Thân gởi hai cháu Hoàng Oanh, Bạch Hạc
với những kỷ niệm trìu mến một thời xa xưa.
Tôi quê quán Nam Phổ huyện Phú Vang nhưng sống lên ở làng mẹ Mỹ Cang huyện Phong Điền, trên bờ sông hiền hòa Ô Lâu (1). Cùng với sông Hương và sông Bồ, sông Ô Lâu nằm gọn trong địa phận huyện Phong Điền và là một trong ba con sông tỉnh Thừa Thiên Huế đổ ra cửa biển Thuận An. Bắt nguồn từ núi Truồi hùng vĩ, vượt rừng hoang cây dại, uốn lượn giữa rặng núi Trường Sơn hẻo lánh trước khi thuần phục xuôi về vùng cát trắng các truông Phò Trạch, chảy song song với đường xe lửa cùng đường Quốc lộ A1, sông chuyển hướng tây bắc, hội tụ với sông Quảng Trị còn gọi sông Thác Ma hay sông Độc. Trở thành ranh giới tự nhiên giữa hai tỉnh Thừa Thiên Huế – Quảng Trị, sông quặt lại hướng tây-bắc đông-nam, vượt qua đồng lúa Kế Môn, xuôi về Vân Trình, đổ vào phá Tam Giang nối liền với cửa Thuận An, toàn sông dài khoảng trên dưới 30 km. Ngoài những khúc uốn nhỏ, đổi hướng bốn lần, sông Ô Lâu cống hiến nước uống, nước tưới vườn, tưới ruộng, cát sạn, thủy sản, nước ngọt, nước mặn, nước lợ cho nhiều làng, Mỹ Xuyên, Mỹ Cang, Phước Tích, Phú Xuân, Ưu Điềm, Hội Kỳ, Câu Nhi, Đại Lược, Kế Môn,…ngày nay hợp lại trong các xã Phong Lâu, Phong Sơn, Phong Hải, Điền Hương, Điền Hải, Điền Hòa,… Không mạnh lắm ở vùng núi, về đến hạ lưu đồng bằng dòng nước càng trở nên yếu dẩn, lờ lững như dãi lụa, có thời gian vào mùa nước lũ phủ lên đồng ruộng một lớp phù sa màu mỡ. Tuy nhiên, như nhiều con sông khác, hiền hòa vào xuân hạ nhưng qua thu đông, mưa lụt dữ dội, sông hết còn bình tĩnh, đặt nhiều vấn đề. Khó khăn nhất là những hôm nước mặn từ phá chảy ngược lên, dân làng ở miền biển phải cực lực ra sức canh chừng, dựng bao cát làm đê ngăn ngừa chống nước.
Hiền hòa xuân hạ nước trong
Thu đông ngập lũ mênh mông xóm làng
(Thanh Ðạm, làng Vân Trình)
Sông Ô Lâu ở Phước Tích
“Theo thuật phong thủy, …làng được xây dựng trên cồn đất cao, bằng phẳng, có dòng sông chảy qua trước mặt là làng có vượng khí. Nhưng dòng nước nông, nguồn gần thì phúc lộc ngắn, dòng nước chảy quanh co, uốn khúc, chảy ngang qua và quay vòng trở lại, bao bọc lấy làng, chảy du dương, êm đèm, bồi lắng mặt hồ thì phúc lộc thọ cho làng càng lớn.”. Trạng thái uốn lượn dòng sông gây ra những địa hình đặc biệt. Làng Phước Tích 12 bến nước nằm giữa hai “khúc uốn cong trong” của sông nên có hình thái một bán đảo “bầu rượu túi thơ”mà eo đất mở ra một bên làng Phú Xuân (giải tỏa làng Phú Xuân ở tả ngạn sông Hương khi vua Gia Long đóng đô thành Huế) dẫn về Ưu Điểm, một bên làng Mỹ Xuyên nối liển với Mỹ Cang. Làng nầy, tức là thôn Mỹ của tôi, còn gọi làng Hói vì có con hói ngăn cách với Phường Trung thuộc Mỹ Xuyên dẫn lên Phò Trạch, nằm trên “khúc uốn cong ngoài” trước khi sông chuyển mình quay qua trái vòng quanh Phước Tích nên phải chịu đựng sức mạnh xói mòn của dòng sông, với thời gian bờ sông bị lở dần.
