Bánh Lọt được làm từ bột gạo xuất phát từ món ăn chơi ở nhà quê và chuyển thành thứ hàng bánh từ lúc nào chẳng ai để ý. Song, với riêng tôi nó mang đậm kỷ niệm không thể phai mờ.
Chỉ đơn giản làm từ bột gạo (gạo được ngâm khoảng 10 tiếng đồng hồ, ngâm lâu hơn bột có vị chua, ngâm ít hơn gạo bị sượng xay không nhuyễn). Nhưng thực ra cũng công phu lắm, bởi bà con mình rút kết kinh nghiệm là làm bột bằng loại gạo nào mới đạt độ dai và trong bóng mượt mà bắt mắt; không nhất thiết phải gạo thơm như Thanh Trà, Nàng Hương,… mà chỉ cần loại gạo từ lúa mùa (dài ngày) gieo trồng trên đất cồn là tốt (Gạo từ lúa mùa đất đồng bánh bở, không trong bóng mượt mà). Người làm bánh có kinh nghiệm còn phải rây bột cho thật mịn để bánh đạt độ chín đồng đều (Do lúc nầy xay bột bằng cối đá nên thường là bột còn lẫn một ít hạt to).
Bột gạo xay xong được gạn bớt nước cho sền sệt vừa mức đổ lên vỉ gạt vào nồi nước được đun sôi đặt bên dưới (Tương tự như nồi nước làm bánh cuốn). Vỉ tráng bánh thường được làm từ miếng thiếc thùng dầu lửa (dầu hoả) hiệu con sò của hảng Shell (Thời điểm nầy bà con mình đốt đèn dầu, thường mua cả thùng 20 lít để xài dầu xài luôn cái thùng cho nhất cử lưỡng tiện; chất lượng dầu còn uống được chút chút, là một vị trong bài thuốc dân gian trị bệnh hen suyển) được đục lỗ đều, nhỏ bằng đầu đũa ăn. Bột đổ lên vỉ mỗi đợt tráng bánh lọt xuống thành hình giọt mưa hai đầu nhòn nhọn hơi cong trông giống hai con nòng nọc ghép lại. Có phải vì thế nên được bà con mình gọi tên là Bánh Lọt chăng?
Muốn hàng bánh đắt khách, người làm bánh còn xay thêm lá Dứa hoà vào nửa phần bột cho có nửa bánh màu xanh xen lẫn nửa bánh màu trắng để bánh vừa thơm vừa đẹp mắt. Lại phải thắng nước cốt dừa cho thật đậm đặc và nước đường chan bánh được bỏ gừng vào thắng lửa cho ngọt nồng. Tất cả quyện hoà tạo nên dư vị hấp dẫn, mới ngửi, mới nhìn chưa kịp ăn đã thèm nhiễu nước miếng.
Một lần về quê Bình Đại ngang Phà An Hoá (Nay đã có cầu thay thế), xe hư chờ sửa chữa và sang phà, cùng vợ con đói bụng quá cở, may gặp gánh bánh lọt mua xong hì hụp húp thiệt đã. Sau về nhà bị vợ truy vấn: Can cớ chi anh ăn bánh lọt lại rơm rớm nước mắt (Thiệt là không gì lọt qua mắt vợ ngay cả việc ăn bánh lọt). Sợ nàng hiểu lầm thêm rắc rối tôi buộc lòng khai thật.
Những năm chiến tranh ác liệt, do hoàn cảnh khắc nghiệt, gia đình tôi từ Tân Định, Bình Đại (tỉnh Bến Tre) tản cư qua Chợ Hoà Đồng, Gò Công (tỉnh Tiền Giang), mẹ tôi làm mướn (ai thuê mướn gì làm nấy); chị tôi sinh kế bằng nghề bán bánh lọt và tôi – thằng bé tòng ten một bên đầu gánh của chị. Có gia đình dư của ăn của để cám cảnh xin tôi làm con nuôi (cho nhẹ gánh!). Mẹ tôi thì bằng lòng (Bỏ nó vào nơi sung sướng cho đỡ khổ!). Chị tôi thì nhất quyết không chịu: Tui còn làm nổi! Tui nuôi em tôi nổi! Tui không cho ai hết!
Sau ngày hoà bình (1975) mẹ, chị và tôi về lại chợ Hoà Bình thăm chốn cũ. Phải nói là gia đình chủ tiệm xin tôi ngày trước rất tử tế, vẫn xem và gọi tôi là con, còn làm tiệc mừng đoàn viên, xong lưu luyến chia tay rất cảm động. Về nhà tôi có viết tặng chị tôi mấy câu thơ:
Nếu xưa chị cho em đi
Giờ thì em đã tông chi nhà người
Em như chiếc lá sắp rơi
May không lạc cội nôi đời vẫn xanh…
Nhắc nhớ, có một lần tham dự hội nghị “Những người viết văn trẻ ở Hội An (Quảng Nam – Đà Nẵng), tôi cùng nàng say đắm bên trăng, bên biển Cửa Đại, mắc mớ gì chợt nhớ Cửa Đại sông (Cửa Đại là một trong chín nhánh sông Cửu Long), nhớ chị ta xưa, rồi toàn ý toàn tâm nhỏ to tâm sự rặt chuyện bánh lọt, quên cả hôn nàng, khiến nàng hờn giận nghỉ chơi, sống nhăn như gạo chưa ngâm nói chi thành bột thành bánh.
Có người bạn tên Sơn, mỗi lần gặp lại trách: – Chẳng ai như anh Hoàng, yêu không tới bến, dở dở dang dang, tội nghiệp V.A,… Hoàng chỉ còn nước cười trừ, tự ngẫm mình sống nhăn sống nhít.
Với đà đô thị hoá hiện nay những gánh hàng rong sẽ đi vào quá vãng, chắc có lắm người như tôi: “Buồn ơi! Ta chào mi “. Có thể bánh lọt sẽ lọt tuốt vô… giấy. Song, với tôi và những ai từng gắn bó kỷ niệm với kiểu yêu sống nhăn – thì bánh lọt lọt buốt vô… tim./.