tâm hồ Hoàn Kiếm, người Pháp đã tiến hành chỉnh trang khu vực “36 phố phường” của Hà Nội. Bắt đầu từ việc lấp đoạn sông Tô Lịch từ phố chợ Gạo, nơi sông Hồng tiếp nước cho sông Tô, đi vào trong khu phố cổ; tiếp đến phá bỏ các cổng ngăn giữa các phương trong phố; mở rộng, nắn thẳng và trải đá mặt đường đồng thời tạo vỉa hè lát gạch cùng hệ thống cống rãnh thoáy nước; cuối cùng là xây dựng một số chợ có mái, cùng một số ít các dinh thự nhỏ.
Phố cổ là một không gian thống nhất với nhà với nhà cửa hai bên, giữa là mặt đường bằng đất có giải lát gạch ở giữa, có cổng ngăn cách ranh giới của mỗi phường trên suốt chiều ngang của phố. Cửa mở thông ban ngày và đóng kín ban đêm. Những can thiệp về chỉnh trang giao thông của người Pháp đã làm thay đổi bộ mặt không gian đường phố của Hà Nội xưa. Phố rộng liên hoàn tạo thành một mạng lưới liên tục thuận tiện cho các hoạt động giao thông. Phường thủ công – buôn bán xưa mất đi tính khép kín vốn có của nó trong cấu trúc không gian xã hội – kinh tế, bắt đầu hoà nhập vào cấu trúc chung của khu phố và tiếp nhận những ảnh hưởng từ bên ngoài về không gian kiến trúc và kinh tế xã hội.
Trong giai đoạn này, mặc dù đã có một số can thiệp về xây dựng của người Pháp song ảnh hưởng của phương thức xây dựng mới vẫn ở mức độ hạn chế. Người Hà Nội vẫn tiếp tục phương thức truyền thống trong sửa chữa và xây dựng mới những ngôi nhà của mình. Đó là những ngôi nhà một tầng, kết cấu gỗ, mái lớp ngói ta, mặt nhà hẹp và phát triển sâu vào phía trong bằng những lớp nhà kế tiếp những lớp dân trong, Hà Nội “36 phố phường” nhìn toàn cảnh vẫn mang nét truyền thống quen thuộc với những lớp mái nhỏ nhấp nhô, nối nhau một cách tự nhiên, khác hản với “khu phố Tây” đang hình thành với những đường nét quy hoạch và kiến trúc châu Âu. Khu vực “36 phố phường” vẫn là một khu tập trung dân cư đông đúc nhất, tập trung các hoạt động sản xuất thủ công và hoạt động thương nghiệp mạnh nhất ở Hà Nội.
Cũng trong giai đoạn này (1888 – 1918) đã thực hiện việc mở rộng xây dựng ở phía Tây Hà Nội từ vị trí thành cổ, từng bước hoàn thiện để trở thành trung tâm hành chính – chính trị đầu não của Pháp ở Đông Dương. Mặt khác cũng mở rộng xây dựng ở khu vực phía nam hồ Hoàn Kiếm, làm cho khu vực này trở thành một khu phố Pháp thực sự với đầy đủ chức năng kiểu đô thị châu Âu. Khởi đầu là tập trung xây dựng các công trình công cộng, có quy mô lớn, rải rác ở những vị trí quan trọng. Đó là: phủ Toàn quyền (nay là phủ Chủ tịch), dinh Thống sứ (Bắc Bộ phủ, nay là trụ sở Bộ Thương binh xã hội), Toà án, Bưu điện, nhà ga Hàng Cỏ, (nay là nhà ga Hà Nội), trụ sở Công ty xe lửa Đông Dương và Vân Nam (nay là trụ sở Tổng công đoàn), cầu Long Biên (cầu Doumer) được hoàn thành vào năm 1902.