Em theo anh về thăm thôn Mỹ,
Làng Hói quê giăng lưới thả câu,
Ðá Bến Ðình rêu phong ẩm ướt,
Bụi la ngà giởn sóng Ô Lâu.
(VQY, Về làm dâu Huế)
Khút Bàu Ngược ở Kế Môn
Xuyên đồi cát trắng ở Phò Trạch
Con đường mòn dọc bờ sông gọi là Bậc Lở từ làng đi ra chợ ở tụ điểm các làng Mỹ Xuyên, Mỷ Cang, Phú Xuân, Phước Tích hồi tôi nhỏ nay không còn nữa. Trước khi đến chợ, đường vòng quanh một cái hồ nhỏ phụ lục sông Ô Lâu : lính Pháp thời đóng đồn ờ đình Mỹ Chánh hay qua đây ném lựu đạn xuống hổ rồi lội vớt cá nổi lên mặt hồ ! Trái lại bên kia sông, làng Hội Kỳ nằm trên “khúc uốn cong trong” của dòng sông thì lại may mắn sau mỗi mùa nhận thêm đất bồi. Hiện tượng bồi đắp còn thấy quy mô rộng hơn ở cửa sông đổ ra phá Tam Giang. Người làng Hội Kỳ dùng mảnh đất Trời cho nầy để chôn cất khi có đám tang như một nghĩa địa nên đêm đêm bọn trẻ chúng tôi bên kia sông thường hay run rẩy kéo nhau ra xem những ngọn lửa “ma trơi” chập chờn huyền ào mà không hề biết là do các khí methan và phôtphin thoát ra từ tử thi phân hủy, bốc chảy trong khí quyển thành một ngọn ánh sáng phát lân quang. Ðồng thời chúng tôi cũng mục kích được những ngọn lửa các lò nung gốm làng Phước Tích lấp loáng sau các lũy tre xanh. Ở một vài làng khác, gần đây, sự kiện sát lở bờ sông phát triển rộng lớn vì khai thác bừa bãi cát sông, lại là một nguy cơ cho những ngôi nhà cổ xây nép bờ. Về hạ lưu sông, còn có một hiện tượng khác : vào mùa lũ lụt, dòng nước uốn ngược lại thành một vòng chảy xoáy trôn ốc trông như một cái gút hay khút dây, ở Kế Môn gọi là “Khút Bàu Ngược”, rất nguy hiểm cho ghe thuyền nghịch gió bị chìm úp. Cách đây mấy chục năm, một chiếc nốt chở sạn về xây chùa bị lật chìm ở đây và có người chêt. Tuy nhiên, mặc dầu tai nạn hiểm nghèo, dân làng rất kính nễ và thương yêu cái khút ấy, xem như một “hàm rồng” thiêng liêng bảo vệ làng và nhất là đem lại may mắn. Người làng còn nhớ sự nghiệp quan Nội tán Nguyễn Khoa Đăng cho đào kinh thông giáp sông lớn chỗ Bàu Ngược để nước dễ lưu thông, ghe thuyền qua lại thuận tiện. Ông cũng là người tìm ra kế bắt các băng cướp đem lại an ninh cho vùng truông nhà Hồ và trừ được sóng dữ ở phá Tam Giang
Thương em anh cũng muốn vô
Sợ truông nhà Hồ sợ phá Tam Giang.
Phá Tam Giang ngày rày đã cạn,
Truông nhà Hồ nội tán cấm nghiêm.
Ca dao
Dân làng không quênchuyện gia đình ông thợ kim hoàn Cao Đình Độ thời Quang Trung trên đường vào Phú Xuân bị đắm thuyền ờ “Khút Bàu Ngược”, được dân làng cứu mạng và để đền ơn, ông truyển nghề…từ đấy Kê Môn trở nên nổi tiếng về nghề kim hoàn.
Bến Ðình ở Mỹ Cang
Ðò ngang ở Mỹ Xuyên
(Hôm đem con cháu về thăm làng Hói xưa sau mấy chục nãm tha hương)
Người Việt lại sống trên bờ sông Ô Lâu từ thuở vua Cham Pa Jaya Simhavarman III tức Chế Mân năm 1306 dâng vua Trần Anh Tông hai châu Ô, Rí (Lý) làm sính lễ cưới công chúa Huyền Trân và, để giữ hòa khí giữa hai nước, tránh nạn binh đao. Ngay sau đó hai châu Cham Pa được đặt tên châu Thuận, châu Hóa, loạt người Việt di dân từ các vùng Thanh Nghệ tiếp nhau vào bổ sung thành phần dân gian bản xứ. Trên đường Thiên Lý từ giả Đại Việt, Công chúa Huyền Trân ra đi làm dâu Cham Pa thành hoàng hậu Paramecvarti chắc đã đổ nhiểu nước mắt trên con sông Ô Lâu trìu mến nầy.
