Site icon Tạp chí Đáng Nhớ

Lụa Vạn Phúc – Rộn ràng tiếng thoi đưa

Nghề truyền thống gắn liền với lịch sử phát triển văn hóa của đất nước. Qua các thời kỳ, người làm nghề hun đúc và tập hợp kinh nghiệm để làm nên bí quyết gia truyền lưu lại cho các thế hệ sau. Thừa kế những tinh hoa của các thế hệ đi trước, hậu nhân sẽ tiếp tục bảo tồn và phát huy hơn nữa những giá trị trân quý của nghề.

Ở Việt Nam, nghề dệt lụa đã có từ xa xưa, xuất hiện ở nhiều nơi và xuất phát từ nghề truyền thống trồng dâu, nuôi tầm. Vào thời kỳ Văn Lang – thời kỳ đầu của buổi bình minh lịch sử – ở Dâu keo Bắc Ninh, có truyền thuyết về bà Ỷ Lan là người đầu tiên đã phát triển nghề trồng dâu nuôi tầm và truyền rộng ra cả nước. Cho đến thế kỷ 15, lụa Việt đã theo chân các thương gia lên tàu biển đi khắp xa gần bốn phương.

Các mẫu lụa tại làng Vạn Phúc.

Trong những vùng dệt lụa thủ công lâu đời và lừng danh nhất thì phải kể đến nghề dệt lụa ở làng Vạn Phúc. Qua những biến đổi của thời gian, lụa Vạn Phúc vẫn là một trong các sản phẩm tiêu biểu tạo nên danh tiếng nơi đây. Từ một sản phẩm thủ công, lụa Vạn Phúc dần trở thành biểu tượng thẩm mỹ có giá trị nghệ thuật cao. Lụa Vạn Phúc được giới thiệu lần đầu ra quốc tế tại các hội chợ Marseille và Paris (1932), được người Pháp đánh giá là loại sản phẩm tinh xảo của vùng Đông Dương thuộc Pháp. Từ 1958 đến 1988, sản phẩm lụa Vạn Phúc hầu hết được xuất sang các nước Đông Âu; từ 1990 xuất khẩu ra nhiều quốc gia trên thế giới, thu ngoại tệ về cho Việt Nam.

Nói về lụa Vạn Phúc thì phải nói qua về làng Vạn Phúc. Làng lụa Hà Đông hay Làng lụa Vạn Phúc nay thuộc phường Vạn Phúc, quận Hà Đông, cách trung tâm Hà Nội khoảng 10 km. Nằm bên bờ sông Nhuệ, làng vẫn còn giữ được ít nhiều nét cổ kính của vùng quê xưa như hình ảnh cây đa cổ thụ, giếng nước, sân đình. Buổi chiều người dân làng vẫn họp chợ dưới gốc đa trước đình.

Bến nước đình làng Vạn Phúc.

Mảnh đất Vạn Phúc là nơi hội tụ nhiều giá trị văn hóa truyền thống độc đáo. Làng Vạn Phúc khởi đầu có tên là Vạn Bảo. Cuối thếkỷ XIX Vạn Bảo đổi tên thành Vạn Phúc, sát nhập vào tổng Đại Mỗ, huyện Hoài Đức tỉnh Hà Tây. Cùng với nghề dệt lụa làng Vạn Phúc, vùng này còn có nghề truyền thống khác như:  Vải the ở làng La Cả, La Nội và Ỷ La, vải lĩnh ở Kẻ Bưởi, vải nhiễu Mỗ Bôn, v.v.

Lịch sử làng lụa Vạn Phúc Hà Đông

Trong dân gian còn lưu lại nhiều truyền thuyết khác nhau về nguồn gốc của nghề lụa Vạn Phúc, trong đó có truyền thuyết Thị Nương; truyền thuyết về người con gái Hàng Châu; truyền thuyết về bà Lã Thị Nga.

Về truyền thuyết Thị Nương, tương truyền, vào thế kỷ IX, có cô gái tên Ả Lã, hiệu Thị Nương , bố mẹ là Hùng Thụy và Phạm Khương, quê ở Châu Tụ Long nay thuộc Trúc bạch – Ba Đình – Hà Nội. Năm 865, Cao Biền sang làm tiết độ sứ cai trị nước ta, khi du ngoạn đến châu Tự Long, vào thăm nhà Hùng Thụy thấy con gái ông Thị Nương là người có dung nhan tuyệt thế, am tường văn chương nên xin cưới nàng.

Cổng đền làng Van Phúc.