Tháng 12/1898 bắt đầu xây dựng trường Viễn Đông của Pháp (École Francaise d’ Extrême – Orient) trên phố Lý Thường Kiệt (nay là Thư viện Khoa học xã hội) nghiên cứu các vấn đề khảo cổ, ngôn ngữ và dân tộc học. Năm 1900 giám mục Puyginiê (Puginier) đã lấy gạch phá thành Hà Nội để xây dựng nhà Dòng đào tạo giáo sĩ (nay là trường phổ thông Việt Đức). Năm 1901 khởi công xây dựng công trình Nhà hát lớn, hoàn thành sau 10 năm. Trong những năm đầu của thế kỷ XX, còn xây dựng một số công trình quan trọng khác như: câu lạc bộ Cựu chiến binh, (từng là Câu lạc bộ Đoàn kết sau này), nhà thương Bảo hộ (1904, nay là bệnh viện Việt Đức) v.v…
Cùng với việc xây dựng một số cơ sở kinh doanh như khách sạn chính quốc (Métropole, khánh thành năm 1901), nhà hàng L.U.C.I (sau đổi là L.U.C.I.A), cùng nhiều cửa hàng buôn bán và dịch vụ khác, còn xây dựng một số nhà máy như: nhà máy rượu (1898), nhà máy điện Bờ Hồ (1899 – 1902), nhà máy nước Yên Phụ (1904 – 1906), nhà máy xe điện Hà Nội (1900), nhà máy thuộc da Thuỵ Khuê (1912).
Song song với việc xây dựng các công trình giao thông, công trình công cộng và công trình sản xuất nêu trên thì việc xây dựng nhà ở cũng đã được người Pháp quan tâm. Từ đầu thế kỷ XX, một số khu ở của người Pháp đã được hình thành ở khu vực phía Nam hồ Hoàn Kiếm, được xây dựng và quy hoạch theo các nguyên tắc quy hoạch phương Tây.
Cũng theo nguyên tắc quy hoạch đó, một khu ở thứ hai của người Pháp được hình thành trên khu vực thành Hà Nội cũ, gần khu vực phủ Toàn quyền có mức độ hoàn thiện cao hơn với tiện nghi đầy đủ hơn.
Vào năm 1904 theo báo cáo của đốc lý Hà Nội Đuméccơ (Doumerque) – thì tổng diện tích thành phố là 950 hécta, trong đó khu vực nhà ở (người Pháp và người Việt) chiếm 528 hécta, khu quân sự 76 hécta, khu hành chính gần 37 hécta, đường phố 114 hécta.
Như vậy trong ba chục năm (1888 đến 1918), thực dân Pháp đã có một số điều kiện thuận lợi để tiến hành xây dựng và mở rộng việc xây dựng khu vực dành riêng cho người Pháp và theo kiểu Pháp. Kết quả là “khu phố Tây” đã được hình thành với đầy đủ diện mạo của phu phố theo quy hoạch và kiến trúc Pháp, khác biệt với hình thái đô thị truyền thống của “36 phố phường” Hà Nội. Kể từ đây, trong cấu trúc hình thái đô thị Hà Nội song song tồn tại hai cấu trúc khác biệt nhau nhưng có ảnh hưởng lẫn nhau.
Đô thị Hà Nội thời kỳ 1918 – 1945
Nước Pháp ra khỏi chiến tranh thế giới lần thứ nhất (cuối năm 1918) với tư cách là một nước thắng trận, nhưng hậu quả chiến tranh thật nghiêm trọng. Để khắc phục hậu quả chiến tranh, khôi phục nền kinh tế và củng cố địa vị của mình trên thế giới, thực dân Pháp chủ trương đẩy mạnh đầu tư và khai thác thuộc địa. Từ năm 1920, Pháp bắt đầu chương trình khai thác thuộc địa lần thứ hai ở Đông Dương với tốc độ và quy mô gấp nhiều lần so với thời kỳ trước.
Sự gia tăng nhanh chóng các hoạt động kinh tế tập trung ở Hà Nội đòi hỏi nguồn nhân lực tương ứng, làm xuất hiện các dòng nhập cư từ bên ngoài vào và làm cho dân số đô thị tăng lên nhanh chóng, từ 7 vạn dân vào năm 1918 tăng lên tới 13 vạn vào năm 1928 và 30 vạn vào năm 1942. Trong bối cảnh ấy việc xây dựng và mở rộng đô thị Hà Nội đặt ra những nhu cầu mới trong quy hoạch và quản lý.
