Nữ thi sĩ Minh Đức Hoài Trinh được nhiều người ngưỡng mộ với hai bài thơ “Kiếp Nào Có Yêu Nhau” và “Đừng Bỏ Em Một Mình”. Đặc biệt, hai bài thơ này nổi tiếng hơn khi được nhạc sĩ Phạm Duy phổ nhạc. Không thể phủ nhận, nhạc sĩ Phạm Duy là cây cổ thụ trong nền âm nhạc Việt Nam. Và cũng không thể phủ nhận qua hai ca khúc phổ thơ này, nhạc của ông đã đưa tên tuổi của nữ sĩ Minh Đức Hoài Trinh đến gần với công chúng hơn.
Trong hồi ký “Vang Vọng Một Thời”, nhạc sĩ Phạm Duy từng kể về sự kết hợp giữa thơ và nhạc qua hai bài “Kiếp Nào Có Yêu Nhau” và “Đừng Bỏ Em Một Mình” như sau:
“Tôi bấy giờ đang là quân nhân… bỗng gặp lại Minh Đức Hoài Trinh lúc đó được mười bảy tuổi từ thành phố Huế thơ mộng chạy ra với kháng chiến. Nàng còn đem theo đôi gót chân đỏ như son và đôi mắt sáng như đèn pha ô tô. Từ Tướng Tư Lệnh Nguyễn Sơn cho tới các văn nghệ sĩ, già hay trẻ, độc thân hay đã có vợ con… ai cũng đều mê mẩn cô bé này. Phạm Ngọc Thạch từ trung ương đi bộ xuống vùng trung du để vào Nam Bộ, khi ghé qua Thanh Hóa, cũng phải tới Trường Văn Hóa xem mặt Hoài Trinh. Hồi đó, Minh Đức Hoài Trinh đã được Đặng Thai Mai coi như là con nuôi và hết lòng nâng đỡ.
Năm 1954, tôi gặp Minh Đức Hoài Trinh lần thứ ba khi tôi tới Paris ở khoảng hai năm. Nàng đã rời Việt Nam, đang sống với một người em trai trong một căn phòng nhỏ hẹp. Ba lần gặp nhau là rất hi hữu, tôi bèn giao lưu với nàng và soạn được hai bài ca bất hủ…”
Nhà phê bình Đặng Tiến (Pháp), trong bài “Phạm Duy: Thơ Phổ Nhạc” năm 2011, nhận định:
(trích dẫn) “Trên 300 bài nhạc phổ thơ thì còn khoảng 100 bài phổ biến một số bài được truyền tụng, trở thành kinh điển trong lịch sử âm nhạc, khiến nhiều người dọ hỏi ‘bí quyết’ phổ nhạc. Có lúc làm Phạm Duy bực mình, vì ‘làm nhạc chớ có phải nấu phở đâu’. Nhưng có lúc nhạc sĩ vui tính trả lời, như khi đưa ra ví dụ bài ‘Kiếp Nào Có Yêu Nhau’, phổ nhạc thơ Minh Đức Hoài Trinh (1958) và thổ lộ ‘bí quyết’.
Lời hát:
Đừng nhìn em nữa anh ơi!
Hoa xanh đã phai rồi, hương trinh đã tan rồi
Đừng nhìn em! Đừng nhìn em nữa anh ơi!
Đôi mi đã buông xuôi, môi nhăn đã quên cười.
Hẳn người thôi đã quên ta!
Trăng Thu gầy đôi bờ, chim bay xứ xa mờ.
Gặp người chăng? Gặp người chăng, nhắn cho ta
Hoa xanh đã bơ vơ, đêm sâu gối ơ thờ.
Kiếp nào có yêu nhau, thì xin tìm đến mai sau
Hoa xanh khi chưa nở, tình xanh khi chưa lo sợ
Bao giờ có yêu nhau, thì xin gạt hết thương đau
Anh đâu anh đâu rồi? Anh đâu anh đâu rồi?…’
Phạm Duy nói: “Bạn bè yêu nhạc thường hỏi tôi về cái gọi là ‘bí quyết phổ nhạc.’ Âu là tôi xin phép nữ sĩ Hoài Trinh cho tôi được in ra sau đây nguyên bản của bài thơ để bạn so sánh:
‘Anh đừng nhìn em nữa
Hoa xanh đã phai rồi
Còn nhìn em chi nữa
Xót lòng nhau mà thôi
Người đã quên ta rồi
Quên ta rồi hẳn chứ
Trăng mùa Thu gãy đôi
Chim nào bay về xứ?
