Có hàng chục quân trưởng người Di ở miền tây nam, Chính nghĩa: Ở phía nam của quận Thục. trong đó lớn nhất là quân trưởng nước Dạ Lang. Sách ẩn: Tuân Duyệt nói: “Là nước thuộc quận Kiền Vi.” Vi Chiêu nói: “Nhà Hán đặt thành huyện, thuộc quận Tang Kha.” Xét: Hậu Hán thư chép: “Nước Dạ Lang phía đông liền quận Giao Chỉ, nước này ở phía nam hồ, có quân trưởng vốn sinh ra từ cây tre, nhân đó lấy làm họ Trúc.” Chính nghĩa: Là các châu Khúc-Hiệp ở bờ nam sông lớn của châu Lư, vốn là nước Dạ Lang.
Phía tây nước ấy có hàng chục quân trưởng người Mi Mạc, Chính nghĩa: Ở phía nam đất Thục xuống phía dưới về phía tây. Huyện Mi Phi ở phía bắc châu Diêu, cách tây kinh bốn ngàn chín trăm ba mươi lăm dặm về phía nam là chỗ của người rợ Mi Mạc. Sách ẩn: Là tên ấp của người Di, quân trưởng ấp này cùng họ với quân trưởng nước Điền. lớn nhất là quân trưởng nước Điền. Tập giải: Như Thuần nói: Điền, đọc là ‘điên’. Ngựa điên có từ nước này.” Sách ẩn: Thôi Hạo nói: “Sau đặt thành huyện, là chỗ mà quan Thái thú quận Việt Tủy đóng sở trị.” Chính nghĩa: Các châu Côn-Lang vốn là nước Điền, cách tây kinh năm ngàn ba trăm bảy chục dặm. Có hàng chục quân trưởng ở chỗ từ nước Điền lên phía bắc, lớn nhất là quân trưởng nước Cung Đô, người ở đây đều búi tóc, cày ruộng, có làng ấp. Ở phía tây ngoài chỗ ấy từ huyện Đồng Sư về phía đông, Sách ẩn: Hán thư chép là huyện Đồng Hương.phía bắc đến huyện Diệp Du Tập giải: Vi Chiêu nói: “Tại quận Ích Châu. Diệp, đọc là ‘diệp’.” Chính nghĩa: Có đầm Diệp ở phía bắc châu Mi hơn một trăm dặm. Huyện Diệp Du thời Hán ở phía tây đầm Trạch. Huyện Mi Phi quận Ích Châu vốn là nước thuộc Diệp Du Vương. là chỗ của người Tủy, người Côn Minh, Tập giải: Từ Quảng nói: “Quận Vĩnh Xương có huyện Tủy Đường.” Sách ẩn: Thôi Hạo nói: “Là tên hai nước.” Vi Chiêu nói: “Tủy là huyện thuộc quận Ích Châu.” Chính nghĩa: Tủy, đọc là ‘tủy’, là châu Tủy ngày nay. Côn Minh là huyện thuộc châu Tủy, có lẽ phía nam liền huyện Côn Minh, nhân đó đặt tên ấy. người ở đây đều bện tóc, dời theo bầy vật nuôi, không thường ở một chỗ, không có quân trưởng, đất rộng khoảng mấy ngàn dặm. Có hàng chục quân trưởng ở từ chỗ của người Tủy về phía đông bắc, lớn nhất là quân trưởng nước Tư-Tạc. Tập giải: Từ Quảng nói: “Huyện Tư tại quận Hán Gia. Tạc, đọc là ‘tạc’, tại quận Việt Tủy.” Sách ẩn: Phục Kiền nói: “Là tên hai nước.” Vi Chiêu nói: ” Huyện Tư thuộc quận Thục, huyện Tạc thuộc quận Việt Tủy.” Chính nghĩa: Tư, đọc là ‘tư’. Quát địa chí chép: “Châu Tạc vốn là chỗ ngoài phía tây quận Thục, là chỗ của người Miêu Khương, người Tủy. Địa lí chí chép: “Có huyện Tư.” Hoa dương quốc chí chí chép: “Núi Cung Hiệp thuộc châu Nhã vốn là núi Cung Tạc, là chỗ của người nước Cung, người nước Tạc.” Có hàng chục quân trưởng ở chỗ từ nước Tạc Đô về phía đông bắc, lớn nhất là quân trưởng nước Nhiễm Mang, Sách ẩn: Xét: Ứng Thiệu nói: “Quận Vấn Giang vốn là nước Nhiễm Mang. Đọc là ‘vô giang’ phiên.” Chính nghĩa: Quát địa chí chép: “Là chỗ của người Khương ngoài phía tây quận Thục, các châu Mậu-Nhiễm vốn là nước Nhiễm Mang. Hậu Hán thư chép là trong núi nước Nhiễm Mang có sáu nhóm người Di, bảy nhóm người Khương, chín nhóm người Đê, đều có bộ lạc.” người dân ở đây có thói ở một chỗ hoặc di chuyển, chỗ này ở phía tây của quận Thục. Có hàng chục quân trưởng ở chỗ từ nước Nhiễm Mang về phía đông bắc, lớn nhất là quân trưởng nước Bạch Mã, Sách ẩn: Là tên ấp của người rợ, là người Đê Bạch Mã. Chính nghĩa: Quát địa chí chép: “Các châu Thành-Vũ ở miền Lũng Hữu đều là chỗ của người Đê Bạch Mã, quân trưởng nước ấy là người họ Dương trú ở trên núi Cừu Trì châu Thành.” đều là người Đê. Đấy đêu là người Man-Di ở ngoài phía tây nam quận Ba-Thục.
