Site icon Tạp chí Đáng Nhớ

Chị gái Sài Gòn, giờ tóc đã qua vai?

Gặp chị lần đầu, ấn tượng với cái đầu trọc bóng được giấu lấp ló dưới vành nón vải rộng. Khách trên xe trung chuyển tuôn xuống được chị chia ra, phân phát hết cho mấy anh đồng nghiệp xe ôm. Ngoắc tôi bằng một ngón tay, chị nói, “em gái để chị chở…”.

Chắc là cái nhìn tò mò của tôi làm gáy chị nhột, lúc xe lao đi, chị hỏi, “bộ thấy lạ lắm hả, chị cạo đầu đó, giận thằng chồng mê vợ bé, chị xuống tóc thề đoạn tuyệt”. Bất giác tôi nhìn lên bắp tay chị, sau lớp áo, không biết có xăm mấy chữ xanh lè, “hận kẻ bạc tình”?! Xe bắt đầu rẽ vào con hẻm nhỏ, chị nói, đi tắt cho gần.

Nhưng đi xa thì có thể lấy nhiều tiền hơn, tôi suy luận và hơi ngạc nhiên. Khi đó, Sài Gòn đã không còn điều sửng sốt cho tôi nữa, những băng nhóm, những cuộc chơi, những sang trọng, hào nhoáng, hay cả khi nhìn thấy đụn rơm, mái tranh, bụi đưng, lác, lau lách, hay cái gàu sòng đặt gần khe nước. Những gì trên đời này có thì Sài Gòn có, tôi tin vậy. Nhưng chị, bắt đầu từ cái đầu trọc vì buồn thói đời thay đổi, lại gây một ngạc nhiên mới khi bảo, chị là người Sài Gòn. Bạn bè bám trụ mưu sinh trên mảnh đất này khiến tôi đôi lúc quên Sài Gòn đương nhiên phải có người… Sài Gòn.

Và có những con hẻm sâu hun hút, ngoằn ngoèo chi chít. Người xa lạ thấy mình bị kẹt trong đám bùng nhùng, và không biết mình đang ở trong mạch máu nào của những con đường có tên trong bản đồ thành phố. Chị thì thuộc lòng, vừa đi vừa kể chuyện chồng lén lấy tiền nhà đi nuôi nhân tình, mà xe cứ thản nhiên ngoặt trái, ngoặt phải, qua những khúc quanh ẹo cả ruột gan. Ánh sáng ở một con đường lớn nào đó òa vào mắt, nhưng chỉ được một lúc, chị lại đưa tôi vào một lối hẹp te, tối và chật đến nỗi đủ cho luồn vào đó chỉ một chiếc xe. Chút xíu sau, con hẻm lại phình to ra, ôm vào lòng nó một buổi chiều nắng xế. Những quán ăn kê ghế sát bên đường, khói từ các chảo chiên xào bốc lên ngùn ngụt. Vài đứa con gái mặc quần lưng trễ, mông dán mấy con bướm đen, ngồi sì sụp với tô bún nóng. Mấy gã bụng phệ chồm hổm vuốt ve những con gà nòi. Có người ngoẹo đầu ngủ say trên cái võng kê trước hiên. Vài đứa trẻ cố len con diều vượt qua cái khe hẹp của mái nhà và những chùm dây điện chằng chịt để cho diều chạm vào bầu trời. Bìm bìm trổ bông trên một tường rào. Chị ngoái đầu nhìn lại cái bờ tường tím ngắt, chép miệng, đẹp quá hen, chừng nào mua được nhà, chị cũng kiếm mấy cây có bông tím về trồng.

