Site icon Tạp chí Đáng Nhớ

Con lợn trong ca dao, thành ngữ, tục ngữ

Upload

Từ xa xưa con người đã biết hái lượm và săn bắt, rồi tiến tới biết trồng trọt và thuần hóa thú rừng để chăn nuôi. Trong những con vật ấy, phải kể đến con lợn, con gà, con chó v.v… Cho đến nay, hầu như gia đình nông dân nào cũng có nuôi một vài con lợn. Chính vì vậy lợn đã sớm đi vào ca dao, thành ngữ, tục ngữ.

Khắp các làng quê Việt Nam hầu như nhà nào cũng nuôi lợn để bán cho thương buôn, nuôi để lấy thịt và để cúng tế. Lợn ở Việt Nam được nuôi rất nhiều loại tùy từng vùng miền khác nhau. Người miền Bắc gọi là lợn, với người Nam gọi là heo. Ngoài ra, tiếng Việt còn có nhiều từ để gọi các loại lợn (heo) khác nhau như: Heo nái (lợn cái nuôi để sản xuất lợn con); lợn sề (lợn nái già); heo nọc (heo đực dùng để truyền giống); lợn bột, heo sữa (lợn con đang bú mẹ); lợn hạch (lợn đực đã thiến); lợn ỷ (một giống lợn của Việt Nam, có mõm ngắn, lưng võng và bụng sệ với lớp da màu đen hay xám); lợn lang (lợn lông đốm đen- trắng); lợn mọi (một dạng lợn ỷ, rất chậm lớn, chủ yếu nuôi làm cảnh); lợn lòi (lợn rừng)… Ca dao đã truyền khẩu lại nhiều câu thể hiện sự gắn bó của con lợn với cuộc sống của người Việt: “Ta về ta rủ bạn ta/ Nuôi lợn nuôi gà, cày cấy ta ăn; Đàn bà thì phải nuôi heo/ Thời vận đang nghèo chẳng nuôi đặng trâu; Nhớ phiên chợ Bản anh đi/ Thiếu gì heo ỉ thiếu gì bò trâu” (chợ Bản ở Yên Định, Thanh Hóa); “Lòng thương chị bán thịt heo/ Hai vai gánh nặng còn đèo móc câu”.

Cây lúa con lợn quen biết với dân ta từ thuở bình minh dựng nước. Cây trồng và chăn nuôi trở thành nếp sống, nếp nghĩ, cách đánh giá người: “Đàn bà không biết nuôi heo, đàn bà nhác. Đàn ông không biết buộc lạt, đàn ông hư”. Cũng có những câu ca dao khen tặng sự khéo léo, chăn nuôi quanh năm hay làm ăn thành công của những gia đình nông dân: “Chăn nuôi vừa khéo vừa khôn/ Quanh năm gà lợn xuất chuồng quanh năm”. Hay: “Giàu lợn nái, lãi gà con”.

Nuôi lợn để đem bán là một sinh kế của giới nông dân nước ta. Lắm khi chẳng được gì nên từ đó cũng nẩy sinh ra những câu ca dao đùa cợt cảnh mấy bà gánh heo đi rồi lại gánh về: “Ba bà đi bán lợn con/ Bán đi chẳng được lon ton chạy về/ Ba bà đi bán lợn sề/ Bán đi chẳng được chạy về lon ton”.

Sẽ thật thiếu sót nếu trên mâm cỗ Tết cổ truyền thiếu đi đĩa thịt lợn ăn kèm với dưa hành hay củ kiệu muối chua: “Con gà cục tác lá chanh –   Con lợn ủn ỉn mua hành cho tôi”. “Con lợn ủn ỉn mua hành cho tôi”! vừa kêu gọi sự chú ý khẩu vị dân tộc, vừa nhắc nhở chúng ta rằng khẩu vị dân tộc đó hình thành từ lâu đời được thời gian thử thách và có cơ sở khoa học vững chắc.

