Site icon Tạp chí Đáng Nhớ

Cá chiên vàng ruộm thấy thương…

Còn một loại nữa chiên phải ướp sả ớt mới ngon là con cá hường. Kêu cá hường vì mình nó có màu…bông hường, thịt nó không dai và thơm bằng các loại cá trên nên có sả ớt thấm thía ăn mới ngon.

(Bài này bạn nào kiêng mỡ, kiêng muối đừng nên đọc nghen)

Thêm thao tác này, cá chiên vàng giòn, không tốn dầu, không vỡ nát

Chiều hôm trước, trời mưa tầm tã. Nhà có lát cá thu, tôi đem ra chiên vàng, pha chén nước mắm tỏi ớt chanh đường, hái thêm ít rau thơm ngoài vườn. Có bó rau muống non mua ở chợ quê sáng nay, tôi luộc thêm ít rau muống, nước rau luộc nêm chút tỏi ớt bằm, nặn chanh, thêm một tí nước mắm. Rồi mặc cho “ngoài kia mưa gió tơi bời”, trong nhà cơm nóng, cá thơm, canh chua cay… Tôi còn chơi ác, gởi tin nhắn nhem thèm cô bạn thân bên Mỹ. Cổ trả lời: “Bên này rau muống mua được, nhưng không có cá thu tươi.”

Không có cá thu, thì còn nhiều cá khác để chiên mà. Cá chim thịt khá dai và ngọt, nhớ khứa vài sọc xéo trên mình cá để khi chiên thịt ở trong mau chín, da cá chim chiên lên ăn dai dai giòn giòn ngon lắm. Dân miền Trung thích ăn cá hố. Con cá hố dài như lưỡi gươm, mình dẹt lét, ướp muối cho mặn, chặt khúc nhỏ chiên thiệt giòn, ngon nhứt là cái rìa giòn rụm, ăn cả xương luôn cũng được. Cá trê mập một chút chiên bá cháy, nhớ khứa xéo cho mỡ thấm vô thịt, nước mắm chấm cá trê phải thêm chút gừng mới thấm thía.

Thường trong nhà hay chiên con cá vừa vừa, phần vì không nhiều người ăn, phần vì không có chảo thiệt lớn. Sau này đi quán, tôi thấy người ta chiên cá lóc, cá chẽm, cá điêu hồng, con nào con nấy khá bự, ăn cũng được nhưng sao vẫn không ngon bằng cá ăn ở nhà hồi nhỏ vậy cà?

Còn một loại nữa chiên phải ướp sả ớt mới ngon là con cá hường. Kêu cá hường vì mình nó có màu…bông hường, thịt nó không dai và thơm bằng các loại cá trên nên có sả ớt thấm thía ăn mới ngon.

Bên phe cá nhỏ chiên giòn có cá nục nhỏ, cá rô đồng, cá cơm. Ba loại này phải thiệt tươi, nục cỡ một ngón tay, cá rô thì cỡ hai ba ngón tay là vừa. Làm sạch xong, bắc chảo mỡ cho nóng, bỏ vài con vô chiên một lượt cho thiệt vàng giòn mới qua lượt khác, muốn nhanh và giòn thì mỡ phải ngập cá. Tới đây thế nào cũng có bạn nhắc nhỏ: giờ thiên hạ kiêng mỡ nghen. Tôi cũng đâu ưa gì thứ mỡ của mấy con heo ăn cám tăng trọng, lạt nhách à. Mỡ này là tôi đang tơ tưởng mỡ của ngày xưa, trước giải phóng hay ngày còn bao cấp, heo ăn rau và cám…gạo, mỡ béo và ngon, đừng nói chiên xào, ăn cơm nguội với tóp mỡ chan nước mắm (tĩn) cũng đủ thấy ngon qúa xá.

Mà đã lỡ ăn…mỡ thì mình làm tới luôn nghen, hồi nhỏ Má tôi còn làm món cá rô đồng chiên muối hột. Cá rô chiên xong còn ít mỡ, bỏ một nhúm muối hột vô kêu cái xèo, đảo qua vài lần cho thấm rồi bắc xuống. Muối hột nhai rột rột, vừa mặn vừa béo, có chút ngọt vị cá, còn hao cơm hơn cá nữa. Trên mạng còn bày kiểu cá rô rang muối ở miền Tây, rang muối hột trong cái ơ đất, rồi bỏ cá rô vô, thêm ít sả bằm, đậy hé nắp, để lửa vừa. Khi nào muối hết nổ lụp bụp là cá chín. Món này họ kêu ăn với rau thơm, khế chua, chuối chát, thơm ngọt và chấm muối ớt. Bạn nào có kinh nghiệm mời chia sẻ.

Nhân nói cá chiên, Má tôi còn một món độc chiêu là cá thu mặn ngọt. Nghe lạ quá hén! Cá thu ướp cho đủ mặn, chiên giòn. “Quậy đường với chút xíu nước lạnh, bỏ vô chảo nóng cho kêu xèo, chờ sôi lên. Cho lát cá thu vô, trở qua trở lại, thấy đường quẹo lại là đem xuống xơi.” Đoạn này trong ngoặc kép là vì tôi trích nguyên văn bí kíp của bà chị, đã mấy chục năm, chỉ còn một mình chỉ còn nhớ trong mấy chị em. Món này thịt cá béo, mặn mà, quyện với xốt đường ngọt dịu, với cái đứa “hảo ngọt trong mặn” như tôi thì cơm bao nhiêu cũng hết.

