Site icon Tạp chí Đáng Nhớ

Chuyện Phật-đản trong văn nôm xưa

Hoàng Xuân Hãn phiên âm từ bản Nôm

Trong các bản văn nôm xưa, thể lục bát, còn có một bản kể chuyện Phật-đản. Chắc là dịch từ một “Phật kinh” chữ Hán. Văn-bản nay còn là một bản in từ ván khắc với nhan-đề: Thích-Ca Như-Lai Thập Thế Chí Truyện Chú Nghĩa Quốc Ngữ.

Sách khổ to 17 x 29, chữ chân phương kiểu vuông, viết và khắc rất chính-xác. Mỗi trương mười dòng, mỗi dòng mười sáu chữ. Cả thảy 6O tờ, 2728 vế, gần 19010 từ. Đó là một tư-liệu nôm xưa lớn.

Nội-dung kể chuyện chín đời tiền-thân Phật, và cuối là đời đức Phật Thích-ca. Nhưng đây không giống như những sách Bản sinh khác của những dân-tộc thuần-túy phật-tử. Sách nầy xuất-phát tự dân Trung-quốc hay Việt, chủ-trương Tam giáo tĩnh hành; tôn-trọng ngang hàng ba giáo: Lão, Phật, Nho. Tác-giả “kinh” nầy có lẽ lại thiên về Lão hơn hết; cho rằng Lão-tử là chủ các đạo, thấy đời suy-vi, cho nên sai một đệ-tử trung-thành đi đầu-thai để mong hoá ra kẻ cứu thế, rồi sự mong không được, lại gọi về để đi đầu-thai chỗ khác. Như thế đến lần thứ mười, thì hoá làm con vua Tĩnh-Phạn, tức thành dức Thích-ca Mầu-ni. Từ đó, y kể chuyện đức Phật Thích-Ca gần như các kinh khác. Vả chuyện Thích-ca là phần chính sách , gồm 1236 vế, gần nửa văn chuyện. Tuy không còn phần lạc-khoản khiến ta biết ai là tác-giả và ván khắc năm nào, nhưng so-sánh với các sách cũ khác về phương-diện giấy mực, khổ chữ, từ cổ, lối viết nôm, thì cũng thấy rằng tác-phẩm nôm nầy ít ra cũng đã được soạn trước đây chừng ba, bốn trăm năm.

Xét lời văn, thấy tác-giả, ngoài sự thuộc phái Tam-giáo, là một văn-sĩ thông chữ Hán, biết tự-sự, gắng tìm từ, tìm vần dể dặt câu lục-bát cho thông; chứ không phải là một nhà thi-sĩ, và cũng không tìm niêm và vần cho đúng. Văn nầy thuộc loại văn bình-dị, dân-gian, phổ-biến trong các văn nôm chuyện đời Lê.

Bắt đầu văn, tác-giả viết:

Kính vâng giáo Bụt Thích-Ca
Xem kinh Đồ-Tượng chép ra lời nầy

Bộ Đại-tạng Chính-đức in tại Đài-loan thành hơn trăm tập (Phật-viện Trúc-lâm có) gồm mười tập lớn thuộc loại “Đồ-tượng“, trong đó, tôi chưa tìm thấy nguyên-bản Hán-văn kinh “Thích-ca Mầu-ni Thập thế chí” nầy, nó có lẽ sẽ giúp ta khảo-sát văn-bản nôm một cách tiện-lợi hơn

Nay nhân lễ Phật-đản, tôi sẽ trình một đoạn văn nôm thuộc về đời đức Phật Thích-ca. Trong khuôn-khổ báo Hương Sen, tôi không thể viết dài về phần chú-giải và khảo-luận. Nhưng mỗi khi có từ-ngữ cổ hay tối nghĩa, tôi sẽ chú nghĩa vắn-tắt và viết trong hai dấu ngoặc đơn. Ám–hiệu “ t.c.” thấy trong chú-thích sẽ trỏ từ cổ hay tiếng cổ.

