“Thủy tổ” của Instagram có lẽ là gương Claude.
Gương được tráng đen.
Người đầu tiên dùng gương Claude là nhà thơ Anh Thomas Gray. Từ năm 1769, ông thường mang theo tấm gương nhỏ xíu tráng đen để ngắm cảnh hoàng hôn. Hình ảnh phản chiếu trong đó sẽ có màu dịu nhạt tương tự các hiệu ứng tạo vẻ cổ điển trên ứng dụng sửa ảnh Instagram. Gương Claude được đặt theo tên của họa sĩ Pháp Claude Lorrain, người vẽ các bức tranh với phong cách tương tự.
Tranh của Claude.
Sau này, gương Claude bắt đầu được sử dụng rộng rãi, bắt đầu từ tầng lớp trí thức và quý tộc như một cách thưởng ngoạn đẳng cấp. Họ quay lưng về phía phong cảnh, điều chỉnh tấm gương để lấy được đúng khuôn hình y như động tác chụp ảnh selfie ngày nay.
Hình trong bài luận của Gilpin.
Vật dụng bé bằng lòng bàn tay đã thay đổi hoàn toàn nền du lịch nước Anh. Họa sĩ William Gilpin đã vẽ lại hồ District nhìn qua gương Claude để đưa vào bài luận, với khuôn hình cắt tròn và cảnh vật nhìn từ xa theo đúng “mốt” Instagram hiện giờ, khiến lượng khách tới đây tăng vọt.
Sau đó, các họa sĩ khác cũng đua nhau vẽ những bức tranh tương tự, và để trở nên khác biệt, họ đã sửa đổi một số chi tiết so với sự thật nhằm “đảm bảo bố cục tự nhiên”. Điều này dẫn tới hậu quả là nhiều người than phiền rằng tại sao cảnh chẳng hề giống như quảng cáo, và đã bắt đầu có những du khách bực bội vì phải chen chúc trong đám đông nhốn nháo thay vì cuộc dã ngoại bình yên như kế hoạch. Còn người địa phương rất khó chịu với những du khách cầm gương Claude chĩa tứ phía. Vào thời hiện đại, vỡ mộng do du lịch dựa trên Instagram không phải hiếm và cũng có nhiều chỉ trích việc giới trẻ selfie mọi lúc mọi nơi, không khác gì cảnh tượng 200 năm trước.
Hai bức tranh cùng một địa điểm nhưng mô tả hoàn toàn khác nhau.
Tới năm 1812, sau hơn 40 năm, gương Claude dần thất sủng, nhất là khi nhà văn William Combe viết “Hành trình của Tiến sỹ Syntax” kể lại hành trình Syntax lặn lội khắp nơi, gặp nhiều chấn thương nhưng vẫn liều mình để tìm những phong cảnh đẹp nhằm viết một cuốn sách thật ấn tượng. Sách viết: “Tôi sẽ tới đây, tới kia và ghi lại hết tất cả”, tiến sỹ Syntax nói về ước mơ trở thành người du lịch có tiếng tăm. Còn ở thế kỷ 21, Syntax chắc sẽ viết hàng chục cái hashtag trên mạng xã hội.