Site icon Tạp chí Đáng Nhớ

Một thời nhạc trẻ Sài-Gòn: Tưng bừng đại hội nhạc trẻ

Khoảng cuối năm 1959, tại phòng trà Hòa Bình – tọa lạc ở khu ga xe lửa Sài Gòn (nay là công viên 23.9) xuất hiện một ban kích động nhạc mang tên Thời Đại (thời kỳ này chưa Mỹ hóa) của hai anh em Dương Quang Minh và Dương Quang Định. Sau đó, phòng trà Anh Vũ có hai ban chơi kích động nhạc là Rock Tigers rồi tiếp đến là The Blue Jean boys .

Từ năm 1961, xuất hiện những ban nhạc mang tên nước ngoài như một cái mốt: Les Vampires, The Rocking Stars (với giọng ca trẻ Elvis Phương thường hát những bản nhạc của thần tượng Evis Presley). Hai ban The Rocking Stars và Black Caps thường biểu diễn tại thánh đường Trường Lamartine, cạnh hồ tắm Nguyễn Bỉnh Khiêm. Les Vampires và Rocking Stars là những ban nhạc được thành lập vào năm 1961. Chàng trai Đức Huy sau này gia nhập Les Vampires chơi lead guitar và hát. Cũng trong khoảng thời gian này, The Black Caps xuất hiện với chiếc mũ đen trên đầu, với giọng ca được chú ý Thanh Tuấn.

The Rocking Stars và Elvis Phương

Vào năm 1963, Les Tridents ra đời và sau này đổi tên là Surfing. Đây cũng là ban nhạc trẻ tiêu biểu trong kỳ đầu tiên của kích động nhạc và tan rã vào năm 1966 khi nhạc trẻ VN trên đà lên cao. Năm 1964 – 1965 thì có Les Faucons Noirs, được xem là một trong những ban nhạc nổi bật nhất trong các buổi trình diễn văn nghệ do các trường trung học lớn tổ chức. Cũng trong năm 1964, một ban nhạc có cách phục sức lịch sự là Teddy Bears với Tiến Chỉnh sử dụng bass điệu nghệ xuất hiện. Tháng 10.1964, đã đánh dấu lần ra mắt của ban nhạc nữ đầu tiên The Blue Stars tại Đại nhạc hội Vui Sống bên cạnh các ban nhạc đàn anh như Teddy Bears, The Black Caps…

Thi thố tài nghệ

Một trong những lời than vãn của giới trẻ ngày đó là “nhạc trẻ không có được sự ủng hộ, không có nơi biểu diễn để thi thố tài năng” hoàn toàn đúng. Các chàng trai, cô gái tự mua đàn, trống, tự tập rồi trở thành ban nhạc và chỉ đi biểu diễn trong các hội hè nho nhỏ kiểu gia đình. Không có dịp chường mặt và thi thố tài năng với nhau, thế mà họ vẫn âm thầm luyện tập để chờ ngày tên tuổi được biết đến.

Thế là vào năm 1963, Hội Ái hữu học sinh Trường J.J Rousseau và Marie Curie (hai trường dạy theo chương trình Pháp) tổ chức một liên hoan nhạc trẻ tại vũ trường Đại Kim Đô quy tụ sự có mặt của những ban nhạc trẻ lúc ấy. Liên hoan được xem như khởi đầu cho những đại hội nhạc trẻ sau này.

Trong liên hoan này, ca sĩ Công Thành và ban The Fanatiques thành công vang dội. Sau đó, đại hội nhạc trẻ đầu tiên đã được tổ chức tại thính đường Trường Lasan Taberd vào năm 1964 với những ban nhạc trẻ và những giọng ca được xem là thời danh. Cũng vào tháng 10.1964, rạp Văn Hoa tổ chức đại hội kích động nhạc trong 5 đêm.

Phải công nhận rằng nhạc trẻ VN được sự ủng hộ rất lớn của Ban Giám đốc Trường La San Taberd. Từ năm 1965, vào dịp cuối năm Trường Taberd đứng ra tổ chức một buổi đại hội kích động nhạc với chủ đích là giúp quỹ xã hội, tiếp đến là tạo cơ hội cho các ban nhạc trẻ được dịp thi thố tài nghệ cùng nhau.

Đại hội nhạc trẻ Taberd

Đơn cử đại hội nhạc trẻ Taberd được tổ chức vào ngày 28.11.1965, ngày của lễ thánh Celcile – đấng bổn mạng của âm nhạc. Có đến 17 ban nhạc góp mặt trong chương trình đại hội nhạc tổ chức tại hí viện trường Taberd. Đây là một con số kỷ lục vì từ trước đến giờ chưa có một đại hội nào quy tụ nhiều ban nhạc trẻ đến thế. Có tới 40 ban đăng ký nhưng vì thời gian có hạn chỉ chọn 17 ban thuộc loại có số má như The Black Caps, The Blue Stars, Les Vampire, Hải Âu…

Giá vé có ba hạng 200, 100 và 50 đồng, số tiền bán vé được dùng để gây quỹ xây dựng Trường Mù La San. Đại hội nhạc trẻ năm 1966 cứu trợ người dân bị nạn lụt miền Tây có tất cả 23 ban tham dự trình diễn trong 6 giờ đồng hồ.

