Nguyễn Du miêu tả trong Truyện Kiều, đoạn Mã Giám Sinh đưa Kiều về giao cho Tú bà, Tú bà bắt Kiều quỳ lạy tổ, như sau:
“Giữa thì hương án hẳn hoi
Trên treo một tượng trắng đôi lông mày
Lầu xanh quen thói xưa nay
Nghề này thì lấy ông này tiên sư
Hương hoa hôm sớm phụng thờ
Cô nào xấu vía, có thưa mối hàng
Cởi xiêm trút áo sỗ sàng
Trước thần sẽ nguyện mảnh hương lầm rầm
Đổi hoa lót xuống chiếu nằm
Bướm ong bay lại ầm ầm tứ vi”.
“Tượng trắng đôi lông mày” đó là Thần Bạch Mi, là tên bức tượng mà các kỹ viện đời Minh, Thanh thờ cúng, tức là bắt đầu xuất hiện từ đời Minh, khi xuất hiện hàng loạt các kỹ viện, và được triều đình hợp pháp hóa để thu thuế. Nhưng Thần Bạch Mi có nguồn gốc lai lịch ra sao thì không ai nói được rõ, vì từ xưa đến nay đều lưu hành đồng thời nhiều thuyết. Có thuyết cho rằng đó là Đạo Chích thời Xuân Thu. Có thuyết cho là Linh Luân, nhạc quan của Hoàng Đế thời cổ đại. Cũng có thuyết lại cho là Quản Trọng thời Xuân Thu, lại cũng có thuyết cho là Ngũ Đại Tiên. Vậy Thần Bạch Mi đích thực là ai?
Hình tượng Thần Bạch Mi được Thẩm Đức Phù đời Minh miêu tả trong Vạn Lịch dã hoạch biên bổ di là: “Tên là Thần Bạch Mi, râu dài tướng mạo đẹp, cưỡi ngựa xách đao, khá giống tượng Quan Công, nhưng lông mày trắng và mắt đỏ”.
Thứ nhất, về thuyết cho rằng Thần Bạch Mi là Linh Luân: Phỉ báng Thần Tiên
Linh Luân là nhạc quan của Hoàng Đế. Hoàng Đế còn gọi là Hiên Viên Hoàng Đế, là vị vua đứng đầu trong Ngũ Đế, cách thời nay 4600 năm. Linh Luân là người sáng tạo ra âm luật nhạc cổ. Lã Thị Xuân Thu viết: “Xưa Hoàng Đế lệnh cho Linh Luân làm ra âm luật ngũ âm, nghe tiếng kêu của phượng hoàng, phân biệt ra 12 âm luật. Hoàng Đế lại lệnh cho Linh Luân và Vinh Tướng đúc 12 cái chuông để hợp với ngũ âm”.
Trong Liệt Tiên truyện – quyển 1 đời Minh có chép: “Tiên nhân cổ đại Hồng Nhai tiên sinh, là cận thần của Hoàng Đế, là người giỏi ca tài múa, là kỹ nhân (伎人) thời Tam Hoàng”. Chữ Kỹ 伎 gồm chữ Nhân (人) nghĩa là người, và chữ Chi (支) nghĩa là một nhánh, cấu tạo thành chữ Kỹ nghĩa là kỹ xảo, tài nghệ về một ngành nghề. Chữ “Kỹ nhân” này có nghĩa là người có kỹ xảo, tài năng về nghề ca múa, tương đương với từ nghệ sỹ, nghệ nhân ngày nay.
Liệt tiên toàn truyện cũng chép: “Hồng Nhai tiên sinh, cũng gọi là Linh Luân, quan của Hoàng Đế, đắc đạo du Tiên. Ông họ Trương, đến thời vua Nghiêu đã 3000 tuổi rồi. Tiên nhân đời Hán là Vệ Thúc Khanh, trên đỉnh cao nhất núi Chung Nam đánh cờ với mấy người, con trai ông là Độ Thế hỏi Khanh rằng: ‘Cha đánh cờ với ai vậy?’. Thúc Khanh nói: ‘Hồng Nhai tiên sinh đó’”.
