“Gia đình thịnh vượng bởi chưng hòa thuận, hiếu thảo và cần kiệm!”, trích lời Tăng Quốc Phiên.
Tăng Quốc Phiên là bậc đại quan văn võ song toàn của triều Mãn Thanh. Mặc dù cả đời ông đều tham dự việc triều chính bận rộn tối ngày, nhưng ông lại rất mực coi trọng vun đắp cho gia đình.
Không những có một sự nghiệp tấn tới, công việc buôn bán, giao thương mở rộng và phát đạt, ông còn xây dựng gia quy, nền nếp, giúp gia đình hưng thịnh, ấm êm. Những lời răn dạy của ông truyền lại đã giúp gia tộc họ Tăng phát triển trường thịnh.
Tăng Quốc Phiên cho rằng: “Gia đình thịnh vượng bởi chưng hòa thuận, hiếu thảo và cần kiệm!”.
Người Trung Quốc cũng lại có câu rằng: “Gà gáy ngàn năm vượng, chó sủa vạn sự hưng, hòa khí tốt may mắn đến”, tức là gia đình hòa thuận, náo nhiệt (có tiếng gà gáy, tiếng chó sủa) thì mới hưng vượng, phát đạt.
Tại sao Tăng Quốc Phiên lại cho rằng “hòa thuận”, “hiếu thảo” và “cần kiệm” sẽ mang lại sự hưng thịnh cho gia đình?
Cần kiệm là cách giữ gìn gia sản
Chữ “cần” nghĩa là siêng năng, chăm chỉ, là cần mẫn, cần cù, lại thêm chữ “kiệm” trong tiết kiệm, tức là sự dành dụm, chắt chiu, tạo nên đức tính “cần kiệm” đáng quý của mỗi người, mỗi nhà.
Sách “Tăng Quốc Phiên gia thư” (Thư nhà của Tăng Quốc Phiên) có chỉ rõ: “Siêng năng tiết kiệm, không lo không giàu; xa xỉ lười biếng, chắc chắn nghèo túng”.
Tăng Quốc Phiên rất giỏi trong việc quản giáo. Ông là bề trên, rất đặt tâm dạy dỗ con cháu trở thành những trụ cột trong gia đình. Tăng gia có rất nhiều người tài, đều nhờ vào sự cần kiệm rèn luyện được dưới sự chỉ bảo của ông.
Một gia đình theo đuổi sự xa hoa, gia phong ắt hẳn sẽ thấp kém, con cháu cũng không biết trân trọng của cải, mồ hôi, công sức của cha mẹ, thậm chí còn hỗn hào, xấc xược. Một gia đình như vậy chắc chắn sẽ không bền vững, mâu thuẫn tầng tầng sẽ xảy ra, càng không thể nói đến hưng thịnh.
Chỉ có những gia đình cần kiệm, cho dù họ có tài hay không, thì chí ít họ vẫn có của ăn của để, con cái cũng không ngông cuồng, phung phí, họ sẽ tích tiểu thành đại.
Bởi vậy mới nói, có cần kiệm mới giữ gìn được gia sản.
Hiếu thảo là nền móng vững chắc của gia đình
Quỷ Cốc Tử từng nói: “Việc thiện trên thế gian gồm: Trung và Hiếu; mưu hay trong thiên hạ gồm: Đọc sách và Cày cấy”.
Cổ nhân cũng dạy: “Trời vô pháp, không thông suốt; nhà vô phép, mới tiêu tán”.
Lại có câu rằng: “Trăm việc thiện, chữ Hiếu đứng đầu”.
Quả đúng là, phép tắc lớn nhất trong gia đình, tế bào của xã hội, suy cho cùng chính là sự hiếu kính cha mẹ.
Hiếu thảo không phải qua lời nói mà phải bằng cử chỉ, hành động. Một người không tôn trọng cha mẹ mình, hẳn sẽ bị xã hội lên án. Nếu không tròn đạo hiếu với bậc phụ mẫu, hỏi con cái sẽ noi gương thế nào? Liệu rằng, gia đình ấy được mấy đời êm ấm, hay chẳng mấy chốc đã ly tán?
Nếu muốn một gia tộc trường tồn, ắt phải truyền dạy cho con cháu lòng hiếu thảo, dạy con cháu biết kính trọng người già và yêu mến trẻ nhỏ. Có vậy, gia đình mới sum vầy.
Hòa thuận – gốc rễ để gia đình hưng thịnh
“Xử thế huyền kính” (gương soi việc xử thế) có ghi: “Không có tính tình ngang ngạnh, thì nhà không suy bại; không có hòa khí thì nhà không hưng thịnh”.
Điều thực sự làm nên sự thịnh vượng của gia đình không phải là có bao nhiêu của cải. Đôi khi càng giàu có, lại càng dễ rước họa vào nhà.
Thịnh vượng của gia đình, ấy chính là đến từ sự hòa thuận giữa các thành viên. Khi xảy ra mâu thuẫn, không có cãi vã, phẫn nộ, mà trái lại, mỗi người nhịn đi một chút, dùng yêu thương và cảm thông để duy trì hòa khí.
“Tâm bình thản thì sao phải khổ não với việc giữ giới; hành động chính trực thì không cần tọa thiền; cha mẹ có ơn nên phải phụng dưỡng; như thế mới khiến người trên kẻ dưới hòa thuận”.
Chính là bảo mỗi thành viên trong gia đình đều cần giữ cho tâm bình thản, hành động đúng chuẩn mực, kính trên nhường dưới, để tạo nên hòa khí, từ đó gia đình mới mong hưng thịnh.
Những lời dạy của Tăng Quốc Phiên quả không sai. “Cần kiệm”, “hiếu thảo” và “hòa thuận” chính là điều cần được chăm chút và dạy dỗ con cái để gia đình có thể thịnh vượng, vững bền.
Huyền Thanh