Lúc trước vào thời Uy Vương nước Sở, sai tướng quân tên là Trang Cược đem quân ngược theo sông Giang đánh lấy các nước từ quận Ba-Thục-Kiềm Trung về phía tây. Chính nghĩa: Đọc là ‘kì lược’ phiên. Các châu Lang-Côn là chỗ mà Trang Cược làm vua. Trang Cược vốn là dòng dõi của Trang Vương nước Sở. Sách ẩn: Cược, đọc là ‘cự chước’ phiên. Là em của Trang Vương nước Sở, từng làm kẻ cướp. Cược đến đầm Điền, đầm rộng ba trăm dặm, Sách ẩn: Địa lí chí chép: “Quận Ích Châu có huyện Điền Trì, có đầm ở phía tây bắc.” Hậu Hán thư chép: “Nguồn nước đầm này sâu rộng, lại đổi thành nông hẹp như dòng nước chảy ngược, cho nên gọi là đầm Điền.” bên đầm là đất bằng màu mỡ rộng mấy ngàn dặm, bèn đem quân uy hiếp lấy gộp vào nước Sở. Muốn về báo tin, nhưng gặp lúc quân nước Tần đánh lấy các quận Ba-Kiềm Trung của nước Sở, đường bị nghẽn chẳng thông, do đó quay lại, làm vua của người nước Điền, đổi áo theo thói của người ở đấy để làm kẻ đứng đầu. Thời nhà Tần thường mở đường năm thước, Sách ẩn: Là nói đường sàn rộng năm thước. Chính nghĩa: Quát địa chí chép: “Đường năm thước ở châu Lang.” Nhan Sư Cổ nói: “Chỗ ấy chật hẹp, cho nên đường chỉ rộng năm thước.” có đặt quan lại ở một số nước ấy. Được hơn chục năm thì nhà Tần mất. Kịp lúc nhà Hán nổi lên lại đều bỏ các nước ấy mà chỉ mở đường nhỏ ở quận Thục. Có người dân ở quận Ba-Thục lẻn ra buôn bán, thu mua ngựa của người Tạc, nô lệ và bò lông dài của người Bặc, Chính nghĩa: Các châu Ích-Nam Nhung ngày nay phía bắc kề núi lớn là nước Bặc xưa. Sách ẩn: Vi Chiêu nói: “Huyện Bặc thuộc quận Kiền Vi, đọc là ‘bồ bắc’ phiên. Phục Kiền nói: “Lúc trước ở kinh sư có kẻ hầu gái người Bặc.”, do đó người quận Ba-Thục giàu có.