Ăn cỗ mà có đầu heo là coi như giàu có, ca dao miền Nam có câu: “Cồng cộc bắt cá dưới bàu/ Cha mẹ mày giàu, đám giỗ đầu heo”. Mà chẳng riêng gì việc phúng viếng, cúng tế, cưới xin đến việc đãi đằng người ta cũng biếu nhau chân giò, nhất là cho sản phụ ăn để có sữa: “Ăn chân sau, cho nhau chân trước”, chân trước đẹp mắt chứ không lợi thịt như chân giò sau.

“Anh lợn” còn “làm chứng” cho những hạnh phúc lứa đôi. Nhằm trách khéo những người mẹ nghèo muốn con gái mình lấy chồng giàu nên (ngày xưa) đã ép duyên con và đưa đến những chuyện không may: “Mẹ em tham thúng xôi dền. Tham con lợn béo, tham tiền Cảnh Hưng. Em đã bảo mẹ rằng đừng. Mẹ lườm mẹ nguýt mẹ bưng ngay vào. Bây giờ chồng thấp vợ cao. Như đôi đũa lệch so sao cho bằng”. Hoặc là: “Mẹ tôi tham thúng bánh chưng/ Tham con lợn đẻ, em nai lưng chịu đòn”. Thân phận người dâu từ đó gặp nhiều đắng cay: “Nói ra sợ chị em cười/ Năm ba trận chửi, chín mười trận đay”. Để rồi cuộc đời ngày càng thêm vất vả: “Đêm thì thức đủ năm canh/ Rau heo, cháo chó, loanh quanh đủ trò”.  Nấu cơm, giặt giũ, lau quét dọn nhà cửa, quán xuyến từ trong ra ngoài, và trong lúc nàng bận tíu tít, nào là con đòi bú khóc ré lên, nồi cơm trên bếp đang sôi mà lửa thì tắt và ngoài chuồng, mấy con heo la inh ỏi mà chồng “đòi tòm tem”: “Đang khi lửa tắt cơm sôi/ Lợn đói, con khóc, chồng đòi tòm tem/ Bây giờ lửa đã cháy rồi/ Lợn no, con nín, tòm tem thì tòm”.

Về mặt châm biếm “chú ỉn” cũng góp  mặt trong tiếng cười trí tuệ của người dân và đã vạch mặt cả anh thầy bói nói nước đôi, nói dựa: “Số cô không giàu thì nghèo/ Ngày ba mươi tết thịt treo đầy nhà”. Hay: “Bói cho một quẻ trong nhà/ Chuồng heo ở dưới, chuồng gà ở trên”. Cũng có câu ca dao trách khéo sự thiên vị như: “Mèo theo thịt mỡ ồn ào/ Cọp tha con lợn thì nào thấy chi!”.

Tỏ tình là cả một nghệ thuật, thông thường mấy chàng văn hoa bóng bẩy nhưng cũng có người mượn con lợn làm phương tiện cứu cánh. Hãy nghe anh chàng ngố tìm cách làm quen, bày tỏ: “Cô kia đi chợ Hà Đông/ Để anh kết nghĩa vợ chồng cùng đi/ Anh đi chưa biết mua gì/ Hay mua con lợn phòng khi cheo làng”. Ngày xưa con gái muốn lấy chồng phải nộp Cheo cho làng. Cheo là lễ vật bao gồm ít nhất là một con heo quay và một số tiền mặt do làng ước định phải nộp cho làng để làng cấp cho giấy giá thú. Lắm khi cô gái tuy đẹp nhưng lại quá nghèo. Chàng trai muốn cưới thì phải: “Giúp em một thúng xôi vò/ Một con lợn béo, một vò rượu tăm/ Giúp cho đôi chiếu em nằm/ Đôi chăn em đắp, đôi tằm em đeo/ Giúp cho quan tám tiền cheo/ Quan năm tiền cưới lại đèo buồng cau”. Vả lại, cha mẹ sinh con gái cũng chỉ rạng mặt nở mày khi con được nhà trai nộp cheo xin cưới theo đúng lễ nghi thủ tục: “Anh về thưa với mẹ cha, bắt lợn đi cưới, bắt gà đi cheo”. Nhưng cũng có những gia đình biết phải chăng: “Người ta thách lợn, thách gà/ Nhà em thách cưới một nhà khoai lang”.