Trong một lần Cao Biền và Thị Nương đi tuần, có nghỉ tại Vạn Bảo. Khi đậu thuyền sát bên dòng sông Nhuệ, Cao Biền thốt lên: Đất rồng chầu hổ phục, tụ khí dưỡng thanh long. Một thời gian sau, Thị Nương xin Cao Biền cho ở lại Vạn Bảo. Là người quyền thế nhưng bà sống nhân hậu, bình dị. Vốn là người thành thạo nghề dệt cửu canh, bà dạy dân trồng dâu, nuôi tằm, dệt lụa tấm. Vạn Bảo nhanh chóng trở nên sầm uất, phồn thịnh. Khi Thị Nương qua đời, tưởng nhớ ơn của bà, dân Vạn Bảo lập miếu thờ, suy tôn bà là tổ nghề dệt lụa Vạn Phúc.

Cùng với chuyện Thị Nương, trong dân gian còn lưu lại truyền thuyết nghề dệt Vạn Phúc bắt đầu khởi sinh từ người phụ nữ quê ở Hàng Châu, Trung Quốc. Khi theo chồng chinh chiến từ phương Bắc xuống phương Nam, bà chán cảnh tha phương cầu thực nên xin trú tại làng Vạn Phúc, dồn hết tâm sức vào nghề  trồng dâu, nuôi tầm, đồng thời dạy dân cách dệt lụa.

Cổng đền Làng Vạn Phúc.

Còn một truyền thuyết nữa do người dân làng Đại Mỗ kể về bà Lã Thị Nga, vốn dòng dõi Hùng Vương, thành thạo nghề khung cửi. Một lần đến làng Vạn Phúc, thấy phong cảnh sơn thủy hữu tình, đất đai thuận tiện trồng dâu, nuôi tằm bà bèn giúp dân mở mang nghề dệt. Từ đó, dân làng tôn thờ bà là tổ nghề, thờ tại đình Vạn Phúc, tổ chức tế lễ vào ngày mùng 10 tháng 8 âm lịch, tức là ngày sinh của bà, và ngày giỗ tổ nghề vào 25 tháng chạp tức là ngày bà mất.

Những truyền thuyết, sự tích về quá trình hình thành làng Vạn Phúc đều cho thấy nghề dệt lụa nơi đây có nguồn gốc lịch sử lâu đời. Nguồn gốc nghề dệt nơi đây đều do những phụ nữ thành thạo nuôi tằm, dệt lụa, đem tâm huyết, công sức giúp dân Vạn Phúc có nghề sinh sống, làm ăn và phát triển nghề tới ngày nay. Tất cả được lưu danh trong ngôi đền lớn cạnh chùa làng, ghi rõ: Đền thờ liệt vị tổ nghề dệt.

Các mẫu lụa tai làng Vạn Phúc.

Thời nhà Nguyễn, gấm, lụa Vạn Phúc đều được đem cung tiến triều đình; được vua Tự Đức, Khải Định khen ngợi, ban thưởng cho các nghệ nhân. Trong thời kỳ Pháp đô hộ, lụa Vạn Phúc thường xuyên tham dự nhiều hội chợ đấu xảo ở Marseille, Paris, Pháp cũng như ở triển lãm các nước thuộc địa tổ chức tại Paris, hay triển lãm Batavia (Indonesia) vào năm 1939. Danh tiếng lụa Vạn Phúc, loại vải độc đáo của Việt Nam, được nhiều nước trên thế giới biết đến.

Ngày nay lụa Vạn Phúc trở thành một thương hiệu nổi tiếng của mảnh đất ngàn năm văn hiến. Từ những khung cửi thủ công, hàng ngàn mét vải đầy đủ sắc màu của các cửa hàng lộ vẻ đẹp tiềm ẩn, minh chứng cho sự bền vững của làng nghề Vạn Phúc. Các nghệ nhân không chỉ kiên trì bảo tồn kỹ nghệ dệt, mà còn phát huy thế mạnh của một vùng đất lưu giữ cội nguồn lịch sử dệt tơ tằm lâu đời.

Bến nước sân đình làng Vạn Phúc.

Làng lụa Vạn Phúc mang dáng vẻ khang trang với những cửa hàng mọc lên san sát, con phố lụa cứ dài ra mãi, tấp nập bước chân người mua kẻ bán. Giữa cái phố phường hiện đại này, làng vẫn còn giữ được ít nhiều nét cổ kính qua hình ảnh cây đa cổ thụ, giếng nước, và những phiên chợ chiều họp ở sân đình.

Quy trình sản xuất dệt lụa

Để làm nên những sản phẩm tơ lụa đặc sắc, người thợ ở làng lụa Vạn Phúc phải thực hiện một quy trình sản xuất công phu bao gồm nhiều khâu như: kéo tơ, hồ sợi, dệt, nhuộm, căng phơi… Ngay từ khâu kéo tơ, người thợ không chỉ quấn sợi vào ống đơn thuần mà còn phải chọn sợi; đẽo sợi để đảm bảo sợi tơ có màu trắng, bóng nhẵn, không sùi lông, trị số tơ phải đều; sau đó mắc sợi, lựa chọn riêng sợi dọc, sợi ngang.

