Nhôm là vật liệu đang được sử dụng bởi rất nhiều loại thiết bị mà chúng ta dùng hàng ngày, từ điện thoại, máy tính, bàn phím cơ, màn hình, các linh kiện… Anh em sẽ thấy người ta nói tới các loại nhôm khác nhau như nhôm 6000, nhôm 7000… đó là các loại nhôm với tỉ lệ pha trộn khác nhau, nhằm đạt được các mục đích như cứng hơn hay nhiệt độ tan chảy cao hơn. Hãy cùng tìm hiểu về các loại nhôm này.
Nhôm 1000 – tinh khiết
Hợp kim nhôm là cái mà chúng ta hay nghe, thể hiện cho việc pha trộn từ hai hay nhiều kim loại với nhau. Dòng 1000 này được coi là tinh khiết nhất khi có tới 99% hoặc nhiều hơn số đó là nhôm. Vì thế nó không phải là dòng nhôm cứng nhất, thường được dùng để tạo mẫu, hàn… Nhôm 1000 cũng rất khó bị ăn mòn, khả năng dẫn nhiệt và điện tuyệt vời. Vì thế nó cũng được sử dụng để sơ chế thực phẩm và đóng gói, hộp đựng hóa học…
Nhôm 2000 – hợp kim đồng
Đồng được sử dụng là kim loại chính trong dòng nhôm này, nó có thể được xử lý nhiệt để tạo độ cứng, độ bền cao, có thể sánh ngang với một vài loại thép. Vì có khả năng gia công cao và tỉ lệ độ cứng trên trọng lượng tốt mà nó thường được sử dụng trong ngành công nghiệp vũ trụ. Điểm yếu của nhôm 2000 là nó rất dễ bị ăn mòn.
Nhôm 3000 – hợp kim mangan
Đây là một trong những loại nhôm được sử dụng phổ biến nhất ngày nay. Nó có độ cứng vừa phải, chống ăn mòn tốt. Trong đó, nhôm 3003 được sử dụng nhiều nhất. Chúng ta có thể tìm thấy loại nhôm này trong các dụng cụ nhà bếp, dụng cụ chứa đồ, lợp mái, máng nước.
Nhôm 4000 – hợp kim silicon
Silicon được sử dụng để pha trộn với nhôm nhằm tạo ra loại nhôm có nhiệt độ nóng chảy thấp trong khi vẫn giữ được đặc tính mềm dẻo của nhôm. Vì thế mà nhôm 4043 rất phổ biến để dùng làm dây hàn. Dòng 4000 này cũng dễ dẫn nhiệt và điện, chống ăn mòn nên cũng có thể dùng trong ngành công nghiệp xe hơi.
Nhôm 5000 – hợp kim ma-nhê
Ngoài ma-nhê, loại nhôm này còn được pha trộn thêm mangan hay chrom, vì thế nó có khả năng chống ăn mòn siêu hạng, thường được dùng chế tạo các dụng cụ hàng hải. Nó có độ cứng vừa đủ, một trong những loại dây hàn cũng sử dụng nhôm 5356 để chế tạo.
Nhôm 6000 – hợp kim ma-nhê và silicon
Đây là loại hợp kim gồm cả ma-nhê và silicon, nó được sử dụng rộng rãi trong nhiều ngành công nghiệp như xây dựng, kiến trúc, xe hơi… Nó rất cứng, chống ăn mòn và khả năng gia công tốt.
Nhôm 7000 – hợp kim kẽm
Là loại nhôm cứng nhất từng biết, thậm chí còn cứng hơn nhiều loại thép vì nó có kẽm là chất chính, bên cạnh một lượng nhỏ ma-nhê hay các kim loại khác. Tất cả điều này tạo nên loại nhôm đặc biệt cứng, bền và chịu lực tốt. Ngành hàng không vũ trụ cũng như các vật dụng hàng ngày như dụng cụ thể thao, cản xe hơi đều dùng nhôm 7000. Trước khi dùng thép thì một vài model iPhone cũng dùng loại nhôm này, hay các bàn phím cơ cao cấp.
Nhôm 8000
Đây là dòng nhôm kết hợp với nhiều kim loại khác để tạo thành, như sắt hay lithium. Nó có đặc điểm tương tự dòng nhôm 1000 nhưng cứng hơn.