Quy hoạch và kiến trúc thực dân thời kỳ này đã có những đặc điểm tiến bộ hơn so với thời kỳ trước. Về quy hoạch, đô thị được quan niệm rộng hơn, tổng hợp hơn cả về không gian lẫn chức năng. Vì thế việc triển khai xây dựng ở Hà Nội không dừng lại ở các điểm công trình phân tán như đã dân ra ở giai đoạn trước mà tập trung hoàn chỉnh các khu vực trung tâm dành riêng cho người Pháp ở Hà Nội. Khu phố Pháp trên vị trí Hoàng thành xưa, xung quanh phủ Toàn quyền đã được thiết kế chi tiết với hệ thống đường phố kẻ ô cùng những trục bố cục chính chạy theo đường vắt chéo cắt ngang hệ thống đường phố kẻ ô bình thường. Các trục chính giao nhau tạo nên một hệ thống các quảng trường lớn được bố cục dưới các dạng hình học khác nhau có trục đối xứng.
Từ năm 1930, thực dân tiến hành quy hoạch mở rộng thành phố về phía nam ở khu vực nhà máy rượu và hồ Bảy Mẫu trên cơ sở nối tiếp các đường phố đi từ khu phố Pháp xuống phía nam đã tạo thành hệ thống đường phố theo dạng ô cờ không đồng đều với các ô phố có quy mô nhỏ. Đây là khu vực được quy hoạch và xây dựng chủ yếu cho người Việt Nam. Họ thuộc tầng lớp tư sản mới trỗi dậy nhờ các hoạt động kinh doanh buôn bán và tầng lớp tiểu tư sản trung lưu do Pháp đào tạo để làm việc cho bộ máy hành chính của Pháp. Lùi ra xa vùng ngoại ô Hà Nội, sự khác biệt trong tổ chức không gian quy hoạch, sự phân biệt đối xử, sự khinh miệt của thực dân bộc lộ rõ ràng hơn, cụ thể trong các khu ở nghèo nàn của tầng lớp lao động làm thuê người Việt. Đa số có nguồn gốc nông thôn, họ từ các làng quê nghèo khổ vì bị bóc lột thậm tệ di cư về Hà Nội, nơi tập trung các hoạt động kinh tế đa dạng, hy vọng tìm việc làm để kiếm sống. Những người lao động cùng gia đình họ đang sống tập trung tại các khu ngoại ô, trong các ngôi nhà tạm do chính họ dựng lên bằng đủ loại vật liệu kiếm được. Đây là những khu nhà thuộc loại “ổ chuột” không được đầu tư, thiếu tiện nghi tối thiểu và hoàn toàn không được chính quyền thực dân quan tâm. Các khu ở ngoại ô đã tạo nên một cảnh quan đô thị nghèo nàn, tương phản hoàn toàn với khu phố trung tâm giàu có và đầy đủ tiện nghi của người Pháp. Sự tương phản ấy thể hiện hình ảnh trọn vẹn của đô thị Hà Nội trong suốt thời kỳ thực dân và rõ ràng là vấn đề nhà ở đô thị mang tính xã hội chưa bao giờ được chính quyền thực dân quan tâm giải quyết.
Còn khu 36 phố phường, ở thời kỳ này, do đã ổn định về hệ thống đường phố ở các giai đoạn trước nên về cơ bản hệ thống đường phố vẫn giữ nguyên. Sự biến đổi chủ yếu tập trung ở hình thái kiến trúc từng ngôi nhà và bộ mặt đường phố. Từ những năm 1920, ở nhiều phố thuộc khu vực “36 phố phường” Hà Nội, người ta bắt đầu tiến hành cải tạo hoặc xây dựng mới trên nền nhà cũ. Ngôi nhà mới, cao hai ba tầng, mang phong cách kiến trúc ít nhiều chịu ảnh hưởng của Pháp. Bộ mặt kiến trúc xưa vốn thuần nhất, nay đã bắt đầu có những thay đổi tuy còn hạn chế và chưa mất đi dáng vẻ cũ.
Tóm lại, thành phố Hà Nội trong giai đoạn 1920 – 1945 đã có những bước phát triển về quy mô dân số và đất đai (năm 1942 diện tích cả nội ngoại thành Hà Nội là 130 km2 với số dân là 30 vạn người) nhưng cơ cấu chức năng không cân đối, tổ chức không gian thể hiện sự phân biệt, bất bình đẳng đã thể hiện đầy đủ bản chất của chính sách thực dân tại thuộc địa này. Đó là một chính sách bộc lộ tính hẹp hòi, bảo thủ và vụ lợi của chủ nghĩa tư bản thực dân ở Việt Nam.
Những yếu tố đô thị mới
Vào những năm cuối thế kỷ XIX, đầu thế kỷ XX hình thái kinh tế tư bản chủ nghĩa do người Pháp đưa vào áp dụng vào Việt Nam đã tạo nên những yếu tố đô thị mới làm thay đổi đáng kể cấu trúc của Thăng Long – Hà Nội truyền thống.
