Site icon Tạp chí Đáng Nhớ

Thanh Hóa – Mênh mang điệu hò sông Mã

Thanh Hóa, dải đất miền Trung, miền đất thiêng của những thần tích, của nền văn hóa Đông Sơn, của thành lũy nhà Hồ, và của điệu hò Sông Mã… Tất cả đã làm nên một Thanh Hóa diệu kỳ.

Hào hùng văn hóa Đông Sơn

Dù Thanh Hóa không phải là nơi duy nhất có nền văn hóa Đông Sơn, nhưng cái tên “Đông Sơn” là được đặt theo địa phương nơi các dấu tích đầu tiên của nền văn minh này được phát hiện, gần sông Mã, Đông Sơn, Thanh Hóa. Chính vì vậy, nhắc đến văn hóa Đông Sơn, người ta không khỏi nghĩ đến Thanh Hóa.

Có những nghiên cứu cho rằng văn hóa Đông Sơn là cơ sở cho những nhà nước văn minh đầu tiên của người Việt, như nước Văn Lang của các Vua Hùng, hay nước Âu Lạc của An Dương Vương.

Theo một nghiên cứu gần đây, văn hóa Đông Sơn là thời kỳ kế thừa của nền văn hóa tiền sử Phùng Nguyên của người Việt Cổ. Văn hóa Phùng Nguyên có niên đại cách ngày nay khoảng 4.000 năm, và có thể coi là nền văn hóa đồ đồng có niên đại xa xưa nhất so với các nơi khác trong vùng Đông Nam Á và Đông Bắc Á.

Văn hóa Đông Sơn cho thấy sự cảm nhận tinh tế của các cư dân thời đó qua khả năng chạm khắc, tạo hình đặc sắc và một đời sống ca múa nhạc phong phú. Hình chạm khắc trên trống đồng Đông Sơn có những hình người thổi kèn, các vũ công đầu đội mũ lông chim trĩ hay chim công, nhà sàn của cư dân vùng nhiệt đới Đông Nam Á, cùng với hình ảnh của các loài chim cổ.

Trống đồng Đông Sơn.

Đồ dùng Đông Sơn gồm có các loại thạp, có nắp hay không nắp, với những đồ án hoa văn trang trí phức tạp, những thổ hình lẵng hoa có chân đế và vành rộng, các loại gùi, vò, ấm, lọ, chậu. Đó là bằng chứng về một xã hội phức tạp trên cơ sở các đại gia đình, các dòng họ trong cộng đồng. Chính vì vậy, đặc trưng cơ bản của Văn hoá Đông Sơn là tính thống nhất trong đa dạng.

Đỉnh cao của văn hoá Đông Sơn là nghệ thuật đúc đồng Đông Sơn mà ở đó, người Việt cổ đã hoàn toàn làm chủ nguyên liệu và công nghệ chế tạo đồng thau. Đồ đồng đúc có mặt trong toàn bộ đời sống vật chất tinh thần của người Đông Sơn. Kỹ thuật luyện kim và đúc đồng thời này đã đạt đến trình độ hoàn mỹ. Đồ đồng thuộc văn hóa Đông Sơn không thể lẫn với bất cứ nền văn hóa khảo cổ nào khác trên thế giới. Trống đồng là loại di vật điển hình nhất của văn hóa Đông Sơn.

Trống đồng đông sơn cho thấy nét văn hóa đặc thù của người Việt cổ: tiếng trống gắn liền đời sống qua ngàn năm, tiếng trống cầu mưa thuận gió hòa, tiếng trống báo hiệu mùa màng bội thu, tiếng trống giục giã mang khí phách hào hùng của hồn Việt.

Thành nhà Hồ với kiến trúc độc đáo

Thành nhà Hồ hay còn gọi là thành Tây Đô hay thành An Tôn, là kinh đô nước Đại Ngu (quốc hiệu Việt Nam thời nhà Hồ). Đây là tòa thành kiên cố với kiến trúc độc đáo bằng đá có quy mô lớn hiếm hoi ở Việt Nam, có giá trị và độc đáo nhất, duy nhất còn lại ở Đông Nam Á.

Theo sử liệu, vào năm 1397, trước nguy cơ đất nước bị giặc Minh từ phương Bắc xâm lăng, Hồ Quý Ly đã chọn đất An Tôn (nay là Vĩnh Lộc, Thanh Hóa) để xây dựng kinh thành nhằm chuẩn bị cho một cuộc kháng chiến lâu dài, đồng thời cũng là cách để hướng lòng dân đoạn tuyệt với nhà Trần. Thành được xây dựng trong thời gian ngắn, chỉ khoảng 3 tháng (từ tháng Giêng đến tháng 3 năm 1397) và cho đến nay, dù đã tồn tại hơn 6 thế kỷ nhưng một số đoạn của tòa thành này còn lại tương đối nguyên vẹn.