Lão-quân sai đệ-tử Y-Kì đầu-thai lần thứ chín làm thái-tử nước Chiêm-Ba(Chàmpa?), tu-hành đắc-đạo. Nhưng theo lời Lão-quân thì “chẳng chữa thiên hạ, chỉn xin tu mình“. Bèn sai Thiên-vương-tướng ủng-hộ con voi trắng mang Thái-tử đi đầu-thai vào nhà Tĩnh-phạn-vương. Đây ý muốn nói Bắc-tông Đại-thừa khác Nam-tông Tiểu-thừa bởi sự ngoài mục-đích tu mình còn muốn cứu thiên-hạ.

Nối sau đó là chuyện Phật-đản, bắt đầu từ vế (1523):

Đời Phật Thích-ca

Ngày rằm tháng bảy nhật tinh (sáng sớm)
Cỡi con bạch-tượng xuống mình (đầu-thai) MA-DA

(1525)

Ban ngày nằm ngủ trương-toà (lầu vua)
Chiêm-bao nách hữu thấy qua vào lòng
Phu-nhân mộng giác (tỉnh) thân-trung (trong mình)
Từ ấy ăn uống hôi tanh đều đình
Ngồi thì muốn ở một mình

(1530) 

Gẫm hay Bồ-tát giáng-sinh chẳng nhầm
Sáng ngày Dục-giới (cõi người) thiên-quan
Đến cùng thuyết pháp chẳng không một thì (nghỉ một chốc)
Nửa ngày Trung-giới (cõi đã thoát dục) chư vì
Quỉ thần ban tối triều-nghi (mặc lễ-phục) tới cùng

(1535)

Chiều hôm, trung-dạ (nửa đêm), dạ-chung (cuối đêm)
Thánh, Hiền đều đến song-song hoà luần (t.c. cùng bàn)

Thuyết pháp, cứu-độ chúng-sanh
Cảm động tinh-thành Đâu-suất thiên-quan
Mười phương Bồ-tát hội-đồng

(1540)

Bẩm qua Đế-thích giáng-sanh trung-thần
Bà-la (Bà-la-môn), cư-sĩ chư nhân (mọi người)
Chín mươi chín ức cùng sanh ra đời

***

Phu-nhân mãn nguyệt hoài thai (mang thai đủ tháng)
Năm hai mươi bốn đời CHU Chiêu-vương (chừng 977 trước C.L.)

(1545)

Tháng tư mồng tám cung trương (tức trương-toà: lầu vua)
Khắp hoà (t.c. cả) cung-nữ chơi vườn Trung-viên
Phu-nhân khi ấy thừa-lương (hóng mát)
Vin cây ưu-thụ (cây ưu-đàm nở hoa là điềm tốt) cội liền nở hoa
Nhụy sen (hoa sen) cả (lớn) tày vừng xe (bánh xe)
                 
(1550)

Thái-tử tức-thì nách hữu sinh ra
Thái-tử đứng trên liên-hoa
Bước đi bảy bước, kêu ba tiếng hùng (mạnh)
Tay tả trỏ lên hư-không (vòm trời)
Tay hữu chỉ xuống, miệng cung (t.c. trong) niệm rằng (nói nhỏ) :
 
(1555)

(( Thiên thượng thiên hạ lâng-lâng (khắp cả trên trời dưới đất)
(( Duy ngã độc tôn (một mình ta cao-quí) giáng-sanh bây giờ ))
Thiên-vương lấy lụa phúc (trùm) che
Ôm Thái-tử đứng trong ca ( t.c. ở nơi) bình (lọ) vàng
 Có vua Đế-thích Phạn-vương
     
(1560)

Che quạt, cầm tán (tàn), đòi (khắp các) phương đứng chầu
Chín rồng phun nước trước sau
Tẩm (tắm) cho Thái-tử nước hoà (vừa) ôn lương (ấm mát)
Bấy-giờ bốn tướng Thiên-vương
Đều nâng chậu vàng quán tẩy kim khu (tắm gội mình vàng)
               
