Câu nói trên có hàm ý chê những người làm ăn qua loa, đại khái, không chú ý đến bản chất, đến trọng tâm của vấn đề.
Thành ngữ cưỡi ngựa xem hoa xét về mặt câu chữ, nếu một người chưa từng biết về ý nghĩa thực sự, mà chỉ hiểu giản đơn. Thì chắc chắn sẽ bị lầm tưởng là câu nói ám chỉ những người có cuộc sống xa hoa, sung sướng, không cần phải làm việc, mà chỉ việc cưỡi ngựa đi xem hoa cả ngày.
Điều này hoàn toàn sai lệch, vì có một câu nói khác liên quan tới ngựa đã thay thế cho ý nghĩa trên: “Lên xe xuống ngựa”. Bởi vậy, hiểu đúng bản chất câu thành ngữ “Cưỡi ngựa xem hoa” là điều rất cần thiết.
- Cưỡi ngựa xem hoa tiếng Anh ➜ Not to go into details.
- Cưỡi ngựa xem hoa tiếng Trung ➜ 走马观花 – Zǒu mǎ guān huā.
- Cưỡi ngựa xem hoa trong tiếng Hàn ➜ 주마간산
- Cưỡi ngựa xem hoa tiếng Nga ➜ Галопом по Европам (Phi nước đại xuyên châu Âu).
Nói về nguồn gốc thành ngữ “Cưỡi ngựa xem hoa” thường không được rõ ràng. Có ý kiến cho rằng, câu nói này xuất phát từ bài thơ Đăng khoa hậu (登科後) của Mạnh Giao (751-814) thời Trung Đường.
昔日齷齪不足誇,
今朝放蕩思無涯。
春風得意馬蹄疾,
一日看盡長安花。
Đăng khoa hậu là bài thơ gồm 4 câu, trong đó có 2 câu kết “Xuân phong đắc ý mã đề tật/Nhất nhật khán tận Trường An hoa.” (tạm dịch: Gió xuân thỏa sức cho ta phi ngựa, trọn một ngày có thể xem hết hoa Trường An). Dựa vào ý thơ, người ta đã xác định đây là nguồn gốc của câu thành ngữ “Cưỡi ngựa xem hoa”.
Nhưng ý kiến khác lại khẳng định, Cưỡi ngựa xem hoa xuất phát từ một điển cổ xưa, kể về cuộc gặp gỡ giữa anh chàng họ Tiền, nhà giàu nhưng bị thọt chân (chân bị tật đi cà nhắc), với một cô gái tên là Diệp Thanh bị sứt môi:
Điển tích xưa kể rằng, có chàng công tử họ Tiền, tên Quý Lương, rất giàu có. “Tiền công tử” có khuôn măt khôi ngô, tuấn tú, nhưng mỗi tội là bị thọt chân.
Tiền công tử luôn ao ước lấy được một cô vợ xinh đẹp và năm nay cũng đã ngoài ba mươi. Ở vùng kia, lại có một cô tiểu thư nhà họ Tôn, tên Diệp Thanh vô cùng xinh đẹp, chưa có chồng. Nhưng tiếc thay, cô có khuyết điểm với một chiếc môi siêu quá khổ, cô bị tật sứt môi.
Hai người hữu duyên cùng tìm đến một bà mối nổi tiếng họ Lý một cách rất vô tình. Bà mối thấy sự trùng hợp này, và ngầm ý muốn tác hợp cho 2 người với nhau.
Bà liền tới nhà họ Tiền, kể hết mọi đức hạnh của “Tam tiểu thư” nhà họ Tôn nghe. Rồi lại hoan hỉ đi tới nhà họ Tôn, tâng bốc đủ điều về Tiền công tử. Tam tiểu thư nghe thấy vậy, cứ rạo rực trong lòng.
Đến một ngày, bà mối sắp xếp để hai người được gặp mặt. Nhưng bà dặn dò “Tiền công tử” không được đi bộ đến, mà phải cưỡi ngựa. Còn “Tam tiểu thư” cần phải đứng e ấp trước cửa nhà mình, một tay vịn cửa, tay kia đưa bông hoa pǎng xê che ngang miệng để giấu khuyết điểm.
Hôm đó, Tiền công tử đi ngang qua nhà Tam tiểu thư, với tâm thế cực kỳ vui vẻ. Tiền công tử đi từ đằng xa cho ngựa tiến lại gần gần, thì nhìn thấy một cô gái rất xinh, da trắng, tóc đen, duyên dáng tuyệt trần. Đặc biệt, tay nàng lúc nào cũng cầm một bông hoa, như hôn, như ngửi, thỉnh thoảng lúng liếng đung đưa ánh mắt với Tiền công tử.
Lúc này Tiền công tử thầm nghĩ: “Đây chắc chắn là vị hôn thê bấy lâu nay ta đang tìm kiếm. Đúng là như vậy rồi!”. Và chàng liền vội vã về xin mẹ cho hỏi cô tiểu thư kia làm vợ. Được sự nhất trí từ hai bên nhà họ Tôn và họ Tiền, vậy là mấy chốc hôn lễ đã được cử hành.
Đêm hôm đó, sau khi uống rượu chúc mừng từ anh em bằng hữu, họ hàng gần xa, Tiền công tử liền đến bên Tam tiểu thư, chàng dịu dàng lật tung chiếc khăn đội đầu. Thật không ngờ, khi nàng lại là một cô gái bị sứt môi.
