Site icon Tạp chí Đáng Nhớ

Tinh hoa chợ nổi miền sông nước

Đồng bằng sông Cửu Long là miền sông nước, di chuyển rất dễ dàng trên các kênh lạch, chợ búa họp nhau cũng tiện lợi ở những điểm hợp lưu các sông ngòi. Ẩn dấu trong lòng chợ nổi không chỉ là tầng sâu văn hoá bản địa riêng của Miền Tây mà còn là hồn thiêng của cả vùng đồng bằng sông Cửu Long. Tinh hoa sông nước thể hiện nơi chợ nổi vì nó lưu dấu bước chân tiền nhân, làm dây liên lạc giữa quá khứ và hiện tại. Thói quen, tập quán, tâm linh cùng sáng tạo văn hoá kinh tế thương mãi của ông cha đã thành hình và hoàn thiện hơn một thế kỷ trên vùng đất mới. Nói chung, các ngôi chợ nổi phần lớn lâu đời và đậm nét văn hóa miền Nam mới lạ.

Chợ thường vẫn còn mang nét nông thôn bình dị hấp dẫn, vẫn giữ được cái hồn đặc trưng Miền Tây với chiếc áo bà ba khăn rằn mua bán trên ghe, câu vọng cổ mùi mẫn miên man, điệu hát dân gian ngọt ngào ca cổ, những câu nói thân thương đậm chất Nam Bộ. Đến chợ nổi khách lạ hòa mình với thiên nhiên, sông nước, buổi sáng sớm bồng bềnh trên những chiếc ghe, ngắm bình minh lên dần sau những mái ghe, cảm nhận khung cảnh nhộn nhịp chợ nổi trên sông. Khi mặt trời khuất bóng sau rặng cây cũng là lúc phố nổi lên đèn, những ánh đèn lung linh đổ bóng làm cho cả một đoạn sông trở nên sống động, rực rỡ đầy sắc màu. Đến chợ nổi khách chắc chắn cảm nhận được nhiều điều mới lạ của chốn sông nước Miền Tây nổi tiếng với sáu ngôi chợ độc đáo.

Chợ nổi Phụng Hiệp

Chợ nổi Ngã Bảy còn gọi chợ nổi Phụng Hiệp nằm ở xã Ngã Bảy tỉnh Hậu Giang. Ngoài đồ dùng sinh hoạt miền sông nước, chợ bán mỗi thuyền một loại trái cây, chôm chôm, măng cụt đỏ tươi, sầu riêng thơm ngát,…. Chợ nổi Cái Răng nổi tiếng đất Tây Đô là điểm tựa đặc biệt Cần Thơ. Chợ buôn bán các loại trái cây nổi tiếng của vùng đất phương Nam từ bưởi năm roi Vĩnh Long đến quýt hồng Lai Vung hay sầu riêng Cái Mơn.

Chợ nổi Ngã Năm nằm tại thị trấn Ngã Năm tỉnh Sóc Trăng, ở vị trí giao nhau của năm con sông: Cà Mau, Vĩnh Quới, Long Mỹ, Thạnh Trị, Phụng Hiệp. Chợ có hầu hết sản vật của đồng bằng sông Cửu Long từ các loại gạo nổi tiếng của vựa lúa miền Tây đến các loại rau quả của miệt vườn Nam Bộ cùng tôm, cua, cá, sản vật đặc trưng của vùng sông kênh lạch.

Chợ nổi Cái Bè nằm tại huyện Cái Bè tỉnh Tiền Giang, ở cù lao Tân Phong trên sông Tiền rộng lớn giáp ranh giữa ba tỉnh Tiền Giang, Vĩnh Long và Bến Tre. Chợ là nơi mua bán trao đổi hàng hóa, làm trạm trung chuyển trái cây, sản vật đi khắp vùng.