Các ban nổi tiếng có The Spotlights (sau này đổi tên là Strawberry Four) với Billy Shane, Đức Huy, Tuấn Ngọc và Tùng Giang, The Blue Stars với Kim Thoa, Kim Loan…

Từ đó, những tên tuổi của phong trào nhạc trẻ là Trường Kỳ, Nam Lộc, Jo Marcel, Tùng Giang đều cố gắng tổ chức đại hội nhạc trẻ hằng năm. Ngoài ra, để các ban có nơi tập hợp, thi thố tài năng, Trường Kỳ -người được mệnh danh là vua nhạc trẻ, vua hippy dù anh chẳng chơi được một nhạc cụ nào – đã tổ chức “Teen à-go-go”, rồi sau đó là “hyppyes À-go-go” hằng tuần vào năm 1967 để các ban có đất dụng võ khi không có đại hội nhạc trẻ.

Góp phần thúc đẩy phong trào nhạc trẻ, Alpha Phim đã tung ra phim Saigon By night (1964). Đây là cuốn phim đen trắng phóng sự về giải trí ban đêm của Sài Gòn với phần phụ diễn ca nhạc do các ban nhạc trẻ biểu diễn. Sự xuất hiện của The Black Caps với Thanh Tuấn trong bộ đồ sa màu đen, sợi dây xích thật to tòng teng trên cổ, Vincent Taylor lăn lộn gào thét trong những nhạc phẩm của Gene Vincent, rồi Jacky cùng Les Vampieres thật chững chạc trong bộ veston… đã gây sự chú ý với công chúng.

Rồi sau đó là hàng loạt phim đã đưa hình ảnh các ban nhạc trẻ lên màn bạc, tuy nhiên chỉ như thêm mắm, muối hương vị trẻ vào bộ phim chứ nhạc trẻ chưa có một bộ phim riêng cho mình. Tức khí, cuối năm 1971, nhóm Jo Marcel cho tung ra cuốn phim 16 ly dài 1 giờ 30 phút thuần túy về thế giới nhạc trẻ, với những ban nhạc và những ca sĩ nổi tiếng của làng nhạc trẻ Sài Gòn.

Từ những năm 1963 trở đi hằng năm đều có đại hội nhạc trẻ (trừ năm 1968 – 1969). Đại hội nhạc trẻ Taberd năm 1974 là đại hội cuối cùng với sự có mặt của Quốc Dũng trong ban Hồn Hoang, Ban Thăng Long, AVT, The Dreamers – với Thanh Lan, Crazy dogs với Ngọc Bích…

Duy Quang và Thanh Lan trên sân khấu đại hội nhạc trẻ ở trường Taberd

Những ban nhạc tiếng tăm

Những ban nhạc này được đánh giá về tài năng qua nhiều lần xuất hiện trong các đại hội nhạc trẻ từ năm 1963.

Ban nhạc nhà giàu

The Strawberry Four gồm Tuấn Ngọc (guitar), Đức Huy (guitar), Tiến Chỉnh (bass, trước đó là Billy Shane), Tùng Giang (trống). Đây được xem là ban nhạc “nhà giàu” với những chiếc đàn, ampli Fender làm “lé mắt” dân chơi nhạc. Trên sân khấu, họ toàn bận complet lịch lãm và nhất là tạo được “danh giá” khi The Strawberry Four là ban nhạc VN đầu tiên và duy nhất được lên đài truyền hình Mỹ (phát tại Sài Gòn).

Ban nhạc The Strawberry Four gồm Đức Huy, Tùng Giang, Tuấn Ngọc và Tiến Chỉnh (từ trái sang)Ảnh: Tư liệu Lê Văn Nghĩa

Khi The Strawberry Four tan rã, Đức Huy gặp Thanh Tuyền thành lập song ca Tuyền – Huy. Đức Huy, cử nhân văn khoa, ban sinh ngữ, được xem là kẻ “tô màu” nhiều nhất mỗi khi xuất hiện trên sân khấu: một cái lắc bạc, một bộ vest sọc lớn có cầu vai, cái khăn quàng trên cổ, cây đàn gỗ với dây gân mà phải là của ngoại quốc hay một chiếc harmonica với gọng khóa inox thật sáng trước mặt, một cách cầu kỳ. “Huy hát không hay, giọng đực mà không khan, thiếu sắc hay trừu tượng nhưng bài hát mà Huy lựa chọn thì tuyệt đối làm rung động người nghe tức thì, say đắm như nét mặt của anh, buồn như lúc Huy ngửa mặt và nhắm mắt, lúc solo thì vai rung và dù có thấy giả dối thì vẫn xúc động theo anh” (Trường Kỳ – báo Màn ảnh ra năm 1972).