Kén tầm.

Sợi sau khi kéo tơ phải đem hồ. Việc hồ sợi chỉ thực hiện với loại sợi dọc và đòi hỏi kỹ thuật cao. Người thợ phải pha thêm sáp ong vào hồ để hồ sợi, đồng thời sử dụng bí quyết riêng để làm cho sợi sau khi hồ vừa dẻo, vừa dai, vừa bóng.

Hồ tơ xong thì dùng khung cửi để dệt. Nếu dệt lụa trơn thì dùng 2 loại go thẳng và go vòng. Go thẳng để dệt lụa mỏng mịn, còn go vòng dệt lụa có chấm thủng. Dệt hoa cũng có thao tác như dệt trơn nhưng khác ở chỗ trước khi dệt cần phải vẽ trước kiểu hoa lên giấy. Thợ dệt đặt mẫu lên bàn khâu hoa rồi một người dệt chính, một người cài hoa phụ. Dân gian gọi dệt hoa là dệt kép để phân biệt với cách dệt đơn khi làm lụa trơn.

Khung dệt tơ.

Ở khâu nhuộm thì không phải loại lụa nào cũng đem nhuộm mà có loại để trắng tinh khiết, ngả màu vàng ngà như lụa nõn. Có loại được nhuộm màu ngay từ khâu sợi như gấm, vóc nhưng có loại như lĩnh, the chỉ nhuộm khi đã dệt xong…

Người thợ làng lụa Vạn Phúc còn đòi hỏi phải khéo léo và điêu luyện, để hoàn thiện trang trí hoa văn trên lụa một cách tinh xảo. Họ sử dụng những đề tài trang trí từ nghệ thuật truyền thống rồi sáng tạo thêm để thích ứng với từng chất liệu dệt, như Ngũ Phúc (năm con dơi quanh chữ Thọ), Long Vân (rồng và mây), Thọ Đỉnh (lư hương và chữ Thọ), Quần Ngư Vọng Nguyệt (đàn cò trông trăng), Hoa Lộc (bông hoa trên chồi biếc), v.v. và cho ra đời những sản phẩm đẹp mắt.

Nét văn hóa trong nghề lụa

Em về Vạn Phúc cùng anh
Áo lụa em mặc thêm thanh vẻ người

Câu thơ này đã trở thành lời nhắn gửi tự hào của người dân Vạn Phúc, bởi lụa, gấm Vạn Phúc trở nên quen thuộc đối với đời sống thi ca Thăng Long – Hà Nội. Thời nhà Nguyễn, lụa Vạn Phúc là loại vải chuyên dùng may triều phục. Nổi bật là lụa vân, loại lụa tưởng như đã thất truyền, với họa tiết những nét tinh xảo tạo vân mây chìm nổi. Muốn nhận biết vân mây thì phải soi ngoài ánh sáng mới hiển hiện màu sắc, hoa văn tinh tế với những tên gọi thanh cao như: vân hồng điệp, vân song hạc, vân tứ quý. Lụa vân là loại hàng vải mỏng, nhẹ nhất trong các loại lụa. Khi dệt, người thợ phải áp dụng kỹ thuật dệt thủng để tạo hình vân. Đây là một bí quyết nghề đòi hỏi người thợ có kinh nghiệm lâu năm, trình độ cao, mới có thể tạo ra sản phẩm hoàn mỹ như vậy.

Lụa làng Vạn Phúc.

Ngoài kỹ thuật dệt lụa ra thì còn có kỹ thuật dệt gấm. Kỹ thuật dệt gấm là kỹ thuật khó hơn, gốm có nhiều màu sắc phong phú với tên gọi: gấm đỏ, gấm vàng, gấm hồng cánh chấu, gấm lam… Hoa cài trên mặt gấm nổi bật như được thêu, luôn tươi sáng, rực rỡ, thường từ 5 màu trở lên như gấm ngũ hay gấm thất thể.

Trong dân gian vẫn truyền tụng, coi gấm là vương hậu của hàng tơ lụa. Vào thời Lê, Nguyễn, chỉ có làng Vạn Phúc mới đạt trình độ, sự tinh xảo để dệt được gấm. Cùng với gấm, lụa, nghề dệt Vạn Phúc còn sản xuất nhiều mặt hàng từ tơ tằm như: The, sa, băng quế, lĩnh, vóc, sa tanh… Tất cả sản phẩm này đều đạt tới tính thẩm mỹ cao với nhiều dạng kỹ thuật dệt khác nhau.

Nhà trưng bày sản phẩm.

