Site icon Tạp chí Đáng Nhớ

Lốc cốc hủ tiếu gõ Sài Gòn

Sài gòn đang trong mùa mưa, trong những cơn mưa vào mùa rào rạc trút xuống thành phố lại có những cơn mưa bất thường do ảnh hưởng áp thấp nhiệt đới từ một cơn bão nào đó đang hình thành từ biển Đông chuẩn bị đổ vào đất liền. Trong thứ thời tiết ẩm ướt đó, không gian lãng đãng đó, trong các hẻm phố, đường ngang, ngõ tắt chằng chịt cũng khá đặc trưng của các khu dân cư lao động Sài Gòn đêm đêm vẫn vang lên tiếng nhịp gõ lách cách đều đều báo hiệu có một xe hủ tiếu gõ đang đi vào xóm, đánh thức cơn đói lòng của người thức khuya, những sinh viên luyện chữ, ôn bài, những chị công nhân quét rác đêm, cả những nhà văn, nhà báo đang gò lưng nhả chữ… Họ-Những người thức khuya, có khi qua cả đêm trắng đều cần đến một món ăn cực kỳ bình dân để qua cơn đói. Đó là món hủ tiếu gõ.

Đặc biệt, không cứ gì những ngày bình thường tất bật của cuộc mưu sinh, mà ngay trong những hôm ảnh hưởng bão từ biển Đông thổi vào miền Trung suy yếu dần, trở thành áp thấp nhiệt đới gây ra những cơn mưa dầm về đêm làm cho thành phố ẩm ướt, giá lạnh khiến mọi người ngại ra đường nếu không có chuyện cần thiết phải giải quyết. Trong thời tiết giá lạnh như thế, đối với người làm việc ban đêm, thức khuya thường đói bụng nhưng ngại đội mưa ra đường tìm cái gì đó “bỏ bụng” thì đành phải ngồi nhà bó gối chịu trận trong tâm trạng thắt thỏm, nghe bụng dạ “đánh lô tô” liên hồi. Tất nhiên trong tâm trạng ấy thì hiệu quả công việc giảm sút, mất cả hứng thú.

Bỗng đâu, có tiếng gõ lách cách, giòn tan mới đầu nghe rất xa vọng lại từ đầu hẻm, rồi âm thanh quen thuộc này rõ dần… nó phát ra từ hai đoạn tre dẹp, lên nước bóng ngời, được một đứa trẻ con chừng 12-13 tuổi liên tiếp đánh vào nhau tạo thành thứ âm điệu vui tai, rộn rã thay cho lời rao giới thiệu một món ăn đêm cực kỳ nhạy bén thị trường, mọi lúc mọi nơi, nóng hổi, có hiệu quả “cứu đói” ngay lập tức nếu không muốn nói được xếp vào hàng… siêu tốc, đó là “hủ tiếu gõ”. Một món ăn khuya hàng rong lưu động, giá rẻ cũng cực kỳ, được mang đến tận nhà cho “thượng đế” mà tuyệt không tính thêm một khoản “dịch vụ phí” nào trong cơ chế thị trường. Và đó cũng chính là sự chọn lựa số một của những người làm việc ban đêm, thức khuya, đang trong cơn đói cồn cào mà ngại ra đường trong cơn mưa dầm thành phố.

Âm thanh này đi liền với hình ảnh của đứa trẻ mặc áo sơ mi ngắn tay, quần cụt nhàu nát, dép lê, thùm thụp trong cái áo che mưa bằng loại nylon mỏng, trong suốt nên có thể nhìn thấy gương mặt chú nhóc sạm đen, đôi mắt mở to, nụ cười ngây thơ khi dừng lại dưới ánh đèn đường. Đôi khi chẳng cần người khách lên tiếng hoặc mở cửa chính, chỉ cần ló mặt qua khung cửa sổ ra hiệu 1 ngón tay, chú nhóc hiểu ý gật đầu rồi quay bước, tiếng gõ lách cách tiếp tục ngược ra hẻm.