Công thương nghiệp
Sản xuất công nghiệp và hoạt động thương nghiệp là những yếu tố mới, là mặt đối lập, bổ sung cho nhau của một quá trình phát triển thống nhất làm nên yếu tố tạo thị – yếu tố căn bản thúc đẩy sự phát triển của đô thị.
Nhưng ở Đông Dương thực dân Pháp thực hiện chính sách độc quyền kinh doanh thương mại và hạn chế phát triển công nghiệp. Bằng cách ấy, công nghiệp và thương mại Pháp mới có điều kiện phát triển và thu lợi nhuận cao nhất. Chúng khai thác nguyên, nhiên liệu từ Việt Nam cung cấp cho công nghiệp chính quốc và bán hàng hoá sang Việt Nam dù những hàng hoá đó có thể sản xuất tại Việt Nam. Vì thế về sản xuất công nghiệp, thực dân Pháp chỉ tập trung vào các ngành khai thác than, quặng cùng một số ngành công nghiệp cần thiết có quy mô nhỏ và không cạnh tranh với công nghiệp Pháp. Ví dụ: sản xuất rượu, thuốc lá, diêm, giấy, vải, sợi, xi măng, ngói, điện…
Chính vì vậy, ở Hà Nội trong suốt thời kỳ chiếm đóng, thực dân Pháp cũng chỉ đầu tư xây dựng một số nhà máy cần thiết đề kinh doanh như nhà máy điện, nhà máy nước, nhà máy diêm, nhà máy dệt, nhà máy rượu, nhà máy thuốc lá, nhà máy sửa chữa xe lửa Gia Lâm…
Về thương nghiệp, với chính sách độc quyền mậu dịch, bảo hộ hàng hoá Pháp bằng hàng rào thuế quan ngặt nghèo để buộc chặt Việt Nam vào thị trường của Pháp, bên cạnh sức sản xuất của các ngành công nghiệp tại chỗ yếu kém, hoạt động thương nghiệp không thể phát triển bình thường với tư cách là một ngành kinh tế thúc đẩy sản xuất phát triển. Hà Nội chỉ là một thị trường tiêu thụ sản phẩm nhập khẩu và cung cấp dịch vụ chủ yếu phục vụ cho người Pháp cư trú ở Hà Nội.
Tón lại, với bản chất hẹp hòi và bảo thủ, thực dân Pháp không chủ trương phát triển công nghiệp ở Việt Nam, do đó Hà Nội thời thực dân không thể trở thành một thành phố công nghiệp phát triển, mà chỉ là một trung tâm hành chính, chính trị, dịch vụ phục vụ cho chính quyền thực dân và tư bản Pháp.
Giao thông vận tải và vận chuyển đô thị
Sau khi chiếm được Hà Nội, thực dân Pháp ra sức mở mang các đường giao thông vận tải nối liền Hà Nội với các địa phương nhằm tạo điều kiện cho những hoạt động quân sự, chính trị cũng như những khai thác kinh tế ở thuộc địa. Trong những năm cuối thế kỷ XIX và đầu thế kỷ XX, khi nền kinh tế Việt Nam còn ở mức độ phát triển thấp, việc xuất hiện những con đường và những phương tiện giao thông cơ giới hiện đại là một yếu tố mới, góp phần tạo điều kiện thuận lợi cho sự năng động xã hội và giao lưu kinh tế giữa các vùng.
Cùng với việc khai thác đường thủy trên sông Hồng, người Pháp bắt đầukiến thiết đường xe lửa và mở mang những đường bộ chính. Nghị định ngày 25-12-1898, cho phép toàn quyền Đông Dương mở công trái 200 triệu phờ-răng làm đường sắt và đã hoàn thành đoạn đường Hà Nội – Lạng Sơn năm 1902. Đến năm 1908 hoàn thành quãng đường sắt Lạng Sơn – Mục Nam Quan nối liền Hà Nội với biên giới Trung Quốc, năm 1905 hoàn thành đường sắt Hà Nội – Vinh và từ năm 1912 bắt đầu mở những quốc lộ nối liền với các tỉnh. Tới 1919 hoàn thành những tuyến Hà Nội – Hà Giang (khoảng 300 km), Hà Nội – Cao Bằng qua Thái Nguyên, Bắc Cạn (khoảng 200 km), Hà Nội – Hải Phòng (khoảng 100 km).
