Rốn trẻ sơ sinh bị chảy máu là tình huống mà rất nhiều mẹ thường hay gặp phải trong quá trình chăm sóc trẻ sơ sinh. Thông thường, rốn của trẻ sơ sinh sẽ tự rụng và liền sẹo sau khoảng 7-10 ngày.
Mặc dù vậy, trong thời gian này, dù mẹ có chăm sóc cẩn thận thì vẫn khó tránh khỏi một số tình huống như: rốn trẻ bị ra máu, rốn trẻ bị rỉ máu có mùi hôi. Vậy nếu gặp phải trường hợp này, mẹ phải làm sao?
Nguyên nhân rốn trẻ sơ sinh bị chảy máu
Khi còn trong bụng mẹ, rốn của trẻ đóng vai trò mang chất dinh dưỡng từ mẹ sang bé. Đến khi chào đời, rốn của bé sơ sinh vẫn chưa hoàn thiện nên cần phải được chăm sóc kỹ lưỡng để cuống rốn có thể tự rụng mà không bị bất cứ biến chứng nào.
Khi còn trong bụng mẹ, rốn của trẻ đóng vai trò mang chất dinh dưỡng từ mẹ sang bé. Ảnh minh họa
Tuy nhiên, có một số nguyên nhân dẫn đến tình trạng rốn trẻ sơ sinh bị chảy máu hoặc trẻ sơ sinh đã rụng rốn nhưng vẫn rỉ máu như:
– Người chăm sóc cho trẻ khi băng rốn cho trẻ sơ sinh sử dụng loại băng gạc vẫn còn ẩm ướt tạo điều kiện để virus, vi khuẩn xâm nhập và tấn công gây chảy máu.
– Khi tắm hoặc vệ sinh rốn cho bé, mẹ hoặc người tắm cọ xát quá mạnh khiến phần rốn của trẻ bị rỉ máu. Trường hợp này phần lớn thường dẫn đến tình trạng rốn trẻ sơ sinh bị chảy máu sau khi rụng.
– Sau khi sinh, bác sĩ cắt dây rốn thì phần cuống rốn vẫn còn là vết thương hở nên dễ bị nhiều tác nhân gây bệnh tấn công, côn trùng có thể xâm nhập và gây chảy máu. Đối với trường hợp này, rốn trẻ sơ sinh bị chảy máu sẽ có mùi hôi, thậm chí là kèm mủ.
– Trong quá trình rụng rốn, bong tróc vảy để liền lại cũng có thể sẽ bị rỉ máu một chút, sau đó sẽ tự hết.
Rốn trẻ sơ sinh bị chảy máu có sao không?
Như đã nói trên, việc trẻ sơ sinh bị chảy máu ở rốn hoặc rốn trẻ sơ sinh bị chảy máu sau khi rụng có thể do nhiều nguyên nhân. Nếu như rốn trẻ chỉ chảy một chút máu do bong tróc vảy, mẹ có thể cầm máu ngay, không có gì đáng lo ngại. Tuy nhiên, trong một số trường hợp dưới đây mẹ nên lưu ý:
– Nếu rốn trẻ bị chảy máu có mùi hôi hoặc rỉ máu kéo dài thì mẹ không nên chủ quan vì có thể phần vết thương này đã bị mưng mủ, nhiễm trùng, ảnh hưởng đến sức khỏe của bé. Cần phải xử lý ngay nếu không có thể gây nhiễm trùng máu, nguy hiểm đến tính mạng của bé.
– Nếu rốn trẻ sơ sinh bị chảy máu kèm theo các biểu hiện bất thường như: quấy khóc, bỏ bú, sốt, rốn chảy mủ có mùi hôi tanh, khó chịu phải đưa bé đi bệnh viện ngay.
Rốn trẻ sơ sinh bị chảy máu phải làm sao?
Mục đích chính của việc chăm sóc rốn cho trẻ sơ sinh chính là giữ cho dây sạch, khô cho đến khi nó có thể tự rụng, dù rốn có bị chảy máu hay không. Dây rốn không có dây thần kinh nên trẻ sơ sinh sẽ không cảm thấy bị đau hoặc khó chịu khi phần dây này bị rớt ra hoặc khi mẹ làm sạch nó.
Mục đích chính của việc chăm sóc rốn cho trẻ sơ sinh chính là giữ cho dây sạch, khô cho đến khi nó có thể tự rụng. Ảnh minh họa
Vì thế, nếu thấy rốn của trẻ sơ sinh bị chảy máu hoặc trẻ đã rụng rốn nhưng vẫn rỉ máu thì điều đầu tiên bố mẹ cần làm chính là phải thật bình tĩnh. Thông thường, máu chỉ chảy ra một chút rồi ngừng lại sau đó vài phút. Sau đó, mẹ có thể xử lý theo các bước sau:
– Đầu tiên, lấy loại tăm bông sạch đã vô trùng thấm khô phần rốn bị rỉ máu. Chú ý, da trẻ sơ sinh rất nhạy cảm nên cần phải thực hiện thật nhẹ nhàng, chậm rãi để tránh làm đau bé cũng như khiến cho phần vết thương trở nên nghiêm trọng hơn.
– Hãy luôn giữ cho vùng rốn và vùng da xung quanh rốn luôn khô thoáng, sạch sẽ để tránh bị nhiễm vi khuẩn.
– Thường xuyên phải thay tã cho trẻ để phần nước tiểu hoặc phân không bị dính vào rốn.
– Nếu như khu vực này bị bẩn, hãy lau thật sạch bằng khăn lau hoặc bông gòn, nên sử dụng nước ấm là tốt nhất.
– Không nên vệ sinh rốn nhiều lần trong ngày, mỗi ngày chỉ khoảng 1-2 lần là đủ.
– Không dùng tay cạy hay cố kéo giật các mảng bám đang đóng vảy của bé mà hay để bong tróc tự nhiên.
– Không nên bịt kín mít, mẹ nên tháo băng rốn sau khoảng 2-3 ngày.
– Khi tắm không nên tắm tại vùng rốn của bé hoặc để nước ngấm vào.
– Không dùng sữa tắm, dầu thơm lên rốn bé vì da bé rất nhạy cảm, dễ bị kích ứng làm cho vết thương lâu lành hơn.
Nếu như thực hiện những cách xử lý này nhưng rốn trẻ sơ sinh vẫn chảy máu kéo dài hoặc chảy máu nhiều, mẹ cần đưa bé đi khám bác sĩ để có hướng điều trị kịp thời.