Từ thời cổ đại đến nay, sự suy vong của một quốc gia, đất nước hay nhỏ bé như một gia đình, một cá nhân thì phần lớn đều là có nguyên nhân bắt nguồn từ “tham”.
Dục vọng của con người về tiền tài, của cải, hư danh, tình dục… thì giống như có nhồi nhét mãi cũng không đến đáy cùng được. Bởi vậy mà ngay từ xa xưa, người ta cho rằng “không tham” chính là báu vật vô giá, ai có thể khắc chế được lòng tham, loại bỏ được lòng tham thì được ví như có báu vật trong tay. Liên quan đến vấn đề này có một câu chuyện lịch sử như sau:
Vào năm thứ 15 Lỗ Tương Công, ở nước Tống có một người nhặt được một viên bảo ngọc. Ông ta liền đem viên ngọc ấy biếu cho quan Tử Hãn nhưng Tử Hãn từ chối không nhận.
Người biếu ngọc nói: “Viên ngọc này tôi đã đem cho thợ ngọc xem qua rồi. Ông ấy nói đây đúng là một loại ngọc rất quý giá, là báu vật, nên tôi mới dám đem dâng biếu quan lớn!”.
Tử Hãn nói: “Ngươi cho ngọc là báu vật, còn ta cho ‘không tham’ là báu vật. Ngươi đem ngọc biếu ta, nếu ta nhận, thì cả hai chúng ta đều mất báu vật rồi! Chi bằng, mỗi người chúng ta tự giữ lại báu vật của mình đi!” Cuối cùng, Tử Hãn vẫn không nhận viên bảo ngọc ấy.
Người biếu ngọc kia thấy Tử Hãn không nhận bảo ngọc đành phải bẩm báo thật lòng: “Tiểu dân nếu giữ lại bảo ngọc này, sợ rằng không được bình an cho nên đã một mình đến đây biếu ngài…”
Tử Hãn nghe xong liền lệnh cho một thợ gia công mài giũa viên ngọc này, tạo hình dạng cho nó và đem bán, sau đó giao lại số tiền ấy cho người biếu ngọc kia. Hơn nữa, ông còn phái người hộ tống người biếu ngọc kia trở về nhà.
—-
Câu chuyện xưa “lấy không tham làm báu vật” thật khiến mọi người phải suy ngẫm sâu xa. Nếu như trong cuộc sống, ai ai cũng lấy “không tham làm báu vật”, làm mọi việc đều không khởi lòng tham, ở đâu cũng không tham thì khi đó mọi người đều đã “biết đủ” mà có thể “thường vui”.
Nếu một người không tiết chế được dục vọng và lòng tham thì người ấy hoàn toàn sẽ trở thành “nô dịch”. Khi ấy, không có việc xấu xa nào là họ không dám làm để thỏa mãn dục vọng và lòng tham của mình. Họ sẽ vứt bỏ hết quy phạm đạo đức làm người, tôn nghiêm làm người, thậm chí cả tính mạng của bản thân mình, ngay cả xã tắc thiên hạ họ cũng “không ngại”.
Họ không biết được rằng ở sâu xa bên trong còn có Thiên lý, “thiện ác có báo” là Thiên lý bất biến. Nhìn lại lịch sử có thể thấy, người làm việc xấu, tham lam, tranh đoạt nhất định sẽ có kết cục bi thảm và vô cùng đáng sợ. Cho nên, người xưa cũng dạy rằng, “tham lam là cách tự chiêu mời họa đến với mình, “không tham” thì họa tự nhiên sẽ rời xa mình”.
Theo Trithucvn.net