Năm Kiến Nguyên thứ sáu (năm 135 TCN), quan Đại hành là Vương Khôi đánh nước Đông Việt, người nước Đông Việt giết vua của mình tên là Sĩnh để báo tin. Khôi nhân oai quân sai quan Lệnh huyện Bà Dương là Đường Môn đến báo cho vua nước Nam Việt biết. Vua nước Nam Việt mời Mông ăn món tương củ. Tập giải: Từ Quảng nói: Củ, đọc là ‘cũ’. Bùi Nhân xét: Hán thư âm nghĩa chép: “Cây củ giống cây lúa nhưng lá như lá cây dâu, lấy lá của nó để làm giấm tương, ngon, người quận Thục cho là món ăn quý.” Sách ẩn: Xét: Lưu Đức nói: “Cây củ như cây dâu, quả của nó dài hai-ba tấc, vị chua, lấy hạt của nó để làm tương, ngon.” Lại nói: “Cây củ leo cây khác mà lớn lên, không phải là cây gỗ. Người đất Thục ngày nay có trồng cây này, quả như quả dâu nhưng vị cay như gừng, không chua.” Lại chú rằng lá như lá cây dâu là sai. Quảng chí chép: “Quả màu đen, vị cay, trừ hơi tiêu cơm.” Mông hỏiôcs từ đâu, nói: “Theo đường sông Tang Kha ở phía tây bắc, sông Tang Kha rộng mấy dặm, Chính nghĩa: Thôi Hạo nói: “‘Tang kha’ là cọc buộc thuyền.” Hoa dương quốc chí của họ Thường chép: “Vào thời Khoảnh Tương Vương nước Sở sai Trang Cược đánh nước Dạ Lang, đem quân đến nước Thư Lan, buộc thuyền ở bờ rồi lên đánh trên đất. Đã diệt nước Dạ Lang, cho là nước Thư Lan có cọc buộc thuyền, bèn đổi tên nước ấy thành nước Tang Kha.” qua dưới thành Phiên Ngu.” Mông về đến thành Tràng An, hỏi nhà buôn đến từ quận Thục, nhà buôn nói: “Riêng quận Thục có món tương củ, lén đem nhiều ra bán ở nước Dạ Lang. Nước Dạ Lang kề sông Tang Kha, sông này rộng hơn một trăm bước, đủ để đi thuyền. Vua nước Nam Việt đem tiền của đến để sai khiến người nước Dạ Lang, phía tây đến ấp Đồng Sư, nhưng cũng không bắt người các nước ấy thần phục được.” Mông bèn dâng thư khuyên nhà vua rằng: “Vua nước Nam Việt ngồi xe lọng vàng cắm cờ tiết bên trái, có đất rộng hơn vạn dặm trải từ đông sang tây, mang tiếng là bầy tôi ở ngoài nhưng thực là chúa của một châu. Nay đem quân từ các quận Trường Sa-Dự Chương đến đánh thì đường sông có nhiều chỗ ngăn cách, khó đi. Thần trộm nghe nước Da Lang có được khoảng chục vạn quân mạnh, nếu chèo thuyền theo sông Tang Kha mà ra chỗ người ta không ngờ đến tềi cũng là một cách hay để đánh người Việt vậy.” Nhà vua nghe theo. Bèn bái Mông làm Lang trung tướng đem một ngàn người, hơn một vạn người chở đồ dùng tiền lương theo từ đường cửa Tạc quận Ba-Thục đi vào, rồi gặp vua nước Dạ Lang tên là Đa Đồng. Mông ban cho nhiều đồ dùng, tỏ uy đức để dụ, hẹn đặt ra quan lại, sai con của Đa Đồng làm quan Lệnh. Người các ấp nhỏ kề nước Dạ Lang đều ham tơ lụa của nhà Hán, lại cho là con đường mà quân nhà Hán hiểm trở nên chẳng đánh lấy mình được, nèn nghe theo lời hẹn của Mông. Mông về báo, liền lập nên quận Kiền Vi, phát lính của quận Ba-Thục sửa đường từ nước Bặc thẳng đến sông Tang Kha. Sách ẩn: Địa lí chí chép: “Nước Dạ Lang lại có sông Đồn, phía đông chảy đến huyện Tứ Hội quận Nam Hải mà vào biển, đấy là sông Tang Kha. Người quận Thục là Tư Mã Tương Như cũng nói nên đặt quận ở các nước Cung-Tạc của người Di miền tây nam. Bèn sai Tương Như làm Lang trung tướng đến dụ, cùng đến chỗ người Di miền tây nam, đặt ra một quan Đô úy, hơn chục huyện, thuộc vào quận Thục.
