Tôi đã đọc mục Chuyện Đông chuyện Tây của Kiến thức ngày nay, số 142 và có ý kiến như sau:

Tôi nhất trí về cơ bản với lời giải đáp của An Chi về sự đồng nhất và khác biệt giữa các họ Chu-Châu, Võ-Vũ, Hoàng- Huỳnh. Tôi chỉ tiếc là An Chi quá dứt khoát, quá quyết đoán với họ Hoàng-Huỳnh. Tôi biết một trường hợp cụ thể mà Huỳnh với Hoàng chỉ là một, không như An Chi đã khẳng định một cách dứt khoát đó là “hai họ riêng biệt và độc lập với nhau”.

Chúng ta đều biết giáo sư Hoàng Tuệ, Viện trưởng Viện ngôn ngữ là cháu nội của cố Lễ bộ thượng thư Huỳnh Côn. Trưởng nam của cụ Huỳnh Côn là Hoàng Chu Tích, tức là thân sinh của giáo sư Hoàng Tuệ. Các con đẻ khác của cụ Huỳnh Côn có người là Huỳnh Kham, Huỳnh Quân, Huỳnh Đồng, có người là Hoàng Khắc Thẩm, Hoàng Khắc Đương… Đến đời thứ ba, tức cháu nội cụ Huỳnh Côn vẫn xen lẫn Huỳnh Hoàng: Hoàng Thị Cam, Hoàng Bảo Ninh, Huỳnh Tôn… Đây là một gia đình lớn, một “thế gia vọng tộc” có truyền thống nhiều đời chiếm những vị trí cao trong các nấc thang chức quyền, học vấn, khoa học. Họ rất nghiêm túc trong các vấn đề về truyền thống dòng họ, gia pháp, gia phong. Sở dĩ có tình hình trên, theo tôi có thể đơn giản vì họ cho Huỳnh-Hoàng là một, là đồng nhất, không có gì đáng quan tâm.

Tôi không biết có trường hợp nào như thế nữa không hay đây chỉ là một ngoại lệ. Nhưng ngoại lệ này rơi vào một gia đình đặc biệt như vậy thì quyết đoán như tác giả An Chỉ có thể làm người ngoài hiểu sai mối quan hệ huyết thống của dòng họ Huỳnh-Hoàng này, một dòng họ đã cống hiến cho đất nước không ít gương mặt đáng kính nể. Vậy phải chăng ta nên có mấy dòng đính chính hoặc xin lỗi đối với họ Hoàng- Huỳnh này?

Họ Hoàng đã trở thành Huỳnh tại Đàng Trong từ bao nhiêu đời nay và tại phần Nam Đàng Trong là đất Nam Bộ hiện nay thì do hoàn cảnh lịch sử – xã hội đặc biệt mà rất nhiều gia đình đã không có gia phả, tộc phả nên việc truy tìm một đức viễn tổ họ Hoàng nào đó đối với rất nhiều họ Huỳnh là một việc làm không dễ dàng, nếu không nói là hoàn toàn không thể thực hiện được. Vì vậy mà họ đã yên trí và yên tâm mang họ Huỳnh từ lâu. Đến khi nền hành chính của Pháp được thiết lập rồi chữ quốc ngữ ngày càng trở nên phổ biến và thông dụng thì thứ chữ này đã góp phần cố định cách phát âm cho họ Huỳnh, hoàn toàn khác với họ Hoàng nhất là trên phương diện hồ sơ giấy tờ. Chính là căn cứ vào những điều kiện trên đây mà chúng tôi đã khẳng định rằng hiện nay Hoàng với Huỳnh là hai họ khác nhau.

Họ người ngoài khía cạnh tông tộc, còn có cả khía cạnh xã hội. Mà về mặt xã hội thì đã rõ Huỳnh và Hoàng là hai họ đúng mối quan hệ huyết thống của dòng họ Hoàng-Huỳnh riêng biệt và độc lập với nhau. Việc làm cho người ngoài hiểu mà ông đề cập thì lại không thuộc về trách nhiệm của chúng tôi. Chúng tôi chỉ có bổn phận phải xin lỗi khi nào có người trong dòng họ đó ký Huỳnh X chẳng hạn, mà chúng tôi lại tự tiện đổi thành Hoàng X, hoặc khi nào có người trong dòng họ đó ký Hoàng Y, chẳng hạn, mà chúng tôi thì lại tự tiện đổi thành Huỳnh Y.