Trong thành phố, hệ thống giao thông đối nội bao gồm đường bộ và đường xe điện được thiết kế, quy hoạch và xây dựng theo phương pháp mới, đã định hướng phát triển mở rộng của Hà Nội theo từng giai đoạn và đã tạo nên một dạng kiến trúc đô thị mới. Đó là hệ thống đường phố được quy hoạch theo dạng ô cờ, mặt đường rộng trải nhựa, hai bên là hè rộng có trồng cây bóng mát dành cho người đi bộ. Các hệ thống cơ sở hạ tầng đô thị như cấp thoát nước, điện, thông tin… cũng được thiết kế và xây dựng.
Vào đầu năm 1897, Hà Nội có khoảng 46 km đường, năm 1901 tăng lên 68 km và tới năm 1905, đã có 81 km, trong đó 57 km đã rải đá. Cùng với việc mở rộng đường phố, hệ thống cống ngầm cũng được xây dựng. Năm 1898, Hà Nội có 3,6 km cống ngầm, năm 1901 mở thêm 12 km đường cống ngầm mới. Năm 1911, toàn bộ hệ thống cống ngầm của Hà Nội là 26 km nhưng chủ yếu ở khu phố người Pháp.
Tới năm 1933, hầu hết các đường phố Hà Nội đã được rải đá, rải nhựa có hè lát và có cống rãnh. Trước chiến tranh thế giới lần thứ hai, tổng số chiều dài của đường Hà Nội là 144 km với 66 km cống ngầm.
Về phương tiện giao thông, năm 1885, quân đội Pháp đóng một chiếc xe tải kiểu xe điện do 3 ngựa kép để vận chuyển người Pháp từ khu vực nhượng địa vào thành Hà Nội qua các phố Tràng Tiền, Hàng Khay, Nhà Chung. Năm 1886, ở Hà Nội xuất hiện phương tiện giao thông ô tôm bấy giờ chỉ có 2 chiếc (của giáo hội và của một nhà thầu). Năm 1899 Công ty thổ địa Đông Dương (Société Foncière de l’Indochinne) thấy kinh doanh về giao thông vận tải có lợi liền ký hợp đồng với nhà cầm quyền để đặt đường xe điện ở Hà Nội. Lúc đầu gồm 3 đường, từ ga xe điện Bờ Hồ tới Bạch Mai dài 3,5 km, tới Bưởi dài 5,5 km và tới Thái Hà ấp dài 5,2 km. Năm 1904, mở thêm đường xe điện Hà Nội – Hà Đông dài 10 km, năm 1929 mở tuyến Kim Liên – Yên Phụ.
Ngoài xe điện ra thì phương tiện vận chuyển phổ biến nhất là xe tay, mỗi năm một tăng và hình thức cũng dần biến đổi.
Cấp điện và cấp nước
Năm 1902, xây dựng nhà máy điện ở bờ hồ Hoàn Kiếm với công suất 500 kw chỉ thắp được 523 ngọn đèn điện cho khu phố của người Pháp và phục vụ nhu cầu sử dụng năng lượng điện khác trong gia đình của họ. Còn ở khu phố người Việt Nam thì phải thắp 584 ngọn đèn dầu hoả cho các đường phố. Năm 1913, tư bản Pháp mua thêm máy phát điện mới và nâng công suất nhà máy điện lên 800 kw. Các đường phố đều đã thay đèn dầu bằng đèn điện, nhưng trong nhà người Việt Nam vẫn phải thắp đèn dầu.
Sau đại chiến thế giới lần thứ nhất (1914 – 1918) do tình hình kinh tế ở Hà Nội phát triển mạnh mẽ, nhu cầu sử dụng điện của cả người Pháp lẫn người Việt tăng lên nhiều nên tư bản Pháp phải đặt mua thêm máy điện công suất 1000 kw.
Năm 1930 – 1931, bên cạnh Nhà máy điện Bờ Hồ có thêm nhà máy điện Yên Phụ.