Chợ nổi Long Xuyên, tương đối nhỏ, nằm dọc theo một bên của dòng sông Hậu đỏ nặng phù sa, cách thành phố Long Xuyên khoảng hai cây số. Hàng hóa chủ yếu ở đây là các loại hoa màu như rau, dưa, cà, cải, bí, khoai… và các món ăn vặt nổi tiếng của vùng đất An Giang như bún cá, bánh tầm, bánh da lợn…

Chợ nổi Trà Ôn nằm trên dòng sông Hậu của huyện Trà Ôn tỉnh Vĩnh Long. Chợ nhóm họp theo con nước, buổi sáng chợ đông đúc nhưng tấp nập hơn là lúc con nước bắt đầu lên, nước càng lớn thì ghe, thuyền càng đông. Ðến đây khách phải thưởng thức món ăn đặc sản nổi tiếng bún bò viên ăn kèm với rau chuối, tìm nghe những điệu hát ngọt ngào của Tình anh bán chiếu, Dạ cổ hoài lang trên quê hương của nghệ sĩ lừng danh Út Trà Ôn.

Ði khắp Nam Kỳ Lục Tỉnh 
Chợ nào nổi hơn Chợ Nổi Trà Ôn 
Bước xuống sông ướt mèm câu vọng cổ 
Leo lên xuồng gặp ghe chiếu Cà Mau 
Giọng anh Mười Út ngọt ngào 
Sáu câu vọng cổ tươi màu quê hương!

Chợ nổi Phụng Hiệp

Chợ nổi Phụng Hiệp

Chợ nổi Phụng Hiệp (chợ nổi Ngã Bảy) được thành lập từ năm 1915, mười năm sau khi cuộc đào kênh xáng bảy ngã sông Cái Côn, Xẻo Môn, Xẻo Dong, Bún Tàu, Lái Hiếu, Mang Cá, Sóc Trăng hình thành. Cách xa trung tâm thành phố Cần Thơ khoảng 30 cây số, chợ nhanh chóng mở mang sầm uất, mỗi ngày hơn 300 chiếc thuyền qua lại mua bán, trao đổi hàng hóa. Trở thành trung tâm đầu mối giao thông thủy lợi lớn nhất Nam bộ, chợ là một trung khu giao thương hàng hóa lớn miền cực Nam tác động mạnh lên thị trường nông sản miền Tây. Chính ở chợ đã phát sinh ngành nghề làm ghe chèo, làng đóng ghe truyền thống mấy trăm hộ ăn từ trên nửa thế kỷ.

Sản phẩm đồng bằng theo các dòng nước đổ tụ về Ngã Bảy, để rồi tung khắp miền Nam, ra tận đất Bắc, sau còn vượt biên giới đến với năm châu. Chợ tổng hợp, tự do mua sỉ, bán lẻ quanh năm đủ loại hàng hóa đa dạng, đồ dùng sinh hoạt, hàng thủ công mỹ nghệ, hàng nông thủy hải sản, gia cầm, trái cây, rau cỏ, rắn, rùa, chim, sóc, kỳ đà…. Hàng hoá tập trung ở đây với số lượng lớn, mỗi mặt hàng phải được phân loại cho đồng đều về chất lượng, kích cỡ và đóng vào thùng giấy. Nếu cư dân địa phương và các vùng lân cận thường sử dụng các ghe, xuồng chở các mặt hàng nông sản đến đây tiêu thụ, thì những ghe có trọng tải lớn của thương lái lại thu mua trái cây để phân tản đi khắp nơi. Hòa mình vào không khí nhộn nhịp của buổi chợ, khách lạ có phương tiện quan sát, tìm hiểu sinh hoạt của những gia đình thương lái với nhiều thế hệ chung sống trên ghe.