Chị lại chuỗi thêm vào cái xâu tôi đang cầm một hạt ngạc nhiên. Người Sài Gòn lại không có nhà. Giọng chị đanh và chói, như thể chị rít lên chứ không phải đang nói. Chứ làm sao dịu dàng được khi ông chồng lén bán nhà để cuốn tiền theo cô gái nào đó, trong lúc chị đang gặm ổ bánh mì, hay gói xôi bên chiếc xe cà tàng, dáo dác chờ khách ở một ngã tư đường. Dưới cơn nắng như buổi chiều nay hay một cơn mưa dầm tầm tã. Câu chuyện về sự thất vọng con người của chị chấm dứt khi hòa vào dòng xe cộ trên đường Minh Khai, sắp đến chỗ của tôi rồi. Lúc trả tiền (lại ngạc nhiên), cũng không nghĩ là có thể gặp chị lần nữa.

Cũng không nghĩ gần một năm sau khi gặp lại, ở cái ngã tư cũ, chị vẫn còn để mode đầu trọc. Chị nuôi hận bằng gì bằng gì mà dai dẳng vậy? Lần này thì không trọc bóng, tóc đã lún phún chút xíu dưới cái nón bảo hiểm. Chị giải thích, “ông chồng bị đụng xe, chị vái cho ổng sống, mới xuống tóc trả lễ”. Chị không nhớ tôi, làm sao nhớ hết hàng ngàn người khách mà chị chở ngày này qua ngày nọ. Câu chuyện của chị được kể lại, như một slideshow, phần hình ảnh cuốn qua những con hẻm chìm trong ánh chạng vạng nhập nhoạng. Nhưng chúng không chút nào hiu hắt, người ta vẫn đông đúc vẫn tràn trong các hẻm nhỏ. Buổi của những quán cơm bình dân mịt mù khói, của những sinh viên, công nhân bụng đói, của những bàn chân mỏi sau một ngày mưu sinh… Tôi biết tới một Sài Gòn khác, qua những con hẻm sống động này, qua người phụ nữ xuôi ngược vì chồng. Chị nói, nhờ cái hồi đi rình bắt ghen mà chị rành rẽ mấy cái ngõ ngách này. Tôi từng nghe chuyện này rồi, chỉ đang chờ đoạn cuối. Dù tôi đoán được, nó giống như mấy tuồng cải lương chiếu trên ti vi, như bài hát “Ru lại câu hò” mà ca sỹ Cẩm Ly ca văng vẳng trong mấy quán café, hết tiền, tàn tạ, anh chồng bội bạc ăn năn quay đầu về bến cũ.

“Chắc tại chị rủa sả thằng chả quá chừng mới nông nỗi vậy, nằm bẹp một chỗ…”, chị chép miệng, giọng không chút nào hả hê, chua chát. Nghe man mác, ngậm ngùi, hối lỗi. Chị lại rẽ ngoặt vào con hẻm loang lổ bóng đêm, tôi hỏi, chị có đi hết tất cả các con hẻm trong thành phố này chưa? Chị cười, có cảm giác ở đằng trước chị trợn mắt, “trời, nói giỡn hoài, có đi hết đời cũng chưa chắc giáp…”. Rồi chị kết luận, “Chạy trên đường lớn nhiều khi buồn, thấy mình tội nghiệp lắm, cái gì cũng lớn, cũng giàu mà mình nhỏ xíu và nghèo. Sài Gòn mà không có hẻm hóc thì chán chết, người nghèo không biết chui vào đâu sống, chui vào đâu ăn cơm”.

Sài Gòn không có những thân phận, những con người như chị thì cũng chán chết. Tôi nói thiệt. Ấn tượng, đôi khi không phải là tòa nhà cao nhất, rực rỡ nhất, sang trọng nhất Sài Gòn. Đen đúa, thấp nhỏ, ăn mặc tuềnh toàng, và đầu trọc bóng, ăn nói bạt mạng, có khi cũng văng tục chửi thề, chạy xe một tay len lỏi giữa những cái hẻm nghèo, bờ rào bìm bìm giăng, con diều căng qua khung trời hẹp… cũng đâu phải là nỗi nhớ nhỏ nhoi.

Chị, không biết giờ tóc đã qua vai?!