Nước non ngàn dặm ra đi…Mối tình chi!
Mượn màu son phấn Ðền nợ Ô, Ly.
Xót thay vì,Ðương độ xuân thì.
Số lao đao hay là nợ duyên gì?
Ðiệu ca Nam bình
Cuộc di dân tuần tự diễn tiến suốt thế kỷ XIV. Vào cuối thế kỷ, nhà Trần đã thành lập ở vùng đât Hóa Châu 7 huyện Bồ Ðài (sau đổi thành Phong Điền), Bồ Lãng, Lợi Bồng, Thế Vinh, Trà Kê, Tư Dung, Sa Lệnh với trên 40 ấp, thôn, khu, trại. Tổ tiên gia đình tôi cũng đến đây vào thời buổi nầy. Tôi để ý trong gia phả dòng họ 13 thế hệ của chúng tôi không thấy có tên vợ những vị khai canh đầu tiên : có lẽ hai anh em độc thân vào đây khai khẩn và lập gia đình với phụ nữ bản xứ không thuộc tộc Việt, có thể người Chăm hay người các dân tộc Tà Ôi, Pa Hy, Pa Cô, Cà Tu sống ở đây từ trước. Sau khi vua Chế Mân băng hà, công chúa Huyền Trân trở về Đại Việt. Năm 1377 quân Cham Pa qua đánh phá, vua Trần Duệ Tông bỏ mạng năm 1377. Vua Chế Bồng Nga Po Binasuor chiếm đóng châu Thuận, châu Hóa, châu Tân Bình đến Nghệ An trong vòng 12 năm nhưng ngay sau đó bị tử trận năm 1389, khép lại một trang hùng sử trong lịch sử Cham Pa. Hai năm sau, vua Trần Thuận Tông cử Lê Quý Ly vào đây tuần thú, xét duyệt quân ngũ, sửa chữa thành trì, vùng Hóa Châu, Thuận châu, “phên dậu phía nam” Đại Việt, mới lại ổn định, hết còn họa Chiêm.
Vài kỷ vật gia đình còn lại trong vườn nhà xưa ở làng Hói (Ảnh Nguyễn Thế )
Từ ngoài bắc vào đất Thần kinh, ai cũng phải đi ngang qua sông Ô Lâu như công chúa Huyền Trân một thời. Sĩ tử xứ Ðàng Ngoài mỗi khi vào kinh ứng thí phải theo dọc dòng sông, gởi gắm bên bờ sông biết bao tâm tình, thổn thức trước người tình không chung thủy. Hay cô lái đò đã thề nguyện với chàng thư sinh mà về sau vẫn còn đơn chiếc đưa khách sang sông, luôn nóng lòng chờ đợi, không biết chàng có nhớ chăng lời hẹn ước năm xưa và rút cuộc trầm mình quyên sinh để lại nỗi niềm tiếc thương cho khách qua đò.
Trăm năm vì lỗi hẹn hò,
Cây đa Bến Cộ con đò khác đưa,
Cây đa Bến Cộ còn lưa,
Còn đò đã thác năm xưa tê rồi !
