Site icon Tạp chí Đáng Nhớ

Catinat – Phiên y – Tự do… Dăm hồi ức

Đường Tự Do, xưa gọi là Catinat, nay có tên là Đồng Khởi. Nhưng có lẽ không mấy ai biết người Hoa trong Chợ Lớn từng gọi đường này là đường Phiên Y, vì từ cuối thế kỷ 19 ở đây đã có nhiều cửa hiệu quần áo của người phương Tây (Phiên: cách người Hoa gọi người phương Tây. Y: quần áo). Con đường này, từ khi còn mang tên Catinat đã là nơi cạnh tranh mãnh liệt trong thương trường của người Pháp, người Hoa và người Việt, nhất là người gốc Bắc.

Theo cuốn Thế lực khách trú và vấn đề di dân vào Nam kỳ của nhà báo Đào Trinh Nhất, cho đến thập niên 1920 dân Sài Gòn xưa vẫn quen dùng hàng Tàu và của Châu Âu nhập qua. Lúc đó, người miền Bắc đã tìm mọi cách đem hàng thủ công nghệ xứ Bắc vào Nam và đường Catinat chính là chọn lựa số một. Trước đó người Nam không thèm ngó tới the lượt của Bắc kỳ, nhưng từ khi có phong trào tẩy chay hàng người Hoa sản xuất thì người trong Nam đã ưa dùng đồ Bắc. Đó là chưa kể đồ đắt tiền như khảm xà cừ, đồ gụ… thường bán cho Tây ở ngoài Bắc nhưng vào Nam bán rất chạy do người Nam có “đức xài tiền”, hàng quý mấy mà thích cũng dám mua. Chính vì vậy, các mặt hàng từ các nguồn khác đã bị cạnh tranh và ảnh hưởng doanh thu. Trước kia dân Sài Gòn dùng vải mùi xám của Hoa kiều dệt tại chỗ, nhưng khi người Bắc vào mang theo vải ta và hàng tơ lụa thì họ dùng luôn. Hoặc trước kia người Nam dùng ghế mây gọi là ghế Tô-nê thì sau đó dùng ghế Bắc. Trước kia dùng giày cườm thì sau đó dùng giày Hạ. Tuy nhiên, tác giả phàn nàn là tại sao chỉ thích thuê mướn ở đường Catinat giá tới 100 đồng, có khi lên tới 200 đồng, để rồi vì tranh nhau mà đẩy giá lên cao. Ông khẳng định: “Nào có nghĩ đâu rằng: hàng Bắc muốn cho ai nấy đều biết đều chuộng, chẳng cần gì lấy phố Catinat làm chỗ chiêu hàng mới được, mà chỉ nên chiêu hàng ở chỗ buôn bán thật thà, hàng hóa tốt và rẻ mà thôi, thì trong thành phố Sài Gòn, không thiếu gì chỗ cũng tốt và rẻ tiền hơn: như những phố Charner (Nguyễn Huệ), Pellerin (Pasteur), d’ Espagne (Lê Thánh Tôn) và Amiral Courbet (Nguyễn An Ninh) v.v…”.

Câu chuyện trên giúp ta thấy phần nào không khí buôn bán của người Việt mà con đường Catinat đã chứng kiến dưới những tán cây của mình. Tuy nhiên, đó là câu chuyện thập niên 1920. Từ thập niên 1940 về sau, người Việt đã đứng chân nhiều cửa hàng ở đường Catinat, trước khi người Pháp rút về nước năm 1954. Có nhiều tiệm may, tiệm bán vải, tiệm chụp ảnh trên con đường này và trên các nhánh đường gần đó như d Ormay (Nguyễn Văn Thinh, nay là Mạc Thị Bưởi), Amiral Dupré (Thái Lập Thành, nay là Đông Du)… hầu hết của người gốc Bắc. Người gốc Hoa vẫn chiếm nhiều vị trí cửa hàng tạp hóa trên đường d′ Ormay.