Có những chiếc ghe như “nhà di động” trên sông nước với những chậu trồng hoa kiểng, nuôi các loài vật. Ghe nào cũng đầy đủ các phương tiện sinh hoạt và có cả xe gắn máy chở trên ghe. Âm thanh chợ nổi là một bản hòa tấu tiếng máy nổ, mái chèo khua nước, sóng vỗ mạn thuyền. Người buôn bán ở chợ nổi thường không rao hàng, vì họ đã “bẹo” hàng trước mũi ghe, xuồng cho biết đang bán cái gì. Góp phần cho chợ nổi thêm phần sinh động là những chiếc ghe dịch vụ nhỏ gọn, len lỏi để áp sát ghe lớn bán hàng, bán thức ăn, thỏa mãn nhu cầu thương giới. Đồng thời hưởng thụ thích thú ăn sáng trên sông nước chập chờn, khách được phục vụ với giá cả bình dân, tiếp theo nụ cười tươi sáng cô gái Miền Tây. Nổi tiêng về quy mô rộng lớn, hàng hóa phong phú, ngôi chợ được người Pháp một thời vinh danh “Ngôi sao Phụng Hiệp” với dự kiến lập thành thương cảng cho cả vùng Hậu Giang sông nước miền Nam.

Chợ nổi Cái Răng

Sau hơn một thế kỷ mở mang phát đạt, ngôi chợ nổi Ngã Bảy đang phải trả giá niềm vinh quang của mình. Một mặt mật độ giao thông quá cao, lưu hành trên sông bắt đầu hết thông, có lúc gần như tắc nghẽn, mặt khác lượng rác tự do thải ra quá lớn, hậu quả là mức ô nhiễm tăng lên quá chừng. Từ năm 2002, để bảo đảm an toàn, chợ nổi buộc phải dời chỗ, bất chấp bất bình của dư luận, phần lớn cư dân dời về Ba Ngàn trên sông Cái Con cách ba cây số hay, đáng buồn hơn, dọn sang bồi bổ các chợ nổi khác, Ngã Năm, Trà Ôn, Cai Bè,… Bắt đầu từ đây, chợ hết còn đông đúc, cảnh quan hết còn nhộn nhịp, cảnh trí mất tính sầm uất, vẻ đẹp đặc trưng giảm đi rất nhiều mặc dầu trong rất lâu, tên chợ Ngã Bảy đã gắn liền với tên đoạn sông, thương hiệu du lịch Chợ nổi Phụng Hiệp đã từng nổi tiếng khắp vùng Đồng bằng sông Cửu Long.

Giờ đây, nhận thấy thương giới, người dân không biểu lộ tình cảm mặn nồng với ngôi chợ mới, khách du lịch cũng tỏ vẻ thất vọng trước ngôi chợ cũ thay dạng đổi hình, bộ Thương mãi Việt Nam và chính quyền tỉnh Hậu Giang cố ý ra sức khôi phục lại ngôi chợ nổi một thời đã là cửa ngõ miền Tây sông Hậu: tổ chức quy hoạch, ưu đãi khuyến khích đầu tư,… Chợ nổi Ngã Bảy trong rất lâu đã là một điểm dừng chân lý tưởng của khách du lịch trong và ngoài nước. Tuy nhiên, hiện nay, tỉnh Hậu Giang vẫn chưa có cơ quan chuyên trách quản lý và quảng bá cho du lịch chợ nổi, cơ sở vật chất phục vụ cho du lịch còn hạn chế, đa phần các tour du lịch từ nơi khác tự đến rồi tự đi… không có người hướng dẫn, không bến đỗ xe, không nơi bán hàng lưu niệm và cũng không có chỗ nghỉ, nên ít khi du khách dừng lâu.

Thị xã Ngã Bảy xác định chọn thương mãi, dịch vụ và du lịch là mũi nhọn để phát triển. Muốn khai thác du lịch ở đây, điểm mạnh vẫn là chợ nổi. Thị xã đang kêu gọi đầu tư xây dựng các mô hình vui chơi giải trí, tạo điều kiện để du khách được hòa mình vào cuộc sống sinh hoạt của người dân vùng sông nước, phát triển các mặt hàng lưu niệm, đặc sản và ngành nghề truyền thống để mang lại hiệu quả trong kinh doanh du lịch chợ nổi, nhằm phục vụ du khách được tốt hơn, đồng thời cũng là động lực để phát triển du lịch địa phương.