Một lúc sau cũng chú bé ấy bưng trở vào giao tận tay khách một tô hủ tiếu nóng hổi, trên mặt tô hũ tiếu chỉ hai, ba lát thịt mỏng dính, nước lỏng bỏng là cái muỗng trên để miếng chanh, vài lát ớt đỏ, gác lên miệng tô là đôi đũa tre cáu bẩn. Chú bé quay bước, tiếng gõ lách cách giòn dã lại theo bước chú bé đi lần vào con hẻm xa. Khi quay trở ra chú bé ghé lại nhà khách lấy tô và nhận 2.000 đồng vào giai đoạn tiền chưa mất giá theo điệu múa điên loạn của vàng. Bây giờ thì tô hủ tiếu gõ chỉ vài lát thịt, nước, giá, hẹ lỏng bỏng ấy đã lên 5.000 đồng hoặc 7.000 đồng giá bình quân, sang một tí thì tô đặc biệt thêm ít lát thịt mỏng giá 10.000 đồng. Bây giờ theo thời giá, tô hủ tiếu gõ đã tăng gấp đôi: 20.000 đồng.

Chú bé ấy là “nhân viên bưng bê” kiêm “tiếp thị” của một xe hủ tiếu gõ khi thì dừng lại ở đầu con hẻm nhỏ hoặc đẩy chậm vào. Đẩy xe là một người đàn ông từ phục trang cho đến vóc dáng đều phong trần, nói giọng “miền ngoài” như Quảng Nam, Đà Nẵng, Quảng Ngãi, Bình Định… và “ông chủ” xe hủ tiếu gõ này lại là thành viên của một xóm cư dân từ những vùng quê xa xôi, hoàn cảnh nghèo, không nghề nghiệp ổn định hoặc không có ruộng vườn, chỉ đi làm mướn “bỏ làng” vào Sài Gòn bán hủ tiếu gõ tìm một cơ hội để đổi đời. Nhưng trước mắt thì nuôi mơ ước vượt qua nỗi khó khăn, kiếm “bạc cắc” để giúp đỡ gia đình, nuôi con cái ăn học.

Xóm hàng rong hủ tiếu gõ gồm nhiều thành viên cư ngụ ở quê, họ là bà con, hàng xóm… người trước rũ người sau vào Sài Gòn thuê nhà trọ ở theo nhóm để hướng dẫn nghề, giúp đỡ nhau trong kế mưu sinh. Những xóm hủ tiếu gõ ở rãi rác từ Gò Vấp, Bình Thạnh, Q3, Tân Bình tới Bình Tân… nhưng nhiều nhất ở Tân Bình. Ban ngày họ ngủ tới trưa, chiều lục đục dậy chuẩn bị nguyên liệu, đồ nghề nấu hủ tiếu, chiều xuống đẩy xe đi vào các xóm. Một xe hủ tiếu gõ thường có 3 người, “ông chủ” đẩy xe, kiêm thợ nấu, và 2 “đệ tử” vừa gõ nhịp lách cách rao hàng, kiêm bưng bê. Cuộc hành trình của một xe hũ tiếu gõ và những con người lam lũ này sẽ bước qua ngưỡng thời gian 0 giờ cho đến 2-3 giờ sáng hôm sau, trừ những xe may mắn bán hết hàng thì về sớm.

Hủ tiếu gõ thoạt kỳ thủy xuất phát từ những người “khách trú”, tức người Hoa di cư sang Việt Nam chọn Sài Gòn làm quê hương thứ hai để sinh cơ lập nghiệp. Khi chưa có “mặt bằng” kinh doanh ổn định họ bán hủ tiếu xe và cũng đẩy xe vào xóm bán từ chiếu tối tới đêm khuya. Những “Ông chủ” xe hủ tiếu gốc Hoa thời trước cũng gõ lốc cốc, lách cách như bây giờ, nhưng khác ở chỗ họ dừng xe một điểm cố định trong xóm, hết hẻm này đi hẻm khác. Và “hủ tiếu gõ” của người Hoa cực kỳ chất lượng, đơn giản vì họ lấy giá bằng hoặc rẻ hơn hủ tiếu ở tiệm một chút chứ không lấy giá bình dân như bây giờ. Hồi còn nhỏ tôi ở hẻm Nam Tiến quận 4, đã biết một “ông chủ” hủ tiếu gõ người Hoa bán xóm là A Chảy, ăn riết quen mặt, quen tên. A Chảy ngoài nghề bán hủ tiếu gõ còn nghề phụ là câu lươn, anh ta câu lươn vào buổi sáng, buổi chiều đẩy xe đi bán hủ tiếu gõ. Chẳng biết phải nhờ câu lươn về nấu nước lèo không mà hủ tiếu gõ của A Chảy thời ấy ngon cực kỳ.