Thành nhà Hồ.

Thành nhà Hồ gồm 3 bộ phận, La thành, Hào thành và Hoàng thành. La thành là vòng ngoài cùng, chu vi khoảng 4 km. Hào thành được đào bao quanh bốn phía ngoài nội thành, cách chân thành theo các hướng khoảng 50 m. Công trình này có nhiệm vụ bảo vệ nội thành.

Hoàng thành được xây dựng trên bình đồ có hình gần vuông. Bốn cổng thành theo chính hướng Nam – Bắc – Tây – Đông gọi là các cổng Tiền – Hậu – Tả – Hữu. Mỗi cửa đều được mở ở chính giữa. Các cổng này được xây dựng theo kiến trúc hình mái vòm. Những phiến đá trên vòm cửa đục đẽo hình múi bưởi, xếp khít lên nhau.

Cổng tiền (cổng phía Nam) là cổng chính, có ba cửa, còn ba cổng khác chỉ có một cửa. Tường thành cao trung bình 5 – 6 m, chỗ cao nhất là cổng tiền cao 10 m. Nối liền với cửa Nam là con đường Hoa Nhai lát đá dài khoảng 2,5 km hướng về đàn tế Nam Giao, nơi nhà vua tế lễ.

Thành nhà Hồ.

Toàn bộ tường thành và bốn cổng chính được xây dựng bằng những phiến đá vôi màu xanh, được đục đẽo tinh xảo, vuông vức, xếp chồng khít lên nhau. Những phiến đá nặng hàng tấn chỉ xếp lên mà không cần chất kết dính vẫn đảm bảo độ bền vững.

Qua hơn 600 năm cùng những biến cố thăng trầm của lịch sử và tác động của thời tiết, hệ thống tường thành nhà Hồ còn khá nguyên vẹn, dù thời gian xây dựng rất gấp gáp, chỉ trong khoảng 3 tháng.

Thành nhà Hồ.

Được xây dựng và gắn chặt với một giai đoạn đầy biến động của xã hội Việt Nam, với những cải cách của vương triều Hồ và tư tưởng chủ động bảo vệ nền độc lập dân tộc, thành nhà Hồ còn là dấu ấn văn hóa nổi bật của một nền văn minh tồn tại tuy không dài, nhưng vẫn là một trang sử Việt.

Vùng đất thiêng với những truyền thuyết về Thần

Ngọn núi Thạch Bi ở Thanh Hóa không biết từ khi nào xuất hiện một chữ “Thần” bằng Hán tự, nét chữ mềm mại và tinh xảo, xung quanh cũng không có lối đi nào có thể tiếp cận được di tích này. Chữ “Thần” này cách mặt đất 20 m, rộng 3 m, cao 3,5 m. Bên cạnh chữ “Thần” còn có các chữ nhỏ khác nữa, nhưng vì nước chảy và rêu bám khiến chúng bị lu mờ, không còn có thể đọc được. Nước từ trên núi nhỏ xuống, chảy qua chữ “Thần”, trông như một dòng nước mắt vậy.

Núi có chữ Thần

Phương thức mà người xưa dùng để điêu khắc chữ “Thần” cho đến hiện tại vẫn còn là một điều bí ẩn. Có một cái hang xuyên thẳng từ chân núi lên tới đỉnh núi, song không có ngách nào vươn ra tới vách đá, nơi tạc chữ Thần, xung quanh vách đá cũng không có điểm dừng chân. Vậy người xưa đã làm thế nào để tạc được một chữ “Thần” to lớn và công phu đến như vậy?

Theo một truyền thuyết thì khi vua Lý Thái Tông đưa quân xuống đánh Chiêm Thành ở phía Nam, đi ngang qua cửa biển Thần Phù thì gặp sóng to gió lớn khiến không thể tiến quân. May nhờ có một vị đạo sĩ cao cường giúp gió lặng sóng yên, đoàn quân mới có thể đi tiếp. Thắng trận trở về, nhà vua cho lập đền thờ tưởng nhớ vị đạo sĩ nọ. Đền thờ có tên là Áp Lãng chân nhân và nhà vua gọi tên nơi này là cửa biển Thần Phù, hay còn gọi là Thần Đầu.

Vùng đất Thanh Hóa còn gắn liền với câu chuyện về Từ Thức gặp tiên. Chuyện kể rằng Từ Thức vốn là người nhân hậu, đã hiệp nghĩa cởi áo gấm đền bù, cứu giúp một cô gái xinh đẹp vào ngày hội. Sau này chàng từ quan, vui thú thanh nhàn, đã đi lạc vào hang động tại cửa biển Thần Phù, rồi bất ngờ lọt vào chốn tiên cảnh. Tại đây, Từ Thức gặp lại nàng thiếu nữ Giáng Hương, chính là người chàng cứu thuở nào. Hai người nên duyên vợ chồng kể từ đó.