Đôi bạn trẻ phải hiểu rằng tình yêu không thể lúc nào cũng ở vào cao điểm, có lúc xuống đáy. Những lúc tình yêu xuống đến đáy thì người ta sẽ ra sao? Đây là kinh nghiệm cay đắng của các chị: “Còn duyên anh cưới ba heo/ Hết duyên anh đánh ba hèo đuổi đi”. Và lố bịch thay cái cảnh: “Trời mưa nước chảy qua đèo/ Bà già lụ khụ mua heo cưới chồng”.

Riêng với những người ham tật đèo bồng đa thê, đôi khi lại bị lâm vào cảnh trớ trêu dở khóc dở cười: “Một vợ nằm giường lèo, hai vợ nằm chèo queo, ba vợ ra chuồng heo mà nằm”.  Thật đúng là “tham thì thâm” nên kẻ ham đèo bòng mới phải nếm mùi “cám treo, heo đói” như thế đó.

Trong kho tàng thành ngữ, tục ngữ Việt Nam rất đa dạng về hình ảnh chú lợn, xin kể “toạc móng heo” những câu ấy.

Đã nuôi lợn “giàu nuôi lợn nái, lụn bại nuôi bồ câu” và nhớ phải chăm sóc đừng để “lợn đói một bữa bằng người đói nửa năm”. Kinh nghiệm dân gian nói về mua lợn tốt nhất là vào dịp “làm mạ, cá rươi”, tức thời kỳ mua lợn tốt nhất là tháng đổ nước làm ruộng mạ, mua cá giống thì lúc có rươi – khoảng tháng Chín. Không nên mua ngoài chợ mà mua tại nhà, mua tận gốc: “Lợn nhà, gà chợ”. Nếu mua lợn nái thì chọn con chõm, dải thon, loại này khoảng cách giữa các vú xa nhau, khi chửa các vú không bị xệ quét đất và nếu mua lợn đực giống thì phải là lợn phệ, cao khỏe mới “nhảy tốt”, “nhảy chắc”. Là thế nên có câu “đực phệ, sề chõm”. Dân gian còn dặn những cách chọn lợn khác: “đực đầu đàn, cái rốt ổ”, “lợn đầu, cau cuối”, “lợn ăn xong, lợn nằm: lợn béo, lợn ăn xong lợn réo: lợn gầy”.

Thành ngữ nói về cái sự vô ý, vô tứ, làm ăn thiếu tính toán hay nhất là mấy câu: “lợn lành chữa làm lợn què”, “lợn trong nhà thả ra mà đuổi”.  Không có sự phê phán nào bình dân bình dị mà có khả năng tạo hiệu quả lớn như thế!

Nói về văn hóa ẩm thực thịt lợn, với những người sành ăn “mua thịt thì chọn miếng mông” ngon và béo có “đầu gà, má lợn”, “lợn giò, bò bắp”. Thái cho ngon mắt phải “thịt nạc dao phay, thịt mỡ dao bầu”. Và nhất định phải có gia vị têm vào mới ngon “thịt đầy xanh, không hành không ngon”. Rồi từ  “con lợn béo cỗ lòng mới ngon”, người ta còn nghĩ rộng ra “trông mặt mà bắt hình dong”, hay cái gì hạng người “mắt lợn luộc”. Tai heo ngâm giấm làm gỏi tai heo đèo theo nấm tuyết, chiếc mấy ngó sen, trộn chèn cà rốt, sốt chút muối đường, tiêu hành ớt tỏi nhai dòn rụm, ngon bỏ bà luôn! Tai heo rộng mắm là đặc sản của hương vị Tết cổ truyền Việt Nam, “Ngày tư, ngày Tết/ Mứt ngọt ăn ớn chết!/ Thủ cái tai heo/ Nhậu kiệu, ngon ra phết!”.