Anh Tấn Thành, một thầy giáo sống từ nhỏ trên con đường Amiral Dupré, nay là Đông Du kể: “Khi tôi sinh ra năm 1962, đường Catinat đã đổi tên thành đường Tự Do. Đó là một con đường có thể là lộng lẫy nhất Sài Gòn dù không lớn như đường Thống Nhất (nay là Lê Duẩn), hay Nguyễn Huệ. Nhưng ở đó có những cửa hiệu đẹp nhất, dùng kính bóng loáng, ốp đá sang trọng…”

Anh Thành kể suốt những năm tuổi nhỏ, anh gắn bó với con đường này bằng những kỷ niệm riêng tư. Đó là những buổi đi bơi ở hồ tắm Tự Do phía bến Bạch Đằng, gần quán cơm nổi tiếng Bà Cả Đọi. Cái hồ đó lát gạch men trắng, sâu tới ba mét, nay đã không còn. Từ đường Tự Do, có con hẻm sát bên cửa hàng Thành Lễ bán đỗ mỹ nghệ đi băng ra đường Nguyễn Huệ. Trong hẻm có rạp hát nhỏ gọi là rạp Catinat, có chỗ bán bún thịt nướng, hột vịt lộn, rất thu hút các nữ sinh. Đám con nít thích ra Trung tâm thương mại Saigon Departo, góc Tự Do và Thái Lập Thành. Đây là tiệm bách hóa có thể nói là đẹp nhứt Sài Gòn thời đó, bán hàng mỹ nghệ Việt Nam, hàng nhập cảng từ Nhật. Đô đạc trong đó có nhiều thứ hấp dẫn, cuốn hút với lũ nhỏ, nhất là có tủ bán kẹo tự động. Bỏ đồng xu vào là có thể mua kẹo, đồ chơi. Kế bên Saigon Departo là tiệm Cafeteria, loại quán giải khát tự phục vụ còn rất lạ lúc đó. Ở đó có máy nghe nhạc tự động, muốn nghe thì nhét đồng xu vào khe, máy sẽ chớp đèn nhấp nháy để báo hiệu chọn bản nhạc. Kế bên là mấy tiệm bán vải Tô Châu, Hàng Phong và Tân Cương. Kế nữa là photo Long Biên, tiệm ảnh rất nổi tiếng. Công viên Chi Lăng bọn trẻ thích ra đá banh, gọi là “Vườn bông cao”. Họa sĩ Bé Ký lang thang trên con đường này bán tranh, nhiều lần bị cảnh sát đuổi khi bày tranh trên vỉa hè Thái Lập Thành và nhiều lần gia đình anh Thành chứa giúp tranh, thậm chí còn mua cho cô hai bức.

Bây giờ khi viết về đường Tự Do ngày xưa, người ta nhắc nhiều về hai quán Givral hay Brodard cùng với quán La Pagode, góc đường Lê Thánh Tôn – Tự Do, những cái quán nay đã không còn. Tuy nhiên đối với người dân khu này, đó là những quán dành cho khách vãng lai. Chị Dung, con dâu của nhà may nổi tiếng Phúc Lợi ở đường Pasteur, chị đầu của anh Thành kế rằng chị và bạn cùng lứa chưa từng vào các quán đó mãi cho đến sau này, chỉ vì nghĩ rằng không phải dành cho mình.