Nguyễn Ngọc Tư

Đăng lại từ trang tư liệu của Trần Hữu Dũng trên viet-studies.net:

Tôi lập trang này với mục đích, trước hết, cho tôi thu thập vào một nơi những bài của (và về) Nguyễn Ngọc Tư rải rác trên web, và sau đó chia sẻ với những bạn thích văn Nguyễn Ngọc Tư như tôi. Tuy nhiên, xin nhắc các bạn là Nguyễn Ngọc Tư, như mọi nhà văn khác, phải mưu sinh. Tôi hi vọng các bạn sẽ tiếp tục mua sách (và báo đăng truyện) của cô, và cổ động người khác mua. Hãy cùng mong Nguyễn Ngọc Tư có một đời sống an bình, thoải mái, để tiếp tục viết cho chúng ta. (THD)

Các đời chúa Nguyễn mở rộng lãnh thổ – P3: Lãnh thổ đến Gia Định

Năm 1635, chúa Nguyễn Phúc Nguyên qua đời, con thứ là Nguyễn Phúc Lan lên thay, hiệu là Thượng Vương nên còn được gọi là Chúa Thượng. Chúa Nguyễn Phúc...

Thế nào là “Xui nguyên giục bị” ?

“Xui nguyên giục bị” có nghĩa là để chỉ hành vi xúi bẩy người này, kích động người kia, làm cho hai bên vốn đã mâu thuẫn lại càng mâu...

Vài hình ảnh hiếm của đường Catinat thời Pháp thuộc

Bức ảnh được chụp cuối thế kỷ 19 này ghi lại đoạn đầu đường Catinat. Vị trí ngôi nhà bên trái có người đàn ông đứng tựa cửa, cũng là...

Chợ Lớn bây giờ ở đâu?

Có lẽ với bất cứ ai đã từng cư ngụ tại Thành phố Hồ Chí Minh đều nghe qua danh xưng Chợ Lớn, hay một cụm từ thông dụng hơn...

Chiến thắng Bạch Đằng (9/4/1288)

Đến nay nước sông vẫn chảy hoài  Mà nhục quân thù khôn rửa  TRƯƠNG HÁN SIÊU -Phú sông Bạch Đằng Bấy giờ là thế kỷ XIII. Từ những thảo nguyên...

Chuyện chàng Lang Liêu và giá trị văn hóa cổ truyền

1. Đặt vấn đề Phú Thọ là vùng đất cổ, đất phát tích của dân tộc Việt Nam, nơi có bề dày truyền thống lịch sử và hàng nghìn năm...

Trạng Quỳnh – từ nhân vật lịch sử đến truyện kể dân gian

Làng Hoằng Lộc “san sát dấu hầu nền tướng, dòng trâm anh nối gót chen vai. Chan chan cửa Khổng sân Trình, nhà thi lễ liền tường giáp mái” là...

Vì sao gần một nửa người Việt cùng mang họ Nguyễn?

Chắc hẳn ai cũng từng nghe hoặc từng quen biết một người họ Nguyễn. Trên trường quốc tế, đó là một dấu hiệu nhận diện người gốc Việt. Nhưng tại sao...

Di sản Sùng Nam của văn hoá Bách Việt

Cách cư xử của người Trung Hoa mặc nhiên thể hiện tâm thức hướng Nam, hình thành văn hóa Sùng Nam do người Bách Việt lưu lại. Người Hoa có...

Những người có công với sách cũ miền Nam

Sách vở, báo chí miền Nam trở thành món ăn tinh thần là do công sức của các nhà văn, nhà phê bình, giáo sư đến các học giả. Điều...

Lời Đức Phật dạy về hôn nhân

Phật dạy hôn nhân chính là sự gặp gỡ đồng cảm giữa hai tâm hồn yêu mến nhau, quyết tâm cùng nhau xây dựng mái ấm hạnh phúc gia đình....

Chất hóm hỉnh trong Ca dao tình yêu Nam Bộ

Sự mộc mạc hồn nhiên ở từ ngữ, cách thể hiện dung dị và ngộ nghĩnh gây nên những bất ngờ thú vị là chất hóm hỉnh thường thấy trong...

Exit mobile version