Con lợn gắn bó với con người hàng nghìn năm lịch sử. Con lợn cái tên không mấy mỹ miều, đôi khi còn được gán với những sự bẩn, ngu. Ấy vậy mà đã đi vào ca dao, tục ngữ thành ngữ khá đa dạng, làm sao kể hết.

Tết Kỷ Hợi đã về, những người lao động còn bao nhiêu thú vui khác, không thể cà kê “chuyện con gà ra con lợn” nữa. Năm mới cầu mong cho nhân dân ta nuôi chu đáo được nhiều lợn ông – đô lợn để đem ra cúng thành hoàng làng, khao dân, khao làng xóm, vui hội, vui xuân!

Hình hài của quảng cáo Việt Nam trước 1975

Hãy cùng ngược dòng thời gian và tìm hiểu trước năm 1975, hình hài của quảng cáo Việt Nam trông ra sao. Thời kỳ Pháp thuộc (1884 – 1945) Dưới...

Vì sao gọi bệnh viện là nhà thương?

Dân miền SAIGON chắc hẳn còn nhớ các tên nhà thương như nhà thương Chợ Rẩy, nhà thương Chợ Quán, Bình Dân, Nguyễn Văn Học, Từ Dũ, Hùng Vương hay...

Vì sao cả thế giới phải ngưỡng mộ về cách người Đức dạy con

Bạn có biết ở Đức, việc các bậc phụ huynh ép trẻ em học hành khi chúng chưa đến tuổi đi học bị cấm? Tất nhiên, không phải là người...

Nghề xe kéo

Xe kéo xuất hiện lần đầu tại Hà Nội năm 1883, do ông Toàn Quyền Đệ Nhất Bonnal cho phép đem từ bên Nhật qua. Gần 15 năm sau, Sài...

Cuộc nổi dậy của chị em họ Trưng và sự biệt lập văn hoá Việt – Hán

Trưng Trắc và em gái Trưng Nhị là người huyện Mê Linh, Giao Chỉ thời Đông Hán, họ đã chiếm một vị trí quan trọng trong lịch sử thời Đông...

Sở, Ngô, Việt có phải tộc Việt không?

Các quốc gia Sở, Ngô, Việt, là các quốc gia nổi tiếng trong lịch sử Trung Hoa, cũng đã có những giả thuyết cho rằng các quốc gia Sở, Ngô,...

Kỳ thú phong thủy trong kiến trúc lăng tẩm của vua nhà Nguyễn ở Huế

Nhạc sĩ Trịnh Công Sơn từng gọi Huế là xứ sở của “Lăng miếu trùng vây”. Có thể nói, ngoài bề dày lịch sử của đất thần kinh, “Văn hóa...

Câu chuyện đằng sau bài hát ‘Ru Em Tròn Giấc Ngủ’

Nhạc sĩ Mặc Thế Nhân những năm giữa và cuối thập niên 1960 là một người lính hải quân hào hoa. Ông không ngại tâm sự cũng như chia sẽ...

Nam nữ thụ thụ bất thân nghĩa là gì?

Đây là câu nói cửa miệng, quen dùng chỉ mối quan hệ nam nữ theo quan niệm của nhà nho. Người đàn ông và người đàn bà ngày xưa trao...

Tại sao gọi nước Nhật là Phù Tang

Tại sao lại gọi nước Nhật là Phù Tang? Phù Tang nguyên là tên một loại cây mà Thuyết văn giải tự của Hứa Thận giảng là “cây huyền thoại”,...

Khảo cứu về danh xưng Việt Thường

Trong các ghi chép lịch sử của Trung Quốc, thì Việt Thường là một cái tên xuất hiện trong nhiều ghi chép, chủ yếu là ở hai sự kiện: sự...

Sơ cua hay xơ cua? Sơ cua là gì?

Sơ cua / xơ cua do secours tiếng Pháp,  nghĩa là dự phòng. Sơ cua là gì ? Trên sách báo xưa nay xơ cua có vẻ bị lép vế....

Exit mobile version