Site icon Tạp chí Đáng Nhớ

Hai tấm bia đá cổ đặc biệt bên sông Ngự Hà ở Huế

Nội dung của hai tấm bia đá cổ bên sông Ngự Hà cho thấy sự quan tâm sâu sắc của vua Minh Mạng đến đời sống của cư dân trong Kinh thành Huế, đồng thời thể hiện phần nào tầm nhìn của một vị vua được đánh giá là có trí tuệ sáng suốt dưới triều Nguyễn.

Chảy từ mặt Tây sang mặt Đông của Kinh thành Huế, sông Ngự Hà hay sông Vua là một dòng sông đào có vị trí đặc biệt trong lịch sử của Cố đô Huế. Ngày nay, bên bờ sông còn lưu giữ hai nhà bia có giá trị lịch sử – văn hóa quan trọng của Cố đô Huế.

Hai nhà bia này là nơi lưu giữ hai tấm bia đá cổ “Ngự chế Ngự Hà bi ký” và “Ngự chế Khánh Ninh kiều bi ký”, khắc các bản văn do đích thân vua Minh Mạng biên soạn.

Trong đó, bia “Ngự chế Ngự Hà bi ký” đặt ở đầu phía Bắc của cầu Kho, cây cầu nằm trên đường Đinh Tiên Hoàng, trục đường lớn nhất đi qua Kinh thành Huế.

Bia “Ngự chế Khánh Ninh kiều bi ký” nằm ở đầu phía Bắc cầu Khánh Ninh, còn gọi là cống Hắc Báo. Cây cầu có một đầu giao với đường Trần Văn Kỷ và đường Ngô Thế Lân, đầu bên kia nối với đường Triệu Quang Phục.

Hai tấm bia mang cùng một kiểu cách, được chế tác bằng đá tinh xảo, mang họa tiết đặc trưng của mỹ thuật cung đình nhà Nguyễn với các hình tượng rồng, mây gió, hoa lá…

Hai tấm bia mang tên khác nhau, nhưng nội dung cùng đề cập đến nguồn gốc và lợi ích của sông Ngự Hà và cầu Khánh Ninh cùng những cây cầu khác trên con sông này đối với người dân trong khu vực Kinh thành.

Trích đoạn phần mở đầu bia “Ngự chế Ngự Hà bi ký”: “Sông này nguyên trước đây là một nhánh của sông Hương. Sau khi vua cha là Cao Hoàng đế vượt qua mọi trở ngại để lấy lại đất Thần kinh, lúc xây dựng Kinh thành, đã tùy theo địa thế mà đào lấp…”.

“Sông bắt đầu từ phía bắc Hoàng thành, ngang qua Võ Khố, vòng quanh lên phía bắc, qua phía đông, lại chuyển về phía nam, quay lại phía đông ra ngoài Kinh thành lưu thông với Hộ Thành Hà. Từ đường cái ở cửa Đông Nam trong Thành Nội qua sông đến đường cái ở cửa Chánh Bắc, đã từng bắc cầu gỗ để qua lại…”.

“Đến năm Canh Thìn, Minh Mạng năm thứ nhất, Trẫm nghĩ rằng ở Kinh thành tụ họp nhiều nhà cửa, người và ngựa đi trên đường cái ngày đêm, chất gỗ khó tồn tại lâu dài, cho nên đổi làm cầu đá, đó là kế chỉ làm một lần mà được nhàn rỗi lâu dài…”.

Một số đoạn trích từ bia “Ngự chế Khánh Ninh kiều bi ký”: “Thời Gia Long đào sông Ngự Hà bắt đầu từ Võ Khố đến chỗ ra khỏi phía đông Kinh thành, thông với Hộ Thành Hà. Chỉ ở phần thượng lưu của nó là chưa thông…”.

“…Bèn đào một thủy đạo từ chỗ tắc của con sông, hướng về phía tây, ra khỏi Kinh thành, thông với Hộ Thành Hà. Khi đó, sông đã thông ghe thuyền, nhưng trên các đường cái, người và ngựa đi lại, không thể không xây cầu để qua sông. Bèn xây cầu đá ở đường cái Ngự Hà, dùng cung Khánh Ninh, gần bên trái cầu để đặt tên là cầu Khánh Ninh…”.

“…Mặc dù kinh phí lên đến cả chục vạn, nhưng nào có tiếc, vì có thể để lại muôn năm, ban ơn cho hàng triệu người, nên cũng không thể không làm. Nay nhớ đến và ghi lại nguồn gốc của con sông và các cầu để phó thác cho bia đá”.