Anh Thành kể: Tiệm Brodard dành cho giới nghệ sĩ, con nhà khá giả. Phía ngoài, chủ quán đặt tủ kem bán loại kem ba màu rất ngon hương vị châu Âu, có kem vanilla, chocolate. Giá kem này khá mắc và chú bé Thành phải để dành tiền quà sáng nhiều ngày mới đủ mua một gói kem 100 đồng. không thì ăn kem ở tiệm Givral, cũng bán ở tủ bày phía ngoài, dạng kem cornet có bánh hình chóp nhọn, hoặc có loại bánh hình nắp hộp tròn, úp lại chứa kem bên trong. Cảm giác đi dọc vỉa hè thưởng thức hương vị bánh xốp thơm và kem lạnh béo tuyệt vời còn đọng trong trí nhớ của anh. Cuộc sống đường Tự Do đậm dấu ấn Hoa kiều, nhất là trên đường Nguyễn Văn Thỉnh (Mạc Thị Bưởi) thắng góc với Tự Do. Thỉnh thoảng trên lề đường thấy một ông Tàu đội nón cời-lối, xách thùng sắt tây có sợi dây móc trên vai, bán bò bía ngọt. Trên đường này còn có một bà xẩm chủ tiệm bán giấm hay ăn gian, thường pha nước vào giấm nên mẹ Thành luôn dặn người nhà khi đi mua nhớ nhắc bà xấm lắc cái hũ trước khi rót để phần giấm chảy xuống nhiều hơn. Giữa đường Nguyễn Văn Thịnh có tiệm nước nổi tiếng Nam Quang cũng của người Hoa. Dân quanh vùng thích đến đó uống cà phê, ăn hủ tíu bò viên. Ai có bệnh thì mua thuốc bắc ở tiệm Tồn Tâm Tế gần đó. Cà phê ở tiệm Nam Quang được đổ vô dĩa để húp khi còn nóng. Do quen giao dịch với Tây, ba của Thành chỉ uống cà phê rót ra ly thủy tinh, còn chú bé Thành ăn bánh hạnh nhân. Trong tiệm còn đặt một xe bán bò viên của người Tàu, bánh croissant có nhân hột gà bên trong. Xe mì góc Nguyễn Văn Thinh – Hai Bà Trưng có những hình vẽ tranh kiếng tích tuồng Tam quốc, Thủy hử có từ nửa thế kỷ trước cho đến giờ vẫn tồn tại. Có lần, Thành thấy giáo sư âm nhạc T.V.K đến đó ăn, mang theo một chai đựng mù tạt vàng để dùng với mì, có lẽ ông nhớ kiểu ăn mì hồi xưa. Đường Tôn Thất Thiệp vẫn còn tiệm hủ tíu Thanh Xuân rất hẹp với bề ngang hai mét, tấm bảng hiệu cũ kỹ vẫn còn qua nửa thế kỷ. Đường Nguyễn Văn Thịnh còn có tiệm Peacock (con công) bán đồ “lâm vố” (rabiot) ăn rất ngon, không phải đồ ăn thừa của khách, mà là thức ăn trong bếp còn dư, bán rẻ trong ngày, bỏ hộp đàng hoàng. Ngon nhất là bò lúc lắc và món cơm giống cơm chiên Dương Châu nhưng có vị bơ.

Mùa hè năm nay, tôi và anh Thành, những cư dân cũ của Sài Gòn, đi lại trên con đường Tự Do, đã là đường Đồng Khởi gần 40 năm nay. Vẫn còn là con đường sang trọng, gợi cảm, vẫn xứng đáng được ca ngợi như trong cuốn sách năm xưa: “…với những tầng nhà cao chót vót của một thành phố tân tiến, những cửa hàng mỹ thuật, những lớp người trẻ tuổi tấp nập đi lại, con đường chan chứa cái tưng bừng và náo nhiệt của một dân tộc tiến bộ…” (Lịch tài liệu 1959). Niềm tự hào ấy tồn tại cho đến giờ. Người đi cùng miên man kể: “Có những buổi đi dạy qua đường này buổi chiều, tôi nhớ những chiều năm 1972 lúc lên mười. Khi sắp đến giờ cơm, tôi nắm tay bà vú nuôi tên là bà Ba Bàng, một người phụ nữ nhà quê xứ Bắc theo mẹ tôi vào Nam hồi còn trẻ. Bà không có gia đình, chăm sóc chín anh chị em tôi với một tình thương giản dị, chân chất. Những buổi chiều đó, bà dẫn tôi ra depot nước đá của một bà người Tàu tên là bà Nhì trên góc đường Phan Văn Đạt – Nguyễn Văn Thinh để đổi vài chai nước ngọt và bia cho bố tôi. Lần nào cũng vậy, sau khi lấy đủ các món, bà lẳng lặng lấy ly rượu trắng nhỏ do bà Nhì rót sẵn, đưa lên miệng uống một hơi, xong lau miệng và ra về. Tôi lủi thủi đi theo bà, luôn thắc mắc vì sao bà thích uống thứ nước cay xẻ ấy. Bà dặn tôi giấu chuyện này với cả nhà, vẫn uống chút rượu mỗi ngày cho đến ngày già yếu, xin vào chùa tu và mất. Sau này lớn lên, tôi lờ mờ hiểu rằng đó là niềm vui riêng tư và có thể là duy nhất của bà, giữa chốn phồn hoa đô hội mà bà đang sống. Cả hai hoàn toàn không ăn nhập với nhau. Bà luôn nhớ xứ Bắc của bà và hoàn toàn thờ ơ với cảnh náo nhiệt sang trọng chung quanh”.