Do uống quá chén, nên không để ý tới dáng đi của mình. Vậy là nàng cũng biết được khuyết điểm của chồng cũng chỉ là một thằng bị teo cơ mà thôi. Bởi vậy, đó chính là câu chuyện thứ hai nói về nguồn gốc của câu thành ngữ “Cưỡi ngựa xem hoa”, được lưu truyền tới hậu thế sau này.
Cưỡi ngựa xem hoa, sự trình bày thoáng qua
Theo các nhà nghiên cứu chữ nghĩa, thành ngữ “Cưỡi ngựa xem hoa” ban đầu được dùng để chỉ tâm trạng hào hứng phấn chấn, của người hành tẩu du ngoạn trên lưng ngựa trong một rừng hoa.
Tuy nhiên, theo nghĩa đương đại lại được hiểu là: Qua loa, hời hợt, xem xét một sự việc quá nhanh chóng, nên không thể đạt được kết quả tốt đẹp. Và đa phần mọi người thường hiểu ý nghĩa của câu Cưỡi ngựa xem hoa theo cách hiểu này.
Nhưng thực tế thì thành ngữ “Cưỡi ngựa xem hoa” cần phải đặt vào “ngữ cảnh”, thì mới xác định được ý nghĩa hợp lý của nó. Chứ không hẳn nghĩa của câu thành ngữ này là hoàn toàn tiêu cực, như cách nghĩ đại chúng.
Chẳng hạn như, khi bạn đi tham quan du lịch ở nhiều quốc gia. Bạn có thể sử dụng thành ngữ “Cưỡi ngựa xem hoa”, để ám chỉ việc mình đi một chuyến đi nhanh ở nhiều quốc gia (tour du lịch).
Tức là bạn không thể dừng chân ở mỗi quốc gia với thời lượng quá lâu, muốn đi được nhiều nước thì chỉ nên thoáng qua mà thôi. Như vậy mới có đủ thời gian đi đủ các nước nằm trong kế hoạch của mình. Và như vậy, người ta có thể gọi đây là thú “Cưỡi ngựa xem hoa”, mang ý nghĩa cực kỳ tích cực.
Nhưng bạn biết đấy, hiện nay đa phần mọi người thường hiểu câu nói này để nói về thói quen không tốt của một cá nhân nào đó, trong công việc, cuộc sống. Cho nên khi ai đó nói trước mặt bạn câu nói này, tức là họ ngầm chê trách bạn, ám chỉ bạn cũng chẳng tốt lành gì.
“Làm việc gì cũng xét suy đầy đủ,
Việc chẳng thành khi cưỡi ngựa xem hoa.”
Ở bài viết này, tôi muốn phân tích cách hiểu mà mọi người thường hay sử dụng cho thành ngữ “Cưỡi ngựa xem hoa”:
Xem hoa là cách dùng từ rất “chính xác”, vì người cưỡi ngựa đi nhanh, thì chỉ có thể xem, chứ làm sao mà “ngắm” hoa được. Cũng giống như ta so sánh “Xinh” với “Đẹp”. Một người biết thưởng thức cái Đẹp, người ta gọi đó là Đẹp, chứ không gọi là Xinh.
Xem/Ngắm hay Xinh/Đẹp đều là những phạm trù hoàn toàn khác biệt. Còn sự khác biệt như thế nào thì có lẽ bạn nên tự hiểu.
Người xưa có câu “Dục tốc bất đạt” (làm mà nhanh quá thường hay hỏng việc). Cho nên bất kỳ công việc nào, vấn đề nào cũng đòi hỏi có đầy đủ sự cẩn thận, tỉ mỉ.
Ví dụ đơn giản như, khi bạn nấu một nồi cơm, bạn cần tập trung ghi nhớ, đo lường mực nước phù hợp với gạo để có được một nồi cơm ngon lành. Một ca sĩ được khản giả công nhận hát hay, họ cần dồn lời và cảm xúc, sự tinh tế và cả tiểu tiết trong những câu hát của mình.
Hay như một anh kỹ sư cần phải tính toán kỹ lưỡng, để không ảnh hưởng tới các thiệt hại mà vấn đề đang thực hiện.
Nói tóm lại khi làm một việc gì đó, bạn nên làm đến nơi đến chốn. Không vội vã hấp tấp, không ào ào lấy lệ, mà cần phải lao tâm khổ trí cho vấn đề của mình. Nếu không làm được điều này, đến lúc bạn “Cưỡi ngựa xem hoa”, hay “Cưỡi trâu xem hoa”, lúc hoa héo hoa tàn rồi mà vẫn chả biết mình đang xem cái gì.
Lời kết
Nhìn chung, Cưỡi ngựa xem hoa về mặt tạo hình là câu thành ngữ có giá trị biểu đạt tương đối gợi cảm. Nhưng bên cạnh đó, đây cũng là một thói quen cần được loại bỏ, để chúng ta nhận được sự tin tưởng, tín nhiệm từ những người xung quanh.
Chẳng cần phải tạo bước nhảy vội vã, ví như chiếc dây xích chỉ cần trật đi một mắt là chiếc xe đã không an toàn rồi. Cần phải ý thức được những việc mình đang làm, vì đó có thể là những cơ hội tuyệt vời cho bạn trong cuộc sống. Chúc bạn thành công!