Nội dung của hai tấm bia cho thấy sự quan tâm sâu sắc của vua Minh Mạng đến đời sống của cư dân trong Kinh thành Huế, đồng thời thể hiện phần nào tầm nhìn của một vị vua được các sử gia đánh giá là có trí tuệ sáng suốt dưới triều Nguyễn.

Trong quá khứ, hai nhà bia bên sông Ngự Hà từng rơi vào tình trạng hoang phế và xuống cấp nghiêm trọng.

Cách đây ít năm, dự án trùng tu phục hồi hai nhà bia “Ngự chế Ngự Hà bi ký” và “Ngự chế Khánh Ninh kiều bi ký” đã hoàn thành, trả lại diện mạo vốn có cho hai công trình lịch sử đặc biệt này.

Nguyên văn nội dung hai bài văn bia bên sông Ngự Hà được dịch nghĩa như sau:1. Bài văn bia viết về sông Ngự Hà

Sông này nguyên trước đây là một nhánh của sông Hương.

Sau khi vua cha là Cao Hoàng đế vượt qua mọi trở ngại để lấy lại đất Thần kinh, lúc xây dựng Kinh thành, đã tùy theo địa thế mà đào lấp.

Sông bắt đầu từ phía bắc Hoàng thành, ngang qua Võ Khố, vòng quanh lên phía bắc, qua phía đông, lại chuyển về phía nam, quay lại phía đông ra ngoài Kinh thành lưu thông với Hộ Thành Hà. Từ đường cái ở cửa Đông Nam trong Thành Nội qua sông đến đường cái ở cửa Chánh Bắc, đã từng bắc cầu gỗ để qua lại.

Đến năm Canh Thìn, Minh Mạng năm thứ nhất, Trẫm nghĩ rằng ở Kinh thành tụ họp nhiều nhà cửa, người và ngựa đi trên đường cái ngày đêm, chất gỗ khó tồn tại lâu dài, cho nên đổi làm cầu đá, đó là kế chỉ làm một lần mà được nhàn rỗi lâu dài.

Bèn sai Bộ Công lấy ngày lành tháng 5 năm ấy bắt đầu khởi công. Trải qua một tháng rưỡi thì chiếc cầu được xây xong. Dưới cầu để ba khoảng trống, trên cầu xây đá thanh, hai bên có lan can bằng đá để bảo vệ. Mặc khác, vì sông này trước đó chưa có tên, bèn gọi tên là Ngự Hà, cho nên cũng lấy nó để đặt tên cầu.

Đến tháng tư năm Minh Mạng thứ 11, lại thấy ở chỗ Ngự Hà chảy về phía đông ra ngoài Kinh thành, nguyên có chiếc cầu gỗ tên là cầu Thanh Long, cũng sai thay bằng đá. Dưới cầu đặt chánh cửa làm cửa quan. Trên cầu, ở lan can bảo vệ, trổ ra 13 cửa dùng để bắn súng đại bác. Cầu được đổi thành Đông Thành Thủy Quan.

Cầu giúp ích nhiều cho việc qua lại, thuận lợi cho xe thuyền, lại được phòng bị nghiêm túc, làm cho Kinh đô thêm hùng tráng. Kinh phí tiền bạc trước sau đến vài vạn, vẫn không tiếc. Nay làm bài ký để khắc vào bia đá.

Sáng sớm ngày mồng một tháng 10 năm Minh Mạng thứ 17.

2. Bài văn bia vua viết về cầu Khánh Ninh

Thời Gia Long đào sông Ngự Hà bắt đầu từ Võ Khố đến chỗ ra khỏi phía đông Kinh thành, thông với Hộ Thành Hà. Chỉ ở phần thượng lưu của nó là chưa thông.

Nghĩ kỹ thấy rằng sông này rất tiện lợi cho mọi người trong sự đi lại để làm việc công cũng như việc tư. Nếu ở thượng lưu không thông thì ai muốn đi về phía tây Kinh thành cũng gặp sự bất tiện. Vả lại, dòng nước chẳng nối tiếp với đầu nguồn thì ứ đọng đục bẩn, không thể cung ứng cho việc ăn uống và sử dụng của quân đội và dân chúng.

Cho nên, vào tháng 6 năm Ất Dậu, năm Minh Mạng thứ 6, bèn đào một thủy đạo từ chỗ tắc của con sông, hướng về phía tây, ra khỏi Kinh thành, thông với Hộ Thành Hà. Khi đó, sông đã thông ghe thuyền, nhưng trên các đường cái, người và ngựa đi lại, không thể không xây cầu để qua sông. Bèn xây cầu đá ở đường cái Ngự Hà, dùng cung Khánh Ninh, gần bên trái cầu để đặt tên là cầu Khánh Ninh.