Về cung cấp nước, Pháp xây dựng nhà máy nước Yên Phụ trong những năm 1904 – 1906. Những năm đầu nhà máy chỉ có 6 giếng nước với những máy bơm lên bể nước của thành phố. Mãi đến năm 1909, Pháp mới xây hệ thống lọc nước. Thời gian đầu cả thành phố Hà Nội chỉ có 437 đường ống dẫn nước vào các nhà riêng, hầu hết là nhà của người Pháp và 95 vòi nước công cộng cho tất cả các khu vực trong thành phố. Năm 1911 cả thành phố chỉ được cung cấp hàng ngày trung bình 4.000 mét khối nước máy, chủ yếu là người Pháp tiêu thụ.
Năm 1927, trước tình hình dân số trong thành phố phát triển nhanh chóng, thực dân Pháp mới đào thêm giếng thứ 7 và thứ 8.
Nha Tài chính Đông Dương bắt đầu thi công vào năm 1925 và nghiệm thu chính thức vào năm 1928. Hiện nay, Nha Tài chính Đông Dương là Trụ sở Bộ Ngoại giao Việt Nam. |
Năm 1924, dự án xây dựng Nha Tài chính Đông Dương được phê duyệt theo thiết kế của kiến trúc sư người Pháp Ernest Hébard với phong cách kiến trúc gần với văn hóa Á Đông, phù hợp với đặc điểm khí hậu Việt Nam. Hãng Verneuil & Gravereaud đã trúng thầu và thi công công trình. |
Đây là một trong những công trình đầu tiên thể nghiệm phong cách kiến trúc Đông Dương. Ernest Hébard cũng là kiến trúc sư tiên phong mở đầu trào lưu kiến trúc kết hợp Đông Tây với hàng loạt các công trình xây dựng tại Hà Nội giai đoạn 1923 – 1936. |
Ngày 3/10/1945, Hồ Chí Minh ký Sắc lệnh số 41-SL giao Tòa nhà Sở Tài chính Đông Dương (số 1 Tôn Thất Đàm, quận Ba Đình, Hà Nội) làm Trụ sở của Bộ Ngoại giao. Ngày 26/8, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã trao bằng xếp hạng là Di tích Quốc gia cho Trụ sở Bộ Ngoại giao. |
Từ khi được Hồ Chí Minh giao làm Trụ sở của Bộ Ngoại giao, nơi đây đã diễn ra nhiều sự kiện, chứng kiến nhiều cuộc họp, quyết định lịch sử quan trọng, liên quan trực tiếp đến chính sách đối ngoại cũng như vận mệnh của đất nước. |
Năm 1899, Hội đồng thành phố Hà Nội nhóm họp dưới sự chủ trì của Công sứ – Đốc lí Hà Nội để trình Toàn quyền Đông Dương đề xuất xây dựng một Nhà hát nhằm phục vụ nhu cầu giải trí của giới chức Pháp tại Hà Nội. Nhà hát Lớn Hà Nội chính thức được khởi công xây dựng vào ngày 7/6/1901. Năm 1911, công trình chính thức được hoàn thành. |
Công trình được thiết kết bởi hai kiến trúc sư Harlay và Broyer, trong quá trình thi công còn có sự tham gia của kiến trúc sư Lagisquet. |
Đây được coi là công trình văn hóa tiêu biểu có giá trị đặc biệt về thẩm mĩ và được coi là một phần bản sao của Nhà hát Opéra Garnier ở Paris, Pháp. Nhà hát có diện tích 26.000m2 với số ghế là 870. |
Nhà hát Lớn Hà Nội cùng quảng trường 19/8 trên phố Tràng Tiền ngày nay còn là nơi diễn ra nhiều sự kiện lịch sử trọng đại, là minh chứng cho sự phát triển văn hóa – xã hội của thủ đô Hà Nội và Việt Nam qua các thời kỳ. |
Sở Bưu điện Hà Nội nằm trên phố Đinh Tiên Hoàng là một trong những công trình được xây dựng từ khá sớm kể từ khi Hà Nội bắt đầu được quy hoạch và mở rộng với việc lấy khu vực Hồ Gươm làm trung tâm để phát triển. |
Tòa nhà đầu tiên do kiến trúc sư Henri Vildieu thiết kế và xây dựng vào các năm 1893 – 1899 theo phong cách kiến trúc tân cổ điển. Mặt chính của tòa nhà trông ra phố Đinh Tiên Hoàng, mặt bên trông ra phố Lê Thạch ngày nay. |
