Làm cha mẹ, ai cũng muốn con mình được an toàn, học giỏi và sau này trưởng thành sẽ làm nên những điều tuyệt vời.
Trong khi không hề có một công thức cố định nào cho việc giúp con cái thành công sau này thì mới đây, một nghiên cứu tâm lý học đã đưa ra kết luận rằng luôn có một vài yếu tố mà bố mẹ có thể thực hiện để tạo nền tảng cho trẻ khi lớn lên có thể làm được những gì chúng muốn.
Dưới đây là 10 điểm chung của các bậc phụ huynh có con thành công mà bạn có thể tham khảo.
1. Họ dạy con cái làm việc nhà
“Nếu một đứa trẻ không biết rửa bát thì điều này có nghĩa là ai đó sẽ làm thay chúng”, Julie Lythcott-Haims – cựu trưởng khoa phụ trách sinh viên năm nhất tại Đại học Stanford và là tác giả của cuốn sách “How To Raise A Adult” (Tạm dịch: Làm thế nào để nuôi con trưởng thành?) đã phát biểu trong sự kiện TED Talks Live.
“Do đó, chúng sẽ không có trách nhiệm trong công việc và không nhận thức được nhiệm vụ cần phải hoàn thành. Mỗi chúng ta buộc phải tự làm tất cả.
Lythcott-Haims tin rằng những đứa trẻ biết làm việc nhà sẽ trở thành những con người mà có thể tương tác tốt với đồng nghiệp, sống đồng cảm hơn bởi vì chúng hiểu rõ khó khăn, thử thách khắc nghiệt như thế nào và có thể làm việc một cách độc lập.
Kết luận này của cô được rút ra dựa trên Harvard Grant Study – một nghiên cứu theo chiều dọc được tiến hành trong thời gian khá dài.
Chia sẻ với Tạp chí Tech Insider, Harvard Grant Study cũng nhấn mạnh “việc để trẻ làm việc vặt như đổ rác hay tự gấp quần áo sẽ giúp trẻ hiểu rằng làm việc là một phần của cuộc sống”.
2. Dạy cho trẻ các kỹ năng xã hội
Các nhà nghiên cứu từ Đại học bang Pennsylvania và Đại học Duke đã theo dõi hơn 700 trẻ trên khắp nước Mỹ từ độ tuổi mầm non cho tới lúc 25 tuổi và phát hiện ra mối tương quan đáng kể giữa kỹ năng xã hội của trẻ mầm non so với sự thành công của chúng khi trưởng thành trong 2 thập kỷ sau đó.
Nghiên cứu kéo dài 20 năm này cho thấy những đứa trẻ có kỹ năng xã hội như hợp tác tốt với bạn bè mà không cần nhắc nhở, giúp đỡ người khác, hiểu rõ cảm xúc của bản thân, có khả năng tự giải quyết các vấn đề riêng của chúng… có nhiều khả năng có bằng đại học và nhận được việc làm trước 25 tuổi nhiều hơn so với những đứa trẻ không được trang bị hoặc thiếu các kỹ năng xã hội – thường có nhiều nguy cơ phạm tội, bị bắt giữ hay uống rượu.
Theo Kristin Schubert – giám đốc chương trình tại Robert Wood Johnson Foundation – tổ chức tài trợ cho nghiên cứu này cũng chia sẻ trên một bài báo rằng “nghiên cứu cũng cho thấy việc trang bị cho trẻ các kỹ năng liên quan đến kiểm soát, nhận dạng cảm xúc và kỹ năng xã hội là một trong những yếu tố rất quan trọng mà chúng ta có thể giúp trẻ có được một tương lai lành mạnh hơn”.
3. Họ có kỳ vọng cao
Sử dụng dữ liệu từ một đợt khảo sát quốc gia trên 6.600 trẻ được sinh ra vào năm 2001, giáo sư Neal Halfon (Đại học California) cùng đồng nghiệp đã phát hiện ra rằng những kỳ vọng mà các bậc phụ huynh đặt ra cho con cái có ảnh hưởng lớn tới thành tựu mà chúng đạt được trong tương lai.
“Các bậc cha mẹ xem đại học là tương lai của trẻ dường như sẽ biết cách giúp con hướng tới mục tiêu bất kể điều kiện kinh tế gia đình”.
Kết quả từ các bài kiểm tra chuẩn hóa cũng củng cố thêm rằng: 57% trẻ đạt kết quả kém nhất có bố mẹ kỳ vọng chúng sẽ vào đại học (nhưng chúng không muốn như vậy), trong khi 96% trẻ đạt kết quả cao nhất là kỳ vọng được vào đại học (và bố mẹ chúng cũng kỳ vọng như vậy).
Điều này cũng phù hợp với một nghiên cứu về tâm lý học khác: Hiệu ứng Pygmalion (lời tiên đoán tự trở thành hiện thực) ám chỉ điều mà một người mong đợi ở một người khác có thể trở thành hiện thực. Chẳng hạn, nếu một người (hoặc chính ta) nghĩ ta thông minh hay ngu dốt thì họ sẽ đối xử với ta theo cách mà họ nghĩ. Nếu ta được đối xử như thể ta thông minh hay ngu dốt thì ta sẽ hành xử và thậm chí là trở thành như thế. Do vậy, những lời tiên đoán ban đầu bỗng trở thành hiện thực.
Trong trường hợp là một đứa trẻ thì nó sẽ sống xứng đáng với những kỳ vọng của bố mẹ.