Kế đến, từ đường cái cửa Chánh Nam đến đường cái cửa Tây Bắc, ở chổ qua sông cũng xây một cầu đá, tên là cầu Vĩnh Lợi.

Lại ở chỗ phía tây của thành vượt qua sông, thiết lập một cửa quan, trên thì xe cộ qua lại, dưới thì ghe thuyền vào ra, gọi tên là Tây Thành Thủy Quan. Trên tường đặt súng đại bác, trông càng thêm hùng tráng.

Lại nữa, ở đầu ngoài quách phía tây của thành, cũng xây một cầu đá, gọi là cầu Hoằng Tế.

Các cầu và cửa quan ấy, ở dưới đều xây bằng gạch, ở trên thì xây bằng đá. Việc thi công kéo dài đến nửa năm mới hoàn tất, thật là vững chãi.

Mặc dù kinh phí lên đến cả chục vạn, nhưng nào có tiếc, vì có thể để lại muôn năm, ban ơn cho hàng triệu người, nên cũng không thể không làm.

Nay nhớ đến và ghi lại nguồn gốc của con sông và các cầu để phó thác cho bia đá.

Sáng sớm ngày mồng một tháng 10 năm Minh Mạng thứ 17.

Theo TRUNG TÂM BẢO TỒN DI TÍCH CỐ ĐÔ HUẾ

Chuyện thật và bịa về trang phục các Vua nhà Nguyễn

Gần đây có một bộ tranh chân dung của các vua triều Nguyễn được vẽ mới và phổ biến, thu hút được nhiều sự chú ý của người xem. Nếu...

Kẹt xe ngày trước ở Sài Gòn

Những khoảnh khắc đẹp của Sài Gòn ở những thập niên trước thật dễ khiến người xem nao lòng. Với nhịp độ hối hả của cuộc sống hiện đại, chúng...

Giang hồ Sài Gòn Xưa – Kỳ 5/10 – Giang hồ trong khám Chí Hòa

Sài Gòn, những năm cuối thập niên 1960, đầu 1970. Lúc này, trong trại giam Chí Hoà nhốt một dọc những tay giang hồ nổi tiếng vào thời gian ấy....

Thổ Ngữ Của Tiếng Huế

Tiếng Huế không phải chỉ đơn giản tê mô răng rứa như thỉnh thoảng vẫn xuất hiện trong thơ, nhạc và văn xuôi như những nét chấm phá rất dễ...

Cỏ ưu tư muộn phiền lên xám môi…

Trúc Phương tên thật là Nguyễn Thiện Lộc, sinh tại xã Mỹ Hoà, quận Cầu Ngang, tỉnh Trà Vinh (Vĩnh Bình), một xứ chùa tháp ở hạ lưu sông Cửu...

Hành trình về thời đại Hùng Vương dựng nước (P10, 11, 12)

CHƯƠNG X. NẾP PHONG TỤC THUẦN PHÁC CỔ XƯA Trong những làng xưa chạ cổ cách đây hàng nghìn năm, chúng ta đã quan sát người Việt cổ qua cách ăn...

Lễ khánh thành cầu Đume – Nguyễn Khuyến gặp chuyện khó xử

Cầu Đu-me được người Pháp khởi công xây dựng vào năm 1898, khánh thành vào ngày 28/02/1902 nhằm mục đích nâng cao cơ sở hạ tầng để phục vụ cho...

Tìm hiểu về tục nhuộm răng của người Việt xưa

Nhuộm răng đen là một tục lệ lâu đời, xuất hiện từ thời Hùng Vương, tồn tại suốt mấy ngàn năm trong lịch sử văn hóa của người Việt. Đây...

Hà Nội cổ xưa qua ống kính Toàn quyền Đông Dương

200 bức ảnh của Toàn quyền Đông Dương Armand Rousseau. Trong thời gian đương nhiệm, ông Rousseau chụp khá nhiều ảnh về Hà Nội. Bức ảnh này chụp toàn cảnh...

Miếu Và Miễu Ở Miền Quê

Ở miền quê, một trong nhiều nét tiêu biểu về việc cúng tế ở đình, chùa, thánh thất còn là việc cúng miếu và miễu hằng năm. Theo Việt Nam...

Ảnh hiếm về tục chơi cờ người ở Việt Nam xưa

Cờ người là một trò chơi dân gian thường được tổ chức vào các dịp lễ hội cổ truyền ở Việt Nam. Về bản chất, đây là môn cờ tướng...

Câu chuyện bản thể Tết Việt

Bài viết này không cổ vũ việc bỏ Tết âm lịch, mà ủng hộ việc tìm hiểu cội nguồn, giữ được hoặc khôi khục được bản thể đã mất của...

Exit mobile version