Bắt đầu đi hát “từ khi chưa biết chữ”, khi Sài Gòn có phong trào thành lập những ban kích động nhạc chơi trong những club Mỹ, Tuấn Ngọc đã hát và đàn trong những ban nhạc The Black Caps, Blue Jays, The Revolution, The Strawberry Four. Thời điểm Thanh Tuyền rã với Đức Huy để theo Trung Nghĩa, Tuấn Ngọc và Đức Huy thành lập ban song ca chuyên hát nhạc country của Mỹ nhưng cũng phải chia tay vì giới trẻ và lính Mỹ chỉ khoái nhạc psychedelic (nhạc phiêu diêu – NV).

Ban nhạc gia đình

The Blue Jets có bảy người. Hoàng Long cùng với ba anh em Robert, Albert và Philippe là nhạc công phối hợp cùng giọng hát của ba anh em Anh Tú, Khánh Hà và bé Thúy.

Trước đó, ba anh em Robert, Albert và Philippe tập tễnh bước vào làng nhạc trẻ với tên là The Rocking Stars Brothers (không phải The Rocking Stars với giọng ca Elvis Phương), sau đó lập ban nhạc mang tên The Blue Jets – một ban nhạc nổi bật nhờ thành phần ca sĩ trong gia đình Tuấn Ngọc với Anh Tú, Khánh Hà và bé Thúy.

Anh Tú trước khi được biết đến trong The Blue Jets cũng từng cộng tác với những ban nhạc trẻ khác nhưng âm thầm hoạt động tại các club Mỹ hoặc ở những tỉnh xa. Khánh Hà chỉ mới nổi lên khi ra mắt trong chương trình Hippy a Gogo của Trường Kỳ ở Queen Bee chứ trước đó cũng chỉ được lính Mỹ thấy mặt, nghe giọng hát trong các club Mỹ và bé Thúy – ca sĩ bé tí teo của The Blue Jets là ca sĩ nhỏ tuổi nhất trong các ban nhạc trẻ.

Trường Kỳ đã gọi ban CBC là đệ nhất ban kích động. Đây là một ban nhạc gia đình, nổi tiếng vì chơi loại nhạc psychedelic. Ban CBC ra đời vì một sự tình cờ. Một ca sĩ của ban là Bích Liên được bà chủ nhà hàng Lệ Liễu chọn hát chung với một ca sĩ khác. Nhưng hát hoài Bích Liên cũng chỉ là ca sĩ vô danh. Còn ca sĩ Bích Loan bất mãn thái độ phách lối của một ông chủ night club nên xin nghỉ hát. Tức giận, bà già của các cô bèn lấy tiền mua nhạc khí cho lập ban nhạc vào năm 1962. Thành phần gồm có 4 chị em Bích Linh, Bích Liên, Tùng Vân, Bích Loan với giọng khàn và trầm, hát rất khỏe. Bà cụ ban nhạc được gọi là bà già psychedelic và ban nhạc CBC còn được gọi vui là ban nhạc Con Bà Cụ.

Ban The Dreamers gồm Duy Quang, ba cậu em ruột Duy Minh (trống), Duy Hùng (lead guitar), Duy Cường (organ). Đồng thời có thêm hai chị em ca sĩ nổi tiếng là Julie Quang và Vény. Gương mặt Julie Quang mang nét lai, có quốc tịch Pháp, với tên thật là Angot Rany. Không quá bắt mắt về ngoại hình nhưng Julie Quang có một giọng hát lạ. Julie Quang, gái Việt lai Ấn sinh năm 1951, theo học tại Trường Regina Pacis ở Sài Gòn cho đến năm 16 tuổi thì đứt gánh sách đèn. Trong thời gian học ở trường, nàng cũng tham gia văn nghệ bằng giọng ca bản năng của một cô bé 7, 8 tuổi, sau đó cộng tác với những ban văn nghệ không tên tuổi. Giọng ca này vẫn chưa tìm được chỗ đứng, theo cô do: “Không có thầy dạy nhạc, không “bồ” với bất cứ một nhạc sĩ nào trong bất cứ ban nhạc nào”. Julie chính thức ra mắt giới trẻ vào cuối năm 1967 tại Đại hội nhạc trẻ ở rạp Đại Nam với ban nhạc The Sunshines, sau đó hợp tác với ban Free Ones rồi The Dreamers.