Vào lúc ấy, người bốn quận Ba-Thục Tập giải: Từ Quảng nói: “Là các quận Hán Trung-Ba-Quảng Hán-Thục.” mở đường đến chỗ người Di miền tây nam, chở lương ăn đến cấp. Được mấy năm mà đường chẳng thông, rất nhiều quân lính đói mệt gặp phải hơi ẩm mà chết; mà người Di miền tây nam lại nhiều lần làm phản, phát binh đến đánh cũng tổn hao không có công gì. Nhà vua lo, sai Công Tôn Hoằng đến hỏi xem việc ấy. Hoằng về báo nói là việc ấy không được lợi. Kịp lúc Hoằng làm Ngự sử đại phu là lúc lúc đang đắp thành Sóc Phương để dựa vào sông Hà đuổi rợ Hồ, Hoằng nhân đó nói người Di miền tây nam gây hại, nên tạm bỏ, dốc sức đánh nước Hung Nô. Nhà vua bèn bỏ việc đến chỗ người Di miền tây nam, chỉ đặt một quan Đô úy của hai huyện thuộc nước Dạ Lang ở miền tây nam, lại sai người quận Kiền Vi tự giữ lấy. Chính nghĩa: Sai người quận Kiền Vi tự giữ lấy mà dần dần tu sửa quận huyện của mình.
Kịp đến năm Nguyên Thú thứ nhất (năm 122 TCN), Bác Vọng Hầu là Trương Khiên đi sứ nước Đại Hạ về nói là lúc ở nước Đại Hạ có thấy vải của người quận Thục, gậy tre của của người nước Cung, Tập giải: Vi Chiêu nói: “Là tre của người huyện Cung thuộc quận Thục.” Toản nói: “Cung là tên núi, đốt tre ở đấy cao mà ống đặc, làm gậy được.” sai người hỏi đến từ đâu, nói: “Từ nước Thân Độc phía đông nam, Tập giải: Có bản Sử kí chép là nước Can Độc. Bùi Nhân xét: Hán thư âm nghĩa chép: “Còn có tên là nước Thiên Trúc, là nước của rợ Hồ có Phù Đồ.” cách khoảng mấy ngàn dặm, mua được từ nhà buôn quận Thục.” Có nggười nói là phía tây nước Cung khoảng hai ngàn dặm có nước Thân Độc. Khiên nhân đó nói to lên là nước Đại Hạ ở phía tây nam của nhà Hán rất thích đến Trung Quốc, nhưng lo người Hung Nô chặn đường đi. Nếu mở đường từ quận Thục đến nước Thân Độc lại gần mà có lợi không có hại. Do đó thiên tử liền sai bọn Vương Nhiên Vu, Bách Thủy Xương, Lữ Việt Nhân đi sứ, ra từ phía tây của chỗ người Di miền tây nam để đến nước Thân Độc. Đến nước Điền, vua nước Điền tên là Thường Khương bèn giữ lại, giúp cho hơn chục nhóm người tìm đường về phía tây. Hơn một năm đều bị người Côn Minh chặn lại, Tập giải: Như Thuần nói: “Bị người Côn Minh chặn đường.” Chính nghĩa: Người Côn Minh ở phía nam châu Tủy, là huyện Côn ngày nay. chẳng ai đến được nước Thân Độc.
Vua nước Điền nói chuyện với sứ giả của nhà Hán rằng: “Nhà Hán so với nước ta thì ai lớn hơn?” Kịp lúc đó vua nước Dạ Lang cũng hỏi như vậy. Là vì đường không thông, đều tự cho là chúa của một châu mà không biết nhà Hán rộng lớn đến nhường nào. Sứ giả về, đều nói to lên rằng nước Điền là nước lớn, đủ để thân thiết. Thiên tử cũng để ý đến nước ấy.
Kịp đến lúc vua nước Nam Việt làm phản, nhà vua sai Trì Nghĩa Hầu đến quận Kiền Vi phát quân người Di miền tây nam đi đánh. Vua nước Thư Lan sợ đi xa Sách ẩn: Thư, đọc là ‘tử dư’ phiên. Là tên nước nhỏ. Sau đặt thành huyện thuộc quận Tang Kha. thì người nước bên bắt lấy kẻ già yếu của mình, bèn dấy binh của nước mình làm phản, giết sứ giả và Thái thú quận Kiền Vi. Nhà Hán bèn sai tám viên Hiệu úy phát người có tội ở quận Ba-Thục từng đánh nước Nam Việt quay về đánh phá nước ấy. Gặp lúc nước Nam Việt đã bị phá, tám viên Hiệu úy của nhà Hán không xuống phía dưới, liền dẫn binh về đi đánh nước Thư Lan, là nước chặn đường đến nước Điền. Đã phá nước Thư Lan, rồi dẹp người Di miền tây nam đặt thành quận Tang Kha. Vua nước Dạ Lang lúc trước cậy thế của nước Nam Việt, kịp lúc quân Hán đã diệt nước Nam Việt mà quay về đánh các nước làm phản, vua nước Dạ Lang bèn vào chầu. Nhà vua cho làm Dạ Lang Vương.