Chiếu Cà Mau nhuộm màu tươi thắm, 
công tôi cực lắm mưa nắng dãi dầu. 
Chiếu này tôi chẳng bán đâu, tìm cô không gặp, hòòòòo …… ooơơơi, 
tôi gối đầu mỗi đêm. 
Ghe chiếu Cà Mau đã cắm sào trên bờ kinh Ngã Bảy sao cô gái năm xưa chẳng thấy ra ……. chào. (Viễn Châu – Tình anh bán chiếu)

Chợ nổi Cái Răng

Chợ nổi Cái Răng

Nổi tiếng đất Tây Đô không chỉ có chợ nổi Cái Răng trên hệ thống kênh rạch, cảnh sắc nên thơ mà còn có vẻ đẹp thướt tha, bình dị cô gái đồng bằng châu thổ sông Cửu Long. Tương truyền vào năm 1785, trên đường tháo chạy vội vàng trước quân Tây Sơn, chúa Nguyễn Ánh buộc lòng phải để lại dọc đường hàng trăm cung tần mỹ nữ vào tạm trú không giới hạn thời gian ở các làng bên bờ sông Tiền, nay thuộc Nha Mân (Châu Thành, Đồng Tháp) và Mỹ Luông (Chợ Mới, An Giang). Trai thanh trong các làng không nề hà hưởng thụ của quý trời cho ẩy, những mỹ nhân trôi giạt lấy chồng người bản địa nay truyền lại con cháu là những cô gái đằm thắm, uyển chuyển Cần Thơ. Cần Thơ có bến Ninh Kiều, Có dòng sông đẹp với nhiều giai nhân. Chiếc cầu Cái Răng trên sông Cái Răng nằm cách trung tâm thành phố Cần Thơ khoảng 6 cây số, 30 phút đường thủy từ bến Ninh Kiều. Nét độc đáo và đặc điểm chính của chợ nổi Cái Răng là chuyên buôn bán các loại trái cây, đặc sản của vùng đồng bằng sông Cửu Long.

Thuở xưa, chợ nổi hình thành lúc phương tiện lưu thông đường bộ chưa phát triển, nhưng vì nhu cầu mua bán, trao đổi hàng hóa, dân cư đi lại bằng các phương tiện địa phương như xuồng, ghe, tắc ráng (máy đuôi tôm Kohler 7 được ông Sum cải tiến năm 1960)…. và tụ tập ngay trên sông. Ngày nay, dù mạng lưới giao thông đường bộ đã phát triển rộng khắp vùng, chợ nổi vẫn tồn tại và thấy như mỗi ngày càng sầm uất hơn. Như chợ nổi Phụng Hiệp, chợ nổi Cái Răng cũng là chợ đầu mối chuyên mua bán sỉ các loại trái cây, nông sản của vùng. Chợ nổi là một trong những điểm tham quan quan trọng nhất ở Cần Thơ, thể hiện một nét văn hóa rất đặc sắc vùng đồng bằng sông nước Cửu Long. Chợ hoạt động tấp nập từ tờ mờ sáng với nhiều loại thuyền bè lớn nhỏ. Các cửa hàng hay các ghe thuyền thường không có bảng hiệu, chợ bán sản vật gì người ta treo sản vật đó lên cây sào hoặc trên mũi thuyền. Người ta gọi cây này là “cây bẹo” như ở những chợ nổi khác.

Chợ Cái Răng thường họp khá sớm, thường từ lúc mờ sáng và đến khoảng 8, 9 giờ thì vãn. Nếu cư dân địa phương và các vùng lân cận thường sử dụng các ghe, xuồng trung bình chở các mặt hàng nông sản đến đây tiêu thụ thì những ghe bầu lớn là của các thương lái thu mua trái cây tỏa đi khắp nơi, sang tận Campuchia và Trung Quốc. Cũng có những chiếc ghe bầu chở các mặt hàng khác cung cấp cho bà con miệt vườn: xăng dầu, muối mắm, thuốc tây, bánh kẹo và nhu yếu phẩm. Ngày nay, do nhu cầu của người đi chợ, thương lái, các loại hình dịch vụ như phở, hủ tiếu, cà phê, quán nhậu nổi… cũng bắt đầu phát triển. Những chiếc xuồng này sẵn sàng len lỏi khắp nơi để phục vụ khách đi chợ một cách tận tình, chu đáo. Đứng trên cầu Cái Răng nhìn xuống sông, chợ nổi Cái Răng nhóm họp dài hơn nửa cây số, có chỗ trải ra gần hết mặt sông, trông như những mâm hoa trái khổng lồ đủ các sắc màu rực rỡ.