Trải qua bao thế hệ, lụa Vạn Phúc vẫn luôn giữ được những thủ pháp nghệ thuật truyền thống. Hoa văn trên lụa Vạn Phúc thường cũng trang trí đối xứng, đường nét trang trí không rườm rà, phức tạp mà luôn mềm mại, phóng khoáng, dứt khoát. Hoa văn trang trí trên vải lụa cũng rất đa dạng khiến cho các bộ trang phục trở nên duyên dáng, sống động.

Trong tâm thức của người Vạn Phúc, lụa là kết quả của quá trình trồng dâu, nuôi tằm, kéo kén, ươm tơ cho đến lúc dệt. Nó cũng là kết tinh sản phẩm của trời – đất, thắm đượm công sức, tài hoa của con người, là sản phẩm quý giá của quê hương, thấm sâu tình cảm của người Việt.

Khung cửi rộn ràng thoi đưa.

Làng nghề Vạn Phúc đã có gần 1.000 năm tuổi. Từ lâu, âm thanh của những khung cửi, của tiếng thoi đưa rộn ràng, khoan thai, dìu dặt đã trở thành nhịp điệu cuộc sống nơi đây. Cùng với tiếng thoi đưa, những nghệ nhân đã tạo ra những sản phẩm nổi tiếng bậc nhất: lụa hàng vân, gấm hoa ngũ sắc.

Tiếng thoi đưa nhịp nhàng
như hơi thở của  làng nghề truyền thống
trong xã hội đương đại.

Thanh Phong

Ảnh: Thiện Nhân – Xuân Tường

Bá Đa Lộc có cứu sống Nguyễn Ánh?

Về công trạng của Bá Đa Lộc đối với vua Gia Long, có hai điểm được hầu hết các sử gia thuộc địa hết sức đề cao: 1- Mặc dù...

Lột trần Việt ngữ – Kỳ 23/25 – Gió thống nhứt

Ta thấy Nam Dương gọi Gió là ANGIN, Chàm cũng thế rồi cứ tưởng rằng là chủng Mã Lai không thống nhất về danh từ Gió, là danh từ cổ...

Tài tử điện ảnh xinh đẹp của Sài Gòn xưa

Bên dưới đây là tấm hình quen thuộc mà người ta thường thấy trong bộ sưu tập những hình ảnh đẹp của Sài Gòn ngày xưa. Đó là một nữ...

Bà chằn nghĩa là gì?

Trong các truyện cổ, ta thường nghe tới con chằn (Thạch Sanh chém chằn tinh). Có lẽ vì “chằn” gần âm với “trăn” nên người ta cho rằng chằn thuộc...

Truyền thuyết con Ma Vú Dài trước 75

Đọc lại giai thoại và truyền thuyết con Ma Vú Dài trước 75 cho ai thích tò mò . [caption id="attachment_246174" align="alignnone" width="284"] “Con ma vú dài” trong khám Chí...

Nguồn gốc câu thành ngữ “Ngao sò tranh đấu, ngư ông đắc lợi”

Điển tích ngư ông đắc lợi Điển tích về ngư ông đắc lợi Xưa kia, vào thời xuân thu chiến quốc, có 2 nước là Yên và Triệu thường xuyên...

Nguồn gốc tên các châu lục

Xin cho biết nguồn gốc các tên châu Âu, châu Á, châu Mỹ, châu Phi, châu Nam Cực? Đây là những địa danh mà tiếng Việt đã mượn từ tiếng...

Vị quan Cần – Cán – Công – Liêm được Vua – Dân tín nhiệm ái mộ

Cụ Đỗ Thúc Tĩnh, quê xã La Châu, tổng Phước Tường Thượng, huyện Hòa Vang , tỉnh Quảng Nam (nay là thôn La Châu , xã Hòa Khương , huyện...

Nhớ xe đạp mini Sài Gòn xưa

Khoảng những năm 1970-1980 là thời hoàng kim của xe đạp mini và kiểu áo dài mini. Thời ấy nữ sinh thường mặc áo dài trắng, tà hẹp và ngắn...

Du hành trên tuyến tàu xưa Gò Vấp-Sài Gòn

Thàng Cưng, lực lưỡng nhanh nhẹn so với số tuổi của nó, khoảng 9, 10 tuổi gì đó mà được lái xe…bò. Mấy thằng bạn đàng em của nó lúc...

Lễ Giáng Sinh

Lời nói đầu: Bài viết được viết ra bởi một người không phải là tín hữu đạo Christ (Thiên Chúa Giáo, Chính Thống Giáo, Tin Lành, Anh Quốc Giáo, Coptic). Nếu...

Lịch sử ngành Tạp Chí

Sự khởi đầu của tạp chí in Ấn phẩm đầu tiên được gọi là tạp chí, là Erbauliche Monaths Unterredungen của Đức, được phát hành vào năm 1663. Đây là một ấn...

Exit mobile version