Câu hát dân gian
Người tài vùng Hóa châu không thiếu, phần lớn xuất thân từ làng Câu Lãm đổi thành Câu Nhi. Đệ nhị giáp tiến sĩ Bùi Dục Tài (1477-1518), thời Lê Hiển Tông, là vị tiến sĩ đột phá khai khoa đẩu tiên của xứ Đàng Trong, thăng quan đến chức Tả thị lang bộ Lại. Nhà ngoại giao Nguyễn Tăng Doãn (mất năm1879), đỗ cử nhân đầu năm Tự Ðức, được phái cử ra nước ngoài công cán ở Quảng Đông, Hương Cảng, hai lần sang Pháp, đi sứ về được thăng Lại bộ Thượng thư sung cơ mật viện đại thần. Về mặt võ quan phải nói đến Hoàng Bôi, tinh thông võ nghệ, hết lòng hết sức giúp thành lập nhà Mạc, lần lượt làm lực sĩ ở vệ Chiêu Vũ, phó trưởng đạo Thuận Hóa, phong tước Viên Đàm giữ chức Đồng Tri Thiên Sự, rồi chức Giới phiên hệ và Tước viên đàm hầu. Ông tổ chức lực lượng chiếm giữ đầu nguồn sông Mỹ Chánh chống đỡ nhiều năm quân Lê Trung Hưng, luôn trung thành với nhà Mạc nhưng qua mùa hạ 1554, thất thế ông bị bắt và bị hại, được dân làng tôn làm nhân thần, hằng năm chăm sóc phần mộ và hương khói tế lễ. Một ông quan võ khác gần gũi với tôi hơn là Hồ Oai, ông cố ngoại bốn đời của tôi ở thôn Mỹ Cang, tách ra từ làng Mỹ Xuyên dưới thời Nguyễn, người có công cứu vua Tự Đức trong cuộc nổi loạn Chày Vôi. Là Quyền Chưởng Long Vệ, ông đã ngăn chận nghĩa quân ở Duyệt thị đường, bị Ðoàn Trực chém rơi một lỗ tai nhưng vẫn chạy tìm được quân cứu viện. Vua Tự Đức rất cảm kích cử chỉ một trung thần, khen công lớn, đã thăng ông chức Đô thống Tiền quân kiêm Doanh Long Võ, ban tước Nghĩa Dũng Tử, chức Đại thần và tặng thẻ bài ngà mang ba chữ Vũ Dũng Tướng, một viên ngọc đeo, một nhẫn vàng có kham kim cương, 10 lạng vàng để làm lại một lỗ tai vàng…(2).
Miếu cây Thị, Miếu Ðôi ở Phước Tích
Châu Hóa nguyên là đất Cham Pa, vì vậy còn rất nhiều di tích, di vật trên bờ sông Ô Lâu. Huyện Phong Điền, một vùng quê còn giữ nhiều dấu ấn, có thể ngày xưa là một trung tâm văn hóa lớn của người Chăm. Tại xã Phong Hòa, bức phù điêu trước ngôi chùa cổ Ưu Điềm (nay được đưa vào trong chùa), cao rộng 3m, thể hiện lễ cưới Shiva-Parvati được đánh giá là một kiệt tác nghệ thuật, một tác phẩm duy nhất trong nền điêu khắc Cham Pa (3) . Cũng ở chùa nẩy có tượng phật đá nổi tục gọi “tượng Bà Lồi” cao 80cm, ngồi kiết già trên tòa sen, một bộ linga lớn với ngẫu tượng yoni bị vỡ. Ở làng Mỹ Xuyển kế cạnh, trong đền Linh Quang có tượng thờ bà Tám tay bằng sa thạch, cao 1,2m cầm chiếc vòng, chuỗi hạt, búp sen, bầu rượu, được đem về từ miếu Cồn Két. Ở thôn Vân Trạch Hòa (3), một tổng thể phế tích kiến trúc lớn được khai quật năm 1999, nay trưng bày trong viện Bảo tàng tỉnh Thừa Thiên ở Huế, gồm có ba công trình kiến trúc, phục dựng được bình đồ của công trình kiến trúc chính và hai bình đồ tháp phụ phía bắc, cùng một số hiện vật : bệ linga-yoni, đá bệ cửa, …đặc biệt bốn hiện vật kim loại màu vàng, một mảnh có hình hoa bảy cánh xòe cân xứng, niên đại khoảng cuối thế kỷ IX đầu thế kỷ X. Gần đây, trong chương trình hợp tác nghiên cứu với hai viện Đại học Nhật Bản Osaka và Kanda, khoa Lịch sử trường Đại học Khoa học Huế công bố phát hiện thành Hóa Châu không chỉ có hai vòng lũy thành như một số thành cổ Cham Pa mà còn có những lũy thành ngắn khác, đáng được so sánh với thành Chà Bàn ở Bình Định. Ngoài ra, đoàn nghiên cứu còn phát hiện các hiện vật gốm sứ, sành, gốm thô, đồ gạch, ngói, đồ đá và đồ thủy tinh của nhà Trần, Trung Quốc, Cham Pa từ thế kỷ IX đến thế kỷ XV. Theo nhận định của Giáo sư Nishimura Masanari Ðại học Osaka, nếu không có thành Hóa Châu thì không có lịch sử của Huế vì Hóa Châu chính là nơi tiếp xúc văn hóa Cham Pa với văn hóa Ðại Việt. Hiện các nhà nghiên cứu đã lập hồ sơ đề nghị công nhận di tích thành cổ này.