Sử ký cũng chép, Hoàng Đế thu xếp mọi việc trong thiên hạ, cuối cùng vào núi tu Đạo, sau khi tu thành, có rồng vàng râu dài rủ xuống đến đón ông lên trời. Thời đầu Đạo giáo xưng là Hoàng Lão Đạo, tức Hoàng Đế và Lão Tử cùng là tổ sư của Đạo giáo.
Như vậy, thuyết cho rằng Thần Bạch Mi là Linh Luân chính là sự phỉ báng Thần Tiên. Linh Luân cũng như Hoàng Đế là người tu hành đắc Đạo thành Tiên. Là người tu luyện đều buông bỏ mọi tâm người phàm, thanh tâm đoạn dục, và đều coi “vạn ác dâm vi thủ”, làm sao có thể thành Thần Bạch Mi bảo hộ cho phường dâm loạn tranh giành danh lợi kia chứ!
Thứ hai, thuyết cho rằng Thần Bạch Mi là Quản Trọng: Sai lầm do vô tri hay cố ý
Quản Trọng là nhà kinh tế, chính trị, triết học, quân sự đại tài thời Xuân Thu, được người đời sau tôn xưng là “Thánh nhân chi sư” (Bậc thầy của Thánh nhân), “Hoa Hạ đệ nhất tướng” (Tể tướng đệ nhất của lịch sử Hoa Hạ).
Một số người sở dĩ cho rằng Thần Bạch Mi là Quản trọng vì họ căn cứ vào sách Quốc sách – Đông Chu sách, trong đó có chép câu chuyện như sau:
“Đời Xuân Thu, Quản Di Ngô tức Quản Trọng được Tề Hoàn Công vời đến, bàn về quốc sách trước khi được phong làm Tể tướng, có hỏi: ‘Làm sao có của đủ dùng trong nước?’. Quản Trọng hiến kế thưa: ‘Khai mỏ để đúc tiền, nấu nước biển làm muối cho lợi chung cả thiên hạ, buôn để một chỗ, đợi dịp cao mà bán ra lấy lãi; lập 700 nhà nữ lư cho khách buôn bán đi lại tụ họp mua vui để lấy thuế…’”.
Rồi họ giải thích “Nữ lư” là nhà chứa, kỹ viện. Đây là cách hiểu không rõ, hoặc cố ý diễn giải sai của người đời sau. Để hiểu được Nữ lư, cần xem về lịch sử hình thành nữ nhạc (đội ca múa nhạc nữ).
Thời cổ đại, Hoàng Đế sáng tạo ra Nhạc vũ để tế Thần. Đến thời vua Nghiêu đặt ra chức Nhạc quan. Đến thời nhà Hạ Kiệt, đạo đức, lễ nhạc suy thoái, vua Kiệt nuôi 3 vạn nữ nhạc trong cung, ca múa phóng túng. Tuy vậy những nữ nhạc này vẫn là biểu diễn ca múa các bản nhạc điệu múa phóng túng.
Đến thời nhà Chu, Chu Văn Vương hưng thịnh lại lễ nhạc thì không nuôi bọn nữ nhạc, mà tất cả con em quý tộc đều phải học, luyện 6 điệu nhạc vũ lớn, được ghi trong Chu Lễ, là những bản nhạc vũ dùng để tế lễ, tế Thần.
Đến thời Đông Chu, lễ băng nhạc hoại, chính trị suy vi, đạo đức suy đồi, thì nữ nhạc lại rất thịnh hành, rồi lan xuống tất cả các nước chư hầu. Vương tôn quý tộc đều có nuôi các đội nữ nhạc của riêng để hưởng lạc, gọi họ là các nhạc công nữ kỹ (vẫn dùng chữ Kỹ 伎 với nghĩa nghệ nhân, khác với chữ Kỹ 妓 trong từ kỹ nữ ngày nay).
Theo chế độ nhà Chu, cứ 5 nhà là 1 tỷ, 5 tỷ là một lư. Như vậy nữ lư là một cụm 25 nhà cho nữ nhạc ở. Quản Trọng chỉ là thuận theo phong khí đã suy đồi thời Đông Chu lập ra các phường nữ nhạc, biểu diễn thu tiền mà thôi, giống như sau này người ta gọi là giáo phường, phường chèo, phường hát…
Đời Đông Chu là thời mà Khổng Tử gọi là “Thời lễ băng nhạc hoại”, tức âm nhạc không thuần chính, hài hòa, hợp với Đạo nữa, mà chạy theo ham dục hưởng lạc cá nhân, âm nhạc trở lên dung tục, phóng túng.
