Vợ chồng đến với nhau là duyên nợ, nhưng để giữ được lời hứa “trọn đời bên nhau” thì là cả một quá trình cần sự yêu thương, kiên nhẫn và tôn trọng.
Thời hiện đại, sự phóng khoáng đã xâm nhập vào mọi khía cạnh của cuộc sống, từ sinh hoạt cho đến lời nói, cách xưng hô. Trong cuộc sống vợ chồng cũng vậy, những lúc bình thường vui vẻ thì sẽ xưng “vợ yêu – chồng yêu”, “vợ ơi – chồng ơi…” nhưng khi xảy ra mâu thuẫn thì sẽ đổi thành “cô – tôi”, “anh – tôi”… thậm chí là “mày – tao”.
Không nhẫn được cái giận chốc lát, tạo mối lo trăm ngày
Dẫu chỉ là lời nói thoáng qua, nhưng lại ảnh hưởng rất lớn.
Cách xưng hô “mày – tao” sẽ khiến cả hai vợ chồng cảm thấy mình bị coi thường, không được tôn trọng, làm cho mâu thuẫn bị đẩy lên cao. Và ngay cả khi trấn tĩnh lại thì vết thương lòng cũng để lại sẹo, khó có thể xoá mờ.
Nghiêm trọng hơn, xưng hô “mày – tao” mỗi khi cãi nhau sẽ biến thành thói quen, cứ như vậy sẽ khiến vợ chồng trở nên coi thường nhau thực sự.
Bên cạnh đó, chứng kiến bố mẹ to tiếng khiến tâm lý của con trẻ bị tổn thương, nghe bố mẹ xưng hô “mày – tao” vô hình trung dạy trẻ thói quen nóng nảy, mất kiểm soát, trẻ cũng sẽ nói “mày – tao” với bạn bè. Thậm chí, lúc tức giận, bé cũng có thể xưng hô như thế với người lớn tuổi.
Ngày xưa, vợ chồng hay gọi nhau hai tiếng “mình ơi!”
Thế hệ ông bà ngày xưa thường được mai mối mà nên vợ nên chồng. Chẳng có rung động thuở ban đầu, chẳng có đam mê cháy bỏng, vậy mà đi qua mấy chục năm cuộc đời, ông bà chưa bao giờ ngừng gọi nhau hai tiếng “mình ơi”.
Người ta nói cái chữ “mình” của người Việt rất đặc biệt và đầy xúc cảm. Mình là ta, là tôi, là bản thân, lại dùng để gọi người mình thương. Đó là khi hai người hòa quyện, thấu hiểu đến không còn giới hạn, “mình với ta tuy hai mà một”, nên mới thốt lên được tiếng “mình” trìu mến. Vợ chồng như hai nửa của một xoáy âm dương, nâng đỡ, chở che, bù trừ và hoàn thiện lẫn nhau.
Ngày nay, trong chuyện tình cảm của giới trẻ, chỉ cần xích mích nhỏ thôi cũng khiến cặp đôi mất đi bản tính hiền dịu vốn có của mình và rồi nói ra những lời lẽ nặng nề gai góc. Sau đó, nhiều người nhìn lại và tự hỏi: “Tại sao ngày xưa ông bà, bố mẹ lại có thể duy trì cuộc sống vợ chồng bình yên kéo dài đến như vậy…?”.
Bí quyết chẳng phải là điều gì đó to tát. Hai tiếng “mình ơi” thân thương mà vợ chồng xưa hay gọi nhau, không chỉ bởi cảm xúc thăng hoa như hòa làm một của hai tâm hồn đồng điệu, mà đằng sau đó là sự tôn trọng, mến yêu và trân quý mối nhân duyên Trời định. Đã là duyên Trời ban thì cần nâng niu, chín bỏ làm mười, nhường nhịn bao dung, đâu thể dễ dàng vì tình cảm bộc phát mà thích gì nói nấy, thích gì làm nấy. Đằng sau cách xưng hô giữa hai vợ chồng quả là cả một bài học nhân sinh sâu sắc.