Những năm 1920, giày da kiểu phương Tây bắt đầu phổ biển cho nam giới ở miền Nam. Trước đó, loại giày được nhiều người mang nhất là giày hàm ếch, giày Gia Định và giày “mạ mị” bằng da hoặc nhung.
Giày hàm ếch tức là giày có quai đóng bít ở phía mũi trông giống như hàm con ếch. Còn giày “mạ mị” của người Hoa thì có chạy hai lằn chỉ đệm to phía mũi giày ngược lên. Giày Gia Định thì có mũi nhọn, thiết kế hơi giống giày bây giờ.
Theo sách Hà Nội thanh lịch (tác giả Hoàng Đạo Thuý), khoảng năm 1912, khi ở nhà thì các quý ông ở Hà Nội đi giày da lộn, còn khi ra phố thì mang giày Gia Định. Lúc ấy, giày Gia Định là biểu tượng của người lịch sự.
Đến năm 1932, khi môn thể thao đá banh mới phát triển ở Việt Nam không lâu, tiệm đóng giày Bảo Hòa (số 150 đường d’Espagne, phía sau chợ Bến Thành) đã quảng cáo trên báo là nơi đây có làm đủ kiểu giày bata đá banh rẻ, tốt và bền. Dù chỉ có một cửa tiệm duy nhất nhưng tiệm giày bata này đã làm cho các tiệm giày Tây và giày Nam ế ẩm.
Lúc này, các tiệm giày Tây bèn kêu nài với Chính phủ và một thời gian ngắn sau, chính phủ thuộc địa đã tăng thuế nhập cảng giày và đồ da ở nước ngoài mang qua. Cũng do việc này mà doanh thu bán giày bata chịu ảnh hưởng mạnh.
Tuy nhiên, chỉ một thời gian sau, số lượng các tiệm giày bata phát triển ngày càng mạnh khắp Đông Dương. Đến háng 2/1937, ông chủ hãng giày bata người Tiệp Khắc – được gọi là “vua giày”, đã để ý đến thị trường Đông Dương. Ngoài ra, một số thợ thủ công Bắc kỳ thạo nghề đóng giày cũng đi vào Nam hành nghề do nhận thấy đây là thị trường này dễ làm ăn.
Đến năm 1954 giày tây là vật dụng phổ thông khắp các miền. Giày gồm ba loại chủ yếu là giày da, giày vải bố để chơi thể thao, tập thể dục thường gọi là giày “ba ta” và xăng đan.
Sau 1954 thì có thêm nhiều loại giày nhập cảng, nhất là của Ý. Trước năm 1975, ở đường Lê Thánh Tôn, tiệm giày Trần Rắc và tiệm giày Hà Nội rất nổi tiếng. Lúc giáp tết, những tiệm giày ở đường Lê Thánh Tôn đổ giày ra lề đường bán rất nhộn nhịp.
Đến năm 1978, các tiệm giày ở đường Lê Thánh Tôn bị xếp loại tư sản thương nghiệp nên nhiều chủ tiệm lâu đời ở đây lần lượt bỏ nghề ra nước ngoài. Đến thập niên 1990 mới phục hồi lại phố giày nhưng đa phần đã đổi chủ, trừ một số ít con cháu của chủ cũ.