Nhà tôi ở, chẳng riêng tháng sáu có trận mưa rào, tháng bảy mưa ngâu hay mùa đông đến có gió bấc mưa phùn. Và hễ có gió mạnh là quả me khô vỡ ra từ quả phượng già từ cây xanh nơi công viên Thống Nhất rơi nghiêng đầy sân.
Rồi để mắt tới lũ chim sẻ bay ríu rít gọi nhau khi ướt cánh, chúng đã cố tìm chỗ trú chân ở những cây muồng hoa vàng. Mặt hồ sau mưa trong như gương, góc sân bé nhỏ nhà tôi chỉ nhìn thấy nước như mảnh trăng cuối tháng, cây si già vẫn còn đó.
Tôi vẫn nhớ cây si già, vẫn còn một bóng dáng của cậu thư sinh nghèo thời xa lắc, những năm còn đầy trời đạn bom, cậu sinh viên xưa không đọc sách dưới cây si già năm nào. Gần nửa thế kỷ sau, bỗng xem ti vi, lại thấy gương mặt anh chàng đọc sách dưới cây si, có danh xưng là vị kiến trúc sư trưởng….
Ký ức cứ hiện lên cái Hồ Bảy Mẫu duy nhất một lần nạo vét và kè đá, có lẽ chiếc hồ này nằm trong số các hồ ao bảo tàng nước của Hà Nội không bị cắt xén và xâm thực. Nó duy nhất chưa bị cư dân chung quanh lấn đất, có lẽ vì địa thế của hồ không giáp ranh nhà ở nên mới giữ được nguyên bảy mẫu hồ. Đấy là nơi gần ngõ nhỏ, trước kia cái ngõ trước rộng thênh thang. Sau ngày đất nước thống nhất, dân của khu nhà viện trợ Mỹ sau năm 1954 lấn chiếm xây nhà và con ngõ hẹp lại. Ngõ nhỏ hơn nửa thế kỷ, bao người già tuổi cùng thời cha mẹ tôi đi vãn hết cả. Con cháu họ cũng bán nhà di rời nơi khác. Những người giàu ở nơi khác về cửa đóng then cài và ít ai chào hỏi ai.
Nhưng tôi vẫn chọn nơi này để sống, vì ở đây có ký ức tuổi thơ mình, nhặt lên bao hồi ức mà chỉ từ nhà cha mẹ ra đi rồi trở về nhà cha mẹ. Nơi rất gần quê nhà mà không còn quê để về. Nơi có rất nhiều thảm cỏ xanh, cỏ lá nhỏ và cỏ lá to. Nơi hàng cây gần Rạp xiếc Trung ương có dáng dấp như cây bạch dương ở xứ sở nước Nga và thi thoảng trang sách “ trên mảnh đất đời người” vẫn hiện lên lướt xéo qua trái tim mình. Thích thú và thán phục trang sách và chữ nghĩa của nhà văn luôn tồn tại.
Ngoài kia, những người công nhân trồng cỏ và tưới cây cho những thảm cỏ lá to xanh mướt dưới chân, và những hàng cây vả lá to như cánh quạt khô dần và rơi đầy trên cỏ. Hàng cây vả ấy, có lý do riêng, nó gợi cho tôi luôn nhớ về đất nước Lào, với bạt ngàn cây vả, nơi có bao nhiêu chiến sỹ quân tình nguyện Việt Nam hy sinh và nằm lại, mãi mãi vô danh ở cánh rừng già ấy. Nhiều lần viết mệt, tôi lại ngồi với hàng cây vả ở công viên Hà Nội với lý do nhớ về cô giáo có tên Linh Quang. Cô ấy đã mải miết đi tìm người yêu trong thời thanh xuân và nhặt lại những kỷ niệm vừa đẹp vừa buồn ở đất nước Lào, nơi còn có dòng Sê Băng Hiêng lắm thác nhiều ghềnh như tình yêu của họ. Rốt cục người lính hy sinh và cô giáo chờ đợi cả cuộc đời, sống một mình với tài sản duy nhất là mối tình đầu với người lính, nguyện làm quân tình nguyện chiến đấu và đã hy sinh trên đất Lào. Chẳng hay đời người ta có số phận như những ngôi sao huyền ảo trên trời đêm, bí ẩn và hy vọng, như cô giáo Linh Quang chỉ có yêu một người lính để suốt đời sống một mình với tình yêu không có gì đánh đổi.
Rồi buổi trưa khác, mới có người quét lá cây vả. Người quét chổi tre trên cỏ là một nghệ thuật không dễ của người lao công trên mặt cỏ ở trong công viên. Không có ai để ý đến việc quét lá trên cỏ. Đó là một việc nặng nhọc cần mẫn của đôi tay và dồn cả sức lực trên chiếc chổi tre kia. Những đống lá vả to ùn lên và chất vào xe rác. Có một cụ bà hàng ngày vẫn đem túi cơm thả xuống viên đá và trong nắng mai, lũ chim sẻ sà xuống gọi nhau ăn. Và buổi trưa muộn thì bầy sẻ đi trú nắng.