Từ năm 1910 trở đi, tòa nhà đã được tu sửa và mở rộng nhiều lần do có những dấu hiệu thiếu đảm bảo an toàn. Năm 1943, Sở Bưu điện Hà Nội xây dựng thêm một tòa nhà mới mang phong cách kiến trúc hiện đại nằm ở góc phố Đinh Tiên Hoàng và Đinh Lễ. Công trình là tác phẩm của kiến trúc sư Henri Cerutti – Maori. |
Bảo tàng Louis Finot được Viện Viễn Đông Bác Cổ Pháp cho xây dựng với tên gọi đầu tiên là Bảo tàng Viện Viễn Đông Bác Cổ Pháp nằm trên phố Phạm Ngũ Lão ngày nay nhằm bảo quản và lưu giữ tài liệu, hiện vật thu thập được trong quá trình nghiên cứu. Năm 1932, Bảo tàng này được đổi tên thành Bảo tàng Louis Finot – tên vị Giám đốc đầu tiên của Viện và nay đổi thành Bảo tàng Lịch sử quốc gia. |
Bảo tàng Louis Finot do kiến trúc sư Charles Batteur và Ernest Hébrard thiết kế. Năm 1925, thiết kế được phê duyệt với cấu trúc gồm 2 tầng: tầng 1 và tầng 2 dùng để trưng bày hiện vật, tầng hầm dùng làm phòng làm việc và kho bảo quản. |
Bảo tàng được khởi công xây dựng vào năm 1926 và hoàn thành vào năm 1932 với diện tích 1.835m2. Đây là một trong những công trình văn hóa được xếp vào loại tiêu biểu nhất, đại diện cho phong cách kiến trúc Đông Dương, kết hợp tinh tế các giá trị của kiến trúc Pháp với kiến trúc bản địa. |
Trường Đại học Đông Dương có tòa nhà đầu tiên xây dựng vào năm 1904 nằm trên phố Lê Thánh Tông ngày nay và được mở rộng theo thiết kế của kiến trúc sư Bussy năm 1917. Trước đó, năm 1902, chính quyền Pháp dự kiến xây dựng cơ sở vật chất cho trường Y Khoa – hạt nhân của trường Đại học Đông Dương sau đó. |
Tòa nhà chính của trường Đại học Đông Dương do hai kiến trúc sư Lacollonges và Sabrié thiết kế theo phong cách Tân cổ điện, được khởi công vào năm 1924. Năm 1927, trường được hoàn thành, đặt dấu chấm hết cho sự tồn lưu của kiến trúc cổ điển, đánh dấu cho sự trỗi dậy của nghệ thuật pha trộn giữa phương Tây và phương Đông. Sau đó, tòa nhà cánh phải, nhà ăn, phòng ngủ cho sinh viên và nhiều hạng mục khác cũng lần lượt được xây dựng. |
Ngày nay, Đại học Đông Dương vẫn được coi là công trình có giá trị lớn về mĩ thuật và kỹ thuật theo lối kiến trúc hiện đại. Công trình đang được trường Đại học Quốc gia Hà Nội, Đại học Dược Hà Nội quản lý và sử dụng. |
Cầu Doumer trước đây, nay là cầu Long Biên không chỉ có chức năng giao thông mà vượt lên đó là biểu tượng của kiệt tác kiến trúc và kết cấu thép. Cầu Long Biên được coi là công trình kết cấu thép đồ sộ nhất khu vực Đông Nam Á lúc bấy giờ nhưng không hề nặng nề, thô cứng mà lại rất uyển chuyển, duyên dáng vắt qua sông Hồng. |
Năm 1897, ngay sau khi nhậm chức, Toàn quyền Paul Doumer đã đưa ra ý tưởng xây dựng một cây cầu bắc qua sông Hồng dài 1.600m và vấp phải nhiều ý kiến cho rằng ý tưởng này “điên rồ” và “bất khả thi”. Tuy nhiên, vào ngày 12/9/1898 với sự hiện diện của Paul Doumer và các quan chức người Pháp và người Việt. |
Vào thời kỳ đó, cầu Long Biên thể hiện một thành tựu về trình độ kỹ thuật và xây dựng cầu với chiều dài 1.682m, thiết kế theo kiểu dầm chìa. Cây cầu khánh thành năm 1902 và được đặt theo tên của cha đẻ ý tưởng xây dựng là cầu Doumer. |
Cây cầu do hãng Daydé & Pillé thiết kế và thi công theo đồ án B với tổng kinh phí là 6.200.000 Franc với 30.000m3 đá và 5.300 tấn thép. |