Còn hủ tiếu gõ Sài Gòn ngày nay xuất phát từ… miền Trung, những người “nẫu” ở tận phương xa vào Sài Gòn hành nghề, tạo nên một phong cách ẩm thực bình dân nhưng ý nghĩa văn hóa lại rất “bác học”. Người bắt chước nghề, phát triển hủ tiếu gõ đầu tiên ở Sài Gòn có lẽ là anh Triêm, quê ở thôn Mỹ Trang xã Phú Cường huyện Đức Phổ tỉnh Quảng Ngãi. Anh Triêm sau khi rời quê vào Sài Gòn thử nghiệm nghề bán hủ tiếu gõ thành công nên về làng rũ bạn bè, hàng xóm, bà con thân thuộc vào phát triển nghề này nên hiện nay thôn Mỹ Trang có nhiều người vào Sài Gòn bán hủ tiếu gõ nhất, có nhà đi gần hết chỉ còn người già ở lại.

Không chỉ có nam giới: trẻ con, thanh niên, trung niên, người lớn tuổi mà cả nữ giới: phụ nữ có gia đình, thanh thiếu nữ đều đi bán hủ tiếu gõ ở Sài Gòn. Nhờ bán hủ tiếu gõ mà người thôn Mỹ Trang đã giúp gia đình vượt qua khó khăn, nuôi được cha mẹ già yếu, lo cho con cái học hành đến nơi đến chốn. Đặc biệt nhà ông Chân có 5 người con đều vào Sài Gòn bán hủ tiếu gõ, riêng cô con gái út được coi là “thành đạt” nhất vì sau một thời gian bán hủ tiếu gõ đã quen với một “đại gia”, có nhà cửa và về quê bằng ô tô con khiến cả làng mở mặt.

Nhưng trước khi có những người bán hủ tiếu gõ vượt qua số phận hẩm hiu thì hầu hết “doanh nhân” hủ tiếu gõ miền Trung trên đất Sài Gòn đều trải qua những ngày nắng mưa cơ cực, thật sự lam lũ với nghề, thậm chí tủi thân, khổ nhục trước sự cạnh tranh khắc nghiệt của thị trường ẩm thực phức tạp. Người ta đã từng tung tin hủ tiếu gõ Sài Gòn của những người miền Trung nấu nước lèo bằng nước cống và trùn chỉ. Cơn bão tin đồn quái ác này làm cho nghề bán hũ tiếu gõ của những người miền Trung xa xứ gặp rất nhiều khó khăn, điêu đứng. Có một dạo, không biết nguyên cớ nào, người ta lại tung tin đồn hủ tiếu gõ miền Trung nấu nước lèo bằng thịt… chuột cống.

Dư luận đã dấy lên sự bất bình, lo ngại, rồi bày tỏ sự kinh sợ hủ tiếu gõ đã đặt những người bán hủ tiếu gõ xa xứ trước nỗi lo bỏ nghề, phá sản vì thực khách tẩy chay. Nhưng cũng may mắn thay, báo chí lại chứng minh được rằng hủ tiếu gõ miền Trung vẫn trong sạch trong phong cách ẩm thực bình dân (chứ không bị miệt thị là hàng rong “ký sinh trùng” như trong một bản tin kinh tế phát trên VTV do xướng ngôn viên Quang Anh tức Wang Phố Cổ đọc “nhịu” mới đây) bị người dân cả nước phẫn nộ. Và thế là đêm đêm tiếng nhịp gõ lách cách quen tai của những chú bé nhân viên tiếp thị xe hủ tiếu gõ quen thuộc vẫn đi vào xóm, bất kể ngày nắng, đêm mưa. Bất kể đời thường hay Sài Gòn đang chuẩn bị cho một không gian Tết, một không khí đón xuân đang náo nhiệt, tưng bừng trên mọi ngã đường.

Sài Gòn có cơ man các món ăn sang trọng, nhưng hủ tiếu gõ là “phong cách” ẩm thực đặc trưng của người xa xứ: công nhân, sinh viên, học sinh, người lao động đủ mọi ngành nghề ở các nơi tụ về sinh sống. Chỉ một món tiền nhỏ giữa thời bão giá, nhưng tô hủ tiếu gõ khiêm tốn chất lượng có thể “cứu đói” tức thời cho người thức đêm làm việc và hình ảnh chiếc xe hủ tiếu gõ lọc cọc đẩy vào xóm cùng tiếng rao bằn âm thanh đặc trưng lốc cốc, lách cách giòn tan trong đêm khuya nhất là những đêm mưa chắc chắn đã thành dấu ấn kỷ niệm của biết bao người khi nhớ về Sài Gòn dù mai này có đi bất cứ nơi đâu, ở đâu.

