Trong mùa nắng nóng oi bức thì tất nhiên tắm hồ bơi là cách giải nhiệt hiệu quả được nhiều người chọn. Tuy nhiên, ngoài nước và thuốc tẩy, bên dưới làn nước trong xanh ấy còn có những thứ khác.
Vùng vẫy, thả mình dưới hồ bơi, ngoài cảm giác sảng khoái vì vô cùng mát mẻ và thư giãn thì nhiều người cũng “gợn gợn” vì biết rằng nó không hoàn toàn sạch sẽ.
Nếu một ngày nào đó bạn bỗng dưng đặt ra câu hỏi rằng, có hay không việc nhiều người sẽ tiện thể tiểu bậy luôn ở dưới hồ bơi thì câu trả lời sẽ là có, thậm chí theo các chuyên gia, lượng nước tiểu trong hồ bơi có rất nhiều.
Ngoài nước và thuốc tẩy thì bên dưới hồ bơi còn có thể chứa nhiều thứ khiến bạn phải giật mình khi được biết. Ảnh minh họa: Jm_grem.
Nước tiểu trong hồ bơi có thể có đến hơn 100 chai 500ml
Trong một nghiên cứu về việc nước trong hồ bơi có thể gây ảnh hưởng đến sức khỏe con người, các nhà khoa học đến từ ĐH Alberta (Canada) đã tiến hành tìm hiểu chi tiết về vấn đề nước tiểu có trong các hồ bơi.
Dù trên thực tế, nước tiểu vô trùng, nhưng các chất khử trùng có trong hồ bơi có thể phản ứng với nước tiểu và tạo ra các sản phẩm phụ. Và khi ấy, những sản phẩm phụ này sẽ tác động không tốt đến sức khỏe con người, chúng có thể có liên quan đến hệ hô hấp, các cơn hen và gây kích ứng mắt.
Các nhà nghiên cứu cho rằng, nước tiểu có trong hồ bơi cũng có nguy cơ ảnh hưởng đến sức khỏe con người. Ảnh minh họa: Pinterest
Theo một cuộc khảo sát có đến 19% số người từng đi bơi thừa nhận mình đã “tiện thể” tiểu tiện luôn trong hồ bơi. Tuy nhiên, đây chỉ là những người dám thẳng thắn thừa nhận hành vi sai trái của mình, thực tế, còn bao nhiêu người đã “giải quyết” trong hồ bơi mới là vấn đề được các nhà nghiên cứu lưu tâm.
Vậy, làm thế nào để các nhà khoa học biết được lượng nước tiểu có thể có trong hồ bơi? Sau thời gian nghiên cứu, các nhà khoa học đã nhận thấy rằng acesulfame (chất làm ngọt nhân tạo, có nhiều trong sữa chua và một vài thực phẩm khác…) không bị chuyển hóa trong cơ thể con người và cũng rất ổn định trong nước. Do đó, chỉ cần căn cứ vào lượng acesulfame có trong nước hồ bơi cũng có thể giúp các nhà khoa học xác định được hàm lượng nước tiểu chứa trong ấy.
Và để phục vụ cho việc nghiên cứu này, các nhà khoa học tiến hành thu thập 87 mẫu nước tại 29 hồi bơi (bao gồm cả bồn tắm nước nóng ở những trung tâm giải trí, nhà ở tư nhân và khách sạn) trên hai thành phố ở Canada. Sau khi phân tích để xem xét nồng độ acesulfame trong nước hồ bơi đã thu thập, kết quả thu về đã khiến các chuyên gia rất kinh ngạc: ở thành phố số 1, nồng độ acesulfame có trong nước hồ bơi là 30-2100ng/lít, và ở thành phố số 2 là 90-1070ng/lít. Xét theo nồng độ trung bình acesulfame có trong nước tiểu của một người trưởng thành là 2360 nanogram/ml thì nước tiểu có trong các hồ bơi của hai thành phố được thu thập mẫu vật nghiên cứu chiếm đến 0,05% và 0,1%.