Chợ đã nổi từ nửa đêm về sáng 
Ta vẫn chìm từ giữa bữa hoàng hôn 
Em treo bẹo Cái Răng Ba Láng 
Ta thương hồ Vàm Xáng Cần Thơ 
Ta giang hồ nửa giấc lơ mơ 
Sóc Trăng Cà Mau An Giang Đồng Tháp (Huỳnh Kim – Chợ nổi Cái Răng)

Chợ nổi Damnoen Saduak

Chợ nổi Vọng Các

Không chỉ ở đồng bằng sông Cửu Long mới có chợ nổi. Xung quanh Bangkok cũng có nhiều chợ nổi talat nam, phần lớn trên các klong hay khlong. Những kênh đào nầy nối liền sông Chaon Phraya với các sông Tha Chin, Mae Klong, chằng chịt thành phố nên Bangkok còn được gọi thành “Venezia phương Đông”. Các klong đào ra để tiện việc giao thông, nay phần lớn vì ô nhiễm nên bị lấp thành đường, trừ ở xóm Thonburi. Ở trung tâm thành phố, có nhiều tàu thủy tốc hành đi lại trên Khlong Saen Saeb đào thời vua Rama III năm 1840 nay còn tồn tại. Chợ nổi một thời rất tiện lợi khi đường sá trên bộ chưa mở mang, nay chỉ còn là những vết tích mất nhiểu tính xác thực, được lưu giữ như di tích kỷ niệm và nhất là để phục vụ du lịch.

Phía Tây thành phố có chợ nổi Taling Chan, một trong ba chợ gần Bangkok nhất, được thành lập từ nhiều thế kỷ. Chợ họp những ngày cuối tuần và ngày nghỉ lễ, từ 9 giờ đến 16 giờ, bán các món ăn truyền thống Thái, món cá nước, cua hấp ngay trên thuyền, món tráng miệng và trái cây. Gần chợ nầy và không quá xa Bangkok là chợ nổi Bang Nam Pheung trên sông Chao Phraya mệnh danh “lá phổi xanh của thủ đô”, ít nhộn nhịp, không khí dễ chịu. Cuối tuần khách nên ghé qua chợ nổi Amphawa thưởng thức món pat thai cùng các món dân dã khác nếu đã không lưu lại ở đây vài ngày vì là một nơi nghỉ ngơi dễ chịu, yên bình. Khách có thể dùng xe đạp cuối tuần hay một vài ngày trong tuần đi đến chợ nổi Tha Kha chỉ cách Bangkok 8 cây số, một trong những ngôi chợ còn giữ ít nhiều một phần tính xác thực.

Một ngôi chợ tuy không xa nhưng hơi bất tiện vì giờ mở cửa cưỡng bức từ 4 đên 7 giờ sáng để dân cư đem rau quả lại bán sỉ: chợ nổi Bang Khu Wiang. Để đền bù, khách lạ được thưởng thức ở chợ nầy gần Bangkok một vài lối sống cổ truyền đang trên đưòng mai một. Trên lối tìm những yếu tố xác thực, chợ nổi Khlong Lat Mayom cống hiến khách hiếm hai phần hai bên đường: một bên bán rau trái, đồ lưu niệm làm bằng tay, bên kia một dãy quán với những đầu bếp soạn món ăn ngay trước mặt khách hàng, cá, cháo, cari, pad thai,… Và khách hàng ngồi ăn quanh các bàn nhỏ, lẫn lộn với khách ăn địa phương. Một chợ đáng kể nữa là chợ nổi Khlong Krung Kasem được Thủ Tướng Prayut khánh thành trong mục đích khuyến khích du lịch. Chợ mở cửa mồi ngày từ 12.02 đến 01.03.2015, từ cầu Prathai đến cầu Makkhawan, trong khuôn viên thành cổ mang tên đảo Rattanakosin. Tướng Prayut mong ước làm sống lại truyền thống văn hóa Thái một thời đã là nền phồn vinh của thành phố. Nhưng ngôi chợ nổi thu hút khách du lịch và được nói đến nhiều nhất là chợ nổi Damnoen Saduak.