Nhà vườn ở Phước Tích
Hầu hết các làng quê bên dòng Ô Lâu của Phong Điền đều có dấu ấn của văn hoá Cham Pa. Ngoài những hiện vật tìm ra trong khi đào đất làm vườn, gần đây một số hiện vật được phát hiện dưới lòng sông nhân khai thác cát sạn, phần lớn là những cổ vật ché, chum, hũ, thạp, thống, bình vôi…Theo các nhà nghiên cứu, những đồ gốm nẩy có chất liệu tốt, hoa văn tinh xảo thì không phải là sản phẩm của các lò Phước Tích mà là những hiện vật cổ Cham Pa. Ngoài niềm tự hào về trầm tích văn hóa của vùng hai châu Thuận Hóa, những di tích Cham Pa là một nguồn sử liệu vô giá, cần phải có biện pháp sưu tập, bảo quản, lưu giữ, phát huy. Riêng người dân Phước Tích cũng hảnh diện không kém về đặc sản đồ gốm của làng không những nổi tiếng khắp miền Trung mà còn được trưng dụng trong hoàng cung triều Nguyễn. Trong dân gian, các loại đồ đựng bằng đất nung như lu, ang, ấm, tộ, vại, trách, chậu, chum, ghè, hũ, trình, om, niêu, thạp, thống, bình vôi, bùng binh, cối tiêu, … là những vật dụng không thể thiếu trong đời sống sinh hoạt của người dân. Dân làng cũng kiêu hảnh với những “om ngự”là chiếc oa ngự dụng dùng trong buổi ngự thiện của nhà vua.
Om Phước Tích ngon cơm hoàng đế,
Sen Hà Trì quý thể Phú Xuân.
Gái Vĩnh Cố dệt gấm thêu hoa,
Người Dũng Cảm nung đất làm gốm.
Câu hát dân gian
Thành lập trên đất xứ Cồn Dương còn gọi Cồn Giảng cách đây hơn 700 năm, Dũng Cảm hay Dõng Quyết là tên cũ làng Phước Tích (thời Nguyễn) sau khi được gọi Phước Giang (thời Lê-Nguyễn), Hoàng Giang (thời Tây Sơn). Ý nghĩa tên làng được giải thích trong vế đối ở đình làng
Dân dục chỉ trí phong điển lý nhật tinh
Thần hưởng giáng chi phục tích súc tuế tăng…
Dịch: Đời sống ấm no ruộng đất ngày càng rộng lớn
Phước lành ban xuống tích chứa trải dồi dào…
Chất liệu đất sét, khai thác ở vùng Diên Khánh tại Quảng Trị bên kia sông, được sắp thành hai loại: “kẻ tốt” được dùng để chế tạo những đồ vật có thành mỏng, hình khối lớn, “kẻ màu” những đồ vật ít có yêu cầu về mặt ngoại hình. Qua các công đoạn làm đất, chuốt, làm nguội… thực hiện với các dụng cụ trang, lù, thêu, nề đất, bàn chuốt, bàn xên, gót chân, vòng vá nhắm, dợ sát, tre dồn… sản phẩm được nung trong những dạng lò sấp (600°) hay lò ngửa (1200-1400°). Gốm có độ cứng, tính chịu nhiệt cao và đặc biệt là ít thẩm thấu nên không cần tráng men hay sơn màu, gốm vẫn có một màu sắc đặc trưng rất đẹp mà người dân nơi đây thường gọi gốm màu da lươn. Trong làng có lúc có đến 13 lò sấp 20 lò ngửa chẳng bao giờ tắt khói cho đến thời chiến tranh. Trước đó, nhờ ở gần sông Ô Lâu lại sát với đường Thiên Lý, gốm sản xuất đã được phổ biến khắp vùng. Nay nghề gốm đang được khôi phục lại thành hai dòng phát triển song song : gốm truyền thống và gốm mỹ thuật. Dân làng tin tưởng thủy tồ nghề gốm là một ông tên Mộộc, bạn của ông thỉ tổ khai sinh làng Hoàng Minh Hùng, tục danh ông Nồi, quê gốc làng Cảm Quyết ngoài Nghệ An, giữa thế kỷ XV. Ông là một võ quan đã tham gia chiến dịch bình Chiêm, được phong chức Đô chỉ huy sứ vệ Cẩm Y, quản trị phó tướng, tước Hoàng Minh hầu, sắc phong Bổn thổ khai canh, nên họ còn mang tên “Kẻ Mộộc” và sản phẩm “đồ mộộc”. Ngoài ra, người Phước Tích còn gọi cái nồi là nghẹ (từ đó lọ nghẹ là lọ nồi), những đồ gốm như om, trách, nồi, choán,.. là đột hay đôộc nên người làng mang tên “Kẻ Đột” và làng “Đột Đột”.