Sau khi nước Nam Việt bị phá, kịp lúc quân Hán đánh diệt các nước Thư Lan-Cung Đô, lại giết vua của nước Tạc Đô, vua các nước Nhiễm Mang đều sợ hãi, xin thần phục đặt quan lại. Nhà Hán bèn lấy nước Cung Đô đặt thành quận Việt Tủy, lấy nước Tạc Đô đặt thành quận Thẩm Lê, lấy nước Nhiễm Mang đặt thành quận Vấn San, Tập giải: Ứng Thiệu nói: “Là huyện Mân Giang quận Thục ngày nay.” lấy đất của người Bạch Mã phía tây quận Quảng Hán lập nên quận Vũ Đô.
Nhà vua sai Vương Nhiên Vu đưa tin oai quân phá nước Nam Việt và người Di miền tây nam đến khuyên dụ vua nước Điền vào chầu. Vua nước Điền còn có mấy vạn quân, phía đông bắc kề mình có người các nước Lao Tẩm-Mi Mạc Sách ẩn: Lao Tẩm, Mi Mạc là hai nước có cùng họ với vua nước Điền. đều là người cùng họ giúp nhau, chưa chịu nghe theo. Người Lao Tẩm-Mi Mạc nhiều lần xâm phạm sứ giả, quan quan. Năm Nguyên Phong thứ hai (năm 109 TCN), thiên tử phát quân của miền Ba-Thục đánh diệt các nước Lao Tẩm-Mi Mạc, đem quân đến nước Điền. Lúc ấy vua nước Điền mới chịu theo hàng, cho nên không giết. Vua nước Điền rời khỏi chỗ người Di miền tây nam, đem người cả nước ra hàng, xin đặt quan lại rồi vào chầu. Do đó lấy nước Điền đặt nên quận Ích Châu, bán ấn vương cho vua nước Điền, sai lại làm vua của dân mình như trước.
Có đến hàng trăm quân trưởng của người Di miền tây nam, nhưng chỉ có vua các nước Dạ Lang-Điền nhận ấn vương. Điền là nước nhỏ mà được sủng ái nhất.
Thái sử công nói: Tổ tiên của vua nước Sở há có lộc trời chăng? Vào thời nhà Chu thì làm thầy của Văn Vương, được phong ở nước Sở. Kịp lúc nhà Chu suy mà vẫn có đất rộng năm ngàn dặm. Nhà Tần diệt chư hầu mà riêng dòng dõi của vua nước Sở còn làm vua nước Điền. Nhà Hán diệt người Di miền tây nam, nhiều nước bị mất nhưng riêng nước Điền được sủng ái. Mầm mối đến chỗ người Di miền tây nam là việc thấy tương củ ở thành Phiên Ngu, gậy tre của nước Cung ở nước Đại Hạ. Sau đó người Di miền tây nam bị chia cắt thành hai miền, Sách ẩn: Ý nói sau này người Di miền tây nam bị xua đuổi đi, rồi chia ở hai miền góc tây nam, đều thuộc quận huyện. cuối cùng đặt thành bảy quận. Tập giải: Từ Quảng nói: “Là các quận Kiền Vi, Tang Kha, Việt Tủy, Ích Châu, Vũ Đô, Thẩm Lê, Vấn Sơn.”
Sách ẩn: Thuật tán rằng:
“Ngoài cõi tây nam,
Trang Cược mở đường,
Biết nước Đại Hạ,
Bèn sai Đường Mông,
Lao Tẩm, Mĩ Mạc,
Lạ tục khác phong,
Dạ Lang lớn nhất,
Cung-Tạc xưng hùng,
Kịp đặt quận huyện,
Muôn đời ghi công.”
Sử kí :
Hán – Tư Mã Thiên soạn
Lưu Tống – Bùi Nhân tập giải
Đường – Tư Mã Trinh sách ẩn, Trương Thủ Tiết chính nghĩa