Chợ nổi Damnoen Saduak

Chợ nổi Đâm-nơn Sà-đuộc

Mang tên có nghĩa “chợ di chuyển thuận tiện”, chợ nổi Damnoen Saduak năm ở huyện Damnoen Saduak, tỉnh Ratchaburi, cách xa thành phố Bangkok 105 cây số về phía Tây Nam. Được vua Rama V tức Chulakongkorn (1853-1868) ra lệnh xây dựng trên kênh đào klong Lat Phli năm 1866, chợ mau chóng trở nên sầm uất, đa dạng hàng hóa. Từ bến, những ghe thuyền mảnh mai len lỏi nhiều cây số vào các kênh rạch. Trên đất, lô được phân ra và bày bán la liệt hàng hóa. Khách mua hàng nông sản, trái cây, gia vị, hoa màu, hàng thủ công nghệ, hàng lưu niệm, quần áo may sẵn, sản phẩm chế biến. Ở “thiên đường mua sắm” nầy, khách có thể cả thả duỗi mình vào một cuộc đấm bóp Thái.

Khi tham quan chợ nổi, khách sẽ thấy rất nhiều hàng quán di động được bày bán, từ sọt trái cây tươi rói, những món ăn truyền thống như som tam, pad thai, thịt gà nướng cho đến những món ăn ngon miệng khác như một que kem mát lạnh phương Tây. Người mua, kẻ bán đều di chuyển bằng ghe chèo tay chậm rãi, trên đầy ắp những gia vị, trái cây, rau quả, thịt cá… Nhân danh “chợ nước” chỉ bán những sản phẩm tươi sống nên rất nhiều gia đình Thái chọn mua thực phẩm hàng ngày ở chợ nổi. Ngoài ra cũng có những thuyền di chuyển từ nhà này sang nhà khác để trao đổi hàng hóa. Không có cây bẹo thường thấy ở chợ nổi ở đồng bằng sông Cửu Long mà thay vào đó là các bảng hiệu như ở thành phố mới.

 

Tuy nhiên, ngày nay chợ nổi Damnoen Saduak cũng như những chợ nổi Thái khác, chỉ là địa điểm thu hút khách du lịch và ít nhiều đang còn là nơi du khách khám phá vài nét đẹp của cuộc sống người dân Thái trên kênh rạch. Chợ không có việc giao thương rộng lớn giữa các cư dân trong vùng nên ít thấy cảnh giao nhận, vận chuyển hàng hóa. Vì chỉ là cuộc mua bán nhỏ, lẻ, đặc biệt trực tiếp với khách du lịch, người Thái hay người nước ngoài, nên chợ cũng không nhóm từ khuya mà chỉ bắt đầu khi trời sáng. Du khách đến chợ thường nếm thử các món ăn địa phương trong suốt thời gian trên thuyền, nhất là những món ăn vặt, rồi tham quan, mua sắm các mặt hàng thủ công mỹ nghệ được bày bán thành một khu lớn trên các nhà sàn. Trên hai bờ kênh cũng là chợ, náo nhiệt và tấp nập đủ màu sắc mùi vị. Khách ra về đắm mình trong một bầu gia vị và hương liệu: hành, tỏi, ớt, gừng, lạc, mè (vừng), quế, hồi, hoa hòe, thảo quả… Ít nhất, ngôi chợ nổi giúp khách có được một ý niệm đời sống người dân Thái vào lúc họ còn sống trên nước nhiều hơn trên đất.