Đói lòng lên động ăn sim,
Xuống ghe gánh nước độc chìm gióng trôi.
Ca dao
Nội thất nhà rường
Đến Phước Tích, khách không chỉ phải đi xem các lò gạch, ngắm nghía những đồ gốm mà còn nên đi dạo một vòng thú vị vì làng còn là một tổng thể làng quê truyền thống thế kỷ XV, tham quan đình làng, những ngôi miếu xưa (miếu Văn Thánh, miếu cây Thị, miếu Cô hồn, miếu Quảng Tế, miếu Bổn thợ, miếu thờ di vật Cham Pa,…), lăng mộ ngài khai canh, thủy tổ các dòng họ từ thuở lập làng, những khu nhà vườn sâm suê rập bóng cây xanh cổ thụ bao quanh những ngôi nhà rường cổ kính xây dựng vào thế kỷ XIX. Nhà rường là “nhà có giàn” theo tiếng Mường, có thể lấy gốc từ chữ lương Hán-Việt có nghĩa “rường nhà”. Được xem là một di sản kiên trúc quý báu, làng còn lưu giữ 30 nhà rường cổ, gần là như còn nguyên vẹn, kết cấu theo kiểu nhà 3 gian 2 chái hay 1 gian 2 chái gọi nhà vuông thiết kế lối chữ Đinh. Về tổ chức nội thất sinh hoạt, nhà trên là nhà chính với gian giữa là gian thờ; gian đông nơi ở của ông chủ, gian tây nơi ở của bà chủ. Nhà dưới gồm có nhiều gian nhỏ, phân chia làm nơi tiếp khách, phòng ở của những tiểu gia đình, phòng ăn, nhà bếp…Trên một diện tích trung bình 600-800 m2, kích thước 8-9 x 14-15 m, nội thất trang trí bao gồm một loạt đồ gia dụng, ghế trường kỷ khảm sà cừ, hoành phi thếp vàng, liễn đối chữ Hán, nhìn lên trên có cột kèo, xuyên trến,… chạm trổ tinh vi qua tay tài hoa của các thợ mộc Mỹ Xuyên.
Thân em như trến mít chạm rồng,
Thân anh như kèo chua chạm phụng, đẹp vô cùng anh ơi.
Hò Huế
Ngoài hệ hoa văn cây lá hoa trái, những hình chạm khắc thường mượn trong bát bửu tam giáo: cây đàn, cây bút, phất trần, cái bầu (Nho), chữ vạn, hoa sen, chiếc lọng, cái tán (Phật), cái quạt, ống tiêu, thanh gươm, cái gậy (Lão),… những di tích một thời vàng son, chứng minh trình độ văn hóa, tâm hồn lãng mạn của những chủ nhân. Cái nhà rường nhỏ của Cụ Mạ tôi ở làng Hói cũng may may mắn được thụ hưởng loại trang trí nầy. Thật vây, không có đồng ruộng, Phước Tich là một làng chữ nghĩa, khoa bảng, giỏi hàng đầu xứ cố đô, tú tài, cử nhân, tiến sĩ, thời trước không ít, ngày nay cũng có nhiều, nhiểu đến nỗi :
Tú tài lấy triêng mà gạt
Cử nhân lấy trạc mà khiêng
Ngạn ngữ
triêng là đòn gánh, trạc là dụng cụ khiêng đất ! Theo ông Hoàng Tấn Minh, Trưởng làng thì : “Hiếu học là truyền thống của làng bao đời nay. Dân làng ai cũng đề cao việc học. Không chỉ xưa mà nay vẫn thế. Cả làng có 117 hộ với 327 khẩu, không nhà nào để con em học dở dang. Ða số đều học đến nơi đến chốn và có công ăn việc làm ổn định”. Trong làng có khoảng 100 người độ tuổi 70-103, 40 người từ 80 tuổi trở lên, Phước Tích còn là một làng trường thọ.