(1565)

Ba mươi hai tướng tuyền no (t.c. đuû)
Tám mươi thức tốt sáng hoà (bằng) hào-quang
Ba nghìn thế-giới đòi phương
Soi khắp Đại-thiên (thế-giới gồm 1 triệu thế-giới) bằng gương làu làu
Thiên-long, Bát- bộ đâu đâu

(1570)

Hư-không cổ-nhạc hương-hoa dập-dìu
Áo tốt, anh-lạc (cườm xâu hạt ngọc) báu yêu (ngọc quí)
Kể nào có xiết thụy (điềm lành) đều ứng sinh
Khắp hoà (cả) tha (nguyên: địa) ngục, bãi hình
Bát-quốc đế-vị đều sinh hoàng-trừ (con nối ngôi vua)

(1575)

Mọi nhà Thích-chủng (họ Thích) gần xa
Đều sinh hoàng-tử chín nghìn năm trăm
Trưởng-giả, cư-sĩ, nhân-dân
Nam-tử sinh được tám nghìn bốn muôn
Ngựa sinh được năm trăm con

(1580)

Đều thì cùng đẻ một đêm mọi tàu (chuồng ngựa, voi)
Hễ là thương-cổ (kẻ buôn bán) đâu đâu
Đều được châu báu, trước sau về rày

                      ***

Thái-tử sinh được bảy ngày
Mới đặt tên rày là TRUNG-THIÊN-vương

(1585)

Biểu-tự (tên để thường gọi) Tất-Đạt từ-tường (điềm lành)
Ba-Đồ-Ba-Đề là dì giưỡng nuôi

                    ***

Đến nên bảy tuổi mất lời (câm)
Hoàng-đế liền mời chư (các) La-môn-tiên
(( Xem tướng Thái-tử cho Quan

(1590)

(( Biết hay lành dữ, vậy an, được mừng ))
Bà-la tâu: (( Vua chưa từng ! (chưa biết)
 (( Thái-tử tướng-mạo lạ hình người ta
 (( Chưng sau (t.c.:sau nầy) ắt đi xuất-gia
(( Nhược dù (nếu) ở nhà, truyền vị Luân-vương (Pháp-chủ) ))
(1595) Thầy tướng tâu dộng (t.c.:tảu) Phụ-hoàng:
(( A- Kì tiên cả (đầu) ngõ-ngàng (giỏi) thần thông
(( Ngài tu ở Hương-sơn trung (trong núi)
(( Biết hay quá-khứ, thông cùng vị-lai
(( Vua thì đi rước lấy Ngài

(1600)

(( Đến xem được quyết (t.c. đoán, định) kẻo lời hồ-nghi ))
 Hoàng-đế nghe tâu tức-thì
Kết làm toà báu liên-hoa một đài
Hư-không (trông lên trời) cúng-dàng nguyện lời
Chúc-đảo: (( Xin Ngài gấp đến chốn nay ))

(16O5)

Đại-tiên khi ấy xa hay
Phút giây liền đến ngồi nay trên toà
Xem tướng Thái-tử, phán ra
Tiên-nhân nước mắt nhỏ-sa dòng dòng
Hoàng-đế thấy vậy lệ xong (t.c. sợ lắm)

(1610)

Hỏi Tiên-nhân rằng: (( Ấy sự làm sao ? ))
Đại-tiên khi ấy nói tâu
(( Hoàng-đế chớ có lệ-âu (t.c. lo-lắng) chi là
(( Thương vì tuổi nay đã già
(( Năm trăm lại lẻ thêm hoà (t.c. và, với) hai mươi

(1615)

(( Tiếc rằng chăng còn ở chầy (t.c. lâu)
(( Được nghe Thái-tử nói nay đạo mầu
(( Thái-tử tướng lạ có đâu (không đâu có)
(( Ba mươi tướng tốt, tám mươi giống lành
(( Trị quốc thiên-hạ thái-bình

(1620)

(( Nhược ( nếu) đi tu-hành, nên Bụt Pháp-vương ))
Lòng Vua thấy thốt (t.c. nói) bội (t.c. rất) mừng
Tiên-nhân lại bảo: (( Nửa mừng nửa lo
(( Mừng rằng sinh làm con Vua
(( Lo mười chín tuổi đi tu dụ (trèo qua) thành ))
 
(1625)

Thốt thôi hào-quang nhiễu (quấn) quanh
A- Kì tiên cả hoá hình biến đi…..