Chợ nổi Damnoen Saduak

Khác với hoàn cảnh ở đồng bằng sông Cửu Long, chính quyền Thái mong ước xúc tiến cuộc trở về nguồn khi muồn hồi phục một truyền thống của đất nước thật ra gây hứng thú cho khách du lịch nhiều hơn là lưu tâm quần chúng. Ngày nay, một số lớn cư dân Bangkok quên hẳn đã từng có một lối sống khác trên sông ngòi, kênh lạch ở thủ đô. Theo ông Thiranant Chuang-phichit, Giám Đốc Nghiên Cứu ở Trung Tâm Lịch Sử Klong Phadung Krungkasem tại Thonburi, muốn trở lại một lối sống trước kia, trước tiên cần phải phối hợp những tuyến đường tàu bè qua lại được với những phương tiện giao thông hiện đại.

(*) tài liệu internet, ảnh sao từ dương bản Phụng Hiệp (1998), Damnoen Saduak (1999), ảnh số Cái Răng (2005).

Vì sao ta lại cảm thấy khó chịu sau khi uống sữa

Sữa chứa nhiều dưỡng chất có lợi cho sức khỏe, nhưng nếu cơ thể bạn có những phản ứng hay triệu chứng khó chịu sau khi uống sữa thì cần...

Tháp Babel – Truyền thuyết và khoa học

Câu chuyện về Babel (hay còn gọi là Babylon) được ghi lại trong sách Sáng Thế. Theo đó, sau trận Đại hồng thủy, hậu duệ của Noah đã di cư...

Không chiến mà thắng mới là cảnh giới cao nhất

Thời kỳ Chiến Quốc cách đây khoảng 2500 năm trước, danh tướng Tôn Tử (545 TCN – 470 TCN) đã để lại một bộ binh thư “Binh pháp Tôn Tử” có ảnh hưởng sâu...

Giáo dục Việt Nam cổ (1075-1919) và việc kế thừa tinh hoa nền giáo dục ấy

1. Nếu xét giáo dục theo nghĩa rộng nhất của từ ngữ này, thì phải khẳng định rằng, nền giáo dục Việt Nam bắt đầu từ thời các vua Hùng....

Sở, Ngô, Việt có phải tộc Việt không?

Các quốc gia Sở, Ngô, Việt, là các quốc gia nổi tiếng trong lịch sử Trung Hoa, cũng đã có những giả thuyết cho rằng các quốc gia Sở, Ngô,...

Đi tìm ‘Hủ tiếu Mỹ Tho’ nơi xứ người

Tình thiệt mà nói, không phải tôi là dân Mỹ Tho mà luôn bênh vực cho những gì của quê nhà mình. Có lẽ tôi đi không tới và tìm...

Nội dung “bẩn” cho trẻ em trên Internet, từ đâu mà có?

Là một quốc gia có dân số trẻ và trình độ phát triển công nghệ - thông tin thuộc hàng nhanh nhất khu vực, không quá khó hiểu khi Việt...

Từ nguyên của HẺM & NGÕ

Nguồn gốc của hai từ “hẻm” và “ngõ” trong tiếng Việt? “Hẻm” và “ngõ” có thể được xem là một cặp đối lập về phương ngữ giữa tiếng Việt miền...

Cuộc sống lưu đày của vua Hàm Nghi qua lời kể của nữ nhà văn Nga

Ngôi biệt thự này dường như được tạo ra cho hạnh phúc, cho niềm vui, cho cuộc sống. Nhưng khi tôi nhìn vào đôi mắt người chủ góc thiên đường...

Về vấn đề láy từ trong tiếng Việt

I . Mở đầu Ví dụ ta lấy từ héo. Muốn làm giảm nghĩa của héo, ta có hai cách : - hoặc dùng cú pháp từ hơi, ta có hơi héo...

Ảnh cổ Việt Nam và tư liệu – Phần 19

Những bức ảnh Việt Nam xưa được sưu tầm từ nhiều nguồn giúp chúng ta hình dung được khung cảnh Việt Nam trong quá khứ. Mời quý vị cùng xem....

Siêu thị đầu tiên ở Việt Nam!

Tự hào với siêu thị đầu tiên của Việt Nam ở Sài Gòn ! Siêu thị Nguyễn Du, khu siêu thị đầu tiên ở Sài Gòn và có thể nói...

Exit mobile version