…
Kiếp nào có yêu nhau
Nhớ tìm khi chưa nở
Hoa xanh tận nghìn sau
Tình xanh không lo sợ…’
Chắc bạn đọc cũng thấy bài thơ phổ nhạc được tôi thêm câu, thêm chữ. Phổ nhạc là chắp cánh cho thơ bay cao. Bài thơ ngắn ngủi, cô đọng này, vì có thêm chữ nên không còn tiết vần đều đều, bằng phẳng nữa. Bây giờ nó quay cuồng theo nét nhạc, câu nhạc. Giai điệu của câu ‘Đừng nhìn em nữa anh ơi’ chuyển rất đột ngột, đi từ nốt trầm lên nốt cao nhất với hai ‘nhảy bực’ quãng 5 để diễn tả sự tột độ của tình cảm. Cái syncope sau câu ‘Đừng nhìn em’ làm cho mọi người thấy được sự nghẹn ngào của bài thơ và bài hát”
Nói thêm cho rõ: Ca khúc gồm 154 chữ, dài gấp rưỡi bản gốc. Bản gốc là thơ năm chữ theo luật thi, nhịp lẻ; ca từ nhịp chẵn 6-10 theo sườn lục bát vần lưng kết hợp với vần chân; hai câu ngũ ngôn trở thành bán cú (hémistiche) cho câu 10 từ với vần giữa câu. Như vậy, chỉ về âm luật thôi, bài hát đã khác bài thơ. Những câu, những từ, những âm (đừng… đã) luyến láy tạo ý nghĩa mới cho lời thơ – chưa kể nhạc thuật phong phú, tha thiết mang chất bi kịch”. (hết trích)
Minh Đức Hoài Trinh
Đó là cái nhìn của một người phê bình âm nhạc. Riêng với chúng ta – người nghe, chỉ cần cảm thấy hay là đủ. Nếu đọc lời thơ và ca từ để so sánh, tôi đồng ý với nhà phê bình Đặng Tiến, Phạm Duy đã đưa bài thơ lên một tầm cao mới, nhờ giai điệu trầm bổng, khát khao…
Với bài thơ, và ca khúc “Đừng Bỏ Em Một Mình”, thì tôi nghĩ khác. Nếu không biết bài thơ gốc, mà chỉ nghe ca khúc này thôi thì đây quả là một bài hát tuyệt vời. Qua những chữ được nhạc sĩ lặp lại, nỗi đau như được dàn trải:
Đừng bỏ em một mình, đừng bỏ em một mình
trời lạnh quá trời lạnh quá, sao đành bỏ em một mình
Hay:
Chiều lộng gió chiều lộng gió, sao anh đành bỏ em…
Còn ở đoạn cao trào này, có những nốt cao như sự giằng xé nội tâm, nhưng vẫn là một nỗi đau chơi vơi, lãng đãng của một linh hồn đứng trên cao nhìn thân xác mình sắp tàn rữa:
Lời nào đó lời nào đó
tiếng ân tình hay tiếng cầu kinh
nhạc nào đó nhạc nào đó
nhạc gọi người hay nhạc gọi hồn
Ở bài thơ gốc, trong bốn câu thơ đầu, nỗi đau dù nhẹ, nhưng đã thấm chuyện “tử-biệt, sinh-ly”:
Đừng bỏ em một mình
Khi trăng về lạnh lẽo
Khi chuông chùa u minh
Chậm rãi tiếng cầu kinh.
Bốn câu tiếp, nỗi đau bắt đầu mạnh dần:
Đừng bỏ em một mình
Khi mưa chiều rào rạt
Lũ chim buồn xơ xác
Tìm nhau gục vào mình”
và tăng cường độ:
Đừng bỏ em một mình
Trời đất đang làm kinh
Rừng xa quằn quại gió
Thu buốt vết hồ tinh
Câu “Trời đất đang làm kinh” làm cho nỗi đau trở nên ai oán hơn, khiến đất trời cũng phải “trở mình nhỏ máu”.
Cho đến những đoạn cuối:
Đừng bỏ em một mình
Cho côn trùng rúc rỉa
Cỏ dại phủ mộ trinh
Cho bão tố bấp bênh.
Nỗi đau trở nên kinh hoàng của người nằm dưới mộ sâu. Nó đặc quánh trong đầu óc, trong thân thể, tạo tiếng gào thét không thanh âm, tê buốt da thịt. Không thể phủ nhận, nhạc sĩ Phạm Duy là cây cổ thụ trong nền âm nhạc Việt Nam. Và cũng không thể phủ nhận qua hai ca khúc phổ thơ này, nhạc của ông đã đưa tên tuổi của nữ sĩ Minh Đức Hoài Trinh đến gần với công chúng hơn. Một nhà văn bạn của nữ sĩ giải thích: “Đừng Bỏ Em Một Mình” ra đời sau khi Minh Đức Hoài Trinh nhìn thấy một đám tang đi qua.
Còn một điều khác ít người biết, ngoài việc là tác giả hai bài thơ được phổ nhạc vừa kể, thì “Ai Trở Về Xứ Việt” của Phan Văn Hưng mà nhiều người thuộc làu cũng là thơ của Minh Đức Hoài Trinh. “Ai Trở Về Xứ Việt” được viết từ năm 1962 tại Paris, Pháp, sau năm 1975 lại trở thành một trong những nhạc phẩm vang lên ở cộng đồng người Việt tha hương.