(Trích từ sách Thích-ca Mầu-ni Thập thế chí truyện Chú nghĩa Quốc-ngữ)

Lính Khố Xanh & Khố Đỏ

* Đây là loạt bài về lính thú thời xưa, bao gồm từ thời các vua Nguyễn cho đến thời Pháp thuộc. Việt Nam trong thời Pháp thuộc được chia thành...

Có một thời Việt Nam từng văn minh như Nhật

Tháng 9 năm 1987 tôi rời Hà Nội vô Sài gòn nhận công tác, chỗ tôi dừng chân tá túc đầu tiên là cổng Phi Long (khu vực Lăng Cha...

Thời xưa người miền Tây mặc gì?

Trong thời gian Nguyễn Hoàng trấn thủ tại Thuận Hóa, trang phục của người dân ở đây cũng giống như ngoài Bắc nhưng càng tiến về phương Nam, trang phục...

Nhớ về đất rừng U Minh

Theo sự sắp xếp của Nhà Văn Nguyễn ngọc Tư, chúng tôi về chơi "Vườn Chim U Minh" - Một địa điểm du lịch sinh thái rừng. Và với riêng...

Trăn trở về thực dưỡng

TRĂN TRỞ – Tôi biết tới Tamari Gò Công không phải từ con đường tơ lụa, cũng không phải từ những quyển sách dưỡng sinh của Tiên hiền Oshawa…mà từ...

Các đời thái hậu góp phần khiến nhà Lý sụp đổ

Nhà Lý bắt đầu từ khi Lý Công Uẩn lên ngôi vua vào cuối năm 1009, hiệu là Lý Thái Tổ. Năm 1010 Vua dời đô về thành Đại La...

Chợ Phan Thiết xưa qua những ảnh màu rực rỡ

Có lịch sử hình hành vào năm 1697, chợ Phan Thiết là nơi lưu giữ những nét văn hóa đặc sắc có từ lâu đời của mảnh đất Bình Thuận....

Quán ăn ngon trong các con hẻm

Ở nơi nhộn nhịp như TP HCM, quán trong hẻm có một vị trí rất riêng. Quán nhỏ, có khi không bảng hiệu, nhưng vẫn đủ sức khiến thực khách...

Giai thoại về Ông Đỏ, Ông Đen

Tượng Ông Đỏ và Ông Đen ở chùa Nhạn Sơn được người Chăm tạo tác từ thế kỷ 13. Xung quanh hai pho tượng có một giai thoại lịch sử...

Những bức ảnh về Sài Gòn thế kỷ 19

Sài Gòn năm 1893 khá hiện đại như miêu tả trong cuốn “Ký ức lịch sử về Sài Gòn và các vùng phụ cận” (1885) của Trương Vĩnh Ký. Qua...

Chế độ ban thưởng vào dịp tết Nguyên đán dưới triều Nguyễn

Vào dịp tết nguyên đán, các vua triều Nguyễn thường tổ chức ban thưởng cho các bậc công thần, quan lại, dân chúng, nô tì nhằm mục đích cho các...

Ngày xưa em anh hay hờn dỗi – Nhạc sĩ Anh Thy và bài hát “Hoa Biển”

Nhạc sĩ Anh Thy (có nơi ghi là Anh Thi) là nhạc sĩ nổi tiếng với các ca khúc Hoa Biển, Lính Mà Em, Đừng Gọi Anh Là Chú… Anh...

Exit mobile version