Kết cấu kiến trúc nhà rường
Ðược công nhận “Di tích kiến trúc nghệ thuật cổ Phước Tích” cấp quốc gia, làng Phước Tich là một trong những làng cồ đẹp nhất Việt Nam cùng với các làng Đường Lâm (Hà Nội), Long Tuyền (Cần Thơ), Túy Loan, Phong Nam (Đà Nẵng),…Trên mộ cụ họa sĩ Lê Văn Miến ở Ấp Trường trên bờ sông Ô Lâu có câu đối
Phước Tích phong long thiên tướng cát
Trường An song uất địa chung linh
nghĩa là
Làng Phước Tích đẹp tươi, trời giúp người tốt
Xóm Trường An sầm uất, đất đúc khí thiêng.
Làng cổ Phước Tích là một tài sản vô giá về văn hóa. Các nhà nghiên cứu văn hóa, kiến trúc, dân tộc học… đã tìm thấy ở đây những dẫn chứng biểu lộ lịch sử văn hóa, kiến trúc Huế, văn hóa Việt Nam. Tôi tin là các nhà cầm quyền đang ra sức tìm mọi cách để bảo tồn những nét kiến trúc phục vụ sự nghiệp phát triển quê hương, đồng thời nâng cao đồ gốm Phước Tích thành thương hiệu nổi tiếng trên thị trường.
Hôm về thăm nơi mình hằng sống,
Đứng ngậm ngùi hồn thả theo sông,
Tôi lặng nhìn Ô Lâu bất khuất
Âm thầm cuộn lãnh đạm xuôi dòng
VQY (Nhớ thôn Mỹ)
Cùng tác giả
1-Võ Quang Yến, Một thời tuổi trẻ trên bờ Ô Lâu, Tạp chí Sông Hương, chủ đề” Tôi đi học ” trong ký ức học trò xưa, 12.2011 ; Diễn Đàn Forum (diendan.org) 12.12.2011
2- Võ Quang Yến, Lỗ tai vàng làng Mỹ Cang, Nhớ Huế 23, Huế Làng Xưa 2004 ; trong Gửi thương về Huế, Tập IV, Chim Việt Cành Nam (chimviet.free.fr) 50 10.03.2013.
3- Võ Quang Yến, Hai di tích Chăm ở Thừa Thiên Huế, Nghiên cứu Huế 6 2008 ; trong Gửi thương về Huế, Tập V, Chim Việt Cành Nam (chimviet.free.fr) 51 10.05.2013
Đọc thêm
– Bài nầy sử dụng tài liệu và trích dẫn hình ảnh trong cuốn sách của Hội kiến trúc sư Việt Nam – Sở Văn hóa Thông tin tỉnh Thừa Thiên Huế, Làng di sản Phước Tích, Huế. tháng 12.2004. Xin cảm ơn anh Đỗ Hữu Hà đã có lời đề tặng và anh Nguyễn Thế đã tận tụy hướng dẫn tôi tham quan huyện Phong Điền cùng các di tích Cham Pa. Tôi cũng xin thắp nén hương kính dâng hương hồn nhà văn Nguyễn Xuân Hoàng (tác giả bài Chuyện cái lu sành trong Nhớ Huế, Huế Xuân, 2007), người đứng trong hình nhìn tôi nằm chụp ảnh, đã vui vẻ chia sẻ cảm hứng với chúng tôi trên con đường hành hương.
– Lê Phi Tân, Đi tìm dấu tích Cham Pa bên dòng Ô Lâu, thethaovanhoa.vn 05.03.2009
– Đoàn Hằng, Hồn quê trong gốm Phước Tich, GiaLaiOnline 4.10.2001
– BT, Bảo tồn làng cổ Phước Tíchdisanxanh.vn 01.2015
– Tuyết Khoa, Làng cổ Phước Tích – Sống bằng chữ nghĩa, thanhnien.com vn 14.04.2015
– Thùy Trang, Làng gốm cổ Phước Tích, ashui.com. 14.04.2015
– Hoa Anh Đào, Cuộc xung đột Việt Chiêm trong tiến trình lịch sứ dân tộc, nghiencuulichsu.com 30.09.2015