Động Từ Thức

Kết hôn được một năm, Từ Thức nhớ nhà, nhất quyết xin về thăm. Cảm thông nỗi niềm của chồng, Giáng Hương sắm xe và gài sẵn phong thư kín nói lời ly biệt. Từ Thức về đến quê nhà thì tất cả đều đã đổi thay, chàng hỏi thăm một cụ già râu tóc bạc phơ thì mới biết đó là cháu nội của mình. Khi Từ Thức muốn trở lại cõi tiên với vợ thì chẳng còn cơ hội, trước cửa động dây leo chằng chịt đan kết thành những chiếc võng. Ngày nay người ta gọi đây là động Từ Thức, hay động Bích Đào, nằm trên địa bàn xã Nga Thiện, huyện Nga Sơn.

Mênh mang điệu hò sông Mã

“Vắng cơm một bữa chẳng sao
Vắng em một bữa lao đao cả ngày
Vắng em chỉ một phiên đò
Trầu ǎn chẳng có chuyện đò thì không”

Các làn điệu Hò sông Mã được hát theo lối xướng – xô, câu kể của một người bắt cái (thường là người cầm lái) được luân phiên với câu đồng thanh phụ họa của các trai đò.

Các điệu hò được thể hiện theo suốt chặng đường đò đi. Khi con thuyền bơi ngược dòng nước, người ta thể hiện điệu Hò đò ngược, sau mỗi câu kể của người bắt cái như hiệu lệnh để cùng thống nhất động tác lấy đà, các trai đò vừa hùa nhau hát câu xô vừa chống sào đẩy thuyền tiến về phía trước. Khi con thuyền phải đối đầu với thác gềnh, các câu xướng – xô trong Hò vượt thác đều ngắn gọn, chắc nịch. Khi thuyền thong dong trôi theo dòng nước êm ả, người giữ tay lái cất giọng hò các làn điệu Hò xuôi dòng, bốn trai đò chia ra hai bên mạn thuyền thong thả chèo vừa hòa giọng xô vừa nhịp nhàng giậm chân lên mặt ván.

Trong đêm khuya thanh vắng. Khoảng nửa đêm đến sáng trong cảnh tĩnh lặng mênh mông, tiếng Hò khuya đưa khách vào giấc nồng. Lúc thuận buồm xuôi gió, thảnh thơi ngơi chèo, cũng là lúc trai đò tha hồ tâm tình ngẫu hứng. Cùng chia sẻ buồn vui với các chàng trai đò là những khúc hát của các nàng khách buôn trên thuyền và đôi khi cả các cô gái ở dọc bên bờ sông . Có khi chẳng biết mặt biết người trên bờ, nhưng mê tiếng hát, phục tài đối đáp đến nỗi thuyền phải cắm lại để hò với nhau vài ba câu.

Đặc sản Thanh Hóa

Nem chua, chả tôm, bánh cuốn, gỏi cá, mắm tép, bánh răng bừa, bánh gai hay đồ hải sản đều là những món ngon xếp vào hàng đặc sản mà người dân Thanh Hóa tự hào giới thiệu khắp chốn.

Nem chua Thanh Hóa được làm từ thịt nạc, bì thái chỉ, hạt tiêu, ớt, tỏi và lá đinh lăng, gói bên ngoài bởi rất nhiều lớp lá chuối. Thịt nạc được chọn là loại thật nạc, ngon, tươi, không dính mỡ, không dính gân, trộn đều với bì luộc thái chỉ, gia vị. Không thể thiếu một chút ớt cho thêm đậm đà, tiêu để dậy mùi, một chút tỏi để khử trùng và một vài lá đinh lăng.

Chả tôm Thanh Hóa

Chả tôm là món ăn độc đáo và lạ miệng với những thực khách phương xa. Người Thanh Hóa sáng tạo và chế biến món ăn này khá cầu kỳ: Tôm băm hoặc xay nhuyễn, cho vào ít bột gấc để tạo màu, sau đó trộn cùng thịt ba chỉ bằm đã được xào vàng cùng hành, tỏi để tạo thành hỗn hợp nhân. Bánh được gói bằng bánh phở vuông nhỏ bằng lòng bàn tay, xếp vào vỉ, đem nướng trên bếp than hoa. Khi chín tỏa ra mùi thơm quyến rũ, ăn vào thấy mềm ngọt đậm đà.

