Trong thời gian Nguyễn Hoàng trấn thủ tại Thuận Hóa, trang phục của người dân ở đây cũng giống như ngoài Bắc nhưng càng tiến về phương Nam, trang phục của người dân Đàng Trong càng có những đặc điểm khác biệt so với trang phục của người dân Đàng Ngoài.
Năm 1680, khi người Hoa vào Đàng Trong thì trang phục người dân ở đây đã bị ảnh hưởng nhất định.
Theo như cuốn Gia Định thành thông chí của Trịnh Hoài Đức, người Việt ta thời đó noi theo tục cũ Giao Chỉ: “Người quan chức thì đội khăn cao sơn, mặc áo phi phong, mang giày bì đà, hạng sĩ thứ thì bới tóc, đi chân trần, con trai con gái đều mặc áo vắn tay bâu thẳng, may kín hai nách, không có quần, con trai dùng một miếng vải buộc từ sau lưng thẳng đến dưới háng quanh lên đến rún, gọi là cái khố, con gái có người không mặc váy, đội nón lớn, hút điếu binh, ở nhà thấp, trải chiếu ngồi dưới đất, không có bàn ghế”.
Cũng theo cuốn Gia Định thành thông chí, đến thời gian chúa Thế Tông Nguyễn Phước Khoát cai trị, một biến động lớn trong việc cải cách trang phục đã diễn ra. Khi đó, triều đình quy định cư dân Đàng Trong mặc trang phục giống người Tàu, phụ nữ mặc quần thay vì váy như người Đàng Ngoài. Điều này nhằm tạo ra sự khác biệt giữa Đàng Trong và Đàng Ngoài.
Lịch sử của chiếc áo bà ba
Đến hiện tại, cách mặc của người dân Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) cũng giống các vùng miền khác trong nước. Tuy nhiên, do đặc điểm địa hình, thời tiết và khí hậu của vùng mà người dân nơi đây đã chọn trang phục phù hợp, mang tính đặc trưng riêng.
Do người dân ĐBSCL sống chủ yếu sống bằng nông nghiệp và thường phải làm việc trong điều kiện thời tiết khắc nghiệt nên trang phục của họ thường có gam màu đen, nâu sậm. Trừ khi có tiệc tùng lễ hội, người dân nơi đây ít khi mặc màu trắng. Họ sử dụng lá bàng, vỏ trâm bầu và trái mặc nưa để nhuộm vải.
Đến đầu thế kỷ XX, áo bà ba và khăn rằn trở thành trang phục phổ biến của người dân vùng ĐBSCL. Tuy nhiên đến nay chưa có tư liệu về nguồn gốc của chiếc áo bà ba này.
Cũng có quan điểm cho rằng áo bà ba bị ảnh hưởng và cách tân từ áo lá và áo xá xẩu của người Hoa. Đây là kiểu áo cứng, xẻ giữa, cài nút thắt… Do thời tiết vùng ĐBSCL quanh năm nóng bức nên người dân đã bỏ luôn chiếc cổ thấp của áo lá và áo xá xẩu, mang thêm áo quanh chân cổ. Ngoài ra, ao xẻ giữa thay vì cài nút thắt đã được làm khuy, cài nút nhựa do ảnh hưởng phương Tây.
Thời ấy, nông dân ĐBSCL thường mặc áo bà ba màu đen được may vải một, vải ú, vải sơn đầm… Áo bà ba có nhiều tiện ích, như xẻ hai bên hông cho thoải mái, túi to bên vạt để đựng vật dụng nhỏ như thuốc, diêm, tiền…
Vì tiện dụng và thoải mái, cả nam và nữ ở vùng ĐBSCL đềy chọn mặc áo bà ba khi làm đồng, đi chợ, đi chơi. Tuy nhiên, khi đi chơi, họ chọn màu nhẹ hơn, như trắng, xám tro. Phụ nữ thường chọn màu mạ non, xanh lơ nhạt và vải chất liệu cao cấp hơn.
Đến trước năm 1975, phụ nữ thành thị đã cải tiến áo bà ba để giữ tính dân tộc và tạo nét đẹp hiện đại hơn. Áo dài và bà ba ngày nay không còn rộng và thẳng như xưa, mà được may ôm sát thân hình, tôn dáng vóc.
Ngoài ra, áo bà ba còn được sáng tạo phong phú kiểu sáng, loại vải, chú ý hơn vào các tiểu tiết như cổ áo như lá sen, cánh én, đan tôn,… Các kiểu đường may tay áo cũng được cải tiến hơn.
Cụ thể, thay vì kiểu may áo cánh liền thân với tay như xưa, người ta đã nghĩ ra cách may tay áo rời ở bờ tay áo. Đặc biệt, trong những năm 1970, ở thành thị miền Nam, kiểu may tay raglan trở nên phổ biến và mang đến vẻ đẹp hiện đại cho chiếc áo dài và bà ba truyền thống.
Những năm này cũng thịnh hành các loại vải ngoại với các màu sắc đa dạng. Những quý cô thành thị khi ấy thường chọn hàng tétơrông, soa, mousơlin… để may loại áo bà ba này.
Những điều chưa biết về chiếc khăn rằn
Ngoài áo bà ba, khăn rằn cũng gắn liền với hình ảnh người dân ĐBSCL. Lịch sử chiến khăn rằn đã xuất hiện cùng những con người khai hoang mở cõi phía Nam của Tổ quốc.
Qua các nghiên cứu, nhiều người cho rằng khăn rằn bắt nguồn từ người Khmer. Khăn rằn dài 1,2 m, rộng 40 – 50 cm thường có hai màu đen và trắng hoặc nâu và trắng, các màu xen kẽ thành lằn ngang, đan chéo tạo ô vuông nhỏ trên khăn.
Chiến khăn rằn thời ấy được nhiều tầng lớp sửa dụng, từ người lao động đến điền chủ và nhà giàu có. Khăn rằn cũng quàng cổ, đầu trước ngực, đầu sau lưng, hoặc hai đầu buông trước ngực, kết hợp với quần áo bà ba tạo nét đặc trưng cho cư dân nơi đây.
Bên cạnh chiếc áo bà ba và chiếc khăn rằn, công chức, thương gia, điền của của vùng ĐBSCL ăn mặc có phần sang trọng hơn. Đến cuối thế kỷ XX khi phong trào Âu hoá xuất hiện thì những tầng lớp này đã chịu ảnh hưởng cách phục sức của phương Tây.
Lúc này, họ ít mặc các trang phục truyền thống hơn mà chọn áo vét-tông, giày mỏ vịt, sơ mi cổ cồn, thắt cà vạt…
Khi cần trang phục lịch sự trong các ngày lễ, thì người dân chọn khăn đóng áo dài, với áo dài xuyến hoặc lương đen và quần trắng bằng lụa hay vải. Bộ trang phục này thường mặc khi dự lễ cúng đình, đám cưới, hoặc hiếu, hỉ.
Ngày nay, đời sống nâng cao, nhu cầu mặc đẹp phát triển. Người ta sắm trang phục đẹp, đắt tiền theo khả năng. Giao lưu với văn hóa phương Tây mang lại nhiều trang phục mới. Tuy nhiên, khăn rằn và áo bà ba vẫn giữ vững vai trò biểu tượng đặc trưng của người dân ĐBSCL.