Sau thời gian nghiên cứu, các nhà khoa học đã kết luận lượng nước tiểu có trong hồ bơi có thể lên đến 75 lít. Ảnh minh họa: Shutterstock.
Tuy nhiên, để nghiên cứu mang lại kết quả cụ thể hơn thì các chuyên gia cũng đã tiến hành thu thập mẫu nước hồ bơi 6 lần trong ngày và lấy liên tiếp trong 3 tuần ở hai hồ bơi có dung tích 420.000 lít và 840.000 lít. Và theo nghiên cứu cụ thể này thì kết quả thu về cũng làm nhiều người giật mình, nồng độ acesulfame thu được trong hồ bơi dung tích 420.000 lít là 156ng/lít, trong khi hồ bơi 840.000 lít là 210ng/lít. Nghĩa là lượng nước tiểu có trong hồ bơi nhỏ chiếm khoảng 30 lít và hồ bơi lớn khoảng 75 lít – tức tương đương với hơn 100 chai nước 500ml.
Làm sao để bảo vệ sức khỏe của mình khi tắm hồ bơi?
Các chuyên gia cho rằng, kết quả từ cuộc nghiên cứu này không phải là vấn đề khiến chúng ta tránh xa hồ bơi mà là lời khuyên giúp mọi người nâng cao ý thức và giữ gìn vệ sinh hơn khi xuống hồ bơi. Giáo sư Clifford Weisel – một chuyên gia trong lĩnh vực vi sinh học môi trường, ĐH Rutgers – cũng đã chia sẻ: “Việc tiểu tiện dưới hồ bơi là việc làm vừa mất vệ sinh vừa là một hành vi nguy hiểm bởi sản phẩm phụ phản ứng của nước tiểu với chất khử trùng rất độc hại. Ngoài ra, do thông gió kém và thiếu ánh sáng mặt trời nên các sản phẩm phụ độc hại này càng khó phân tán hơn và tác động đến sức khỏe người đi bơi lớn hơn”.
Để bảo vệ sức khỏe của mình cần chuẩn bị đầy đủ đồ bảo hộ và tắm rửa cẩn thận sau khi rời hồ bơi. Ảnh minh họa: Shutterstock.
Để bảo vệ sức khỏe của mình khi tắm hồ bơi, các chuyên gia khuyên rằng bạn đừng bao giờ bước xuống hồ bơi nếu đang mắc các bệnh da liễu, tiêu chảy hoặc phụ nữ đang đến kì “đèn đỏ”. Ngoài ra, trước khi đặt chân xuống hồ thì bạn cũng nên chuẩn bị cho mình đầy đủ các dụng cụ bảo hộ như kính, mũ bơi và nên tắm tráng cho thật cẩn thận. Đừng để mình phải uống nước hồ bơi, nếu có lỡ uống thì nên súc miệng bằng nước sạch ngay sau đó. Và sau tất cả, sau khi lên khỏi hồ bơi thì bạn cần phải tắm rửa sạch sẽ với xà phòng.
Sự thật kinh hoàng về mùi nước tẩy ở hồ bơi công cộng.
Mùa nóng này, nếu muốn vẫy vùng dưới làn nước mát trong hồ bơi thì bạn cần lưu ý đến những lời khuyên của các chuyên gia như trên để tự bảo vệ sức khỏe của mình bạn nhé! Đừng vì cảm thấy “choáng ngợp” với số lượng nước tiểu trên mà bỏ đi môn bơi lội yêu thích của mình. Bởi bơi lội thường xuyên sẽ giúp cơ thể dẻo dao, săn chắc và đặc biệt là giúp tăng chiều cao một cách tự nhiên.
Còn bạn, có thường xuyên đi bơi không và quan điểm của bạn về vấn đề trên như thế nào?