Thời Chu nhạc vũ chỉ phục vụ các lễ nghi cung đình như tế lễ, thờ cúng, rất trang nghiêm, trang nhã, thuần chính, hợp Đạo Trời. Thời Đông Chu nhạc suy đồi, các chư hầu, vương tôn cũng đều lập ra các đội nữ nhạc để thưởng thức thứ “tân nhạc” phóng túng. Quản Trọng chỉ là có sáng kiến đưa các đội nữ nhạc đó ra công chúng biểu diễn thu tiền.
Vì vậy thuyết nói Thần Bạch Mi là Quản Trọng chính là một sai lầm do vô tri hoặc cố ý.
Thứ ba, thuyết cho rằng Thần Bạch Mi là Đạo Chích: Khiên cưỡng mơ hồ
Theo sách Trang Tử – Tạp thiên – Đạo Chích có chép: Chích là em trai của đại phu nước Lỗ là Triển Cầm (Liễu Hạ Huệ), Chích nói ông ta “có 9 nghìn người theo, hoành hành thiên hạ, xâm phạm các chư hầu, vào tận nhà, xua bắt trâu ngựa của người ta, bắt cóc phụ nữ, con gái nhà người ta”.
Người đời sau căn cứ vào câu “Bắt cóc phụ nữ, con gái người ta” nên cho rằng ông là ông tổ của nghề kỹ nữ. Thực ra Đạo Chích là người có biệt tài lấy trộm, vào tận nhà các chư hầu lấy trâu bò ngựa, tài sản, rồi còn bắt cóc phụ nữ. Ông ta có 9000 đồ đệ, nên lượng tiền dùng để sinh sống và “hành sự” rất lớn, đồ trộm cắp nhiều khi không đủ, nên bắt cóc phụ nữ bán lấy tiền. Thời Đông Chu là thời nô lệ, nên việc bán phụ nữ khá phổ biến, đặc biệt phụ nữ nhà danh môn vọng tộc, quan lại, chư hầu thì càng có giá cao.
Trong Trảm quỷ truyện của Yên Hà Tán Nhân đời Minh có kể câu chuyện về Liễu Kim Nương là một kỹ nữ, trong nhà có thờ Thần lông mày trắng. Người ta hỏi là Thần gì thì trả lời là Thần Bạch Mi, sư tổ của bà. Khi hỏi Thần xuất thân thế nào, bà ta nói: “Tôi cũng không biết, ngày trước chỉ nghe lão già nói là Liễu Đạo Chích”. Tuy nhiên, sao có thể căn cứ vào câu nói này để kết luận Thần Bạch Mi là Đạo Chích cho được?
Xưa có câu: “Đạo diệc hữu đạo” (kẻ trộm cũng có Đạo). Những người hiểu biết về giới trộm cắp, giang hồ cũng đều biết, họ cũng có quy định, luật lệ khắt khe, và cũng rất coi thường những kẻ dâm loạn. Những người tù tội dâm loạn vào tù luôn luôn bị bạn tù coi khinh nhất, và hành hạ khổ sở nhất, vì tuy họ ở tầng thấp của đáy xã hội, nhưng họ vẫn giữ được chút đạo làm người, không phạm vào đại ác của “vạn ác dâm vi thủ”.
Đạo Chính là ông tổ nghề của phường trộm cắp, nhưng gán cho ông là tổ nghề của kỹ nữ thì quá khiên cưỡng và mơ hồ.
Thứ tư, thuyết cho rằng Thần Bạch Mi là Ngũ Đại Tiên: Tiên hay ma quỷ?
Sách Cổ biện xướng kỹ huyết lệ lục có chép kỹ nữ thờ cúng Ngũ Đại Tiên là nhím, ba ba, chồn, chuột, rắn. Nhưng Ngũ Đại Tiên chủ lưu là Hồ Tiên (hồ ly – cáo), Hoàng Tiên (hoàng thử lang – chồn), Bạch Tiên (thích vị – nhím), Liễu Tiên (xà – rắn) và Hôi Tiên (lão thử – chuột).