Cá chiên ăn kèm rau sống chấm nước mắm ớt tỏi, thêm một dĩa xoài băm cùng tô nước canh rau muống thì thôi “hết sẩy”. Xoài phải là xoài tượng vừa đúng độ, giòn và chua vừa, gọt vỏ sạch rồi bào lát xong xắt rối. Nước mắm đường ớt pha vừa miệng, ai thích tỏi thì thêm, tôi thấy vị tỏi hăng quá đi với vị xoài không hợp, rồi trộn vô xoài cho thấm. Cá với rau chấm mắm, và miếng cơm nóng, thêm một gắp xoài chua chua ngọt ngọt mặn mặn cay cay, trời, đã gì đâu! Ăn gần no xong húp thêm chén canh nước rau muống pha tí chanh ớt tỏi, bảo đảm “không ngon không lấy tiền”.

Sau vụ “nhem thèm” kia, cô bạn tôi cứ theo bắt đền miết. Tôi đành vắt đầu vắt óc “đền” cho cổ mấy câu thơ con cóc dựa theo ca dao, để lỡ cổ có thèm thì lấy ra ngâm nga đỡ…thèm:

Ta đi ta nhớ quê nhà,
Nhớ canh rau muống, xoài băm mắm đường.
Cá chiên vàng ruộm thấy thương,
Mắm rau và cá, cả xương cũng giòn.

Trả lời câu hỏi không rõ câu hỏi

Tại sao kỳ quặc thế? Vì các bạn trẻ muốn hỏi nhưng ngại không đặt thành câu hỏi, hoặc không biết để mà hỏi vì những vấn đề này thời...

Ngôi nhà Hội đồng Dư ít người biết ở vùng Nam Bộ

Với người dân Nam Bộ nói riêng và người mê cải lương nói chung, không ai không biết đến vở cải lương “Tiếng hò sông Hậu” của soạn giả Điêu...

Cách đổi ngày dương lịch ra ngày can chi

Ngày can chi : Ngày can chi theo chu kỳ 60 , độc lập không lệ thuộc vào năm tháng âm lịch hay năm tháng can chi- (Kể cả tháng...

Bích Câu Đạo quán – nơi luyện phép trường sinh ở Thăng Long xưa

Dù ngày nay nước ta không còn bóng dáng các đạo sĩ tu tiên theo học thuyết Lão Trang, Bích Câu Đạo quán vẫn là chứng tích độc đáo về...

Ngô Thì Nhậm – Khuôn mặt trí thức lớn thời Tây Sơn

Nói theo ngôn ngữ ngày nay, Ngô Thì Nhậm là một nhân vất lịch sử gây nhiều tranh luận, một người có “vấn đề”. Gây tranh luận chẳng những do...

Nhất nghệ tinh nhất thân vinh

Tuy sách vở không kê khai rõ ràng nhưng có thể nói rằng nước ta vốn có nhiều nghề. Đời Lý, có thợ bách tác (làm trăm thứ). Thời Pháp...

Chuông chùa – Vì sao khi xưa mỗi lần rung chuông đều phải đủ 108 tiếng?

Từ ngàn năm nay, chuông và chùa luôn gắn liền với nhau trong tâm thức con người. Tiếng chuông đã trở thành đặc trưng không thể thiếu trong các ngôi chùa....

Cầu ngói Thanh Toàn – nét đẹp cổ xưa ở miền quê xứ Huế

Không chỉ đẹp về kiến trúc, giá trị của cầu ngói Thanh Toàn còn được tôn lên nhờ nằm ở vùng quê có phong cảnh thơ mộng và giàu truyền...

Bốn điều kiện để lấy vua Bảo Đại của Nam phương Hoàng hậu

Khi Hoàng đế Bảo Đại ngỏ ý cầu hôn, bà Nam Phương đã đưa ra 4 điều kiện để trở thành Hoàng hậu khi vua còn sống, một điều mà...

Từ Việt gốc Pháp – Phần 2

Xe lửa nhà ga và tiếng xúp lê Xe lửa, còn có tên là hỏa xa hay tàu hỏa. Ở VN miền Bắc, dân ta dùng chữ tàu hỏa, tàu điện gọi những...

Châu Nhuận Phát dành hết gia sản 17.000 tỷ cho từ thiện

Chắc hẳn người yêu thích phim Hong Kong không ai là không biết đến chàng diễn viên tài hoa - Châu Nhuận Phát. Không chỉ thành công trong sự nghiệp,...

Bánh Mì và hơn 14.000 năm lịch sử

Bánh mì và hơn 14.000 năm lịch sử Các loại bánh mì hiện nay. Hương vị chiếc bánh mì pa-tê kẹp thịt đậm đà, chua chua ngọt ngọt của Việt...

Exit mobile version