Buổi trưa khác nữa, lại có một người đàn ông đi tập tễnh đi trên con đường uốn quanh màu cỏ, cứ nhìn dáng dấp thì đó là dấu hiệu của căn bệnh sau tai biến mạch máu não. Trưa nào cũng thấy người đàn ông mặc bộ quân phục cỏ úa, đã bạc màu, và gương mặt còn khá trẻ, độ ngoài năm mươi tuổi. Anh ta hay đi bộ và nghỉ ngơi ở cái ghế đá không có lưng tựa. Rồi chàng ta biến cái ghế để ngồi thiền khi cần. Sau này tôi mới hay, đó là một người lính chuyên phá bom mìn, bị trọng thương ngay trên cỏ ở đất Quảng Trị. Anh ta sống một mình ở một khu chung cư xập xệ ở phố Phương Mai. Một nửa căn hộ của tầng hai với chưa đầy tám mét vuông, với anh sống một thêm ngày là ý chí luyện tập đi bộ và thiền, để tồn tại.
Anh thuộc tuýp người ít nói, chứ người ở chợ cóc Phương Mai hay chuyện:“Anh ấy là người lính có nhiều huân huy chương nhất, nhưng không thích ai hay”. Vì anh quen sống lặng như khi căng thẳng phá kíp bom, thế thôi. Anh vốn bình lặng như cỏ, có thói quen quan sát những con dế mèn từ dưới cỏ chui lên, dế mèn có màu cánh gián và chúng nằm im trên cỏ thật đẹp. Có ngày anh chờ con dế mèn chui lên và trò chuyện mỗi trận phá bom với con dế. Anh không để ý đến xung quanh, ngoài những con dế mèn trên cỏ chiều nào cũng như chiều nào. Dế đi kiếm ăn và chui về tổ. Anh lính đi bộ rất khó khăn lên công viên, chờ con dế để nói xong câu chuyện rồi mới về nhà. Đã qua một ngày sống, với anh lính chiến thắng bệnh tật sau phá bom cũng là chiến thắng chính mình.
Lũ chim sẻ vẫn bay qua. Và chiếc xe chở lá vả khô lại lăn bánh trên đường gạch đỏ. Phía có sân khấu cũ kỹ trong công viên Thống Nhất, nhiều năm trở lại đây rất ít khi trình diễn ca nhạc hay kịch nói, hay các buổi chiếu phim như ngày xưa. Ngày xưa sân khấu này hay có những buổi chiếu phim như ở nông thôn Việt Nam xưa háo hức có đội chiếu bóng về làng. Nó từng làm nao nức lòng người đi xem phim không mất tiền mua vé, nó nao nức vì mơ ước hòa bình, không lo bom đạn, để ngồi xem phim. Giờ đây dưới sân khấu này lại là nơi đá bóng của mọi lứa tuổi, sớm sớm chiều chiều.
Những người đứng tuổi, thì hay lánh sang những khúc ngoặt có thảm cỏ xanh, có hoa phượng đỏ, có hoa muồng vàng trên đầu và họ ngồi đọc báo, khi nhìn ra sân bóng. Ai biết trong cuộc đời mỗi người có bao gió giông đi qua và đã đến lúc trời yên biển lặng trên cỏ. Người ta cần nhớ lại để sống, để đi qua hồi ức và để còn phải sống tiếp
Với tôi, dấu giày đã vượt qua bao nhiêu công viên của nước Nhật, nước Hàn, Ấn Độ, Thái Lan, Trung Quốc… nay ngồi lặng mơ về một công viên Thống Nhất văn hóa hơn, không nhuộm nhoạm với những hàng quán xe đẩy, ăn uống đặc sản mực nướng cá khô bên bờ hồ nước xanh và sạch. Dù Hồ Bảy Mẫu chỉ đi hết có 20 phút một vòng hồ, mà sao quán xá cứ mọc lên, bạ đâu ngồi đó, ăn uống nói cười. Ở các nước khác, công viên của họ không có hàng quán nhếch nhác như thế. Có khi ta đi nửa ngày, chân mỏi, chưa tìm đâu ra một quán uống.
Ấy là nơi tôi sống luôn ước mơ về cái sự xanh, về cái sự sạch của môi trường lớn, đông người càng cần sạch và xanh, và nếp công viên tương lai ở một nơi rất gần Cột cờ thành phố đẹp hơn xanh hơn sạch hơn không phải là một công viên vừa đi bộ vừa là công viên ẩm thực công cộng. Ước gì, công viên không phải là cái chợ cóc, đừng bao giờ công viên Thống Nhất biến thành nơi họp chợ thường xuyên với những núi rác bầy khắp nơi trên cỏ.
Nhưng giấc mơ đời người có thể xảy ra như tia chớp xanh và có thể không bao giờ chạm đến giấc mơ xanh, nhưng bên Hồ Bảy Mẫu, tôi vẫn thường nhìn cỏ để khát khao về Hà Nội có một công viên văn hóa trên cỏ xanh, thanh sạch hơn môi trường sống, để hơi thở của mỗi người Hà Nội khi đón bạn bè quốc tế, họ muốn dừng chân và tìm cách trở lại.