Năm con động vật này sao có thể là tiên được, chỉ có thể là yêu quái, yêu tinh. Lẽ trời xưa nay không cho động vật tu luyện, nhưng năm loài động vật này dễ đắc linh khí. Một khi đắc linh khí, nó có thể có một số thần thông nhỏ (mà hiện nay gọi là công năng đặc dị), và nó biết được một số lý của vũ trụ. Nó cũng dễ dàng khống chế, điều khiển con người tùy ý. Nhưng Đạo Trời không cho phép nó tu luyện, nên cứ mấy trăm năm là lại có sấm sét giết nó. Nó cũng biết vậy nên nó tìm chỗ trú ẩn. Nó có thể hấp dẫn, dụ dỗ người nào tâm tính không chính, luôn truy cầu tiền tài danh lợi, bái lạy nó, thờ cúng nó, thì nó cũng cho họ phát tài, đông khách v.v.
Thế là những người này thờ cúng nó, làm tượng để nó trú. Nó là yêu quái nên nó biết, nếu hiển hiện nguyên hình thì ai cũng sợ mà tránh xa nó, nên nó phải mượn hình người, nên tượng Thần Bạch Mi giống Quan Công nhưng lông mi trắng, mắt đỏ.
Nó ở không gian kia, nó biết nhiều lý, thiên cơ hơn con người, và nó có chút thần thông, nên nó có thể khống chế con người. Kỹ viện, kỹ nữ thờ nó, nó sẽ khống chế những người có suy nghĩ dâm dục sằng bậy tìm đến, vì “đồng thanh tương ứng, đồng khí tương cầu”. Kỹ viện kỹ nữ được đông khách, được tiền, còn nó sẽ từ từ, rất chậm hút tinh khí của kỹ nữ và cả khách làng chơi. Chính vì thế mà các kỹ nữ, khách làng chơi sau một thời gian ai ai cũng trở nên thân tàn ma dại.
Như vậy Thần Bạch Mi chính là 5 yêu quái, yêu quái nó không cần hình dạng cố định, nó chỉ cần có hình tượng để ngụ trốn tránh Trời diệt, đồng thời che đậy chân tướng yêu nghiệt của nó. Nếu nó xuất hiện với hình tượng thật của chồn, cáo, rắn, chuột, nhím thì nó sẽ không lừa được người còn có tâm hướng thiện. Ai ai cũng biết nó là yêu quái rồi thì đều tránh xa, trừ những kẻ đại ác, những ma đầu giống nó, trong đầu não toàn tà niệm danh lợi, sắc tình, dâm đãng… thì mới thờ cúng nó.
Trong Tây du ký, lũ yêu quái trong chùa Tiểu Lôi Âm đó chẳng phải cũng giả dạng dưới hình tượng Phật, Bồ Tát, La Hán đó sao, như vậy nó mới có thể lừa người, hại người được. “Nhất chính áp bách tà”, nếu một người luôn giữ cho mình cái tâm chân chính, mọi niệm đầu đều là chính niệm, thì không tà ma quỷ quái nào có thể xâm nhập vào họ được.
Theo đông y thì dâm dục nhiều khiến cho tinh huyết khô kiệt, thận khí tổn thương, dẫn đến bách bệnh, bạo bệnh và đoản thọ. Đó là chưa kể tới các bệnh hoa liễu như lậu, giang mai, kim la, viêm gan B, HIV, v.v.
Dù theo quan điểm y học hiện đại, đông y, hay Thần học thì dâm dục nhiều đều gây vấn đề tàn phá sức khỏe và đoản thọ. Nhưng sức tàn phá lớn nhất lại chính là phá hủy đạo đức xã hội, tàn phá hạnh phúc gia đình, nảy sinh hàng loạt các hệ lụy xã hội khác. Từ xưa tới nay, người ta vẫn coi “vạn ác dâm vi thủ”, vì dâm tàn phá đạo đức. Khi con người không có đạo đức, xã hội không có đạo đức thì có tội ác nào mà không dám làm, mà không xảy ra?
Con người đều mưu cầu hạnh phúc, nhưng hạnh phúc không thể có được bằng buông thả dục vọng, thỏa mãn ham dục, vì ham dục cũng như lòng tham, là không có đáy. Hạnh phúc thực sự có được khi con người tự ước thúc được hành vi của mình, “thanh tâm quả dục”, sống an nhiên, vui vẻ thuận theo Đạo, thuận theo tự nhiên.