Gỏi cá nhệch là món ngon nức tiếng ở vùng quê Nga Sơn của tỉnh Thanh. Món ăn khiến người ta nhớ đến cả một vùng xứ sở bởi gỏi nhệch ở đây mang nét vị riêng có. Nếu những nơi khác ăn gỏi kèm mắm tôm, nước mắm thì điểm nhấn cho gỏi cá Nga Sơn chính là chẻo nhệch. Chẻo ăn cùng gỏi cá là bí quyết làm nên sự khác biệt, được chế biến từ xương cá giã nhuyễn chưng cùng mẻ chua và các loại gia vị đặc trưng khác. Chẻo bày ra bát nhỏ, có màu đỏ sậm, đặc sánh, đậm đà, váng mỡ và thơm nức mũi.

Gỏi cá nhệch

Bánh gai Tứ Trụ hay bánh gai làng Mía là loại bánh đặc sản của làng Mía, xã Thọ Diên, huyện Thọ Xuân. Nguyên liệu bánh gai chia thành hai phần gồm vỏ và nhân. Trong đó, vỏ chỉ gồm gạo nếp và lá gai còn phần nhân có mỡ lợn, đậu xanh, dừa và hạt sen. Bánh gai được gói bằng lá chuối khô, hấp chín trong vòng 2 giờ. Chiếc bánh gai đạt chuẩn phải mịn và thơm ngon, có vị dẻo thơm của lá gai và gạo nếp, hương thơm của dầu chuối, vị ngọt của mật mía, mùi thơm thanh dịu của đậu, vị béo ngậy của thịt, mùi thơm thoảng của vừng và hương vị tự nhiên của lá chuối khô.

Những đặc sản Thanh Hóa mang đậm phong vị quê hương là cả một sự khám phá đầy lôi cuốn đối với thực khách.

Thanh Phong

Kiến trúc sư Châu Á duy nhất đạt giải Khôi Nguyên La Mã

Với nhiều công trình nổi tiếng để lại như dinh Độc Lập (nay là Hội trườngThống Nhất), Viện Hạt Nhân Đà Lạt, Viện ĐH Huế, Đại Chủng Viện Đà Lạt,...

Gặp sắc dục chẳng động tâm, thời thời nghiêm khắc giữ mình

Cổ nhân có câu: “Vạn ác dâm vi thủ”, tà dâm chính là một tội ác, là điều mà những bậc chính nhân quân tử đều nghiêm khắc giữ mình, không bao...

Nguồn gốc của cách gọi Sư tử Hà Đông

"Sư tử Hà Đông" là một thuật ngữ phổ biến trong văn hóa dân gian Việt Nam. Nhiều người vẫn dùng hình ảnh trên, để nói về những bà vợ...

Tìm hiểu về lịch sử của người Lạc Việt

Trong những ghi chép về cộng đồng tộc Việt trong lịch sử, thì Lạc Việt là một trong những tên tên gọi được các sách sử Trung Hoa ghi chép...

Tượng đài có số phận đặc biệt nhất xứ Huế

Được đúc từ thập niên 1970, phải đến năm 2012 tượng đài nhà yêu nước Phan Bội Châu ở Huế mới chính thức được khánh thành. Vì sao lại như...

Giặc Cờ từ phương Bắc – Kỳ 1/3 – Giặc Cờ Trắng

Quân Cờ Trắng (白旗軍, Hán Việt: Bạch Kỳ quân) là một đảng cướp thổ phỉ, có nguồn gốc từ tàn quân của phong trào Thái Bình Thiên Quốc (Trung Quốc) kéo sang Việt...

Tết Nguyên Đán và Lễ Nghênh Xuân

Nguyên = đầu, Ðán = buổi sớm mai. Nguyên Ðán là buổi sớm mai của đầu năm. Tết Nguyên Ðán là cái lễ đầu tiên của năm mới, vào ngày...

Tết nguyên đán có từ bao giờ?

Nguồn gốc Tết Nguyên Đán, hay nói ngắn hơn là Tết có từ đời Ngũ Đế, Tam Vương. Đời Tam Vương, nhà Hạ, chuộng mẫu đen, nên chọn tháng đầu...

Hán học ở bên Pháp

Cảm tưởng sau khi đọc bức thư luận học của người bạn ở Paris Sinh ra trong nước Việt Nam, nước người ta bảo nhau rằng có văn hiến bốn...

Để móng tay dài là một cách khẳng định địa vị xã hội ở Việt Nam thời thuộc địa

Móng tay dài là hình ảnh không hiếm gặp ở Việt Nam thời thuộc địa. Trong xã hội cũ, để móng tay dài là một cách khẳng định địa vị...

Những bức ảnh gây sốc về Haiti

Haiti sở hữu nhiều cái "nhất", nhưng đáng tiếc đây lại là những kỷ lục chẳng ai mong muốn. 1. Haiti luôn nằm trong danh sách những quốc gia nghèo...

Về chiếc khèn trong văn hóa Việt

Chúng ta thường đặt câu hỏi về nguồn gốc của nhạc cụ mà được gọi là khèn bè. Có nhiều nhà khoa học cho rằng nhạc cụ nầy đến từ...

Exit mobile version