Trẻ 2 tháng tuổi thở khò khè là tình trạng khiến nhiều bậc phụ huynh lo lắng. Thực tế việc hô hấp của trẻ sơ sinh gặp vấn đề không phải hiếm do kích thước mũi bé nhỏ, dễ nghẹt. Nhưng tình trạng thở khò khè ở trẻ cũng có thể báo hiệu bệnh nguy hiểm mà bố mẹ cần theo dõi sát sao.
1. Vì sao trẻ 2 tháng tuổi thở khò khè?
Khò khè là tiếng thở bất thường của trẻ có thể phát hiện ra khi nghe áp sát tai gần miệng trẻ, gần giống như tiếng ngáy. Một số trẻ sơ sinh bị nặng có thể nghe được tiếng khò khè ở xa.
Trẻ sơ sinh dưới 6 tháng tuổi thường thở khò khè khi bị viêm đường hô hấp dưới. Do các phế quản viêm nhiễm, tạo ra dịch nhầy làm tắc nghẽn, cản trở đường lưu thông của không khí khiến việc hô hấp trở nên khó khăn, tạo ra âm thanh khi thở.
Nguyên nhân gây ra sự viêm nhiễm này có thể là:
Viêm tiểu phế quản
Trẻ 2 tháng tuổi thở khò khè phần lớn là do vị viêm tiểu phế quản. Viêm tiểu phế quản là tình trạng các cuống phổi nhỏ hay các tiểu phế quản bị viêm nhiễm cấp tính.
Các tiểu phế quản ở trẻ sơ sinh vừa nhỏ vừa không có sụn, dễ dàng bị xẹp khi viêm nhiễm, làm hẹp đường thở, gây tắc nghẽn quá trình lưu thông của không khí khiến trẻ khó thở, thở khò khè. Một số trường hợp có thể gây ra thiếu oxy và suy hô hấp.
Hen suyễn
Căn bệnh về đường hô hấp này làm trẻ dễ bị khó thở, phát ra âm thanh khò khè. Hen suyễn gây ra do bệnh mãn tính hoặc sau khi bị viêm đường hô hấp cấp khiến trẻ dị ứng với một số tác nhân bên ngoài. Đặc biệt bệnh thường trở nặng khi gặp điều kiện thời tiết lạnh, không khí ô nhiễm, môi trường bụi bặm.
Viêm phổi
Nếu trẻ thở khò khè kèm theo ho có đờm, nghẹt mũi có thể là dấu hiệu nguy hiẻm của bệnh viêm phổi. Viêm phổi là tình trạng nhiễm trùng đường hô hấp nặng, tổn thương mu mô phổi, dịch nhầy ở phế nan, khó thở, suy hô hấp. Nhiều trường hợp bệnh viêm phổi ở trẻ 2 tháng tuổi gây ra do bệnh cảm cúm, sốt cao, ho.
Các nguyên nhân khác
Ngoài những nguyên nhân thường gặp kể trên, trẻ 2 tháng tuổi thở khò khè cũng có thể là do:
- Bệnh tim bẩm sinh, triệu chứng đi kèm là khó thở, tím tái
- Trào ngược thực quản là dịch dạ dày chạy ngược lên cổ họng và mũi, dị ứng
- Dị vật ở đường thở
- Viêm amidan cấp tính
2. Làm gì khi trẻ 2 tháng tuổi thở khò khè?
Trẻ sơ sinh dưới 6 tháng tuổi gặp vấn đề về hô hấp khá thường xuyên, nhưng đây cũng là dấu hiệu các bệnh nguy hiểm. Vì thế khi thấy con phát ra âm thanh khi thở, cha mẹ cần theo dõi sát sao và chú ý các dấu hiệu để có biện pháp chữa trị kịp thời.
Dấu hiệu nặng cần đưa đến bệnh viện
Trẻ 2 tháng tuổi bị khò khè không dứt và có các biểu hiện đi kèm sau thì cha mẹ nên đưa con đi khám và xét nghiệm tìm nguyên nhân để được bác sĩ chỉ định điều trị ngay:
- Khó thở, thở dốc: với các bé dưới 3 tháng đây là tình trạng nguy hiểm cần được đưa đến bệnh viện ngay
- Nôn ói, sốt cao kèm theo khò khè
- Lần đầu tiên trẻ gặp trường hợp này nhưng khó thở đi kèm tím tái
- Khò khè kéo dài 3-4 tuần hoặc tái đi tái lại nhiều lần
- Thở không đều, co rút lồng ngực khi thở, dường như mỗi lần hít thở đều phải dùng nhiều sức lực
Lưu ý khi chăm sóc
Ngoài ra, khi chăm sóc trẻ 2 tháng thở khò khè, cha mẹ cần đặc biệt lưu ý các vấn đề sau, vì bé mới 2 tháng chưa phát triển hoàn toàn hệ miễn dịch và các cơ quan để chống chọi lại bệnh tật:
- Không tự ý cho con dùng thuốc mà không có chỉ định của bác sĩ, bao gồm cả thuốc kháng sinh, long đờm, thuốc cổ truyền
- Vệ sinh mũi họng sạch sẽ bằng nước muối sinh lý pha loãng theo chỉ dẫn của bác sĩ
- Hút mũi, đờm để bé dễ thở hơn
- Cho con bú thêm sữa mẹ để tăng sức đề kháng và cung cấp đủ nước cho trẻ
- Thường trẻ thở khò khè đi kèm sốt, cha mẹ nên chú ý chườm hạ sốt cho con, hoặc dùng các biện pháp hạ sốt được bác sĩ chỉ định
- Giữ ấm cho trẻ, đặc biệt phần ngực
- Vệ sinh khi vực xung quanh bé, tránh các vật dụng có lông, dễ bám bụi hoặc có mùi nồng nặc, không cho bé ở gần thú cưng
Trẻ sơ sinh 2 tháng tuổi còn rất nhỏ, dễ bị nhiễm bệnh và cần được theo dõi sát sao các dấu hiệu khác thường. Tốt nhất cha mẹ nên đưa con đến bệnh viện ngay khi thấy bé khó chịu kéo dài, đặc biệt liên quan đến đường hô hấp.