Những giai điệu quen thuộc của bài hát “Tuổi hồng thơ ngây” một thời đã làm xốn xang bao trái tim yêu âm nhạc, đặc biệt là giới học sinh sinh viên. Ca khúc này không chỉ gây xúc động bởi ca từ da diết, mà hơn hết, nó còn khiến người ta tò mò về tác giả khuyết danh và câu chuyện tình buồn được khắc họa trong bài hát. Đến nay sau hơn mấy mươi năm, vẫn chưa một ai biết chính xác tác giả của ca khúc này là ai và nó được phổ nhạc vào thời điểm nào.
Bài hát thường được chọn là bài học nhập môn khi mới học guitar
Trong thập niên 80 – 90 của thế kỷ trước, ca khúc “Tuổi hồng thơ ngây” đã xuất hiện và nhanh chóng lan truyền với tốc độ chóng mặt trong giới trẻ yêu âm nhạc tại Việt Nam. Cho đến tận thời điểm này, ca từ và giai điệu của ca khúc vẫn hết sức quen thuộc với hầu hết các thế hệ sinh viên, hầu như ai mới tập chơi ghi ta đều bắt đầu bằng bản nhạc này vì giai điệu dễ đi vào lòng người, và cách đàn cũng rất đơn giản.
Có rất nhiều lời đồn xung quanh nguồn gốc của ca khúc “Tuổi hồng thơ ngây”, và câu chuyện được kể nhiều nhất đó là bài hát được phổ từ thơ của một nam sinh viên. Chàng sinh viên ấy sáng tác bài thơ này khi biết người con gái mình gắn bó từ thuở nhỏ đi lấy chồng. Sau khi viết xong bài thơ, chàng sinh viên bỏ lại trong phòng ký túc xá và nhảy lầu tự tử.
“Tuổi hồng thơ ngây, từ mái trường, ấu thơ đã đi qua rồi. Để lại trong tôi, một nỗi buồn, nói lên tiếng yêu lặng thầm tôi dành cho em.
Xưa chúng ta chung trường, cùng nhau kết hoa ước hẹn. Mà nay bỗng dưng em lại bỏ quên hoa, quên đi tình tôi. Em vội ra đi, không giã từ, tháng năm vẫn trôi dần qua tôi chờ tin em.
Kỷ niệm trong tôi đã phai mờ, giờ em bước đi theo chồng, bỏ lại trong tôi một bóng hình. Nói lên tiếng yêu lặng thầm, anh dành cho em.
Khi biết tin em rồi, lòng tôi bỗng se thắt lại. Và khi tiếng chuông giáo đường chợt ngân nga, xe hoa dừng lại. Em làm cô dâu, mặc áo hồng, sánh vai bước đi bên chồng, mình tôi đơn côi…
Kỷ niệm trong tôi, đã phai mờ. Giờ em bước đi theo chồng, mình tôi đơn côi… Mình tôi đơn côi.”
Vì vấn đề bản quyền không rõ ràng nên một thời gian dài ca khúc chỉ được sử dụng trong các chương trình biểu diễn nhỏ, sinh hoạt đội nhóm
Có ý kiến cho rằng, chàng sinh viên trong câu chuyện trên tên Lê Thái Tuấn, sinh viên Đại học Bách Khoa Hà Nội. Một người bạn của Tuấn sau đó đã tìm thấy bài thơ và vì quen biết với nhạc sĩ Thanh Tùng nên nhờ nhạc sĩ này phổ nhạc. Một năm sau, người bạn này đã gặp phải tai nạn bất ngờ và bị bại não từ đó. Cũng trong năm này, trong một buổi lễ tưởng nhớ người bạn đã qua đời, một bạn nam và một bạn nữ đã cùng nhau đánh đàn và thể hiện lại “Tuổi hồng thơ ngây”. Ngay tối hôm đó, cả hai người bạn này đều đã gặp tai nạn bất ngờ.. Người ta đồn rằng, nhiều sinh viên vẫn thường nghe thấy những tiếng đàn hát u sầu vang lên trong khu ký túc xá.
Có một khoảng thời gian, ca khúc này bị dính nghi vấn đạo nhạc từ một ca khúc Hàn Quốc có tên “Love cannot be done”, ra đời năm 1972, được nữ ca sĩ Yang Hee Eun trình bày. Tuy nhiên đến nay thông tin này vẫn chỉ là một nghi vấn còn bỏ ngỏ.
Cũng có ý kiến cho rằng, tác giả ca khúc Tuổi hồng thơ ngây hiện vẫn còn sống, đã vượt qua giai đoạn bi thương và đang định cư ở nước ngoài. Còn nhạc sĩ Thanh Tùng, người được cho rằng đã phổ nhạc cho ca khúc này cũng chưa từng lên tiếng khẳng định thông tin này.
Tất cả những thông tin trên đều chưa từng được kiểm chứng và vẫn chỉ được xem là những lời đồn thổi. Tính đến nay vẫn chưa một ai đứng ra nhận mình là cha đẻ của tác phẩm. Chính vì vấn đề tác giả và bản quyền không rõ ràng, vì vậy suốt một thời gian dài “Tuổi hồng thơ ngây” dù rất được yêu thích nhưng cũng chỉ xuất hiện trong những chương trình nhỏ, những buổi liên hoan, hoạt động đoàn thể hay tụ tập hội nhóm của giới trẻ. Một vài ca sĩ cũng từng thể hiện ca khúc này như Thủy Tiên, nghệ sĩ Chí Tài nhưng không phát hành rộng rãi. Mãi đến năm 2013, ca sĩ Đàm Vĩnh Hưng mới chính thức thu âm và ra mắt một MV được đầu tư hoành tráng cho ca khúc.
Nói về “Tuổi hồng thơ ngây”, nam ca sĩ cho biết anh đã dành thời gian vào đọc các bình luận và nghe hết mọi kiểu hát, tất cả những gì có liên quan đến bài hát để tìm ra giải pháp cho mình. Thể hiện lại bài hát, anh cũng mong muốn tác giả của nó “xuất hiện” nếu anh ấy thực sự còn hiện diện trên thế gian. Còn không thì đây là cách mà ca sĩ Đàm Vĩnh Hưng tỏ lòng yêu mến tác phẩm và nhân vật một cách chân thành nhất.