4. Gia đình hạnh phúc
Theo một nghiên cứu được thực hiện tại Đại học Illinois thì trẻ sống trong một gia đình liên tục xảy ra xung đột, mâu thuẫn – cho dù đó là ly hôn hay chỉ là các cãi vã nhỏ thì chúng cũng có xu hướng phát triển theo chiều hướng tệ hơn so với những đứa trẻ được sinh ra và lớn lên trong một gia đình hòa thuận.
Robert Hughes Jr – giáo sư, trưởng bộ phận phát triển con người và cộng đồng tại Đại học Illinois cũng đồng thời là tác giả của nghiên cứu trên nhấn mạnh thêm rằng một số khảo sát cho thấy 4 đứa trẻ sống cùng với bố/mẹ (gia đình đơn thân) phát triển tốt hơn so với những đứa trẻ mà sống trong một gia đình bố mẹ liên tục có xung đột.
5. Họ có trình độ học thức cao hơn
Một nghiên cứu từ năm 2014 của nhà tâm lý học Sandra Tang (Đại học Michigan) cho thấy những bà mẹ học hết phổ thông và đại học có khả năng nuôi dạy con cái cũng đạt được thành tích như họ.
Một nghiên cứu theo dõi 14.000 trẻ từ khi học mầm non từ năm 1998 cho đến năm 2007 phát hiện ra rằng những đứa trẻ có mẹ còn trẻ (sinh con khi mới 18 tuổi hoặc ít hơn) có ít khả năng hoàn thành cấp học phổ thông và đại học hơn những đứa trẻ khác.
6. Họ dạy con học toán từ sớm
Một phân tích vào năm 2007 tiến hành với 35.000 trẻ mẫu giáo trên khắp nước Mỹ, Canada và Anh cho thấy phát triển kỹ năng toán học co trẻ từ sớm có thể mang lại những lợi thế rất lớn sau này.
“Tầm quan trọng của việc phát triển các kỹ năng toán học từ sớm – giai đoạn mới đến trường với các kiến thức về con số, số thứ tự và các thuật ngữ toán học cơ bản – là một trong những bí ẩn mà hiện nay đã được giải mã”, Greg Duncan – đồng tác giả và cũng là nhà nghiên cứu tại đại học Northwertern cho biết.
7. Họ tạo mối quan hệ với con cái
Một nghiên cứu từ năm 2014 được tiến hành với sự tham gia của 243 người sinh ra trong hoàn cảnh nghèo khó cho thấy những đứa trẻ nhận được “sự chăm sóc nhạy cảm” trong 3 năm đầu tiên không chỉ có thành tích học tập tốt hơn mà còn có những mối quan hệ lành mạnh hớn và kiến thức học thuật tốt hơn khi đạt 30 tuổi.
Theo một báo cáo được đăng trên PsyBlog, những phụ huynh nhạy cảm trong mối quan hệ với con cái thường “đáp lại những dấu hiệu của trẻ một cách thích hợp và kịp thời”, đồng thời tạo cho trẻ cảm giác an toàn để trẻ khám phá thế giới.
8. Họ ít bị áp lực
Theo một nghiên cứu mới đây được đăng trên tờ The Washington Post bởi Brigid Schulte thì lượng thời gian mà cha mẹ dành cho con cái từ 3 đến 11 tuổi không đóng góp nhiều cho hành vi, hạnh phúc hay thành tựu của trẻ sau này. Thêm nữa, các căng thẳng hay lo lắng của các bậc phụ huynh còn ảnh hưởng tiêu cực tới sự phát triển của trẻ.
“Những căng thẳng của bà mẹ, đặc biệt là khi họ căng thẳng trong việc sắp xếp thời gian dành cho con, có thể gây tác động xấu tới trẻ” – Kei Nomaguchi – đồng tác giả nghiên cứu và là nhà xã hội học tại Đại học Bowling Green State nhận định.
Có thể gọi đó là hiện tượng lây lan cảm xúc: nếu bạn của bạn vui vẻ, sự tích cực đó sẽ lan truyền cho bạn, còn nếu họ buồn, cảm xúc tiêu cực đó cũng sẽ truyền sang bạn. Vì thế, nếu cha mẹ cảm thấy mệt mỏi hay thất vọng, cảm xúc đó cũng có thể truyền sang con cái.
9. Trẻ có mẹ đi làm
Theo nghiên cứu của Trường kinh doanh Harvard thì việc các bà mẹ đi làm sẽ có những tác động có ý nghĩa tới sự phát triển của trẻ sau này.
Con gái của những bà mẹ đi làm thường có khả năng kiếm được việc làm ở những vị trí giám sát và thu nhập cao hơn – cao hơn 23% so với con gái của những bà mẹ chỉ làm nội trợ.
Con trai của những bà mẹ đi làm cũng có xu hướng làm việc nhà nhiều hơn và chăm sóc trẻ tốt hơn. Họ thường dành nhiều hơn 7,5 giờ/ tuần vào việc chăm sóc trẻ và hơn 25 phút làm việc nhà so với nhóm còn lại.
10. Họ có địa vị kinh tế xã hội cao hơn
Điều đáng tiếc là 1/5 trẻ em ở Mỹ lớn lên trong cảnh đói nghèo và hoàn cảnh này đã giới hạn rất lớn tới tiềm năng phát triển của chúng.
Tồi tệ hơn khi theo nhà nghiên cứu Sean Reardon đến từ Đại học Stanford thì khoảng cách thành công giữa những gia đình thu nhập thấp và thu nhập cao đối với các trẻ được sinh ra vào năm 2001 lớn hơn khoảng 30% đến 40% so với những đứa trẻ được sinh ra 25 năm trước đó.
Dan Pink – tác giả cuốn “Drive” (Động lực) cho rằng thu nhập của bố mẹ càng cao thì điểm SAT của con cái càng được cải thiện.