Hình như phía sau vẻ đẹp của một con đường phồn hoa luôn có những nỗi buồn, những mảnh đời không vui. Tôi nhớ giọng hát cũ của nhạc sĩ Trần Văn Trạch: “Trời khuya vui bước trên đường Catinat/ Người đi còn năm ba khách không nhà/ Ngàn mây sao chiếu trên trời đầy mơ/ Hàng cây lặng im nghe gió dưới trăng mờ. Còn kia vài ba búp bê đang nhìn/ Ngồi im và vương mắt trông ra mơ hồ/ Tình duyên say đắm trên lầu đèn che/ Tỉnh mê còn ai đang đứng bên lề…”. Con đường này tôi đã đi qua nhiều lần, từ lần duy nhất hồi nhỏ được vào Brodard cùng ông anh cả đến bao lần lang thang đi ăn uống, mua sách, xem tranh sau này, khi Givral và Brodard chưa đóng cửa. Nhưng tôi cảm thấy mình chưa bao giờ thuộc về con đường này. Có lẽ nó không thuộc về ai cả, bởi con đường huyền thoại này đã dan díu với bao tâm hồn tha hương từ bốn phương trời, hơn một trăm năm nay rồi.

Cuộc sống người Sài Gòn những năm 90

Hơn 30 năm trước, người Sài Gòn dạo phố trên chiếc Vespa hay xích lô, tà áo dài bay bay, ôtô “con bọ” xưa cũ chạy phổ biến, cuộc sống...

Vì sao vua Minh Mạng san bằng mộ Lê Văn Duyệt, viết lời cay đắng?

Khi nhắc đến tả quân Lê Văn Duyệt, hầu hết mọi người đều cho việc vua Minh Mạng san bằng mộ của tả quân Lê Văn Duyệt là bởi vì...

Những loại pháo Tết từng khiến trẻ em Việt xưa mê mẩn

Dù đã bị cấm nhiều năm, tên các loại pháo như pháo đùng, pháo tép, pháo dây, pháo chuột… vẫn in dấu trong tâm trí thế hệ 8X trở về...

Chùa Từ Đàm – Ngôi chùa cổ danh tiếng ở Huế

Chùa Từ Đàm ở Huế là ngôi chùa cổ in đậm các diễn biến lớn của lịch sử Phật giáo Việt Nam Tọa lạc tại số 1 đường Sư Liễu...

Đàn Nam Giao – Nơi các vua nhà Nguyễn tổ chức lễ tế

Theo thống kê, đã có 10 trong tổng số 13 vị vua nhà Nguyễn đích thân tế hoặc sai người tế thay ở đàn Nam Giao với 98 buổi đại...

Huỳnh Thúc Kháng – sử gia của phong trào Duy Tân và tấm văn bia Thai Xuyên Trần Quý Cáp

1. Trong cuốn Phong trào Duy Tân, nhà văn Nguyễn Văn Xuân gọi Huỳnh Thúc Kháng là sử gia của Phong trào. Đó là một nhận định xác đáng. Thật...

Đền thờ An Dương Vương – Đền thiêng giữa thành Cổ Loa

Tương truyền, đền thờ An Dương Vương ở thành Cổ Loa (Đông Anh, Hà Nội) được xây trên nền nội cung của kinh đô Âu Lạc ngày trước. Trong khuôn...

Những sự thật bi thảm của nền giáo dục Hàn Quốc

Hiện nay có vài nghìn du học sinh Việt Nam tại Hàn Quốc. Nền giáo dục nói chung và cách dạy dỗ trẻ em của một nước tiên tiến như...

Văn minh Hy-La – nền tảng vững chắc của văn minh phương Tây

Trong dòng chảy của lịch sử văn minh phương Tây cổ đại, hai nền văn minh Hy Lạp và La Mã giữ vai trò nền tảng đầu tiên cho sự...

Những kỷ niệm cuối cùng với nhạc sĩ Trúc Phương

Như một ánh chớp, ngoảnh lại đã tròn 20 năm dài. Con số thời gian không nhỏ, đối với nhạc sĩ Y Vân, người đã viết “Em ơi có bao...

Lịch sử công viên Tao Đàn

Những người từng sống ở Sài Gòn không ai không biết đến công viên Tao Đàn còn gọi là vườn Bờ Rô. Thật ra tên Bờ Rô trước đây được...

Thế giới phi lý trong tiểu thuyết đô thị miền Nam trước 1975

Trong văn học Việt Nam, có một bộ phận cho đến tận bây giờ dường như vẫn chưa được các nhà nghiên cứu quan tâm thoả đáng. Đó là văn...

Exit mobile version