Ban The Dreamers gồm Duy Quang và các em

Năm 17 tuổi, Julie gặp Duy Quang với một tình yêu thật êm ả, dịu dàng và say đắm, kết thúc bằng một cuộc hôn nhân. Từng là nữ sinh trường Tây, Julie Quang hát được nhiều loại nhạc, kể cả nhạc nước ngoài và hát nhạc kích động giỏi nhưng chỉ thích nhất là hát nhạc của bố chồng – Phạm Duy cùng một vài nhạc phẩm của Lê Uyên – Phương.

Rất yêu và sợ chồng ghen nhưng rồi trong một phút định mệnh trái ngang không giữ được lòng như trước đó đã vận vào số phận Julie trong bài hát Mùa thu chết, nàng không còn dính đến Duy Quang nữa. Sau đó, người ta nghe được những lời ca da diết của Duy Quang: “Tôi xin người cứ gian dối/Nhưng xin người đừng lìa xa tôi” (Kiếp đam mê).

Ngoài những ban nhạc kể trên, Sài Gòn còn có những ban nhạc trẻ thành danh không kém: The Hammers với Nguyễn Thành (guitar), Lê Hòa (trống), Nguyễn Đức (bass), Ngọc Tâm (organ) và Cathy Huệ; The Enterprise với Lý Được, Trung Nghĩa, Thanh Tuyền; The Rocking Stars với Nguyễn Trung Lang (bass), Nguyễn Trung Phương (guitar), Jules Tampicanou (guitar), Đặng Hữu Tòng (saxophone), Lưu Văn Hùng (trống) và Elvis Phương…

Cuộc chiến giữa Kinh Thánh và Kinh Koran

Kinh Thánh và Kinh Koran sẽ tiếp tục ảnh hưởng sâu sắc tới các sự kiện của loài người, cả các sự kiện tốt lẫn các sự kiện xấu. Tín...

Vài nét kiến trúc Hà Nội nửa đầu thế kỷ 20

Hà Nội hôm nay đã thay đổi diện mạo, nhiều con đường mới và công trình mới được xây dựng. Nhưng cũng từng có một Hà Nội rất khác trong...

Sự phát triển của áo dài Việt Nam qua tranh vẽ

Từ 2000 năm TCN cho đến thế kỷ 21: sự “tiến hóa” của trang phục người phụ nữ Việt Nam qua nét vẽ quyến rũ và thú vị của Nancy...

Nguồn gốc du nhập cây cà phê vào Việt Nam

Cây cà phê đầu tiên được người Pháp mang đến Việt Nam vào năm 1857, từ các đồn điền nhất nhì Đông Dương này, cây cà phê đã có những...

Nhan sắc mộc mạc của các thiếu nữ xưa làm say đắm lòng người

Trong thời hiên đại, với sự trợ giúp của các công nghệ rất dễ để các bạn trẻ, các chị em yêu cái đẹp có được những bức ảnh lung...

Những đồng tiền may mắn trên thế giới

Ở Nhật, mọi người thường bỏ đồng 5 yên vào ví để luôn được rủng rỉnh tiền bạc, còn Singapore luôn mang theo đồng 1 đôla may mắn bên mình...

Lễ hội đền Voi Phục ở Hà Nội năm 1928

Lễ hội đền Voi Phục được tổ chức vào ngày 9-10 tháng 2 Âm lịch để kỷ niệm ngày mất của Đức thánh Linh Lang, là một lễ hội lớn...

Quán của một thời và những ký ức vui buồn

Quán của một thời, không chỉ là quán, mà là một góc nhân gian Sài Gòn, quay mặt ra phố hứng lấy sóng gió thời cuộc để phân vân, trăn...

Từ nguyên của hênh trong hênh xui

Về nguồn gốc của hai tiếng hênh xui (chúng tôi viết hênh với -nh cuối), tại bài “Một số từ gốc Hoa trong phương ngữ Nam Bộ”, tác giả Tầm...

Sở thú Sài Gòn đang bị lãng quên

Dù là người Sài Gòn hay dân tứ xứ đến đây sinh sống thì chắc hẳn ai cũng nghe nói đến Thảo Cầm Viên. Thế nhưng, đã bao lâu rồi...

Thế nào là Chân, thế nào là Chính, Chân Chính rốt cuộc là gì?

"Chân chính" là tiêu chuẩn phẩm đức và nhân cách làm người. ‘Làm người chân chính', 'hành xử chân chính', 'kinh doanh chân chính',v.v... Vậy "chân chính" rốt cuộc là...

Triết lý sâu sắc từ câu chuyện Khổng Tử học đàn

Vào thời Xuân Thu, tại nước Lỗ có một bậc thầy về nhạc lý tên là Sư Tương. Đức Khổng Tử từng bái ông làm thầy dạy đàn cho mình....

Exit mobile version