Và nếu nhớ đến hủ tiếu gõ đặc trưng của Sài gòn với cách “tiếp thị” đầy phong cách sáng tạo bằng hai thanh tre gõ vào nhau đánh thành nhịp khua lốc cốc thì không thể không nhớ nhóm hủ tiếu gõ miền Trung. Đồng thời, nhớ hủ tiếu gõ miền Trung thì không thể không nhớ xóm cư dân hủ tiếu gõ xa xứ chạy nghèo, dạt lũ ở Tân Bình… Trong mùa dịch Covid bùng phát này biết họ có còn đẩy xe hàng rong hủ tiếu gõ lốc cốc vào những xóm đêm để mưu sinh?

TỪ KẾ TƯỜNG

Hai câu chuyện ngắn về bài học trong cuộc sống

Văn hóa truyền thống là một kho tàng đồ sộ những câu chuyện về luân lý, được lưu truyền từ thế hệ này sang thế hệ khác với mục đích...

Đại học Đông Dương ở Hà Nội thập niên 1920

Thành lập năm 1907, Đại học Đông Dương – thiết chế đại học hiện đại đầu tiên ở Việt Nam – chính là tiền thân của Đại học Quốc gia...

Cách mở chai rượu vang không cần dùng đồ khui

Bạn đang tổ chức tiệc tùng cuối ngày “không say không về” với đám bạn thân nhưng bỗng nhớ ra nhà bạn không có đồ khui rượu vang, phải làm...

Thế nào là Chân, thế nào là Chính, Chân Chính rốt cuộc là gì?

"Chân chính" là tiêu chuẩn phẩm đức và nhân cách làm người. ‘Làm người chân chính', 'hành xử chân chính', 'kinh doanh chân chính',v.v... Vậy "chân chính" rốt cuộc là...

Bí ẩn ‘nhẫn cưới’ tại một số quốc gia trên thế giới

Nhẫn cưới thì ở đâu cũng cần phải có trong tất cả các buổi hôn lễ trên thế giới. Nhẫn cưới là tượng trưng cho sự gắn kết, sự vĩnh cửu bên...

Các đời chúa Nguyễn mở rộng lãnh thổ – P3: Lãnh thổ đến Gia Định

Năm 1635, chúa Nguyễn Phúc Nguyên qua đời, con thứ là Nguyễn Phúc Lan lên thay, hiệu là Thượng Vương nên còn được gọi là Chúa Thượng. Chúa Nguyễn Phúc...

Người xưa vô cùng coi trọng “nhân quả”

Cổ ngữ có câu: “Thiện hữu thiện báo, ác hữu ác báo”. Tư tưởng nhân quả đã trở thành một bộ phận vô cùng quan trọng trong văn hóa truyền thống, bao gồm...

Câu chuyện ăn Tết

1. Ăn Tết Đồng bào ta mỗi năm lo ăn "Tết" mà ít ai xét việc ăn ấy là nghĩa gì, phải nên than đáng nên làm hay là không,...

Hiểu về quy trình sản xuất âm nhạc, bản quyền và các chính sách chia sẻ quyền lợi

Xin chào các bạn, hôm nay dangnho sẽ chia sẻ cho các bạn một chủ đề rất thú vị và chúng tôi nghĩ rằng tất cả những người nghệ sĩ...

Gửi Thạch Lam

Dù biết rõ rằng, lúc tôi ngồi đây vẩn vơ kể ông nghe tâm tình của tôi - kẻ đang lang thang trong mớ hỗn tạp, xô bồ của thực...

Thiệp cưới xưa và nay

Thiệp cưới xưa và nay có nhiều sự khác biệt lớn. Sự khác biệt này chủ yếu xuất phát từ sự phát triển công nghệ sản xuất và công nghệ...

Tượng Phật “lạ” – Góc nhìn và ý nghĩa

Một vị giáo sư người Đức chuyên nghiên cứu về Phật giáo Tây Tạng trao cho biết về bức tượng Phật “lạ” gây dư luận tại Thái Lan, Việt Nam...

Exit mobile version